Ngày 3-11, Quốc hội (QH) làm việc tại hội trường, thảo luận về tình hình thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2010; dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách T.Ư năm 2011; nghe Chính phủ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Ủy ban Thường vụ QH trình dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của QH năm 2011.

 

Tăng thu, giảm chi

Các ý kiến thảo luận tập trung đánh giá việc thực hiện mục tiêu ngân sách theo Nghị quyết của QH; việc chi vượt so với dự toán; hiệu quả chi tiêu, quản lý điều hành ngân sách năm 2010; nhiệm vụ thu chi, cơ cấu thu, chi ngân sách năm 2011 và đưa ra các giải pháp bảo đảm ngân sách được điều hành thống nhất, đúng mục tiêu trong năm 2011.

Nhiều đại biểu đánh giá cao kết quả tăng trưởng kinh tế, thu, chi ngân sách năm 2010, trong đó mức tăng trưởng GDP cả năm tăng khoảng 6,7%, cao hơn chỉ tiêu QH thông qua; nguồn thu ngân sách tăng và bội chi ngân sách giảm so với dự kiến đề ra từ đầu năm. Ðiều này thể hiện sự nỗ lực và quyết liệt trong điều hành của Chính phủ trước những khó khăn của nền kinh tế. Tuy nhiên, Chính phủ cần làm rõ một số vấn đề liên quan mức độ lạm phát và công tác điều hành giá. Ðại biểu Ðỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) cho rằng, QH ra nghị quyết phấn đấu mức lạm phát không quá 7% trong năm 2010, nhưng với những gì đang diễn ra cho thấy, khó có thể thực hiện theo kế hoạch và mức lạm phát dự báo có thể lên đến 9%. Nguyên nhân của lạm phát tăng cao một phần do công tác điều hành giá của Chính phủ còn lúng túng. Ðại biểu này đưa ra dẫn chứng, từ năm 2008 đến nay, riêng  giá sữa đã tăng hơn mười lần. Ðại biểu Ðỗ Mạnh Hùng đề nghị, Chính phủ có báo cáo về công tác điều hành giá và có giải pháp trong thời gian tới. Cũng theo đại biểu Ðỗ Mạnh Hùng, trong khi GDP tăng hằng năm, nhưng bội chi ngân sách vẫn đưa ra mức 5% GDP là không hợp lý, vì như vậy thực chất bội chi vẫn tăng theo từng năm. Liên quan bội chi ngân sách, đại biểu Ðỗ Thị Lan (Quảng Ninh) và đại biểu Lê Văn Thành (Hải Phòng) đề nghị, cần có biện pháp giảm bội chi ngân sách dưới 5%, thông qua kiểm tra, giám sát việc chi ngân sách tại các dự án. Ngay trong báo cáo của Chính phủ nêu rõ, chi ngân sách năm 2010 còn một số bất cập, đầu tư còn dàn trải. Ðại biểu Lương Phan Cừ (Ðác Nông) cho rằng, GDP tăng nhưng lạm phát cũng tăng theo khiến chất lượng tăng trưởng chưa cao. Ðại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Ðồng) và đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) đặt câu hỏi, nợ công của Việt Nam hiện nay là bao nhiêu và đã vượt ngưỡng an toàn chưa?    

Tập trung đầu tư các công trình phúc lợi

Thảo luận dự toán và phân bổ ngân sách T.Ư năm 2011, nhiều đại biểu cho rằng, Chính phủ cần sắp xếp lại cơ chế và cơ cấu chi, trong đó tăng chi cho các công trình phúc lợi, an sinh xã hội và huy động các nguồn vốn xã hội đầu tư cho phát triển. Cùng với đó, cần có kế hoạch sắp xếp và cân đối lại mặt bằng chi, theo hướng đáp ứng nhu cầu thật cơ bản giữa các địa phương; điều chỉnh một số hệ số và điều hành hợp lý để có nhiều nguồn thu hơn.

Theo các đại biểu Nguyễn Danh Út (Kiên Giang) và Cầm Chí Kiên (Sơn La), phân bổ nguồn vốn cho chương trình mục tiêu quốc gia còn dàn trải, do vậy cần thu gọn đầu mối, đầu tư có trọng điểm, tránh lãng phí, lạm chi. Tăng ngân sách cho người nghèo, vùng nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, hải đảo, từng bước rút ngắn khoảng cách giữa miền núi và thành thị.

Ðại biểu Nguyễn Ngọc Ðào (Hà Nội) cho rằng, dự toán ngân sách T.Ư năm 2011 cần đặt trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, nhất là cuộc chiến tiền tệ đang manh nha diễn ra trên thế giới. Ðây là những điều kiện khách quan, nhưng có tác động trực tiếp đến kinh tế trong nước. Ðại biểu này cũng đề nghị giảm chi ngân sách Nhà nước cho lễ hội, tăng cường xã hội hoá lễ hội, chấm dứt đầu tư dàn trải. Phải minh bạch hóa chi ngân sách và lập hành lang pháp lý để nâng cao tính minh bạch. Ðại biểu Nguyễn Ngọc Ðào cho biết, qua mười năm là đại biểu QH, chưa thấy có báo cáo của địa phương nào về việc chi ngân sách như thế nào, hiệu quả cụ thể đến đâu.

Hầu hết các đại biểu góp ý kiến cho rằng, bội chi ngân sách năm 2011 5,5% GDP như dự kiến là quá cao, cần đưa về mức dưới 5% mới hợp lý và phải có giải pháp để mức bội chi giảm dần theo từng năm, không thể tăng theo từng năm như thời gian vừa qua.  Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Bình Thuận) cho rằng, trước diễn biến phức tạp của kinh tế thế giới cũng như thiên tai tại miền trung gây thiệt hại nặng nề, cần lập dự phòng ngân sách  thỏa đáng cho năm 2011 để chủ động trong điều hành.

Nhiều đại biểu đồng tình với kế hoạch phát hành Trái phiếu Chính phủ trong năm 2011  với số tiền  45.000 tỷ đồng. Các đại biểu đề nghị trước khi phát hành, Chính phủ cần báo cáo kết quả sử dụng Trái phiếu Chính phủ trong thời gian qua, để QH xác định hiệu quả của việc sử dụng Trái phiếu. Ðại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) cho rằng, cần kiểm soát chặt việc sử dụng Trái phiếu Chính phủ, chấn chỉnh hoạt động đầu tư theo hướng tiết kiệm triệt để. Vốn trái phiếu cần tập trung đầu tư vào hệ thống hạ tầng vùng nông thôn, bảo vệ môi trường, hệ thống an sinh xã hội. Ðại biểu Nguyễn Ðình Xuân (Tây Ninh) cho rằng, tập trung đầu tư các nguồn vốn, trong đó có Trái phiếu Chính phủ vào khu vực nông thôn, môi trường, và an sinh xã hội là điều rất cần thiết. Thực tế cho thấy, những chỉ tiêu kinh tế - xã hội không đạt kế hoạch thời gian qua chủ yếu rơi vào khu vực nông thôn và vấn đề môi trường.

Cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán

Ðọc Tờ trình về dự án Luật  sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết, qua tổng kết, rà soát cho thấy, nội dung cơ bản của Luật Chứng khoán hiện vẫn phù hợp. Trong tổng số 136 điều của luật hiện hành, Chính phủ đề nghị sửa đổi, bổ sung 20 điều và bãi bỏ một điều. Nội dung sửa đổi, bổ sung tập trung chủ yếu vào một số vấn đề như: Chào bán chứng khoán riêng lẻ, chào bán chứng khoán ra công chúng, chào mua công khai, thị trường giao dịch chứng khoán, điều kiện thành lập và hoạt động công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công bố thông tin và xử lý vi phạm.

Thẩm tra dự án luật nói trên, Ủy ban Kinh tế của QH nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán để phù hợp thực tiễn và tiến triển của thị trường. Nội dung sửa đổi, bổ sung đã khắc phục được khá nhiều vấn đề bất cập hiện nay. Tuy nhiên, về phạm vi sửa đổi của dự án luật, Ủy ban Kinh tế đề nghị xem xét sửa đổi, bổ sung thêm quy định về điều kiện cấp phép thành lập công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ tại Ðiều 62 Luật Chứng khoán theo hướng tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính và hoạt động nhưng phải quy định chặt chẽ các tiêu chí về năng lực của các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ để thị trường phát triển một cách ổn định, lành mạnh, phù hợp từng giai đoạn phát triển.

Về việc bổ sung các loại hình chứng khoán, trong đó có 'Hợp đồng góp vốn đầu tư' (khoản 3 và khoản 4 Ðiều 1 dự thảo luật), nhiều ý kiến trong Ủy ban Kinh tế nhất trí với việc bổ sung thêm các loại hình chứng khoán và giao Bộ Tài chính quy định các loại chứng khoán khác, nhằm cập nhật những sản phẩm mới phát sinh theo tiến triển của thị trường, bảo đảm thị trường chứng khoán vận hành thông suốt và hiệu quả trong khuôn khổ pháp luật.

Tuy nhiên, có ý kiến không nhất trí với quy định 'hợp đồng góp vốn đầu tư là một loại hình chứng khoán' vì cho rằng: hợp đồng góp vốn đầu tư chỉ là thỏa thuận giữa các bên nhằm xác lập quan hệ về hợp đồng, trong đó quy định rõ quyền và nghĩa vụ của các bên để thực hiện một công việc hoặc dịch vụ cụ thể, mà chưa đáp ứng điều kiện 'là bằng chứng xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với tài sản hoặc phần vốn của tổ chức phát hành' như định nghĩa thuật ngữ 'chứng khoán' được quy định tại khoản 1 Ðiều 6 Luật Chứng khoán hiện hành; việc đưa hợp đồng góp vốn đầu tư vào đối tượng điều chỉnh của Luật Chứng khoán sẽ gây xung đột với Luật Ðầu tư. Do đó, đề nghị xem xét, giải thích rõ hơn việc bổ sung 'hợp đồng góp vốn đầu tư' là một loại chứng khoán.

Ủy ban Kinh tế của QH còn nêu ý kiến về một số vấn đề cụ thể khác của dự án Luật  sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, như về quy định việc chuyển nhượng chứng khoán chào bán riêng lẻ bị hạn chế tối thiểu một năm; các đợt chào bán chứng khoán riêng lẻ phải cách nhau ít nhất sáu tháng (khoản 6 và khoản 9 Ðiều 1 dự thảo luật); về quy định các công ty đại chúng, không phân biệt niêm yết hay chưa niêm yết đều phải áp dụng quy định quản trị công ty theo quy định của Bộ Tài chính (khoản 13 Ðiều 1 dự thảo luật).

Hoạt động giám sát của QH đạt hiệu quả thiết thực

Theo Tờ trình của Ủy ban Thường vụ QH về dự kiến chương trình hoạt động giám sát của QH năm 2011 do Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Văn phòng QH Trần Ðình Ðàn trình bày, năm 2010, hoạt động giám sát của QH, Ủy ban Thường vụ QH, các cơ quan của QH, các Ðoàn đại biểu QH và đại biểu QH tiếp tục được đẩy mạnh, có nhiều cải tiến về quy trình, thủ tục, cách thức giám sát; đạt được những kết quả nhất định; hoàn thành chương trình, kế hoạch đề ra.

Hoạt động giám sát tối cao tại kỳ họp QH đã được tiến hành theo đúng quy định của pháp luật, đạt hiệu quả thiết thực. Trong đó, có một số điểm nổi bật là: Hoạt động chất vấn tiếp tục được nâng cao về chất lượng, tăng cường tính đối thoại, tranh luận thẳng thắn, cầu thị, không né tránh trách nhiệm; đi sâu làm rõ thực chất theo nhóm những vấn đề lớn, bức xúc được dư luận xã hội và cử tri cả nước quan tâm; các vấn đề được chất vấn tập trung hơn, chú trọng những việc ở tầm vĩ mô, với sự tham gia trả lời của Thường trực Chính phủ và nhiều bộ trưởng, trưởng ngành có trách nhiệm liên quan; được dư luận và cử tri hoan nghênh. Hoạt động giám sát theo chuyên đề được tiến hành công phu; việc lựa chọn các nội dung giám sát là đúng đắn, thiết thực, phù hợp tình hình thực tế. Tại kỳ họp thứ bảy, QH giám sát chuyên đề Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học, ra nghị quyết sau giám sát với nhiều kiến nghị xác đáng, sát thực, góp phần tạo chuyển biến tích cực trong chỉ đạo, điều hành; hoàn thiện hệ thống pháp luật về vấn đề này. Tại kỳ họp thứ tám, QH sẽ trực tiếp giám sát chuyên đề Việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực liên quan đến công dân và doanh nghiệp theo Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2001-2010 và tiến hành hoạt động chất vấn theo chương trình đề ra. Giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri giữa hai kỳ họp, mặc dù mới được triển khai trong một vài kỳ họp gần đây nhưng đã đạt được kết quả nhất định, bước đầu đáp ứng nguyện vọng của cử tri. Kết quả hoạt động giám sát tối cao đã góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của QH trong việc xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Tờ trình cũng nêu rõ, hoạt động giám sát của QH năm 2010  còn những hạn chế nhất định, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của tình hình hiện nay. Giám sát việc ban hành văn bản pháp quy hướng dẫn thi hành luật, nghị quyết của QH, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ QH chưa được quan tâm đúng mức. Kết quả giám sát giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân  hạn chế. Việc theo dõi, đánh giá thực hiện các kiến nghị sau giám sát còn chưa làm được nhiều; chưa có bộ phận chuyên theo dõi, đôn đốc, báo cáo về vấn đề này; thiếu những chế tài cụ thể để nâng cao trách nhiệm của cơ quan chịu sự giám sát trong việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát. Lực lượng cán bộ phục vụ còn mỏng, các điều kiện bảo đảm cho công tác giám sát hạn chế.

Căn cứ đặc điểm, tình hình năm 2011, Ủy ban Thường vụ QH đề nghị QH xem xét, quyết định Chương trình hoạt động giám sát của QH năm 2011 như sau:

- Tại kỳ họp thứ chín, QH khóa XII (dự kiến tháng 3-2011), QH xem  xét các báo cáo công tác cả nhiệm kỳ khóa XII của QH, Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ QH, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng  Kiểm sát Nhân dân tối cao theo luật định; tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu QH (nếu có).

- Tại kỳ họp thứ nhất, QH khóa XIII (dự kiến tháng 7-2011), QH xem xét Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri từ kỳ họp thứ tám, QH khóa XII đến kỳ họp thứ nhất, QH khóa XIII (không tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu QH).

- Tại kỳ họp thứ hai, QH khóa XIII (dự kiến tháng 10-11-2011), QH xem xét các báo cáo của Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao; tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu QH; giám sát chuyên đề Việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề.

Các đại biểu QH đã nhất trí với tờ trình nói trên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

 

                                                                                       Theo ND

Các tin khác

Các đại biểu cùng chia sẻ kinh nghiệm về việc thực hiện đề án tại địa phương
Công đoàn Viên chức tỉnh và Hội Chữ thập đỏ tỉnh ký kết chương trình phối hợp công tác
Huyện Lạc Sơn chú trọng hoạt động tiếp dân tại phòng tiếp dân của UBND huyện.
Văn bản quy phạm pháp luật được phổ biến trên địa bàn các xã

Xóm Cát “Đánh đu” với cây cầu gỗ

(HBĐT) - Chúng tôi đến xóm Cát, xã Yên Phú (Lạc Sơn) sau cơn mưa rào. Con đường liên xã vào xóm đất đồi trơn trượt. ông Bùi Văn Chẹp, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã nhắc: Đường đi không khó nhưng qua cây cầu treo chú phải cẩn thận. Đi không quen là người và xe xuống suối đấy.

ASEAN nỗ lực nâng cao vai trò luật pháp quốc tế

Ngày 2/11, phát biểu tại cuộc họp của Tổ chức Hiệp thương pháp luật Á-Phi (AALCO), thay mặt Ủy ban ASEAN New York, Đại sứ Bùi Thế Giang, Đại biện lâm thời Việt Nam tại Liên hợp quốc, đã khẳng định vai trò chủ chốt của ASEAN trong việc thúc đẩy hòa bình, thân thiện, hợp tác và thịnh vượng giữa các quốc gia trong khu vực và trong việc hợp tác có hiệu quả với Liên hợp quốc và các quốc gia ngoài khu vực.

Tiếp tục thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2010 và kế hoạch phát triển KT-XH năm 2011

Ngày 2-11, kỳ họp thứ tám, QH khóa XII sang ngày làm việc thứ 11. QH tiếp tục thảo luận ở hội trường về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011.

Xây dựng Trung tâm dịch vụ cảng Cam Ranh: Việc bình thường thuộc chủ quyền quốc gia

Tại cuộc họp báo kết thúc Hội nghị Cấp cao ASEAN 17, liên quan đến quan tâm của dư luận gần đây về việc sử dụng cảng Cam Ranh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thông báo Việt Nam quyết định tự mình xây dựng cảng Cam Ranh thành Trung tâm cảng dịch vụ tổng hợp để bảo đảm phục vụ cho lực lượng hải quân Việt Nam cũng như sẵn sàng cung cấp dịch vụ cho tàu hải quân của tất cả các quốc gia, kể cả tàu ngầm khi có yêu cầu. Hôm qua 1-11 bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh (ảnh) đã chia sẻ với báo chí về vấn đề này, như sau:

Công bố quyết định thành lập trường Cao đẳng nghề Hòa Bình và khai giảng năm học 2010 2011

(HBĐT) - Ngày 2/11, trường Cao đẳng nghề Hòa Bình đã tổ chức lễ công bố quyết định thành lập trường và khai giảng năm học mới 2010 2011. Tới dự, chúc mừng nhà trường có các đồng chí: Dương Đức Lân, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Dạy nghề (Bộ LB-TB&XH); Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Đinh Duy Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Hữu Duyệt, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Doãn Mậu Diệp, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 350 học sinh khóa 8 của trường.

Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ dự Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc tại khu dân cư xóm Đễnh, xã Dân Hoà

(HBĐT) - Hướng tới kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2010), ngày 2/11, đồng chí Hoàng Việt Cường, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh đã dự Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc và chung vui với cán bộ, nhân dân khu dân cư xóm Đễnh, xã Dân Hoà, huyện Kỳ Sơn. Cùng dự có lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh, huyện Kỳ Sơn và đông đảo người dân xóm Đễnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục