Sự khiêu khích và hành động lấn chiếm của Trung Quốc ở biển Đông trong những ngày qua sẽ là chủ đề nóng nhất tại Diễn đàn An ninh châu Á - Thái Bình Dương diễn ra từ 3-5.6 tại Singapore.
Đó là nhận định của báo Financial Times. Nhận định này hoàn toàn có cơ sở xét ở nhiều khía cạnh. Theo nghị trình chung được nhà tổ chức tiết lộ đến cuối ngày hôm qua, diễn đàn thường niên có tên gọi Shangri-La Dialogue (SLD) năm nay sẽ có riêng một cuộc họp hẹp bàn về giải quyết tranh chấp lãnh thổ và 6-7 cuộc họp toàn thể có liên quan đến an ninh biển, Trung Quốc, nguy cơ bất ổn và chạy đua vũ trang.
Đại tướng Phùng Quang Thanh trao đổi với đại biểu các nước tại Shangri-La Dialogue 2010 - Ảnh: Thục Minh |
Theo danh sách đại biểu tham dự của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế có trụ sở ở London, đơn vị tổ chức, có 28 quốc gia tham gia SLD năm nay. Trong đó có 1 thủ tướng (Malaysia), 1 phó thủ tướng (Nga), 23 lãnh đạo quốc phòng và 3 lãnh đạo ngoại giao làm trưởng đoàn của các nước. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates sẽ tham dự SLD với bài phát biểu khai mạc phiên toàn thể đầu tiên sáng 4.6 với chủ đề các thách thức an ninh mới nổi ở châu Á - Thái Bình Dương.
Lần đầu tiên trong 10 năm qua, “Trung Quốc gửi phái đoàn cao cấp chưa từng có” đến tham dự diễn đàn này. Dẫn đầu là Bộ trưởng Quốc phòng Lương Quang Liệt. Tại SLD 2010, trưởng đoàn Trung Quốc là ông Mã Hiểu Thiên, Phó tổng tham mưu trưởng quân đội.
"Chúng tôi cũng sẽ nêu ra các vấn đề an ninh mà chúng ta đang gặp phải và công khai các chính sách an ninh của mình" - Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh |
Theo nghị trình, ông Lương sẽ có bài phát biểu vào sáng 5.6 với chủ đề “Chiến lược hợp tác an ninh của Trung Quốc”.
Phản ứng của Philippines
Báo Malaya của Philippines hôm qua trích lời Bộ trưởng Quốc phòng Voltaire Gazmin nói rằng ông “sẽ đưa việc Trung Quốc gần đây liên tục xâm nhập trái phép vào vùng đảo mà Philippines tuyên bố chủ quyền ra trước SLD”.
Vụ thứ nhất xảy ra hôm 21.5 ngay khi phái đoàn của ông Lương Quang Liệt đến Philippines trong một “chuyến thăm thiện chí”. Vụ tiếp theo vào ngày 24.5, tức 1 ngày sau khi ông Lương gặp ông Gazmin ở Trại Aguinaldo. Tại đó, hai ông cùng hứa hẹn sẽ không có hành động gì gây ảnh hưởng lên quần đảo Trường Sa (của Việt Nam - PV), tiếng Philippines gọi là Cụm đảo Kalayaan. Trong hai vụ này, tàu vận tải và 2 tàu tên lửa của Trung Quốc xâm nhập vào Bờ Amy Douglas, và đặt lên đó những trụ cột và phao bơi. Bộ Ngoại giao Phillippines đã gửi công hàm cho Đại sứ quán Trung Quốc yêu cầu giải thích về hành động “vi phạm Tuyên bố các bên về biển Đông” mà Trung Quốc đã ký kết với ASEAN năm 2002.
Trước đó, hồi tháng 3, tàu hải giám của Trung Quốc đã gây hấn với tàu khảo sát dầu khí của Philippines ở Bãi Cỏ Rong. “Từ đầu năm đến nay Trung Quốc đã 6 lần có hành động xâm nhập trái phép và gây hấn với Philippines”, ông Gazmin nói. “Chúng ta bày tỏ sự nồng hậu đối với họ. Chúng ta nói với họ một cách hài hòa và chủ trương của chúng ta là giải quyết mọi vấn đề qua đối thoại. Vậy mà trong lúc chúng ta làm đúng như thế thì vẫn có chuyện xảy ra”, ông Gazmin tỏ ra thất vọng với hành động của Trung Quốc.
Ảnh do Bộ Ngoại giao Philippines công bố cho thấy một tàu Trung Quốc đậu gần đảo Palawan của nước này - Ảnh: AFP |
Quan tâm của Việt Nam
Đoàn đại biểu Việt Nam gồm 15 người do Bộ trưởng Quốc phòng, đại tướng Phùng Quang Thanh làm trưởng đoàn. Ngay khi đến Singapore vào chiều hôm qua, Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh đã có cuộc trao đổi với Thanh Niên. Trung tướng Vịnh cho biết đại tướng Phùng Quang Thanh sẽ có bài phát biểu với chủ đề an ninh hàng hải vào sáng 5.6. Nội dung phát biểu ngoài vấn đề an ninh biển, các nguy cơ truyền thống và phi truyền thống nói chung, vấn đề xung đột lãnh thổ và bảo vệ an toàn cho ngư dân cũng sẽ được đề cập đến. “Chúng tôi cũng sẽ nêu ra các vấn đề an ninh mà chúng ta đang gặp phải và công khai các chính sách an ninh của mình”, ông nói.
Khi được hỏi, liệu Việt Nam có đưa vụ tàu hải giám Trung Quốc uy hiếp tàu khảo sát đại dương Bình Minh 02 hôm 26.5 và vụ tàu Trung Quốc bắn đe dọa ngư dân Việt Nam hôm 1.6 trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam ra trước hội nghị, trung tướng Nguyễn Chí Vịnh nói: “Tôi cho rằng vấn đề gì mà cộng đồng quốc tế và Việt Nam quan tâm thì sẽ được bộ trưởng đề cập trong bài phát biểu”.
Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh cũng cho biết không chỉ vấn đề an ninh biển, đoàn Việt Nam cũng quan tâm đến những vấn đề lớn khác của khu vực và sẽ ủng hộ các chủ trương, ý kiến tích cực được đưa ra tại hội nghị. “Mục đích của đoàn Việt Nam là tham gia tích cực vì hòa bình và ổn định của khu vực; đồng thời bảo vệ an ninh và lợi ích chính đáng của Việt Nam”, ông nói.
Theo ThanhNien
(HBĐT) - Thực hiện các văn bản hướng dẫn của cấp trên, ngày 26/5 Ban Vận động “Ngày vì người nghèo tỉnh” đã ban hành kế hoạch số 61 về thực hiện CVĐ “Ngày vì người nghèo” năm 2011.
(HBĐT) - Xã Nam Phong có 10 xóm, tổng số 850 hộ, 3.828 nhân khẩu, gồm 2 dân tộc Mường, Kinh cùng chung sống. Đảng bộ xã có 155 đảng viên, sinh hoạt tại 15 chi bộ. Những năm qua, nền kinh tế của xã liên tục giữ mức tăng trưởng khá, bình quân thu nhập hiện đạt 13,5 triệu đồng/người/năm.
Sáng 1/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XII đã họp phiên thứ 40 nghe Hội đồng bầu cử báo cáo kết quả cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016 và cho ý kiến vào việc chuẩn bị Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII. Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp.
Ngày 1/6, Đồng chí Trương Tấn Sang - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng khẳng định “Việt Nam sẵn sàng tham gia vào quá trình tái thiết Nhật Bản,” sẵn sàng “cung cấp nhân lực, vật liệu xây dựng và hàng hóa cần thiết phục vụ công tác tái thiết.”
(HBĐT) - Sáng nay (2/6), gần 1 vạn thí sinh tỉnh ta đã bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2011, trong đó, có 5.311 thí sinh nữ, 6.879 thí sinh người dân tộc thiểu số; THPT: 8.516 thí sinh, GDTX : 1.411 thí sinh.
(HBĐT) - Nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6, các đồng chí lãnh đạo Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh và ngành, địa phương đã thăm, tặng quà các cháu thiếu nhi