Đảng viên, quân và dân Việt Nam - đau đớn, thương tiếc tiễn biệt Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nhà lãnh đạo kiệt xuất, nhà tư tưởng lớn, nhà văn hóa mẫu mực, người đại biểu trung thành của Nhân dân ta.

Trải qua gần 60 năm hoạt động, một lòng son sắt vì Đảng, vì Nước, vì Dân, Đồng chí Nguyễn Phú Trọng thực sự là một ngôi sao sáng chói trên bầu trời cách mạng Việt Nam thời kỳ Đổi mới, để lại một di sản đồ sộ về nghiên cứu lý luận và hoạt động thực tiễn; một thái độ triệt để học tập Lênin, Bác Hồ và tự mình làm gương cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; một bản lĩnh kiên quyết chống tham nhũng và kiên trì xây dựng Đảng; một phong cách đối nội chu đáo và đối ngoại khôn khéo; một tiêu biểu cho cốt cách, văn hóa Hà Nội .

le-vieng.jpg
Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

1. Từ khi là một biên tập viên cho đến khi đứng đầu Đảng ta, Đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã thật sự khoa học khi nghiên cứu, sáng tạo khi vận dụng và góp phần phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, làm sáng tỏ tư tưởng Hồ Chí Minh.

Bằng thực tiễn sinh động của cách mạng Việt Nam, với kim chỉ nam là chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, với trí tuệ sắc bén, Đồng chí Nguyễn Phú Trọng kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; vận dụng sáng tạo và làm phong phú chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lãnh đạo đất nước đổi mới và hội nhập quốc tế.

Tiễn biệt Đồng chí Tổng Bí thư, Đảng ta, nhân dân ta quyết tâm xây dựng cho được "một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”, như Đồng chí đã từng chỉ rõ!

2. Là người học trò xuất sắc của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đồng chí Nguyễn Phú Trọng không chỉ hiểu sâu, nắm chắc mà còn tự mình rèn giũa, tu dưỡng, trở thành tấm gương mẫu mực "cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” cho tất cả cán bộ, Đảng viên và nhân dân ta.

Dùng áo cũ mà chẳng cần thay mới, vẹn chuyện riêng mà chẳng phiền của công, gánh việc nước đau đáu chữ nhân văn, đón bốn phương hồn hậu tình hòa khí… Đồng chí Nguyễn Phú Trọng "nói đi đôi với làm, làm đi đôi với nói, đã nói là làm” suốt từ thuở thiếu thời cho đến ngày về với thế giới Người Hiền; để lại cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta niềm tiếc thương vô hạn và sự kính ngưỡng vô cùng.

Tiễn biệt Đồng chí Tổng Bí thư, mỗi cán bộ, Đảng viên và nhân dân ta tự soi, tự sửa mình, giữ lòng tự trọng, danh dự; gương mẫu trong công tác và sinh hoạt; khiêm tốn, cầu thị, giản dị; không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao phẩm chất, đạo đức, trình độ, năng lực, hết lòng hết sức vì sự nghiệp chung, như Đồng chí tâm niệm: "Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những việc làm ti tiện đớn hèn vô liêm sỉ; tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất”!

3. Sinh thời, từ bài báo đầu tay cho đến những công trình lý luận đồ sộ, Đồng chí Nguyễn Phú Trọng luôn ưu tư, trăn trở trước những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, tham ô, lãng phí, tiêu cực… đã và đang diễn ra đây đó trong Đảng, trong xã hội.

Nhìn thấu mối nguy hại của nạn tham nhũng, tiêu cực đối với sự tồn vong của Đảng, của chế độ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vững vàng, kiên quyết giương cao ngọn cờ đấu tranh chống tham nhũng; tuyệt đối không khoan nhượng, chùn bước hay thoái lui, với tinh thần "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”. Chống tham nhũng, tiêu cực để trong sạch hóa Đảng và hệ thống chính trị; Đảng và hệ thống chính trị càng trong sạch thì càng kiên cố, vững mạnh… Đó chính là "ngọn lửa đỏ” lấy "chống” để "xây” và "xây” cho vững chắc để "chống” cho mạnh mẽ do Đồng chí Tổng Bí thư khơi gợi, thổi bùng; tạo nên trào lưu không thể cưỡng lại; giành lấy sự tin tưởng, nể phục của toàn Đảng, toàn dân.

Tiễn biệt Tổng Bí thư, mỗi cán bộ, Đảng viên và nhân dân ta tiếp lấy "ngọn lửa” mà Đồng chí trao truyền, không sờn lòng nhụt chí trước tham nhũng, tiêu cực, suy thoái, "làm cho mọi người thấy rõ việc chỉnh đốn Đảng, xử lý nghiêm khắc nhiều cán bộ, đảng viên sai phạm không làm "chậm lại” sự phát triển; mà ngược lại, càng làm trong sạch, tạo sức mạnh thật sự của bộ máy và đội ngũ cán bộ, củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân, tạo động lực mới, khí thế mới để thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ”.

4. Dù nay đã khuất xa, nhưng trong tâm khảm mỗi Đảng viên và người dân Việt Nam, trong ký ức bạn bè năm châu còn đọng mãi hình ảnh một nhà lãnh đạo bao quát, chu toàn mọi chuyện từ bữa cơm mỗi nhà, việc học hành của con trẻ cho đến tình hòa hiếu và đoàn kết quốc tế.

Tổng Bí thư khẳng định: "Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người (...); phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội (…); nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, "cá lớn nuốt cá bé" vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm (…); phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và huỷ hoại môi trường (…); một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có”.

Kiên định mục tiêu ấy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt yêu cầu "xử lý hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích quốc gia - dân tộc và nghĩa vụ, trách nhiệm quốc tế”; theo đó, "kiên định về nguyên tắc và linh hoạt về sách lược. Nguyên tắc là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Sách lược là cơ động, linh hoạt điều chỉnh tuỳ theo từng vấn đề, từng thời điểm và tuỳ theo đối tượng hay đối tác, tuân thủ những tư tưởng lớn của Bác Hồ: "Dĩ bất biến ứng vạn biến", "thêm bạn bớt thù", "sẵn sàng làm bạn với tất cả các nước dân chủ và không gây thù oán với ai".

Tiễn biệt Đồng chí Tổng Bí thư, chúng ta đồng lòng "đặt lợi ích quốc gia - dân tộc, lợi ích chung của Đảng, Nhà nước và của Nhân dân lên trên hết, trước hết; kiên quyết, kiên trì đấu tranh với mọi hành vi gây phương hại đến lợi ích quốc gia - dân tộc, lợi ích của Đảng, Nhà nước và của Nhân dân”.

5. Sinh trưởng nơi đất Thăng Long - Hà Nội, trở thành người đứng đầu lãnh đạo Thủ đô, rồi giữ những cương vị lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, trước sau như nhất Đồng chí Nguyễn Phú Trọng vẫn một phong thái ung dung, nhẹ nhàng, hồn hậu và thanh lịch.

Là người con của Hà Nội, yêu Hà Nội từ máu thịt, Đồng chí dặn dò: "Hà Nội là Thủ đô, mà Thủ đô chỉ có một. Do đó, người Hà Nội làm sao phải phát huy được truyền thống hào hoa, thanh lịch, văn hiến và anh hùng, Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người; tập trung xây dựng môi trường văn hóa, xây dựng con người. Mỗi tỉnh, thành phố có một đặc thù riêng, nhưng Hà Nội chỉ có một, vẻ đẹp không nơi nào có được”.

Là nhà văn hóa, trọng văn hóa, Đồng chí yêu cầu "văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội"; "xây dựng văn hóa ứng xử lành mạnh trong xã hội, phát huy những giá trị tích cực về thuần phong, mỹ tục của gia đình và xã hội; nêu cao tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết; trọng tình nghĩa, trọng công lý và đạo lý xã hội”.

Tiễn biệt Đồng chí Tổng Bí thư, cán bộ, Đảng viên và nhân dân Thủ đô càng thêm quyết tâm "phát triển văn hóa Hà Nội trên cơ sở phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến và anh hùng, "Thành phố Vì hòa bình”, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại”; "Đưa văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực nội sinh quan trọng quyết định sự phát triển bền vững Thủ đô”.

Tổng Bí thư kính mến, xin Đồng chí hãy yên lòng! Với tinh thần "Tiền hô hậu ủng", "Nhất hô bá ứng", "Trên dưới đồng lòng", "Dọc ngang thông suốt", toàn thể Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Việt Nam đang và sẽ tiếp tục một lòng đoàn kết, kiên định Chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đi theo con đường cách mạng vẻ vang đã lựa chọn; xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội, hoàn thành tâm nguyện của Bác Hồ, của lớp lớp cha anh và của Đồng chí…!

Xin nghiêng mình kính cẩn vĩnh biệt Đồng chí, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kính mến!


Theo Hanoimoi.vn


Các tin khác


Hội nghị lần thứ 12, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hòa Bình khóa XV

Ngày 24/7, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hòa Bình tổ chức Hội nghị lần thứ 12, khóa XV, nhiệm kỳ 2019 - 2024. Đồng chí Bùi Tiến Lực, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì hội nghị.

Đoàn đại biểu tỉnh Hòa Bình dâng hương tại Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang

Ngày 24/7, đoàn đại biểu Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UB MTTQ tỉnh Hòa Bình do đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo chăm sóc người có công tỉnh làm trưởng đoàn đã dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.

Chính phủ họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 7

Ngày 24/7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 7/2024 để xem xét, cho ý kiến, thông qua đối với 5 nội dung quan trọng: 2 đề nghị xây dựng Luật: Tình trạng khẩn cấp; Khoa học và Công nghệ (sửa đổi); 2 dự án Luật: Luật Điện lực (sửa đổi); Luật Việc làm (sửa đổi); 1 Đề án về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục bắc-nam.

Đoàn đại biểu tỉnh Hòa Bình dâng hương tưởng niệm Đền thờ các anh hùng liệt sỹ mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang

Chiều 23/7, trong hành trình về nguồn nhân dịp kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2024) tại tỉnh Hà Giang, đoàn đại biểu tỉnh Hòa Bình do đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã đến dâng hương tưởng niệm Đền thờ các anh hùng liệt sỹ mặt trận Vị Xuyên tại điểm cao 468, thôn Nặm Ngặt, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên.

Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khánh thăm, tặng quà người có công với cách mạng trên địa bàn huyện Tân Lạc

Nhân kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024), ngày 23/7, đoàn công tác của Ban chỉ đạo chăm sóc người có công với cách mạng tỉnh do đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã đến thăm, tặng quà người có công với cách mạng trên địa bàn huyện Tân Lạc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục