Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh tiếp Thủ tướng Lý Hiển Long

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh tiếp Thủ tướng Lý Hiển Long

Chiều 12-1, tại Trụ sở Trung ương Ðảng, Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh đã tiếp và nói chuyện thân mật với Thủ tướng Xin-ga-po, Ngài Lý Hiển Long đang ở thăm chính thức nước ta. Cùng dự có các đồng chí: Hoàng Bình Quân, Ủy viên T.Ư Ðảng, Trưởng Ban Ðối ngoại T.Ư; Hồ Tiến Nghị, Trợ lý Tổng Bí thư; Nguyễn Quốc Cường, Thứ trưởng Ngoại giao; Nguyễn Trung Thành, Ðại sứ Việt Nam tại Xin-ga-po.

Thủ tướng Lý Hiển Long bày tỏ vui mừng được đến thăm Việt Nam trong những ngày đầu năm mới 2010 - là năm diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của Việt Nam. Thủ tướng chúc mừng Việt Nam đạt được nhiều thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, có vị thế ngày càng cao trong khu vực và trên thế giới; tin rằng với lòng quyết tâm và nỗ lực không ngừng, Việt Nam tiếp tục phát triển nhanh và bền vững. Thủ tướng thông báo một số nét về tình hình kinh tế - xã hội Xin-ga-po và chia sẻ một số kinh nghiệm phát triển kinh tế của Xin-ga-po, đồng thời khẳng định chính sách của Xin-ga-po tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực đầu tư, thương mại, đào tạo nguồn nhân lực...; nhấn mạnh, Xin-ga-po sẽ hợp tác tốt với Việt Nam trong năm Việt Nam đảm nhiệm trách nhiệm Chủ tịch ASEAN, thúc đẩy hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực.

Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh nhiệt liệt hoan nghênh Thủ tướng Lý Hiển Long sang thăm Việt Nam trong những ngày đầu năm 2010; chúc mừng Xin-ga-po đã thành công trong việc đưa nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn, đạt mức tăng trưởng cao liên tục trong những tháng vừa qua. Tổng Bí thư bày tỏ hài lòng về sự phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước, đề nghị hai bên tiếp tục tăng cường hợp tác hơn nữa trong lĩnh vực thương mại, đầu tư, giáo dục, văn hóa, du lịch và giao lưu nhân dân, khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam là coi trọng tăng cường, mở rộng quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng khu vực, trong đó có Xin-ga-po, cả trên cơ sở song phương cũng như trong khuôn khổ hợp tác đa phương vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

* Cùng chiều 12-1,  Lễ đón chính thức Thủ tướng Xin-ga-po đã được tổ chức trọng thể tại Phủ Chủ tịch. Ngay sau lễ đón, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã hội đàm với Thủ tướng Xin-ga-po Lý Hiển Long. Tham dự về phía Việt Nam có Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Ðại sứ Việt Nam tại Xin-ga-po Nguyễn Trung Thành cùng lãnh đạo các bộ, ngành liên quan và lãnh đạo một số Ủy ban của QH Việt Nam. Về phía Xin-ga-po có Bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng, bà Lim Huê Hua, Ðại sứ Xin-ga-po tại Việt Nam ông Xai-mân Hoàng Vĩ Quyền và một số quan chức cấp cao của Chính phủ và QH Xin-ga-po.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đón Thủ tướng Lý Hiển Long.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhiệt liệt chào mừng Ngài Thủ tướng Lý Hiển Long sang thăm Việt Nam và khẳng định mong muốn không ngừng thúc đẩy quan hệ hợp tác lâu dài, bền vững và gắn bó chặt chẽ với Xin-ga-po. Ngài Thủ tướng Lý Hiển Long bày tỏ vui mừng thực hiện chuyến thăm chính thức tới Việt Nam, cảm ơn sự đón tiếp chu đáo và trọng thị dành cho Ðoàn và nhấn mạnh, Xin-ga-po luôn coi trọng củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện với Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chúc mừng Xin-ga-po đã nhanh chóng khắc phục những tác động của cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế thế giới và lấy lại đà tăng trưởng ấn tượng thời gian gần đây. Thủ tướng Lý Hiển Long đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong năm 2009 và bày tỏ tin tưởng với nỗ lực và quyết tâm của mình, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt hơn trong năm 2010.

