Ngày 18-5, tại Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thành phố Hà Nội long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ thiên tài của Đảng và nhân dân ta, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hoá thế giới.
Dự Lễ kỷ niệm có các đồng chí: Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu; Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng; Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan; Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị; Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Trung ương Đảng; các đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng; lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương; các đồng chí lão thành cách mạng, mẹ Việt Nam anh hùng, các lực lượng vũ trang cùng đông đảo nhân dân thủ đô. Buổi lễ còn có sự tham dự của các tổ chức, bạn bè quốc tế, trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam.
Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đọc diễn văn tại Lễ kỷ niệm
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh bày tỏ niềm xúc động, biết ơn và tự hào về những công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với dân tộc Việt Nam. Tổng Bí thư đã ôn lại những cống hiến to lớn và ý nghĩa thời đại sâu sắc của tư tưởng, tấm gương, cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng giải phóng dân tộc, cách mạng xã hội chủ nghĩa cũng như cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội ở Việt Nam và thế giới. Tổng Bí thư xúc động nói: Cùng với đồng bào, đồng chí cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài, với lòng biết ơn vô hạn, chúng ta long trọng tổ chức kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ thiên tài của Đảng và nhân dân ta, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, Người đã hiến dâng toàn bộ cuộc đời mình cho độc lập của Tổ quốc và tự do, hạnh phúc của nhân dân, người chiến sĩ cộng sản quốc tế mẫu mực và người bạn thân thiết của các dân tộc đã và đang đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên toàn thế giới.
Tổng Bí thư nêu rõ: Với hành trang là chủ nghĩa yêu nước – nhân văn Việt Nam và khát vọng giành độc lập cho Tổ quốc, tự do cho đồng bào, trải qua cuộc sống lao động, học tập, nghiên cứu lý luận và nhất là qua thực tiễn đấu tranh cách mạng phong phú ở nhiều nước, Người đã thấy vấn đề giải phóng dân tộc và con người là nhu cầu cấp thiết không chỉ của Việt Nam mà của tất cả các dân tộc thuộc địa và nhân dân bị áp bức trên tòan thế giới. Tiếp thu thế giới quan, phương pháp luận cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác – Lênin, bằng thiên tài trí tuệ, nhận thức đúng xu thế phát triển tất yếu của loài người và tính chất của thời đại mới mở ra từ Cách mạng tháng Mười Nga, Người đã đi tới khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm ra con đường đúng đắn cho cách mạng Việt Nam. Đó là con đường cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân do Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân lãnh đạo nhằm đánh đổ đế quốc và phong kiến tay sai, giành độc lập dân tộc, thực hiện người cày có ruộng, sau đó tiến lên làm cách mạng xã hội chủ nghĩa, thực hiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam.
Đó là đường lối giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kết hợp chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại nhằm thực hiện mục tiêu giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người. Đường lối đó thể hiện tính quy luật của sự phát triển lịch sử xã hội nước ta: ''Cách mạng giải phóng dân tộc phải phát triển thành cách mạng xã hội chủ nghĩa thì mới giành được thắng lợi hoàn toàn''.
Vạch ra con đường cứu nước đúng đắn, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ khai thông bế tắc trong đường lối giải phóng dân tộc, mà còn giải quyết đúng đắn, sáng tạo và lãnh đạo thực hiện thắng lợi các vấn đề trọng yếu nhất của cách mạng nước ta. Đó là sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lê nin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước để xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam xứng đáng là đội tiên phong của giai cấp công nhân đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc. Đó là việc xây dựng thành công lực lượng cách mạng với Mặt trận đoàn kết dân tộc rộng rãi, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân anh hùng, xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân đầu tiên ở nước ta. Đó là việc xác định chính xác phương pháp cách mạng phù hợp với thực tiễn đất nước để thực hiện thành công các nhiệm vụ cách mạng Việt Nam trước các biến động hết sức phức tạp trong các quan hệ quốc tế.
Đường lối cách mạng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội đã tạo nên sức mạnh tổng hợp và phát huy tác dụng, đưa tới những thắng lợi rực rỡ của cách mạng nước ta.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và việc thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Nhà nước do nhân dân làm chủ đầu tiên trong lịch sử nước ta đã làm thay đổi vận mệnh dân tộc Việt Nam từ nô lệ trở thành độc lập, tự do.
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ, giải phóng hoàn toàn miền Bắc, xây dựng hậu phương lớn xã hội chủ nghĩa làm cơ sở cho công cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà.
Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kết thúc bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước vào kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Tổng Bí thư khẳng định: ''Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Chủ tịch Hồ Chí Minh, người Anh hùng dân tộc vĩ đại và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta''. Công lao của Người với dân tộc ta như non cao, biển rộng. Tư tưởng Hồ Chí Minh mãi mãi soi đường cho cách mạng Việt Nam và dẫn dắt dân tộc ta tiến đến tương lai tươi sáng.
Trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến đổi to lớn, Tổng Bí thư cho rằng, Đảng ta càng phải nắm vững, kiên định, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm bổ sung, hoàn thiện, phát triển đường lối của Đảng phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ lịch sử mới. Đó là yêu cầu thiết thực cho việc chuẩn bị tốt đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng.
Nắm vững, vận dụng sáng tạo và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh, trước hết phải quán triệt đường lối độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà Người đã chỉ ra cho cách mạng nước ta. Đây là tư tưởng chiến lược có ý nghĩa chỉ đạo về chính trị và lý luận, về nhận thức và hành động của toàn Đảng, toàn dân ta trong toàn bộ tiến trình cách mạng Việt Nam.
Xác định chủ nghĩa xã hội ở nước ta ''là công trình tập thể của quần chúng lao động dưới sự lãnh đạo của Đảng''. ''Nhiệm vụ của Đảng là một lòng, một dạ phụng sự Tổ quốc và nhân dân. Ngoài lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, Đảng ta không có lợi ích nào khác''. ''Đảng ta là đạo đức, là văn minh'', ''một Đảng to lớn, mạnh mẽ, chắc chắn, trong sạch, cách mạng triệt để''. ''Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư'', ''suốt đời làm người con trung thành của Đảng, người đày tớ tận tuỵ của nhân dân''. Để đáp ứng yêu cần to lớn đó, Đảng ta cần thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ then chốt là xây dựng Đảng, làm tốt nhiệm vụ chỉnh đốn Đảng, nhất là trước những tình hình, nhiệm vụ mới.
Tổng Bí thư lưu ý: Đoàn kết trong Đảng là hạt nhân của đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc. Bởi vậy, Đảng ta phải luôn ghi nhớ và thực hành đúng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ vững sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Trong Đảng phải thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.
Đảng ta chỉ có thể hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình khi tập hợp, đoàn kết được toàn dân trong một Mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi để bảo vệ Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Từ thực tiễn cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh tổng kết: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công''. Chúng ta phải làm cho tư tưởng đại đoàn kết của Bác Hồ thấm sâu vào việc hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, trong tổ chức, xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất và thực hiện các nhiệm vụ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Tổng Bí thư cũng khẳng định: Trong 25 năm thực hiện công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhân dân ta đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Nước ta đã chuyển sang một thời kỳ phát triển mới, thế và lực đã được nâng cao hơn, đất nước đã thoát khỏi tình trạng kém phát triển. Tuy nhiên, những thành tựu đạt được chưa tương xứng với tiềm năng, kinh tế phát triển chưa bền vững, năng suất lao động và sức cạnh tranh còn thấp, trình độ công nghệ còn lạc hậu so với các nước phát triển, nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và trên thế giới vẫn tồn tại. Những hạn chế, yếu kém trong các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, văn hoá - xã hội, bảo vệ môi trường chậm được khắc phục; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tội phạm, tệ nạn xã hội, suy thoái đạo đức, lối sống... chưa được đẩy lùi. Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc chưa được phát huy thật đầy đủ. Một số mặt công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân chuyển biến chậm. Còn tiềm ẩn những yếu tố gây mất ổn định chính trị - xã hội.
Để tiếp tục đẩy mạnh toàn diện sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, trên cơ sở kiên định lập trường và phương pháp của chủ nghĩa Mác - Lê nin, Tổng Bí thư yêu cầu cần tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc và phổ biến rộng rãi hơn nữa tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng một cách đúng đắn và sáng tạo vào sự nghiệp đổi mới.
Toàn Đảng, toàn dân ta phải luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Nắm vững quy luật dựng nước đi đôi với giữ nước, nắm vững hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm độc lập tự chủ về kinh tế, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, giữ vững toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia trong quá trình chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hoá, đa phương hoá, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của phong trào hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới, tăng cường hợp tác, góp phần hình thành một trật tự thế giới công bằng và bình đẳng.
Mục tiêu tổng quát khi kết thúc thời kỳ quá độ nước ta là xây dựng xong về cơ bản nền tảng kinh tế của chủ nghĩa xã hội với kiến trúc thượng tầng về chính trị, tư tưởng, văn hoá phù hợp, tạo cơ sở làm cho nước ta trở thành một nước xã hội chủ nghĩa ngày càng phồn vinh. Từ nay đến khoảng giữa thế kỷ 21, toàn Đảng, toàn dân ta phải ra sức phấn đấu xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Trong không khí trang trọng, đại diện cho thế hệ thanh niên, bạn Nguyễn Thùy An, gương điển hình về học tập và làm theo lời Bác của Tỉnh đoàn Nghệ An đã bày tỏ những suy nghĩ, tình cảm, niềm tự hào, lòng biết ơn sâu sắc đối với Bác Hồ. Tuổi trẻ cả nước nguyện suốt đời trung thành với lý tưởng cách mạng cao đẹp mà Đảng và Bác Hồ đã chọn, tiếp tục cống hiến, nỗ lực học tập, rèn luyện theo gương Bác Hồ, để đóng góp nhiều hơn nữa vào công cuộc đối mới xây dựng đất nước.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, bà Katherine Muller Marin, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam nêu rõ: Năm 1987, đại hội đồng UNESCO đã thông nghị quyết khuyến nghị các quốc gia thành viên cùng tham gia kỷ niệm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị anh hùng dân tộc và nhà văn hóa lớn của Việt Nam nhằm phổ biến tầm vóc lớn lao của lý tưởng và sự nghiệp giải phóng dân tộc của Người.
Bày bỏ tình cảm ngưỡng mộ của mình với Chủ tịch Hồ Chí Minh, bà Katherine Muller Marin xúc động nói: Hôm nay, nhiều người trên khắp thế giới kỷ niệm ngày sinh của Người vì Hồ Chí Minh được coi là một biểu tượng nổi bật về tinh thần quả cảm của dân tộc, người đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng đất nước và nhân dân Việt Nam, qua đó góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Bà Katherine Muller Marin đã nêu bật những đóng góp to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho các lĩnh vực hoạt động của UNESCO như văn hóa, bảo tồn di sản văn hóa, truyền thông, bình đẳng giới, môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, giáo dục, ngoại giao... “ Hồ Chí Minh đã có những đóng góp to lớn trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật, và thể hiện rõ sự quan tâm của Người đối với những khát vọng của các dân tộc đang nỗ lực khẳng định bản sắc văn hóa của mình và tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau”- Bà Katherine Muller Marin nhấn mạnh.
Bà Katherine Muller Marin kết thúc bài phát biểu của mình bằng câu nói nổi tiếng nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Câu nói này còn rất có giá trị và tác động mạnh mẽ trong bối cảnh thế giới ngày nay” - Bà Katherine Muller Marin khẳng định.
Trong không khí tưng bừng, phấn khởi kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, chương trình nghệ thuật đặc sắc do các nghệ sỹ, diễn viên biểu diễn tại buổi lễ đã ngợi ca công ơn trời biển của Người đối với dân tộc Việt Nam./.
Theo ĐCSVN
(HBĐT) - Ngày 18/5, Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 05/NQ-HND (khoá III) về xây dựng tổ chức cơ sở Hội vững mạnh, tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 04/NQ-HND (khoá IV) về nâng cao chất lượng tổ chức Hội các cấp của ban chấp hành TW HND Việt Nam.
(HBĐT) - Thời gian có thể phai mờ kỷ niệm. Nhiều người cũng có thể đã lãng quên một thế hệ TNXP đơn vị Cù Chính Lan được Đoàn Thanh niên cứu quốc Liên khu ba lựu chọn đi công tác đặc biệt ở T. Ư. Nhưng với ông, cựu TNXP Nguyễn Mỹ Quẩn, phường Hữu Nghị, TP Hòa Bình lại không thể nào quên những năm tháng ở chiến khu Việt Bắc, được phục vụ Bác Hồ và các đồng chí trong Bộ Chính trị, bởi ông đã xem đó là hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời của mình.
Ông Trần Đình Đàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, trong một tháng diễn ra kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII, Quốc hội sẽ bàn nhiều nội dung quan trọng liên quan đến công tác xây dựng pháp luật và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; thực hiện nhiệm vụ giám sát tối cao; chất vấn và trả lời chất vấn.
Theo Ðặc phái viên TTXVN, trong thời gian ở thăm TP Du-rích, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Liên bang Thụy Sĩ sáng 17-5 theo giờ địa phương (chiều cùng ngày theo giờ Hà Nội), Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã tới dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Thụy Sĩ với chủ đề "Việt Nam: Vùng đất của những cơ hội Vàng".
Trong số tài liệu ghi chép của ông Cù Văn Chước - nguyên GĐ Bảo tàng Hồ Chí Minh, người đã phục vụ Bác Hồ từ năm 1956 đến khi Bác qua đời... tôi thấy nhiều thông tin đọc lên bỗng trào dâng cảm xúc mãnh liệt.
Với lòng kính yêu Bác Hồ vô hạn, bà Lê Linh Thìn đã sưu tầm được 1.839 ảnh Bác, hơn 130 đầu sách và rất nhiều bài viết về Người