Các Đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường
Ngày 17-6, kỳ họp thứ bảy, Quốc hội (QH) khóa XII bước sang ngày làm việc thứ 24. Buổi sáng, các đại biểu QH làm việc tại Hội trường, nghe Báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH (UBTV) giải trình, tiếp thu, chỉnh lý năm dự án Luật gồm: Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; Luật Bưu chính; Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật Người khuyết tật; Luật Nuôi con nuôi; và thông qua năm dự án Luật này.
Ðầu giờ làm việc buổi sáng, các đại biểu QH đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo của UBTVQH giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Báo cáo cho biết: Qua thảo luận và lấy ý kiến nhân dân, đa số ý kiến đại biểu QH đề nghị chưa đưa nhà ở vào đối tượng chịu thuế. Ðiều này cũng nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân. Xuất phát từ việc chưa đưa nhà ở vào diện chịu thuế, đa số ý kiến đại biểu QH tán thành việc sửa tên luật là "Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp" thay cho tên gọi ban đầu của Dự án Luật là Luật Thuế nhà, đất nhằm bảo đảm tính thống nhất giữa tên gọi và nội dung của luật. Về diện tích đất chịu thuế, để phù hợp với thực tế và theo ý kiến đề nghị của đa số đại biểu QH, Ban soạn thảo đã quy định tại khoản 7, Ðiều 7 của dự án Luật: Ðất lấn, chiếm áp dụng mức thuế suất 2% và không áp dụng hạn mức. Việc nộp thuế không phải là căn cứ để công nhận quyền sử dụng đất hợp pháp của người nộp thuế đối với diện tích đất lấn, chiếm. Các đại biểu QH đã biểu quyết thông qua ba điều còn có ý kiến khác nhau, gồm các Ðiều 2, 7 và 9 với đa số đại biểu tán thành. Sau đó, QH đã tiến hành biểu quyết thông qua toàn bộ dự án Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, với 424 đại biểu tán thành, chiếm 86% tổng số đại biểu QH.
Tiếp đó, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH Ðặng Vũ Minh trình bày Báo cáo của UBTVQH giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Bưu chính. Báo cáo cho biết: Dự thảo Luật đã dành một chương quy định về hoạt động bưu chính công ích, trong đó quy định việc bảo đảm cung ứng dịch vụ bưu chính thiết yếu cho xã hội với chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bưu chính và giá cước phù hợp với khả năng thanh toán của người dân. Việc quy định điểm bưu điện văn hóa xã trong Luật Bưu chính, theo ý kiến đề nghị của đại biểu QH, UBTVQH cho rằng, với sự phát triển của công nghệ thông tin, một số điểm bưu điện văn hóa xã không còn phát huy tác dụng như trước đây, do vậy cần nghiên cứu đưa ra mô hình điểm văn hóa xã phù hợp với thực tế. Tuy không đưa vào Dự thảo Luật này, nhưng trong quá trình phát triển mạng bưu chính công cộng, Nhà nước sẽ duy trì một số điểm còn phát huy tác dụng. UBTVQH cũng đề nghị QH cho phép quy định cụ thể về điểm bưu điện văn hóa xã tại các văn bản hướng dẫn của Chính phủ.
Trước khi thông qua toàn bộ dự án Luật này, các đại biểu QH đã biểu quyết thông qua các Ðiều 4, 5 và 30 với đa số đại biểu tán thành. Sau đó, QH đã tiến hành biểu quyết thông qua toàn bộ Dự án Luật Bưu chính, với 423 đại biểu QH tán thành, chiếm 85,8% tổng số đại biểu QH.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH Ðặng Vũ Minh tiếp tục trình bày Báo cáo của UBTVQH giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Báo cáo cho biết: Tiếp thu ý kiến của đại biểu QH, Ban soạn thảo đã quy định cụ thể về nguyên tắc, chính sách của Nhà nước đối với sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Trong đó, coi việc áp dụng thực hiện biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả phục vụ phát triển kinh tế - xã hội là một trong những ưu tiên hàng đầu. Nhà nước cũng có những chính sách nhằm khuyến khích sử dụng phương tiện, thiết bị tiết kiệm năng lượng; thực hiện lộ trình áp dụng nhãn năng lượng; từng bước loại bỏ các phương tiện, thiết bị có công nghệ lạc hậu, hiệu suất sử dụng năng lượng thấp.
Các đại biểu QH đã biểu quyết thông qua toàn bộ Dự án Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả với 423 đại biểu QH tán thành, chiếm 85,8% tổng số đại biểu QH. Trước đó, các đại biểu đã biểu quyết thông qua ba điều còn có ý kiến khác nhau của Dự án Luật này gồm các Ðiều 5, 6 và 30 với đa số đại biểu tán thành.
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai thay mặt UBTVQH trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Người khuyết tật. Theo Báo cáo, về Ðiều 35 của Dự án Luật, có hai luồng ý kiến khác nhau về việc có nên quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp nhận người khuyết tật vào làm việc. Ban soạn thảo đã đưa ra hai phương án. Sau khi biểu quyết, đa số đại biểu đồng tình với phương án một, quy định: Nhà nước khuyến khích cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp nhận người khuyết tật vào làm việc. Doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật làm việc được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu QH, Dự án Luật cũng quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của người khuyết tật như: Người khuyết tật được tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội; sống độc lập, hòa nhập cộng đồng; được miễn hoặc giảm một số khoản đóng góp; Ðược chăm sóc sức khỏe phục hồi chức năng, học văn hóa, học nghề, việc làm, trợ giúp pháp lý, tiếp cận công trình, dịch vụ công cộng phù hợp với dạng tật và mức độ khuyết tật.
Các đại biểu QH đã biểu quyết và nhất trí thông qua ba điều còn ý kiến khác nhau của Dự thảo luật là các Ðiều 28, 35 và 44. Sau đó, các đại biểu QH đã biểu quyết thông qua toàn bộ Dự án Luật Người khuyết tật, với 429 đại biểu tán thành, chiếm 87,02% tổng số đại biểu QH.
Cuối buổi sáng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Văn Thuận thay mặt UBTVQH trình bày Dự án Luật Nuôi con nuôi. Theo Báo cáo: Có ý kiến cho rằng, quy định "chỉ cho làm con nuôi người ở nước ngoài khi không tìm được gia đình thay thế trong nước" như trong dự thảo luật là không phù hợp, vì việc nuôi con nuôi xuất phát từ tình cảm giữa con người với con người, không phân biệt trong nước hay ngoài nước. Tuy nhiên theo UBTVQH, "tôn trọng quyền của trẻ em được sống trong môi trường gia đình gốc" và "chỉ cho làm con nuôi người ở nước ngoài khi không thể tìm gia đình thay thế trong nước" là những nguyên tắc quan trọng trong giải quyết con nuôi đã được công nhận trong Công ước Lahay năm 1993, pháp luật Việt Nam, tập quán quốc tế và thực tế giải quyết nuôi con nuôi quốc tế của Việt Nam. Do vậy, UBTVQH đề nghị giữ nguyên như trong Dự thảo Luật. Dự án Luật cũng quy định cụ thể những hành vi bị cấm trong việc nuôi con nuôi như giả mạo giấy tờ để giải quyết việc nuôi con nuôi; phân biệt đối xử giữa con đẻ và con nuôi; lợi dụng việc cho con nuôi để vi phạm pháp luật về dân số; lợi dụng việc nuôi con nuôi để vi phạm pháp luật, phong tục tập quán, đạo đức.
Các đại biểu đã biểu quyết thông qua ba điều của Dự thảo Luật gồm các Ðiều: 12, 14 và 25. Sau đó, các đại biểu QH đã biểu quyết thông qua toàn bộ Dự án Luật Nuôi con nuôi, với 433 đại biểu QH tán thành, chiếm 87,83% tổng số đại biểu QH.
Buổi chiều, các đại biểu QH tiếp tục làm việc tại Hội trường, nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thi hành án hình sự; Luật Trọng tài thương mại; Luật An toàn thực phẩm. Mở đầu phiên họp này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Thu Ba đọc Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thi hành án hình sự trình QH thông qua. Báo cáo cho biết, tại phiên họp sáng ngày 24-5-2010, QH đã thảo luận và cho ý kiến về Dự án Luật nói trên. Ðã có 24 đại biểu QH phát biểu ý kiến tại hội trường và một số vị đại biểu QH gửi văn bản đóng góp ý kiến, cơ bản tán thành với nhiều nội dung báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ QH và dự thảo Luật đã được chỉnh lý. Ðồng thời, các vị đại biểu QH góp ý vào nhiều điều khoản cụ thể của dự thảo Luật. Trên cơ sở ý kiến các đại biểu QH, Ủy ban Thường vụ QH đã chỉ đạo Ủy ban Tư pháp và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu và chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật. Nhiều ý kiến đại biểu QH đã được tiếp thu như: phạm vi điều chỉnh, giải thích từ ngữ, trách nhiệm phối hợp của cơ quan, tổ chức với UBND cấp xã trong thi hành án cải tạo không giam giữ, thi hành án treo, ra quyết định hoãn, quyết định đình chỉ thi hành án phạt tù, nhà trẻ trong trại giam, bố trí giam giữ phạm nhân tại trại tạm giam; giải quyết trường hợp phạm nhân chết; việc ghi âm trong quá trình công bố và đọc các quyết định về thi hành án tử hình... Dự thảo Luật Thi hành án hình sự trình QH xem xét, thông qua gồm 15 chương, 182 điều.
Với đa số phiếu tán thành, QH đã lần lượt thông qua các điều 59 và 60 trong dự thảo Luật nói trên và sau đó thông qua toàn văn Dự án Luật Thi hành án hình sự với 427 phiếu tán thành, chiếm 86,61% tổng số đại biểu QH.
Tiếp theo, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Thu Ba đọc Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Trọng tài thương mại. Báo cáo đề cập 10 vấn đề như phạm vi điều chỉnh, quản lý Nhà nước về trọng tài, phạm vi trách nhiệm của trọng tài viên, hiệp hội trọng tài, khởi kiện, thẩm quyền của Hội đồng trọng tài..., trong đó có những vấn đề được tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến đóng góp của đại biểu QH, có những vấn đề Ủy ban Thường vụ QH đề nghị cho giữ nguyên như dự thảo. Dự thảo Luật Trọng tài Thương mại trình QH xem xét thông qua gồm 13 chương, 82 điều.
Các đại biểu QH lần lượt biểu quyết thông qua ba điều trong dự thảo Luật với đa số phiếu tán thành. Trên cơ sở đó, QH đã biểu quyết thông qua toàn bộ dự thảo Luật Trọng tài Thương mại với 423 đại biểu tán thành, chiếm 85,8% tổng số đại biểu QH.
Trước khi xem xét, thông qua dự thảo Luật An toàn thực phẩm, QH đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH Ðặng Vũ Minh đọc Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật nói trên. Báo cáo nêu rõ việc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đóng góp của đại biểu QH và việc chỉnh lý vào dự thảo, cùng những vấn đề Ủy ban Thường vụ QH đề nghị cho giữ nguyên như dự thảo. Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật An toàn thực phẩm trình QH thông qua tại phiên họp này gồm 11 chương, 72 điều.
Các đại biểu QH lần lượt biểu quyết thông qua ba điều cụ thể với số phiếu ít nhất là 84,99% tổng số đại biểu QH tán thành. Trên cơ sở đó, QH đã biểu quyết thông qua toàn bộ dự thảo Luật An toàn thực phẩm với 430 đại biểu tán thành, bằng 87,22% tổng số đại biểu QH.
Cuối giờ chiều, sau khi nghe Trưởng Ðoàn thư ký kỳ họp Trần Ðình Ðàn trình bày dự thảo Nghị quyết phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Giáo dục và Ðào tạo đối với ông Nguyễn Thiện Nhân và dự thảo Nghị quyết về việc miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH đối với ông Nguyễn Hoàng Anh, các đại biểu đã biểu quyết thông qua hai Nghị quyết nói trên. Các đại biểu QH cũng thảo luận tại Ðoàn đại biểu QH về phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự giữ chức vụ Bộ trưởng Giáo dục và Ðào tạo theo Tờ trình của Thủ tướng Chính phủ và bầu nhân sự giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH theo Tờ trình của Chủ tịch QH.
Theo ND
(HBĐT) - Trong 2 ngày 16 - 17/6, Đảng bộ phường Phương Lâm (TP Hòa Bình) đã tổ chức Đại hội lần thứ XII, nhiệm kỳ 2010 - 2015.
(HBĐT) - Phong trào thi đua “ Tuổi cao – gương sáng” giai đoạn (2005-2010) của Hội Người cao tuổi (NCT) các cấp trong tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trên các mặt công tác. Đặc biệt, phong trào cũng đã góp phần cùng các cấp uỷ Đảng, chính quyền lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế, chính trị của địa phương.
(HBĐT) - Thực hiện Chương trình “Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Việt Nam”, các cấp bộ Đoàn trong toàn tỉnh đã xây dựng 68 câu lạc bộ với 1.363 thành viên tham gia.
Ngày 16-6, ngày làm việc thứ 23, kỳ họp thứ bảy, Quốc hội (QH) Khóa XII. Buổi sáng, với sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Ðức Kiên, các đại biểu QH thảo luận tại hội trường dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi).
Phiên họp cấp cao Hội nghị quốc tế về Sáng kiến Thống nhất hành động của Liên hợp quốc (LHQ) đã chính thức khai mạc sáng 16-6. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dự và phát biểu ý kiến khai mạc. Phó Tổng Thư ký LHQ A-sa Rô-dơ Mi-ghi-rô và hơn 260 đại biểu đến từ các nước cùng tham dự.
(HBĐT) - Ngày 16/6, tại Hội trường Công an tỉnh, Đảng uỷ, Ban giám đốc Công an tỉnh đã tổ chức Hội nghị Điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua “Vì An ninh tổ quốc” giai đoạn 2005 - 2010. Tới dự có đồng chí Bùi Văn Tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng thi đua khen thưởng tỉnh; Thiếu tướng Hữu Ước, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục xây dựng lực lượng - Bộ Công an.