Hai bên bày tỏ hài lòng về sự phát triển nhanh chóng và tích cực của mối quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa hai nước trong bối cảnh Hiệp định khung Kết nối Việt Nam - Xin-ga-po đã được triển khai sang năm thứ 5, đặc biệt trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục - đào tạo, du lịch, tài chính, giao thông vận tải... Hai bên nhất trí tiếp tục mở rộng và làm sâu sắc hơn Hiệp định khung kết nối, tích cực nghiên cứu bổ sung các lĩnh vực hợp tác mới, trong đó có lĩnh vực xây dựng, quy hoạch đô thị.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao việc Xin-ga-po luôn là một trong những đối tác thương mại và đầu tư hàng đầu của Việt Nam, đề nghị Chính phủ Xin-ga-po tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp Xin-ga-po đẩy mạnh triển khai các dự án đầu tư tại Việt Nam và xúc tiến mô hình thu hút vốn đầu tư từ nước thứ ba vào hai nước để tận dụng lợi thế so sánh của mỗi bên. Thủ tướng hai nước cũng đánh giá cao hiệu quả của các Khu Công nghiệp Việt Nam - Xin-ga-po (VSIP), coi đây là biểu tượng thành công của hợp tác kinh tế giữa hai nước và bày tỏ hài lòng sẽ cùng tham dự Lễ khởi công xây dựng Khu đô thị, công nghiệp và dịch vụ VSIP Hải Phòng vào ngày 13-1-2010. Thủ tướng hai nước cũng trao đổi các biện pháp để tăng cường hơn quan hệ thương mại, giáo dục đào tạo, du lịch, văn hóa, giao thông vận tải, an ninh quốc phòng; đẩy mạnh giao lưu nhân dân, đặc biệt giữa thanh niên và sinh viên hai nước.

Hai bên nhất trí tiếp tục duy trì quan hệ hợp tác gắn bó chặt chẽ tại các diễn đàn khu vực và quốc tế như ASEAN, APEC, ASEM và LHQ. Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chúc mừng Xin-ga-po đã hoàn thành xuất sắc nhiệm kỳ Chủ tịch APEC 2009, góp phần nâng cao vị thế của APEC và thúc đẩy liên kết kinh tế trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Thủ tướng Xin-ga-po chúc mừng Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2010 và cam kết ủng hộ Việt Nam hoàn thành tốt vai trò này, góp phần tích cực triển khai Hiến chương ASEAN và tăng cường quan hệ giữa ASEAN và các đối tác bên ngoài.

Sau hội đàm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Lý Hiển Long đã chứng kiến lễ trao giấy phép hoạt động Ngân hàng DBS tại Việt Nam và ký kết hợp tác giữa các doanh nghiệp hai nước.

* Tối cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phu nhân đã chiêu đãi trọng thể Thủ tướng Lý Hiển Long và Phu nhân cùng các thành viên trong Ðoàn Xin-ga-po đang thăm chính thức nước ta.

 
                                                                                Theo ND

Các tin khác


Quản lý, sử dụng hiệu quả gói hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, tránh thất thoát, lãng phí

Hôm nay 25/5, ngày làm việc thứ 6, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã dành phần lớn thời gian xem xét kết quả giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Đại biểu Đặng Bích Ngọc, Phó trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình đã phát biểu đóng góp ý kiến. Báo Hòa Bình giới thiệu toàn văn bài phát biểu.

Tăng cường phòng chống tham nhũng, lãng phí trong các dự án quan trọng quốc gia

Đoàn giám sát của Quốc hội đánh giá, các chính sách tại Nghị quyết số 43 là kịp thời, hợp lòng dân song vẫn còn tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong quá trình thực hiện.

Giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo: Phát huy vai trò người đứng đầu giải quyết thấu đáo việc liên quan đến người dân

Với phương châm, quan điểm lãnh đạo xây dựng chính quyền liêm chính, phục vụ, thực sự "vì nhân dân phục vụ”; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) có phong cách làm việc "trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”... thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh luôn chú trọng giải quyết thấu đáo các vấn đề liên quan đến người dân, nhất là công tác tiếp nhận, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo (KNTC) của công dân.

Huyện Cao Phong đưa việc học tập và làm theo Bác đi vào thực chất

Đồng chí Nguyễn Quang Hưng, Phó Bí thư TT Huyện ủy Cao Phong cho biết: Xác định tầm quan trọng và ý nghĩa của việc tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo (HT<) tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị (Kết luận số 01-KL/TW) về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Huyện ủy Cao Phong đã ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc Kết luận số 01 và thực hiện chuyên đề toàn khóa, chuyên đề hàng năm gắn với thực hiện NQT.Ư 4 (khóa XII) và Kết luận số 21, ngày 25/10/2021 của BCH T.Ư Đảng (khóa XIII) về "đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa” và nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, địa phương… Trong đó chú trọng đưa nội dung HT< tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào chương trình, kế hoạch thực hiện nghị quyết của đảng bộ cấp mình gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị; lựa chọn nội dung trọng tâm, đột phá, những vấn đề bức xúc, nổi cộm của địa phương, đơn vị để lãnh đạo thực hiện, tránh qua loa, hình thức ở cơ sở...

Nghiên cứu, rà soát các quy định bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ

Thảo luận tổ chiều 24/5 về dự thảo Luật Cảnh vệ, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Phó trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình Đặng Bích Ngọc cơ bản đồng tình với nội dung của 2 dự thảo luật. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị: Ban soạn thảo và các cơ quan có liên quan tiếp tục nghiên cứu, rà soát các quy định trong dự thảo Luật bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục