Các đoàn đại biểu QH Thái Nguyên, Thanh Hóa và Cần Thơ thảo luận ở tổ.
* Báo cáo kết thúc xây dựng và đưa vào vận hành công trình quan trọng quốc gia dự án Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất Ngày 4-11, ngày làm việc thứ 13, kỳ họp thứ tám, QH khóa XII. Buổi sáng, QH thảo luận ở tổ về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán. Buổi chiều, QH làm việc tại hội trường, nghe Chính phủ trình hai dự án Luật Ðo lường; Luật Thủ đô và Báo cáo kết thúc xây dựng và đưa vào vận hành công trình quan trọng quốc gia Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất.
Luật Chứng khoán sửa đổi khắc phục nhiều vấn đề bất cập
Thảo luận ở tổ về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, nhiều đại biểu bày tỏ sự đồng tình về sự cần thiết ban hành luật này. Luật Chứng khoán được QH thông qua ngày 29-6-2006, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2007. Sau hơn ba năm thực hiện, Luật Chứng khoán đã có những đóng góp quan trọng, làm cơ sở pháp lý điều chỉnh các hoạt động phát hành, kinh doanh, đầu tư chứng khoán, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển thị trường chứng khoán (TTCK). Tuy nhiên, TTCK phát triển khá nhanh chóng, phát sinh thêm nhiều yếu tố mới chưa được đề cập trong luật, đồng thời có một số nội dung của luật không còn phù hợp với thực tiễn và tiến triển của thị trường. Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán nhằm giải quyết những vấn đề nêu trên.
Chung quanh phạm vi sửa đổi của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, các đại biểu đồng tình với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của QH, cho rằng, dự thảo luật đã tập trung sửa đổi, bổ sung 20 điều và bãi bỏ một điều trong tổng số 136 điều của Luật Chứng khoán hiện hành. Nội dung sửa đổi, bổ sung khắc phục được khá nhiều vấn đề bất cập hiện nay. Bên cạnh đó, giúp tăng cường công tác quản lý Nhà nước nhằm hạn chế tình trạng lũng đoạn thị trường qua việc bổ sung hành vi vi phạm trong kinh doanh chứng khoán và chế tài xử phạt; khuyến khích và đẩy mạnh giao dịch chứng khoán trên thị trường. Hơn nữa, giúp tăng cường tính minh bạch nhằm lành mạnh hóa hoạt động đầu tư, kinh doanh chứng khoán, qua việc sửa đổi, bổ sung đối tượng cũng như nội dung công bố thông tin trên TTCK; mở rộng đối tượng áp dụng quy định về quản trị công ty theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, phạm vi sửa đổi, bổ sung luật chưa giải quyết hoặc giải quyết chưa triệt để một số bất cập hiện nay đang gây ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của thị trường chứng khoán. Theo ý kiến của các đại biểu: Hà Văn Hiền, Nguyễn Hồng Sơn, Nguyễn Thị Nguyệt Hường (TP Hà Nội): Số các công ty chứng khoán (CTCK), công ty quản lý quỹ ra đời trong thời gian qua lên đến hơn 100, trong đó có không ít các công ty quy mô nhỏ, năng lực quản lý yếu kém, làm ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam. Việc sửa đổi, bổ sung điều kiện cấp phép thành lập CTCK, công ty quản lý quỹ với các điều kiện thành lập cần được xem xét chặt chẽ như việc thành lập các tổ chức tín dụng (TCTD) để bảo đảm các công ty này đủ năng lực hoạt động trên TTCK.
Liên quan một số vấn đề về địa vị pháp lý của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước được đề cập trong dự thảo luật, một số ý kiến cho rằng: đây là một vấn đề lớn, chi phối rất nhiều nội dung khác của Luật, trong khi Luật Chứng khoán mới có hiệu lực thi hành hơn ba năm. Vì thế cần có thêm thời gian để tổng kết đánh giá một cách đầy đủ, chưa nhất thiết sửa đổi những quy định về địa vị pháp lý của Ủy ban trong lần sửa đổi này. Về việc công bố thông tin trên TTCK, một số đại biểu nhất trí như dự thảo luật. Theo đó, đề nghị các TCTD là các công ty đại chúng, bên cạnh việc công bố thông tin như quy định của Luật Tín dụng, phải đáp ứng các quy định của Luật Chứng khoán để bảo đảm cung cấp thông tin chính xác cho các nhà đầu tư. Về điều kiện chào bán cổ phiếu ra công chúng của các TCTD, tại khoản 1, Ðiều 12 Luật Chứng khoán hiện hành, quy định một trong các điều kiện chào bán cổ phiếu ra công chúng là doanh nghiệp hoạt động kinh doanh có lãi tại năm liền trước năm đăng ký chào bán. Ý kiến một số đại biểu cho rằng, điều kiện này không phù hợp với các TCTD trong bối cảnh hiện nay, vì thế nhất trí với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của QH đề nghị không áp dụng quy định nói trên với các TCTD trong trường hợp TCTD phát hành cổ phiếu để tăng vốn theo yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền.
Một số ý kiến cho rằng, hiện nay, trên thị trường xuất hiện không ít hành vi thao túng thị trường, kiếm lời bất chính, gây ảnh hưởng xấu đến lợi ích của các nhà đầu tư và sự phát triển của TTCK. Vì vậy, đề nghị bổ sung thêm quy định về thẩm quyền của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong việc xác minh bằng chứng gian lận, giúp tăng cường phòng, chống, phát hiện và xử lý các hành vi gian lận trên TTCK. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Hà Văn Hiền cho biết, trong luật hiện hành đã quy định 10 hành vi vi phạm, trong đó có quy định thẩm quyền cấp nào được xử lý và xử lý đến mức nào. Tuy nhiên, vừa qua có những hành vi vi phạm trong luật chưa đề cập. Vì thế, cần bổ sung thêm 1 khoản tại Ðiều 120 (Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính) giao cho Chính phủ quy định cụ thể các hành vi và mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm mới trên TTCK là hợp lý. Theo đó, Ủy ban Kinh tế của QH kiến nghị Chính phủ giao Ủy ban Chứng khoán Nhà nước quyền được tiến hành, điều tra, xác minh các hành vi vi phạm để trên cơ sở đó có biện pháp xử lý kịp thời.
Buổi chiều, QH làm việc tại hội trường nghe Chính phủ trình dự án Luật Ðo lường; Báo cáo kết thúc xây dựng và đưa vào vận hành công trình quan trọng quốc gia Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất; dự án Luật Thủ đô và nghe Báo cáo thẩm tra các dự án, báo cáo nói trên.
Quy chuẩn hóa hoạt động đo lường
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Hoàng Văn Phong trình bày Tờ trình dự án Luật Ðo lường. Tờ trình nêu rõ, hoạt động đo lường có vai trò quan trọng không thể thiếu đối với đời sống xã hội, góp phần bảo đảm công bằng xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi tổ chức, cá nhân trong quan hệ giao dịch kinh tế, dân sự; góp phần sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường; là công cụ đắc lực góp phần nâng cao năng suất, chất lượng phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế. Ðến nay, chúng ta đã có mười chuẩn quốc gia và dự kiến đến hết năm 2010 có 22 chuẩn quốc gia khác sẽ được phê duyệt. Hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về đo lường từ T.Ư đến địa phương, hệ thống tổ chức kiểm định phương tiện đo trên cả nước đã được thiết lập. Tuy nhiên, hoạt động đo lường hiện còn nhiều bất cập do độ chính xác, phạm vi đo của chuẩn quốc gia và thiết bị sao truyền còn hạn chế; hệ thống tổ chức kiểm định phương tiện đo mới chỉ đáp ứng từ 60% đến 70% nhu cầu kiểm định; công nghệ sản xuất phương tiện đo còn nhiều hạn chế, trình độ thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu trong nước; chưa tách bạch hoạt động dịch vụ kỹ thuật về đo lường với công tác quản lý nhà nước về đo lường; chưa có quy định đầy đủ các biện pháp quản lý để ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về đo lường. Trước thực trạng hoạt động đo lường và thực trạng pháp luật cho thấy, việc ban hành Luật Ðo lường để điều chỉnh thống nhất và toàn diện hoạt động đo lường ở nước ta là điều cần thiết và cấp bách. Luật Ðo lường được soạn thảo theo tinh thần đổi mới cơ chế, chính sách phát triển hoạt động đo lường, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động đo lường, tăng cường hiệu lực của cơ quan quản lý nhà nước về đo lường góp phần bảo đảm công bằng xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; bảo đảm an toàn; bảo vệ sức khỏe, môi trường; nâng cao chất lượng hàng hóa; bảo đảm an ninh, quốc phòng và đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ. Chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống chuẩn đo lường quốc gia bảo đảm tính thống nhất và chính xác của đo lường trên phạm vi cả nước, đồng thời đáp ứng yêu cầu quốc tế.
Báo cáo thẩm tra dự án Luật Ðo lường do Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KHCN và MT) của QH Ðặng Vũ Minh trình bày cơ bản thống nhất với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật Ðo lường. Nội dung của dự thảo Luật Ðo lường đã cụ thể hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Ðảng về phát triển, quản lý hoạt động đo lường và thống nhất với hệ thống pháp luật Việt Nam. Những quy định của luật nói chung bảo đảm sự tương thích thông lệ quốc tế về đo lường. Tuy nhiên, còn một số nội dung cần được nghiên cứu, bổ sung và chỉnh lý cho phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành như: pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; về khiếu nại, tố cáo; về hình sự và về xử lý vi phạm hành chính.
Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất vận hành an toàn, ổn định
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng trình bày Báo cáo kết thúc xây dựng và đưa vào vận hành công trình quan trọng quốc gia Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất (NMLD).
Theo báo cáo của Chính phủ, sau nhiều năm nghiên cứu, lập dự án, ngày 5-12-1997, Quốc hội khóa X đã thông qua Nghị quyết số 07/1997/QH 10 về Dự án NMLD số 1 Dung Quất và xác định là công trình quan trọng quốc gia. Ngày 14-6-2005, QH khóa XI thông qua Nghị quyết số 44/2005/QH 11 về việc tập trung chỉ đạo xây dựng NMLD số 1 Dung Quất. Sau bốn năm triển khai xây dựng, ngày 22-2-2009, NMLD số 1 Dung Quất đã sản xuất ra dòng sản phẩm đầu tiên và được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng nghiệm thu. Ngày 30-5-2010, NMLD số 1 Dung Quất chính thức bàn giao và đi vào vận hành thương mại, hiện đang vận hành 100% công suất thiết kế. Nhà máy có tổng mức đầu tư 3,053 tỷ USD.
Ðến nay, NMLD số 1 Dung Quất đi vào vận hành an toàn, ổn định, đạt 100% công suất thiết kế, chế biến 6,5 triệu tấn dầu thô/năm, sản xuất ra các sản phẩm xăng, dầu đạt chất lượng theo tiêu chuẩn Việt Nam. Việc xây dựng và đưa vào vận hành nhà máy đã đáp ứng khoảng 30% nhu cầu tiêu thụ xăng, dầu trong nước, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, phát huy hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên dầu mỏ của đất nước, giảm phụ thuộc vào sản phẩm nhập khẩu, giảm nhập siêu; tạo sự đột phá trong phát triển đối với tỉnh Quảng Ngãi, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực miền trung và đất nước. NMLD số 1 Dung Quất có công nghệ tiên tiến hiện đại, xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế, bảo đảm các tiêu chuẩn về an toàn, phòng, chống cháy nổ. Về tiến độ, NMLD số 1 Dung Quất sản xuất và đưa ra các sản phẩm đạt chất lượng cung cấp ra thị trường trong nước tháng 2-2009 phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 44/2005/QH của QH. Công tác di dân, đền bù, giải phóng mặt bằng đã cơ bản được làm tốt. Chi phí thực hiện dự án nằm trong tổng mức đầu tư được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến nay không phát hiện xảy ra lãng phí, thất thoát, tham nhũng.
Tuy nhiên, một số tồn tại trong quá trình triển khai dự án. Cụ thể: Quá trình triển khai dự án kéo dài, tiến độ bàn giao nhà máy chậm khoảng chín năm so với yêu cầu trong Nghị quyết số 07/1997/QH 10 của QH. Nguyên nhân do dự án chuyển đổi hình thức đầu tư nhiều lần; công tác chỉ đạo điều hành có lúc chưa quyết liệt. Công tác quản lý dự án và cơ chế chính sách đầu tư xây dựng vẫn bộc lộ hạn chế dẫn tới một số vướng mắc nảy sinh trong quá trình thực hiện dự án chưa được xử lý kịp thời. Công tác di dân, đền bù, giải phóng mặt bằng còn một số bất cập cần tiếp tục được xử lý.
Báo cáo của Chính phủ khẳng định, công trình quan trọng quốc gia NMLD số 1 Dung Quất hoàn thành và đưa vào vận hành đã đáp ứng cơ bản các yêu cầu đã đề ra trong Nghị quyết số 07/1997/QH 10 và Nghị quyết số 44/2005/QH của QH. Ðến thời điểm này, có thể khẳng định Nghị quyết của QH về chủ trương đầu tư dự án NMLD số 1 Dung Quất là đúng đắn, đem lại hiệu quả thiết thực về kinh tế, chính trị, xã hội và an ninh quốc phòng. Chính phủ kiến nghị QH xem xét công nhận kết thúc việc xây dựng công trình quan trọng quốc gia NMLD số 1 Dung Quất và giao Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Chủ đầu tư hoàn thành toàn bộ công tác quyết toán và vận hành công trình an toàn, hiệu quả.
Báo cáo thẩm tra việc kết thúc xây dựng và đưa vào vận hành công trình quan trọng quốc gia NMLD số 1 Dung Quất do Chủ nhiệm Ủy ban KHCN và MT của QH Ðặng Vũ Minh trình bày cho biết, trên cơ sở Nghị quyết số 07/1997/QH 10, hằng năm, từ năm 1998 đến năm 2009 Ủy ban KHCN và MT của QH đã tổ chức giám sát việc thực hiện dự án và báo cáo kết quả giám sát tại các kỳ họp QH. Ủy ban đã có nhiều kiến nghị đối với QH, Chính phủ và các bộ, ngành hữu quan các giải pháp góp phần tháo gỡ các khó khăn trong quá trình thực hiện dự án. Về kết quả dự án, Ủy ban này cơ bản thống nhất với báo cáo của Chính phủ về những thành công cơ bản mà dự án mang lại. Tuy nhiên, Báo cáo thẩm tra cũng chỉ ra một số hạn chế tồn tại của dự án, cần rút kinh nghiệm. Ðó là việc chậm tiến độ chín năm so với Nghị quyết của QH, do chưa được Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện quyết liệt, dự toán và phương án huy động nguồn tài chính, lựa chọn nhà thầu liên danh chưa thật sự chuẩn xác. Nhà máy hoạt động 100% công suất thiết kế, nhưng tồn tại nhỏ về kỹ thuật. Còn một số hạng mục cần thanh toán, quyết toán theo quy định. Việc huy động nguồn nhân lực và thu xếp tài chính cho dự án chưa đáp ứng yêu cầu trong từng giai đoạn triển khai cụ thể. Ủy ban KHCN và MT của QH cũng đề nghị QH xem xét ban hành nghị quyết về việc công nhận kết thúc xây dựng công trình quan trọng quốc gia NMLD số 1 Dung Quất.
Nhiều cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thủ đô
Cuối giờ chiều, QH đã nghe Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Thủ đô. Theo tờ trình của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ QH đã thông qua Pháp lệnh Thủ đô năm 2000, nhưng sau chín năm thực hiện Pháp lệnh Thủ đô đã bộc lộ nhiều bất cập. Nhiều quy định trong Pháp lệnh sau này không thực hiện được do các quy định trong các đạo luật mới được QH thông qua sau đó. Ðặc biệt, Pháp lệnh chưa có những quy định đặt ra yêu cầu cao hơn, nghiêm ngặt hơn đối với Thủ đô so với mặt bằng chung của cả nước trong quản lý đô thị. Do vậy, việc ban hành Luật Thủ đô là cần thiết, tạo cơ sở pháp lý để xây dựng, quản lý và phát triển Thủ đô Hà Nội, nhất là sau khi Thủ đô Hà Nội đã được mở rộng về địa giới hành chính.
Dự án Luật Thủ đô được xây dựng trên tinh thần tiếp tục thể chế hóa Nghị quyết số 15/T.Ư và Nghị quyết số 15/QH về xây dựng phát triển, quản lý Thủ đô; bảo đảm phù hợp Hiến pháp, chỉ sửa đổi, bổ sung cơ chế đặc thù so với Pháp lệnh Thủ đô. Dự án Luật Thủ đô quy định ba nhóm nội dung lớn. Một là, những vấn đề chung về vị trí, vai trò của Thủ đô; mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển Thủ đô; trách nhiệm của Thủ đô đối với cả nước; biểu tượng của Thủ đô và công dân danh dự Thủ đô; chính sách chung về đầu tư xây dựng Thủ đô. Hai là, một số chính sách đặc thù trong xây dựng, phát triển, quản lý Thủ đô. Ba là, trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý Thủ đô của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Dự án Luật Thủ đô đưa ra sáu mục tiêu cụ thể và chính sách đặc thù trong xây dựng và phát triển, quản lý Thủ đô. Trong đó, có nhiều quy định về giao thông, môi trường, dịch vụ hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội có yêu cầu cao hơn, khắt khe hơn đối với Thủ đô so với pháp luật hiện hành áp dụng chung cho cả nước. Dự thảo luật cũng đưa ra một số chính sách đặc thù về cơ chế tài chính như Thủ đô được sử dụng toàn bộ khoản thu ngân sách T.Ư vượt dự toán. Tờ trình của Chính phủ xin ý kiến QH một số vấn đề về thu thêm phí lưu thông phương tiện giao thông; quy định thu hai loại phí trong hai lĩnh vực là môi trường và giao thông cao hơn; áp dụng mức xử phạt tiền cao hơn đối với một số hành vi vi phạm hành chính ở khu vực nội thành.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của QH do Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Văn Thuận trình bày, tán thành với chủ trương cần ban hành một đạo luật với những cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện cho việc xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội. Ủy ban Pháp luật cũng tán thành với quy định cần có cơ chế, chính sách đặc thù đối với Hà Nội để có thể khai thác tiềm năng, phát huy thế mạnh, nhằm phát triển Thủ đô xứng đáng là bộ mặt của cả nước. Tuy nhiên cơ chế, chính sách đặc thù phải bảo đảm các nguyên tắc như: các cơ chế, chính sách đặc thù đặt ra cho Hà Nội ngoài việc phải bảo đảm phù hợp Hiến pháp, còn cần phải bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Các cơ chế, chính sách đặc thù phải được xây dựng dựa trên đặc điểm Hà Nội là Thủ đô của cả nước. Các cơ chế, chính sách đặc thù cần được quy định cụ thể ngay trong luật. Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù đối với Hà Nội không đồng nghĩa với việc chỉ lấy thẩm quyền của Trung ương để phân cấp cho Hà Nội mà cũng cần nghiên cứu để xác định có những vấn đề tuy là của Hà Nội, nhưng Trung ương cần quyết định, cần đầu tư nhằm tạo điều kiện cho Hà Nội phát triển, giữ vai trò là Thủ đô của cả nước. Cùng với việc đặt ra cho Hà Nội một số cơ chế, chính sách đặc thù theo hướng mở hơn so với các địa phương khác, luật cần đặt ra các quy định mang tính ràng buộc, kiểm soát chặt chẽ hơn như quan điểm chỉ đạo xây dựng luật được nêu trong Tờ trình của Chính phủ.
Về một số vấn đề liên quan việc áp dụng xử phạt hành chính và quy định mức thu đối với một số loại phí ở khu vực nội thành cao hơn so với mức chung của cả nước như trong Tờ trình của Chính phủ, Ủy ban Pháp luật của QH cho rằng chưa thuyết phục.
(HBĐT) - Ngày 3/11, đoàn công tác của TT HĐND tỉnh do đồng chí Đinh Duy Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn đã tiến hành giám sát tổng thể tình hình phát triển KT-XH tại huyện Kỳ Sơn. Tham gia đoàn giám sát có lãnh đạo các ban: KT-NS, VH-XH, Pháp chế (HĐND tỉnh); các sở, ngành của tỉnh, Huyện ủy, UBND huyện Kỳ Sơn; đại biểu HĐND tỉnh ở cơ sở.
Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc, giữ vững an ninh quốc gia và chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ là quan điểm nhất quán và xuyên suốt của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam.
Ngày 3/11, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cùng đoàn công tác đã đi máy bay trực thăng thị sát tình hình mưa lũ tại Khành Hòa và Ninh Thuận; đến thăm đồng bào thôn Thuận Lợi, xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước và chỉ đạo tỉnh Ninh Thuận khắc phục hậu quả lũ lụt
Ngày 3-11, Quốc hội (QH) làm việc tại hội trường, thảo luận về tình hình thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2010; dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách T.Ư năm 2011; nghe Chính phủ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Ủy ban Thường vụ QH trình dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của QH năm 2011.
(HBĐT) - Trong 2 ngày 3 và 4/11, tại Khách sạn APPlaza (thành phố Hoà Bình), Tổng cục DS - KHHGĐ đã phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức “Hội thảo chia sẻ tầm nhìn giải quyết vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam”.
(HBĐT) - Ngày 3/11, Công đoàn Viên chức tỉnh (CĐVC) phối hợp với Hội Chữ thập đỏ ( HCTĐ) tỉnh ký kết chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2010 - 2013.