Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng và các đại biểu thăm làng
Văn Hóa - Du Lịch các dân tộc Việt Nam.

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các đại biểu thăm làng Văn Hóa - Du Lịch các dân tộc Việt Nam.

Tối 19-9, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Lễ khai trương Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam tại khu vực hồ Ðồng Mô - Ngải Sơn, thị xã Sơn Tây (Hà Nội). Ðây là dự án nằm trong chương trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, đã được triển khai thực hiện từ năm 1997, có tổng diện tích 1.544 ha, gồm 12 dự án thành phần, là trung tâm hoạt động văn hóa mang tính quốc gia, một bảo tàng ngoài trời sống động, tái hiện, giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc Việt Nam.

Ðến dự, có các đồng chí: Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh; Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; các đồng chí Ủy viên T.Ư Ðảng: Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch nước; Nguyễn Ðức Kiên, Phó Chủ tịch QH; Huỳnh Ðảm, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam; Ksor Phước, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Ðào Trọng Thi, Chủ tịch Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; Hoàng Tuấn Anh, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Giàng Seo Phử, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Hồ Nghĩa Dũng, Bộ trưởng Giao thông vận tải; cùng nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, nghệ nhân, các già làng, trưởng bản và đại diện các dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Trong bài phát biểu khai trương Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chào mừng đại biểu các dân tộc đã về dự buổi lễ đúng vào dịp nhân dân cả nước đang hướng về Ðại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và Ðại hội Ðại biểu toàn quốc lần thứ XI của Ðảng; nêu bật ý nghĩa của tình đoàn kết keo sơn của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam được hình thành qua hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước, đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, hy sinh, cống hiến to lớn về sức người, sức của, cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ðặc biệt là từ khi có Ðảng lãnh đạo, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, 54 dân tộc anh em đã tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước, thủy chung son sắt, một lòng theo Ðảng, theo Cách mạng, giành được những thắng lợi vĩ đại, tô thắm lịch sử vẻ vang của dân tộc và của Ðảng ta. Trong suốt chặng đường lịch sử đầy gian khổ nhưng vô cùng vẻ vang ấy, các thế hệ cộng đồng 54 dân tộc anh em đã không ngừng xây dựng, bồi đắp, hun đúc nền văn hóa Việt Nam - một nền văn hóa thống nhất trong đa dạng, hội tụ, hòa quyện và tỏa sáng những phẩm chất, tinh hoa văn hóa các dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Viêt Nam, tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới. Thủ tướng nhấn mạnh: Trong nhiều thập kỷ qua, nhất là từ khi thực hiện đường lối đổi mới, Ðảng và Nhà nước ta luôn chú trọng thực hiện nhất quán chính sách bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc, tạo mọi điều kiện để các dân tộc cùng phát triển, gắn bó mật thiết với sự phát triển chung của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Ðồng thời, quan tâm chăm lo phát triển văn hóa, khẳng định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, ngôn ngữ, truyền thống tốt đẹp của các dân tộc. Các cơ chế chính sách và giải pháp phát triển văn hóa ngày càng hoàn thiện, phù hợp với đặc thù của các vùng, miền, các dân tộc, nhất là các dân tộc thiểu số. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược Phát triển Văn hóa đến năm 2020, nhằm phát triển đồng bộ các lĩnh vực, trong đó tập trung xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, có lối sống văn hóa và tích cực xây dựng môi trường văn hóa; bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc, văn hóa các dân tộc thiểu số; phát triển sự nghiệp văn học nghệ thuật; đẩy mạnh giao lưu văn hóa với thế giới; xây dựng thể chế và thiết chế văn hóa. Ðồng thời, xác định việc xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp chung của toàn dân. Cùng với việc tăng cường đầu tư của Nhà nước, phải đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa để huy động các nguồn lực cho phát triển.

Thủ tướng khẳng định: Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam là một công trình rất có ý nghĩa, hình thành một trung tâm hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch tầm quốc gia, là nơi tập trung tái hiện, giữ gìn, phát huy và khai thác các di sản văn hóa truyền thống và đặc sắc nhất của 54 dân tộc anh em; đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, hoạt động văn hóa, thể thao của nhân dân trong nước và du khách quốc tế. Ðồng thời, đây cũng là một địa điểm để giới thiệu các giá trị văn hóa nổi tiếng của nhân loại, nơi giao lưu, trao đổi văn hóa giữa Việt Nam với các quốc gia, các nền văn hóa thế giới... Theo kế hoạch đã phê duyệt, đến năm 2015, toàn bộ dự án sẽ được hoàn thành đưa vào vận hành và khai thác. Thủ tướng mong muốn Thủ đô Hà Nội, các địa phương trong cả nước, các dân tộc anh em trên mọi miền đất nước và đồng bào Việt Nam ở nước ngoài hãy phát huy tốt vai trò chủ thể văn hóa, tiếp tục tham gia tích cực vào việc xây dựng và sáng tạo không gian văn hóa, hoàn thiện cơ chế phối hợp để quản lý khai thác, vận hành có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch của các tầng lớp nhân dân, là điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế. Ðây sẽ là "Ngôi nhà chung" của cộng đồng 54 dân tộc anh em Việt Nam và phát huy được vai trò của một trung tâm hoạt động và giao lưu văn hóa, thể thao, du lịch quốc gia và quốc tế, xứng đáng là địa chỉ tin cậy để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước.

Ngay sau tuyên bố khai trương Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là chương trình nghệ thuật chào mừng có chủ đề "Phác họa bức tranh thu nhỏ của đất nước Việt Nam tươi đẹp - nhịp sống trẻ trung - vui cùng bầu bạn - hướng về Ðại lễ" của  hơn 500 diễn viên quần chúng và nghệ sĩ, diễn viên của các đoàn nghệ thuật trung ương và địa phương cùng các nghệ nhân dân tộc trong cả nước. Chương trình có nhiều tiết mục đặc sắc với các loại hình diễn xướng truyền thống: chèo, tuồng, ca trù, dân ca quan họ, ca Huế, bài chòi Nam Trung Bộ, đàn ca tài tử Nam Bộ, hát đồng dao, dân ca Khmer Nam Bộ, múa Chăm, biểu diễn trống Pa-ra-nưng Ninh Thuận, múa lân và trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên, v.v. Bên cạnh đó là phần trình diễn nghệ thuật của các ca sĩ với màn múa minh họa sôi động, cho thấy nhịp sống trẻ trung, hiện đại của một Việt Nam đang từng ngày đổi mới, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Chương trình khép lại với màn pháo hoa rực rỡ trên bầu trời Hà Nội.

* Buổi sáng cùng ngày, đã diễn ra Lễ mở cổng Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam tại khu vực cổng A. Tham dự nghi lễ mở cổng làng, có đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; các đồng chí Ủy viên T.Ư Ðảng: Huỳnh Ðảm, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam; Vũ Trọng Kim, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam; Hoàng Tuấn Anh, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Giàng Seo Phử, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cùng các già làng, trưởng bản và đại diện đồng bào các dân tộc.

Buổi lễ đã diễn ra trong không khí náo nức của ngày lễ hội với màn trình diễn múa lân, múa rồng chào mừng và rước kiệu theo nghi thức truyền thống. Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim đã thực hiện nghi lễ và chính thức tuyên bố mở cổng Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Tiếp theo lễ mở cổng làng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng và các đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành và TP Hà Nội đã tham gia lễ gắn biển Công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội cho làng và giao nhiệm vụ điều hành, quản lý và tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các hạng mục công trình của dự án cho Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Tiếp đó là lễ vinh danh các vị tiên liệt và Tổ nghề Thăng Long - Hà Nội. Cũng trong ngày hôm qua, nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao và vui chơi được tổ chức để phục vụ nhân dân và du khách cùng đồng bào các dân tộc như: triển lãm đặc trưng văn hóa cộng đồng 54 dân tộc; hội chợ ẩm thực, trưng bày, giới thiệu các làng nghề, các trò chơi dân gian; giao lưu, trao đổi văn hóa giữa các dân tộc; biểu diễn văn nghệ dân gian:  thi đấu thể thao, biểu diễn xiếc, thư pháp, thả diều và giao lưu văn hóa nghệ thuật các dân tộc.

Sau lễ khai trương Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam bắt đầu đón khách tham quan nhân dịp Ðại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội. Ban quản lý dự án hiện đã có kế hoạch phối hợp Tổng cục Du lịch tổ chức quảng bá, thiết kế các dịch vụ, tua du lịch, đưa khách đến tham quan và nghiên cứu xây dựng cơ chế cùng các hình thức kết nối chặt chẽ với các địa phương, đào tạo nhân lực cho các khu làng dân tộc.

* Ngày 19-9, UBND thành phố Hà Nội và NXB Hà Nội tổ chức hội thảo giới thiệu Tủ sách "Thăng Long ngàn năm văn hiến". Ðến dự, có đồng chí Phùng Hữu Phú, Ủy viên T.Ư Ðảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo TƯ, đông đảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa.

Dự án "Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến" được triển khai thực hiện từ tháng 6-2006, do NXB Hà Nội là chủ đầu tư, với hai hạng mục trọng tâm là tổ chức điều tra, sưu tầm tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội và biên soạn xuất bản Tủ sách "Thăng Long ngàn năm văn hiến". Dự án đã sưu tầm được nhiều tư liệu quý, tổ chức biên soạn và xuất bản 80 đầu sách trước ngày 10-10 và sẽ tiếp tục xuất bản 14 đầu sách sau ngày 10-10, thuộc các lĩnh vực địa lý, lịch sử, văn hóa - xã hội, kinh tế, văn học - nghệ thuật, tư liệu tổng hợp, góp phần phục vụ công tác nghiên cứu, nhu cầu tìm hiểu về Thăng Long - Hà Nội...

Các ý kiến tại hội thảo đánh giá cao ý nghĩa của Tủ sách, đây là công trình có tính hệ thống, công bố khá toàn diện các tư liệu mà giai đoạn trước chưa được khai thác. Ðây cũng là lần đầu có một dự án xuất bản tập trung đội ngũ các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nhà quản lý tiêu biểu ở tất cả các lĩnh vực. Các đại biểu cũng đề xuất cần phải có kế hoạch quảng bá Tủ sách, đồng thời tiếp tục điều tra, sưu tầm, tiếp tục khai thác tư liệu, biên soạn, xuất bản các bộ sách về Hà Nội, trong đó có bổ sung các tư liệu liên quan đến vùng Hà Nội mở rộng, số hóa các tư liệu về Thăng Long - Hà Nội để phục vụ đông đảo công chúng.

* Sáng 19-9, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật công bố sách kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội và giao lưu giữa NXB, các tác giả với bạn đọc. Các ấn phẩm tiêu biểu chào mừng Hà Nội 1000 năm tuổi gồm 15 ấn phẩm, thuộc sáu nhóm đề tài: lịch sử Thăng Long - Hà Nội, văn hóa Thăng Long - Hà Nội, Thăng Long - Hà Nội địa linh nhân kiệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh với Hà Nội, Hà Nội trong con mắt người nước ngoài và Hà Nội xây dựng và phát triển... Sau phần công bố các ấn phẩm, đại diện NXB, các tác giả đã có cuộc giao lưu với độc giả, chủ yếu là sinh viên các Trường đại học Văn hóa, Khoa học Xã hội và Nhân văn, Học viện Báo chí và Tuyên truyền...

* Ðến nay, công tác chiếu sáng chung quanh hồ Hoàn Kiếm, các tuyến đường: Tràng Tiền, Hàng Khay, Tràng Thi, Ðiện Biên Phủ, chuẩn bị cho Ðại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đã hoàn thành. Từ ngày 25-9 đến 15-10, tại các điểm quanh hồ Hoàn Kiếm, Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Sân vận động Mỹ Ðình, Hồ Tây, hồ Thiền Quang sẽ được bổ sung đèn chiếu sáng trang trí. Ngoài ra, các doanh nghiệp sẽ đầu tư khoảng 25 tỷ đồng để chiếu sáng kiến trúc và tạo điểm nhấn cho những cây cầu  Thăng Long, Chương Dương, Vĩnh Tuy, Thanh Trì...
 
                                                                                  Theo Báo Nhandan

Các tin khác


Tiếp tục trình Quốc hội thảo luận hai phương án rút bảo hiểm một lần

Sáng 27/5, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Quản lý, sử dụng hiệu quả gói hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, tránh thất thoát, lãng phí

Hôm nay 25/5, ngày làm việc thứ 6, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã dành phần lớn thời gian xem xét kết quả giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Đại biểu Đặng Bích Ngọc, Phó trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình đã phát biểu đóng góp ý kiến. Báo Hòa Bình giới thiệu toàn văn bài phát biểu.

Tăng cường phòng chống tham nhũng, lãng phí trong các dự án quan trọng quốc gia

Đoàn giám sát của Quốc hội đánh giá, các chính sách tại Nghị quyết số 43 là kịp thời, hợp lòng dân song vẫn còn tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong quá trình thực hiện.

Giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo: Phát huy vai trò người đứng đầu giải quyết thấu đáo việc liên quan đến người dân

Với phương châm, quan điểm lãnh đạo xây dựng chính quyền liêm chính, phục vụ, thực sự "vì nhân dân phục vụ”; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) có phong cách làm việc "trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”... thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh luôn chú trọng giải quyết thấu đáo các vấn đề liên quan đến người dân, nhất là công tác tiếp nhận, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo (KNTC) của công dân.

Huyện Cao Phong đưa việc học tập và làm theo Bác đi vào thực chất

Đồng chí Nguyễn Quang Hưng, Phó Bí thư TT Huyện ủy Cao Phong cho biết: Xác định tầm quan trọng và ý nghĩa của việc tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo (HT<) tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị (Kết luận số 01-KL/TW) về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Huyện ủy Cao Phong đã ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc Kết luận số 01 và thực hiện chuyên đề toàn khóa, chuyên đề hàng năm gắn với thực hiện NQT.Ư 4 (khóa XII) và Kết luận số 21, ngày 25/10/2021 của BCH T.Ư Đảng (khóa XIII) về "đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa” và nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, địa phương… Trong đó chú trọng đưa nội dung HT< tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào chương trình, kế hoạch thực hiện nghị quyết của đảng bộ cấp mình gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị; lựa chọn nội dung trọng tâm, đột phá, những vấn đề bức xúc, nổi cộm của địa phương, đơn vị để lãnh đạo thực hiện, tránh qua loa, hình thức ở cơ sở...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục