Ban Chỉ đạo chăm sóc người có công TP Hòa Bình trao kinh phí hỗ trợ và khởi công xây dựng nhà tình nghĩa cho người có công hoàn cảnh khó khăn ở tổ 6, phường Kỳ Sơn.
PV: Xin đồng chí cho biết thời gian qua, tỉnh Hòa Bình đã quan tâm, thực hiện chính sách đối với NCC như thế nào?
Đồng chí Nguyễn Ngọc Điệp: Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh; sự phối hợp có hiệu quả của các ngành, các cấp, công tác chăm sóc đời sống NCC của tỉnh trở thành hoạt động chính trị, xã hội có ý nghĩa sâu rộng và đạt được kết quả quan trọng trên tất cả lĩnh vực. Điểm sáng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo về thực hiện chính sách ưu đãi NCC đó là Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành Chỉ thị số 21-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác NCC trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo, trọng tâm là quán triệt thực hiện kịp thời, đầy đủ các chính sách theo quy định tại Pháp lệnh ưu đãi NCC, đảm bảo NCC được thụ hưởng đầy đủ chính sách ưu đãi theo quy định, có đời sống vật chất và tinh thần ngày càng cao hơn mức sống trung bình so với dân cư trên cùng địa bàn cư trú.
Đời sống của các hộ gia đình chính sách, NCC ngày một nâng cao cả về tinh thần và mức thu nhập. Toàn tỉnh hiện có trên 99,6% hộ NCC có mức sống bằng và cao hơn mức sống trung bình của nhân dân trên cùng địa bàn; 100% xã, phường, thị trấn được công nhận làm tốt công tác TB-LS và NCC. Các chính sách ưu đãi như trợ cấp hàng tháng, BHYT, chăm sóc điều dưỡng sức khỏe, hỗ trợ cải thiện nhà ở, ưu đãi trong GD&ĐT, các phong trào tình nghĩa được thực hiện đầy đủ, kịp thời, không để xảy ra sai phạm, tiêu cực, không có hồ sơ tồn đọng chưa được xem xét, giải quyết. Các phong trào tình nghĩa, xã hội hoá chăm sóc NCC được đẩy mạnh.
Tới nay, tỉnh Hoà Bình đã xác nhận và giải quyết chế độ ưu đãi cho gần 40.000 NCC. Trong đó, đang thực hiện chi trả trợ cấp ưu đãi hàng tháng cho 7.310 NCC và thân nhân, giải quyết chế độ BHYT cho trên 12.000 người; trên 3.200 NCC và thân nhân liệt sĩ được điều dưỡng, phục hồi sức khỏe hàng năm; mỗi năm tặng trên 50.000 suất quà cho các đối tượng vào dịp Tết Nguyên đán và ngày TB - LS với tổng kinh phí trên 15 tỷ đồng/năm.
PV: Bên cạnh thực hiện tốt chính sách ưu đãi với NCC, tỉnh Hòa Bình đã triển khai công tác xã hội hóa nguồn lực để chăm lo đời sống NCC, gia đình chính sách như thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Ngọc Điệp: Phong trào "Đền ơn đáp nghĩa”, "Toàn dân chăm sóc gia đình chính sách, NCC” được cấp ủy, chính quyền, MTTQ, đoàn thể và các đơn vị lực lượng vũ trang, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh hưởng ứng, tham gia tích cực. Trong điều kiện nguồn lực thực hiện các chính sách ưu đãi còn thấp, nguồn lực xã hội hóa đã góp kinh phí, hiện vật hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng, thăm hỏi, động viên NCC, gia đình chính sách và các phần việc "đền ơn đáp nghĩa” khác...
Thông qua tuyên truyền, vận động, các phong trào ngày càng đi vào nền nếp, lan tỏa sâu rộng. Bình quân mỗi năm, các cơ quan, tổ chức, cá nhân đã vận động ủng hộ quỹ "Đền ơn đáp nghĩa” đạt trên 5 tỷ đồng ở cả 3 cấp (tỉnh, huyện, xã). Nguồn quỹ đã góp phần chăm lo đời sống, hỗ trợ nhà ở cho gia đình chính sách, NCC; cải tạo, tu bổ, nâng cấp các công trình ghi công liệt sỹ trên địa bàn tỉnh, đóng góp quan trọng ổn định đời sống KT-XH ở địa phương. Sự tri ân và quan tâm của cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội đã động viên, khích lệ các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ, NCC vượt khó khăn, tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ trong công cuộc xây dựng quê hương, đất nước.
PV: Để thực hiện tốt hơn nữa công tác TB-LS, chăm lo đời sống gia đình chính sách, NCC, tỉnh Hòa Bình quan tâm tới những giải pháp gì trong năm 2024 và những năm tiếp theo, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Ngọc Điệp: Để thực hiện tốt công tác TB-LS, NCC năm 2024 và những năm tiếp theo, các cấp, các ngành cần quán triệt thực hiện đầy đủ Chỉ thị số 21-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đối với công tác NCC nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện chính sách ưu đãi của Nhà nước ở địa phương. Bên cạnh đó, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác TB-LS. Tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với NCC, phong trào "Đền ơn đáp nghĩa” trong cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, thực hiện xã hội hoá sâu hơn, thường xuyên hơn các phong trào tình nghĩa, như xây nhà tình nghĩa, ủng hộ quỹ "Đền ơn đáp nghĩa”... Phấn đấu không còn hộ gia đình NCC thuộc diện nghèo; tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc, tồn đọng trong thực hiện chính sách ưu đãi NCC; thường xuyên và kịp thời tôn vinh những tấm gương NCC vượt khó, biểu dương những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong thực hiện phong trào "Đền ơn đáp nghĩa”...
Dịp kỷ niệm 77 năm ngày TB-LS, bên cạnh phát động phong trào "Đền ơn đáp nghĩa”, tỉnh triển khai nhiều chương trình, hoạt động ý nghĩa, tri ân gia đình chính sách, NCC, như: tổ chức thăm hỏi, tặng quà NCC, thân nhân NCC tại các địa phương trong tỉnh và các trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng NCC, đảm bảo kịp thời, đầy đủ; tổ chức dâng hương, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ và thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ tại các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn tỉnh; tổ chức đoàn cán bộ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh thăm, viếng Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Đường 9 (Quảng Trị) và Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên (Hà Giang); vận động ủng hộ quỹ "Đền ơn đáp nghĩa” các cấp...
PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí.
Bùi Minh (thực hiện)