Khẳng định công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sức mạnh tư tưởng của Người, Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành T.Ư Ðảng tại Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV (tháng 12-1976) đã viết: "Thắng lợi to lớn của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước cũng như những trang sử chói lọi của cách mạng Việt Nam ngót nửa thế kỷ qua mãi mãi gắn liền với tên tuổi Chủ tịch Hồ Chí Minh" (1).

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến tranh nhân dân được phát huy lên đỉnh cao mới; là  ánh sáng soi đường cho dân tộc ta giành thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, mở đường cho cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Ðảng.


Thứ nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định vai trò to lớn của quần chúng và phát huy sức mạnh toàn dân trong chiến tranh cách mạng. Trong thời kỳ chuẩn bị cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược trên phạm vi cả nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: "Chiến tranh ngày nay phức tạp và hết sức khó khăn. Không dùng toàn lực của nhân dân về đủ mọi mặt để ứng phó, không thể thắng lợi được" (2). Bước sang thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Người phát triển quan điểm trên và nhấn mạnh:


Phải nâng cao kiến thức quân sự cho toàn dân, "Giáo dục nhân dân từ các cháu đến ông già, bà cả về chiến tranh nhân dân và quân đội nhân dân", tạo điều kiện cho nhân dân phát huy cao độ tinh thần yêu nước và mưu trí sáng tạo trong chiến đấu. Người còn căn dặn: Nói giành thắng lợi quân sự, nhưng phải chú ý tới giữ sức dân, người, của kiệt thì quân nhiều không đánh được.


Quán triệt tư tưởng của Người, trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Ðảng, Nhà nước ta hết sức chăm lo cho nhân dân về đủ mọi mặt. Dưới sự lãnh đạo của Ðảng, nhân dân cả nước trở thành một khối thống nhất, cao trào cách mạng dâng cao trong mọi giới, mọi ngành. Trong giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh, "toàn lực của nhân dân về đủ mọi mặt" được phát huy cao độ, kết hợp với sức mạnh của thời đại, thực lực cách mạng ngày càng lớn mạnh. Nhờ có thực lực cách mạng lớn mạnh, ta đã tạo ra thời cơ và khi thời cơ đến, ta nhanh chóng mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.


Thứ hai, Người nhấn mạnh phát huy tinh thần độc lập tự chủ, giữ vững tính chủ động trong chiến tranh cách mạng. Quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh, trong suốt các chặng đường cách mạng, Ðảng ta luôn luôn chủ động, độc lập tự chủ trong việc hoạch định đường lối cũng như trong việc tổ chức lực lượng và chỉ đạo thực tiễn sắc bén để giải quyết các vấn đề quan trọng của cách mạng Việt Nam. Ngay sau khi ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, phát biểu tại Hội nghị T.Ư Ðảng lần thứ sáu (7-1954), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định rằng: "Bất kỳ hòa bình hoặc chiến tranh, ta cũng phải nắm vững chủ động, phải thấy trước, chuẩn bị trước" (3). Hội nghị T.Ư Ðảng lần thứ 15 (5-1959) xác định con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Ðại hội Ðảng lần thứ ba (9-1960) xác định nhiệm vụ cách mạng cả nước: Ðưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước.


Dưới ánh sáng Nghị quyết của Ðảng, cách mạng miền Nam đã chuyển từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công, giành được thắng lợi ngày càng to lớn trên các chiến trường, làm phá sản chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" của đế quốc Mỹ. Mùa xuân 1968, sau những thắng lợi to lớn của quân và dân ta trên chiến trường, với tư tưởng chủ động tiến công địch, Ðảng ta chủ trương mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân làm phá sản chiến lược "Chiến tranh cục bộ" và làm lung lay ý chí xâm lược của đối phương, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh, ngồi vào đàm phán tại Hội nghị Pa-ri. Sau thắng lợi rất to lớn của cuộc Tổng tiến công chiến lược năm 1972 và chiến công vang dội của quân và dân ta đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B52 vào Hà Nội, Hải Phòng, cuối cùng giới cầm quyền Mỹ buộc phải ký Hiệp định Pa-ri về Việt Nam, rút hết quân Mỹ về nước. Tuy nhiên, với bản chất cực kỳ tàn bạo và ngoan cố, đối phương đã phá hoại Hiệp định Pa-ri một cách có hệ thống. Trước tình hình đó, quán triệt tư tưởng độc lập tự chủ, chủ động tiến công của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội nghị T.Ư Ðảng lần thứ 21 (7-1973) đã khẳng định: "Bất kể trong tình hình nào ta cũng phải nắm vững thời cơ, nắm vững đường lối chiến lược tiến công" (4).


Với tư tưởng chỉ đạo đó, Bộ Tổng Tham mưu tiếp tục chuẩn bị kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam. Qua tám lần dự thảo (5), Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng, có các đồng chí lãnh đạo chủ chốt các chiến trường dự, họp từ ngày 18-12-1974 đến ngày 8-1-1975, thảo luận và chính thức thông qua. Trên chiến trường miền Nam, quân và dân ta phản công địch lấn chiếm, và đầu năm 1975, ta chủ động tiến công giải phóng hoàn toàn tỉnh Phước Long, một tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng gần Sài Gòn. Thắng lợi đó giúp ta có thêm căn cứ thực tiễn hạ quyết tâm chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam, đánh bại hoàn toàn chiến tranh xâm lược  thực dân mới của Mỹ bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 lịch sử.


Thứ ba, Người khẳng định rằng chiến tranh nhân dân phải có lực lượng vũ trang ba thứ quân làm nòng cốt, có cách đánh tài giỏi. Trên nền chung của cuộc khởi nghĩa toàn dân, chiến tranh nhân dân, quốc phòng toàn dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định quan điểm xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Ðối với lực lượng dân quân tự vệ, Người đánh giá cao, coi đó là bức tường sắt, vô luận kẻ địch nào đụng vào đó cũng thất bại. Ðể hoàn chỉnh dần cơ cấu, ngày 1-4-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập bộ đội địa phương. Cùng với việc xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, bộ đội địa phương, Ðảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng việc xây dựng các đơn vị chủ lực và chuẩn bị các điều kiện tiến tới xây dựng các đơn vị cấp đại đoàn. Theo phương hướng đó, trong những năm 1949-1952, sáu đại đoàn bộ binh chủ lực và đại đoàn công pháo lần lượt ra đời. Ðến thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhiều quân chủng, binh chủng mới như Quân chủng Phòng không - Không quân, Bộ đội Ðặc công... được thành lập và nhanh chóng trưởng thành. Ðặc biệt, các đơn vị chủ lực bộ binh có sự phát triển mạnh về tổ chức với quy mô từ cấp sư đoàn phát triển thành quân đoàn binh chủng hợp thành vào giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh. Lực lượng vũ trang ở miền Nam phát triển mạnh.


Sự phát triển của lực lượng vũ trang nhân dân gồm ba thứ quân theo tư tưởng Hồ Chí Minh phản ánh tính chất toàn dân rộng rãi của tổ chức quân sự kiểu mới của cách mạng nước ta. Qua đó, chúng ta đã đưa cuộc chiến tranh nhân dân phát triển. Rơi vào thế trận chiến tranh nhân dân, quân Mỹ bị tiêu hao, bị tiêu diệt ngày càng nhiều, ý chí ngày càng suy sụp, quân ngụy bị đánh từ mọi phía, mọi nơi, tinh thần chiến đấu giảm sút, cuối cùng bị đánh bại hoàn toàn.


Thực hiện nghệ thuật quân sự cách mạng, hạt nhân trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tiến công và phương châm đánh chắc thắng. Người rất coi trọng vấn đề thời cơ, mối quan hệ giữa thế, lực và thời. Nói chuyện với cán bộ cao cấp toàn quân (11-5-1969), Người giải thích: "Quả cân chỉ một ki-lô-gam, ở vào thế lợi thì lực nó tăng lên nhiều, có sức mạnh làm bổng được một vật nặng hàng chục, hàng trăm ki-lô-gam. Ðó là thế thắng lực. Ta đánh Mỹ, lấy ít thắng nhiều được là nhờ cái thế của ta rất lợi" (6). Quán triệt sâu sắc tư tưởng của Người về cách đánh giặc, quân và dân ta ở cả hai miền Nam -  Bắc đều đánh giỏi, thắng gọn, từng bước đẩy đối phương vào thế thua không thể cứu vãn. Vào giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh, trên cơ sở thế và lực mạnh, ta đã tạo ra thời cơ và khi thời cơ xuất hiện, ta quyết định mở chiến dịch Tây Nguyên; Tây Nguyên thắng lợi tạo thời cơ mới thuận lợi cho quân dân ta giải phóng Huế - Ðà Nẵng và hội tụ lực lượng giải phóng Sài Gòn.


Thứ tư, cần xây dựng hậu phương vững mạnh. Từ nhận thức sâu sắc vai trò của hậu phương trong chiến tranh cách mạng, nên sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược kết thúc thắng lợi, Ðảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định nhiệm vụ xây dựng miền Bắc thành căn cứ địa của cách mạng cả nước. Người khẳng định rằng: Miền Bắc là nền tảng, là gốc rễ lực lượng đấu tranh của toàn dân ta. Phát biểu kết luận Hội nghị Bộ Chính trị (2-1961), Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh nhiệm vụ của miền Bắc là phải làm thật tốt các mặt: "Lương thực, đường sá và hợp tác xã" (7). Người còn căn dặn cán bộ phải hết sức quan tâm đến giao thông vận tải. Bởi vì: "Giao thông vận tải thắng lợi, tức là chiến tranh đã thắng lợi một phần rồi". Ðối với việc xây dựng hậu phương tại chỗ, Người nhiều lần dặn dò các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy chủ chốt chiến trường miền Nam ra Bắc họp là phải hết sức chăm lo xây dựng hậu phương tại chỗ ở miền Nam. Ðồng thời Người nêu rõ, ta cần phát huy ưu thế chiến tranh chính nghĩa của ta, làm cho bạn bè quốc tế tin vào cuộc chiến đấu của nhân dân ta nhất định thắng lợi để qua đó tranh thủ sự ủng hộ tinh thần và vật chất ngày càng nhiều.


Xây dựng hậu phương theo tư tưởng Hồ Chí Minh, miền Bắc đã phát huy sức mạnh to lớn của mình trong chiến tranh cách mạng. Vượt qua hai lần chiến tranh phá hoại khốc liệt của quân Mỹ, miền Bắc vẫn đứng vững và có bước phát triển mới. Trong suốt chặng đường chống Mỹ, cứu nước, hợp tác xã ở nông thôn giữ vững sản xuất và cung cấp hơn hai triệu lao động phục vụ quân đội và các ngành nghề khác. Hàng vạn cán bộ và chiến sĩ được cử vào chiến trường "cùng đồng bào miền Nam đánh Mỹ cho kỳ thắng lợi". Trước khi bước vào Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, theo kế hoạch Bộ Chính trị thông qua, hậu phương lớn chi viện cho tiền tuyến 56 vạn tấn vật chất. Bằng sự cố gắng cao độ, hậu phương miền Bắc đã hoàn thành vượt mức chỉ tiêu đó. Bước vào chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, các đơn vị chủ lực được trang bị đầy đủ về mọi mặt. Các nhu cầu chủ yếu như vũ khí, xe cộ, lương thực, thực phẩm... đều vượt mức yêu cầu. Quân dân ta đánh địch trên thế mạnh, áp đảo, kết thúc chiến tranh hợp với quy luật mạnh thắng yếu thua.


Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước toàn thắng để lại những bài học sâu sắc về nguồn sức mạnh vô địch của chiến tranh nhân dân chống xâm lược. Ðó là sức mạnh toàn dân đánh giặc, sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân được xây dựng theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Dưới sự lãnh đạo của Ðảng và  ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, dân tộc Việt Nam đã làm nên chiến thắng vĩ đại mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, từng bước xây dựng Tổ quốc Việt Nam giàu mạnh như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.


(1) Ðảng Cộng sản Việt Nam: Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng tại Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV, Nxb Sự thật, H, 1977, tr 5.


(2) Q.Th: "Hình thức chiến tranh nhân dân ngày nay", Báo Cứu quốc  ngày 20-9-1946.


(3)  Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 7,  Sđd, 1996, tr 317.


(4) Nghị quyết Hội nghị BCH T.Ư Ðảng lần thứ 21 (7-1973).


(5) Từ giữa năm 1973 đến đầu năm 1975, Kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam qua 8 lần dự thảo. Lần 1 (6-1973), lần 2 (7-1973), lần 3 (8-1973), lần 4 (5-1974), lần 5 (6-1974), lần 6 (15-8-1974), lần 7 (25-8-1974), lần 8 (12-1974) được thông qua ngày 8-1-1975.


(6) Báo Quân đội nhân dân ngày 23-5-1969


(7) Quân ủy Trung ương: Các chủ trương công tác lớn của kế hoạch quân sự 5 năm (1961-1965). Lưu trữ tại Bộ Quốc phòng. Hồ sơ 264/QU.
 
                                                                            Theo Báo Nhandan

Các tin khác

Đồng chí Bùi Văn Tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh kết luận hội nghị
Được ủy quyền của Chủ tịch nước, đồng chí Quách Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao Huân chương Lao động hạng  ba cho KBNN HB.
Tại tiểu dự án số 3 - xã Yên Nghiệ, nhà thầu đang hoàn thiện những phần việc cuối cùng của dự án.
Không có hình ảnh

Phối hợp công tác giữa Chính phủ với Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao

Ngày 31-3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao (TANDTC) Trương Hòa Bình, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao (VKSNDTC) Trần Quốc Vượng đã ký Nghị quyết liên tịch về việc ban hành Quy chế phối hợp công tác giữa Chính phủ với TANDTC, VKSNDTC. Cùng dự có: các Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng, Hoàng Trung Hải, Phạm Gia Khiêm, Trương Vĩnh Trọng; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo một số bộ, ngành.

Đại hội Đảng bộ xã Tân Phong nhiệm kỳ 2010 - 2015

(HBĐT) - Trong 2 ngày 30 - 31/3, Đảng bộ xã Tân Phong (Cao Phong) đã tổ chức Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXVII, nhiệm kỳ 2010 - 2015. Đồng chí Nguyễn Hữu Duyệt, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ; Bùi Văn Thơ, TVTU, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh uỷ dự và chỉ đạo Đại hội.

Triển khai công tác phổ biến giáo dục pháp luật năm 2010

(HBĐT) - Sáng 31/3, tại Văn phòng UBND tỉnh, Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL tỉnh đã tổ chức hội nghị Triển khai công tác PBGDPL năm 2010. Tới dự có Đồng chí Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL tỉnh chủ trì hội nghị.

Đà Bắc: Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã

(HBĐT) - “Để bù lấp khoảng trống về nguồn nhân lực, điều tất yếu cần làm là đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng (ĐTBD), trong đó tập trung mạnh vào việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC) cấp xã” – Đó là khẳng định của ông Xa Văn Chí, Trưởng phòng Nội vụ huyện Đà Bắc khi trao đổi về thực trạng nguồn nhân lực đang hoạt động trong hệ thống cơ quan Nhà nước đóng trên địa bàn huyện Đà Bắc hiện nay.

Hiệu quả bước đầu của Dự án Hỗ trợ dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật

(HBĐT) - Được sự tài trợ của cơ quan hợp tác và phát triển Tây Ban Nha (AECID), Hội CTĐ huyện Lương Sơn đã triển khai dự án “Kế hoạch việc làm cho người khuyết tật và nhóm người dễ bị tổn thương khác” đến các đối tượng người khuyết tật và người dân tộc thiểu số.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ Tanzania phát triển nông nghiệp

Ngày 30-3, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã tiếp thân mật Thủ tướng CH Thống nhất Tanzania Mezengo Peter Pinda. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhiệt liệt chào mừng Thủ tướng M.P.Pinda thăm chính thức Việt Nam vào dịp hai nước vừa kỷ niệm 45 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao; đánh giá chuyến thăm là dấu mốc quan trọng góp phần tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Tanzania.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục