Lực lượng Cảnh sát cơ động tham gia diễn tập chống khủng bố, bạo loạn tại cảng Hàng không Cát Bi (Hải Phòng)
Ra đời trong khí thế sục sôi của Cách mạng Tháng Tám (19-8-1945), được Ðảng và Bác Hồ giáo dục, rèn luyện, sự giúp đỡ của nhân dân, 65 năm qua, lực lượng Công an nhân dân không ngừng phấn đấu, xây dựng và trưởng thành, lập nhiều chiến công xuất sắc góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Ðại tướng Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ðảng ủy Công an T.Ư, Bộ trưởng Công an đã có bài viết xung quanh vấn đề này. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Ngay từ khi mới ra đời, trước vận mệnh của đất nước như "ngàn cân treo sợi tóc", Công an nhân dân Việt Nam đã dũng cảm, mưu trí, kịp thời phát hiện và chủ động đập tan các âm mưu của bọn phản cách mạng, bảo vệ vững chắc chính quyền cách mạng còn non trẻ. Ðiển hình là lực lượng Công an đã phá vụ án tiêu diệt hang ổ của bọn phản cách mạng ở số 7 phố Ôn Như Hầu (nay là phố Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội), đập tan âm mưu lật đổ Chính phủ ta của thực dân Pháp câu kết với bọn phản động tay sai (Quốc dân Ðảng và Ðại Việt) nhân ngày Quốc khánh Pháp 14-7-1946 nhằm lật đổ chính quyền cách mạng; Công an Hải Phòng trấn áp bọn Việt Nam quốc dân đảng âm mưu nổi dậy cướp chính quyền Kiến An (tháng 11-1945); Công an Hòa Bình tiêu diệt bọn phản động Ðại Việt duy dân do Lý Ðông A cầm đầu âm mưu đánh chiếm Hòa Bình (4-5-1946)...
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, trước cuộc chiến đấu đầy cam go, ác liệt, đấu tranh với nhiều loại kẻ thù nguy hiểm, lực lượng Công an đã hiệp đồng chặt chẽ với lực lượng Quân đội nhân dân, với các tổ chức đoàn thể cách mạng tổ chức các phong trào "Phòng gian bảo mật", thực hiện "3 không" giữ vững an ninh, trật tự vùng tự do, các khu căn cứ, bảo vệ an toàn các cơ quan lãnh đạo kháng chiến; tổ chức lực lượng thâm nhập vào vùng địch tạm chiếm, xây dựng cơ sở cách mạng, tiến hành các hoạt động điệp báo, phá tề, trừ gian, diệt ác, trấn áp bọn phản cách mạng, tạo thuận lợi cho các hoạt động chính trị và vũ trang của quân dân ta, góp phần to lớn đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi hoàn toàn. Ðã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu như: Tổ điệp báo gồm các điệp viên Hoàng Ðạo, Kim Sơn, Trần Hải, Nguyễn Thị Lợi hoạt động trong lòng địch đánh đắm thông báo hạm A-mi-ô-đanh-vin, nhấn chìm 200 tên sĩ quan và binh lính Pháp cùng hàng trăm tấn vũ khí đạn dược xuống vùng biển Sầm Sơn, Thanh Hóa (27-9-1950), nhiều đồng chí anh dũng hy sinh, tiêu biểu là các liệt sĩ anh hùng như: Võ Thị Sáu (Chiến sĩ Công an quận Ðất Ðỏ, Bà Rịa - Vũng Tàu); Nguyễn Thị Lợi (Chiến sĩ tổ điệp báo - Công an TP Hà Nội); Bùi Thị Cúc (Công an tỉnh Hưng Yên).
Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, lực lượng Công an đã thực hiện tốt nhiệm vụ giữ vững an ninh, trật tự, bảo vệ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc, đánh bại chiến tranh gián điệp, biệt kích của Mỹ - Ngụy, đồng thời tích cực chi viện cho lực lượng An ninh miền nam. Lực lượng Công an nhân dân đã ra sức xây dựng phong trào quần chúng, truy quét các tổ chức gián điệp, phản động, ngăn chặn và đập tan các âm mưu phá hoại, gây bạo loạn của các tổ chức phản động, làm tan rã nhiều ổ, nhóm phỉ hoạt động ở các vùng rừng núi dọc biên giới Việt - Trung, Việt - Lào, tiêu diệt và bắt gọn hầu hết các toán gián điệp, biệt kích của Mỹ - Ngụy tung ra phá hoại miền bắc, bảo vệ an toàn các mục tiêu kinh tế, chính trị trọng điểm của Ðảng và Nhà nước. Trong cuộc chiến tranh phá hoại tàn khốc của đế quốc Mỹ ở miền bắc, lực lượng Công an nhân dân đã không quản hiểm nguy, tận tụy cứu giúp nhân dân, chiến đấu ngoan cường góp phần hạn chế tới mức thấp nhất sự thiệt hại về người và tài sản do địch gây ra, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ngay ở những nơi chiến tranh phá hoại ác liệt nhất. Ðã có những tấm gương anh dũng hy sinh của những cán bộ, chiến sĩ Công an trong khi làm nhiệm vụ bảo vệ nhân dân trong khi địch ném bom bắn phá ác liệt như: Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Công Dị, Nguyễn Văn Uân, Nguyễn Bá Chưng, Huỳnh Kim Trung, v.v... đã ghi đậm truyền thống vẻ vang của Công an nhân dân Việt Nam.
Ở miền nam, dưới sự lãnh đạo của Ðảng, được sự chi viện to lớn về người và của từ hậu phương lớn miền bắc, lực lượng An ninh miền nam đã kiên cường bám đất, bám dân, diệt ác, phá kìm, đấu tranh làm thất bại các kế hoạch tình báo, gián điệp, các hoạt động "bình định", "chiêu hồi" của địch, bảo vệ các phong trào quần chúng, bảo vệ an toàn các căn cứ địa kháng chiến của cách mạng. Ðã có những tấm gương chiến đấu anh dũng như Trần Thị Mai (Tổ trưởng tổ biệt động N10 thành phố Sài Gòn); Liệt sĩ Huỳnh Minh Mương (Trung đội trưởng an ninh vũ trang Ban bảo vệ Khu ủy Sài Gòn - Gia Ðịnh); Liệt sĩ Nguyễn Văn Châu (Phó Ban an ninh huyện Lấp Vò, tỉnh Ðồng Tháp); Cao Văn Trung, Trung đội phó trinh sát vũ trang, Ban an ninh nhân dân Công an Bến Tre; Nguyễn Thị Lài, an ninh tỉnh Thừa Thiên - Huế... góp phần cùng toàn Ðảng, toàn dân làm nên chiến thắng 30-4-1975 lịch sử giải phóng hoàn toàn miền nam thống nhất Tổ quốc.
Bước vào thời kỳ hòa bình xây dựng đất nước và trong giai đoạn đổi mới, lực lượng Công an tham mưu đề xuất với Ðảng và Nhà nước nhiều chủ trương, chiến lược quan trọng như: "Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia", "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc", "Luật Công an nhân dân", "Luật An ninh quốc gia", Chỉ thị 40 của Bộ Chính trị về "Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác Công an trong tình hình mới", Chỉ thị 05 về nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự trong thời kỳ mới...; tham mưu nhiều giải pháp quan trọng về công tác phát triển kinh tế - xã hội; về chiến lược biển, đảo; về bảo đảm an ninh kinh tế, an ninh xã hội, an ninh thông tin đã góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ chủ quyền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, phục vụ có hiệu quả công cuộc phát triển kinh tế - xã hội và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trên lĩnh vực đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội, lực lượng Công an đã dựa vào nhân dân và phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, các ngành làm tốt vai trò xung kích trên mặt trận chiến đấu bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, cùng toàn quân, toàn dân đập tan mọi âm mưu kế hoạch "hậu chiến" và hoạt động phá hoại của địch; bóc gỡ mạng lưới gián điệp, nội gián địch cài lại, bắt giữ hầu hết các toán gián điệp, biệt kích xâm nhập, triệt phá nhiều tổ chức phản động, tiêu diệt bọn Fulro, làm thất bại âm mưu gây bạo loạn, lật đổ, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; khám phá nhiều vụ án hình sự, kinh tế, tham nhũng lớn, nghiêm trọng, kiềm chế tốc độ gia tăng của tội phạm; góp phần tích cực đấu tranh có hiệu quả trong cuộc chiến tranh phá hoại nhiều mặt của kẻ địch, phục vụ tốt yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ðiển hình là: trong những năm từ 1975-1986, lực lượng Công an đã đấu tranh Chuyên án KH-CM12 phá tan tổ chức phản động do Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh cầm đầu âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân, hoạt động chống phá ở 17 tỉnh, thành phố phía nam, bắt gọn 18 chuyến xâm nhập với 189 tên gián điệp biệt kích; 143 lượt tàu địch, thu gần 300 tấn vũ khí, 14 tấn tiền Việt Nam giả, bóc gỡ triệt để 10 tổ chức phản động trong nội địa và các đầu mối nội gián cài lại trên địa bàn miền trung, miền Tây, miền Ðông Nam Bộ và TP Hồ Chí Minh. Trên lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, lực lượng Công an đã khám phá nhiều vụ án lớn, nghiêm trọng về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu như: Vụ Tân Trường Sanh, vụ Tăng Minh Phụng - Liên Khui Thìn, triệt xóa nhiều băng nhóm tội phạm nguy hiểm, hoạt động có tổ chức theo kiểu "xã hội đen" - vụ án ''Năm Cam và đồng bọn''', triệt phá nhiều đường dây ma túy lớn như vụ Xiêng Phênh - Vũ Xuân Trường, vụ Nguyễn Văn Tám, Nguyễn Xuân Thủy và đồng bọn...
Trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội đã có nhiều tấm gương anh dũng chiến đấu hy sinh và thương tật. Chỉ tính trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đầy cam go, ác liệt đã có gần 14.000 cán bộ, chiến sĩ Công an đã ngã xuống, hơn 5.000 đồng chí là thương binh; trong hơn 20 năm đổi mới của đất nước đã có gần 200 lượt cán bộ, chiến sĩ Công an hy sinh, gần 900 đồng chí bị thương nặng và thương tật vĩnh viễn.
Ghi nhận những thành tích, chiến công của lực lượng Công an nhân dân qua 65 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, Ðảng và Nhà nước đã tặng thưởng ba Huân chương Sao Vàng, một Huân chương Hồ Chí Minh cho toàn lực lượng Công an nhân dân; 10 Huân chương Sao Vàng, 87 Huân chương Hồ Chí Minh cho các tập thể, cá nhân thuộc lực lượng Công an nhân dân; 636 lượt tập thể, 322 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động và nhiều phần thưởng cao quý khác, góp phần tô thắm truyền thống cách mạng của dân tộc Việt Nam anh hùng.
Từ năm 2005, Chính phủ đã quyết định lấy ngày 19-8 hằng năm là Ngày hội "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc". Ðó là sự quan tâm lớn của Ðảng, Nhà nước đối với lực lượng Công an nhân dân và sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự. Nhận thức sâu sắc ý nghĩa và yêu cầu công tác bảo vệ an ninh, trật tự trong tiến trình hội nhập và phát triển đất nước, 5 năm qua, các cấp ủy đảng, các cơ quan nhà nước, các đoàn thể quần chúng và các tổ chức kinh tế - xã hội đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia công tác bảo vệ an ninh, trật tự. Với vai trò nòng cốt, lực lượng Công an và các lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (Công an xã, bảo vệ dân phố, bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp) đã thực sự là lực lượng xung kích, tổ chức động viên toàn dân tham gia giữ gìn an ninh, trật tự, chủ động phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các cấp, các ngành, các lực lượng xây dựng thế trận an ninh vững chắc từ cơ sở, góp phần giữ vững ổn định chính trị và trật tự xã hội, phục vụ có hiệu quả công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước.
Thời gian tới, tình hình quốc tế và khu vực sẽ còn diễn biến phức tạp; những nhân tố đe dọa đến ổn định và phát triển đất nước vẫn còn tiềm ẩn, khó lường. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là trước những tác động tiêu cực từ mặt trái của nền kinh tế thị trường, cuộc khủng hoảng tài chính suy thoái kinh tế toàn cầu, cùng với các âm mưu và hoạt động chống phá cách mạng của các thế lực thù địch, phản động trong nước và nước ngoài nhằm xóa bỏ sự lãnh đạo của Ðảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Các loại tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có yếu tố nước ngoài, tội phạm ma túy, tham nhũng, buôn lậu, tội phạm và các vi phạm pháp luật về môi trường, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán và các loại tệ nạn xã hội ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp, đang đặt ra cho toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân trong đó có lực lượng Công an nhân dân những nhiệm vụ hết sức nặng nề cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Yêu cầu đặt ra là phải xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng trong sạch, vững mạnh, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Ðảng, Nhà nước và nhân dân, có trình độ chính trị, nghiệp vụ, pháp luật, ngoại ngữ, khoa học - kỹ thuật giỏi đủ sức hoàn thành các nhiệm vụ to lớn mà Ðảng và nhân dân giao phó trong tình hình mới. Vì vậy, lực lượng Công an nhân dân cần tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt các nội dung sau đây:
Một là, công tác Công an phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối của Ðảng, Nhà nước, lực lượng Công an nhân dân phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Ðảng và nhân dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Ðảng, bảo vệ chủ quyền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân. Không ngừng cải tiến và nâng cao chất lượng công tác tham mưu cho Ðảng, Nhà nước về các chủ trương, chính sách quan trọng có ý nghĩa chiến lược để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế. Chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch, không để xảy ra bị động, bất ngờ, bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, bảo đảm sự ổn định và phát triển của đất nước.
Hai là, thường xuyên thấm nhuần quan điểm "lấy dân làm gốc", từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ, dựa vào dân làm việc, chiến đấu và Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân. Mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an phải biết phát huy quyền làm chủ của người dân; tôn trọng và phát huy quyền và lợi ích chính đáng của công dân; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, không phiền hà sách nhiễu nhân dân; có thái độ đúng đắn, kính trọng, lễ phép với nhân dân. Nghiên cứu đổi mới biện pháp xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc phù hợp với từng vùng, từng đối tượng và phù hợp với điều kiện mới về kinh tế - xã hội. Tăng cường biện pháp vận động quần chúng trong các mặt công tác bảo đảm an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội.
Ba là, coi trọng và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thường xuyên phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các bộ, ban, ngành, đoàn thể và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, đặc biệt là phối hợp với Quân đội nhân dân thực hiện có hiệu quả Nghị định số 77/2010/NÐ-CP ngày 12-7-2010 của Thủ tướng Chính phủ về phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội và nhiệm vụ quốc phòng. Gắn với các chương trình kinh tế - xã hội khác nhằm tạo sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân vào công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, bài trừ tệ nạn xã hội, tạo nên sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội.
Bốn là, phát huy truyền thống vẻ vang, bản chất cách mạng, xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, từng bước hiện đại, tuyệt đối trung thành với Ðảng, Nhà nước và nhân dân, xứng đáng là lực lượng nòng cốt, xung kích trên mặt trận bảo vệ an ninh, trật tự. Không ngừng học tập, rèn luyện về mọi mặt, nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ, pháp luật, khoa học kỹ thuật thực hiện nghiêm túc Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân và Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh - Công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ".
Năm là, tăng cường công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, tập trung vào các lĩnh vực mũi nhọn công nghệ thông tin để đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm lợi dụng mạng để tuyên truyền chống phá Nhà nước, tội phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng... phục vụ có hiệu quả công tác đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội; thường xuyên đổi mới các mặt công tác, biện pháp nghiệp vụ và nâng cao hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Sáu là, mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác hợp tác quốc tế, nhất là với các nước láng giềng và các đối tác truyền thống, đối tác chiến lược trên các lĩnh vực theo chiều sâu, ổn định và bền vững nhằm phục vụ có hiệu quả hơn nữa trong công tác phòng, chống tội phạm, góp phần phục vụ thắng lợi đường lối ngoại giao của Ðảng và Nhà nước. Hoàn thiện khung pháp lý hợp tác với các nước trong và ngoài khu vực nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội và xây dựng lực lượng Công an nhân dân.
Bảy là, tiến tới các ngày lễ lớn, các sự kiện trọng đại của đất nước, lực lượng Công an nhân dân cần tiếp tục triển khai các biện pháp nghiệp vụ, nắm chắc tình hình, tập trung thực hiện tốt các mặt công tác, các biện pháp nghiệp vụ trong công tác bảo đảm an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội, không để tình hình diễn biến phức tạp. Ðặc biệt chú ý công tác bảo đảm an ninh nội bộ, an ninh xã hội, an ninh các vùng chiến lược, trọng điểm...; bảo vệ an toàn các sự kiện chính trị, văn hóa, những ngày lễ lớn của dân tộc như bảo vệ các hoạt động kỷ niệm 65 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9; các hoạt động kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội; bảo vệ Ðại hội Ðảng các cấp tiến tới Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Ðảng.
Theo Báo Nhandan
Sau lễ khánh thành ngày 29-8-1975, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành nơi hội tụ tình cảm, niềm tin của các thế hệ người Việt Nam đối với Bác Hồ - Người Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới. 35 năm qua đã có hơn 40 triệu lượt người, trong đó có bảy triệu lượt khách quốc tế của hầu hết các quốc gia, vùng lãnh thổ và tổ chức quốc tế vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
(HBĐT) - Đã thành thông lệ, cứ đến những ngày mùa thu tháng 8, thế hệ trẻ xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc lại hướng về những năm tháng lịch sử của khu căn cứ cách mạng Giằng Sèo để cùng nhau ôn lại truyền thống cách mạng của thế hệ cha ông, nhằm tiếp thêm ngọn lửa nhiệt huyết cho tuổi trẻ cùng chung tay, góp sức xây dựng quê hương giàu đẹp.
(HBĐT) - Công ty cổ phần gạch ngói Quỳnh lâm là đơn vị sản xuất công nghiệp quy mô vừa của tỉnh. Với sản phẩm chính của công ty là gạch xây dựng nung quy chuẩn, hàng năm, Công ty có kế hoạch sản xuất và tiêu thụ từ 10 triệu đến 11triệu viên, doanh thu khoảng 10 tỷ đồng, trích nộp ngân sách Nhà nước trên 700 triệu đồng/năm, lương bình quân đạt 2.350 ngàn đồng/người/tháng. Chi bộ Đảng công ty hiện nay có 17 đảng viên, là chi bộ trực thuộc Đảng bộ thành phố Hòa Bình.
(HBĐT) - Trong 2 ngày (12 - 13/8), đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc Quốc hội do đồng chí Phó Chủ tịch Triệu Thị Nái làm trưởng đoàn đã đến thăm và làm việc tại tỉnh ta. Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Bùi Ngọc Đảm, UVTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành.
Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng chỉ rõ, sự nghiệp phát triển giáo dục-đào tạo của vùng Tây Bắc phải đi trước một bước, đảm bảo từng bước đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ.
Ngày 14-8, đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng ban chỉ đạo tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp - Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) cùng các thành viên trong Ban chỉ đạo, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng đã làm việc với ba doanh nghiệp thành viên của Vinashin là Công ty đóng tàu Hạ Long, Công ty thép Cái Lân, Tổng công ty Công nghiệp - Tàu thủy Bạch Ðằng và một công ty con là Công ty Chế tạo động cơ đi-ê-den Bạch Ðằng; thăm một số dây chuyền, phân xưởng sản xuất chính của các đơn vị nói trên.