Sáng 23/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thảo luận, cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật tố cáo. Thảo luận dự luật này, nhiều Ủy viên UBTVQH cho rằng, cần quy định cụ thể hơn về cơ chế, trách nhiệm, điều kiện và thời hạn bảo vệ người tố cáo.
Các đại biểu đồng tình cao việc dự án Luật quy định không tiếp nhận
và giải quyết đơn tố cáo nặc danh. (Ảnh minh họa: TTXVN)
Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII đã thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật tố cáo. Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Phan Trung Lý cho biết: Về cơ bản, các vị đại biểu Quốc hội tán thành với nhiều nội dung của dự thảo, đồng thời đóng góp thêm các ý kiến nhằm hoàn thiện dự thảo Luật này. Tuy nhiên, một số vấn đề lớn còn nhiều ý kiến khác nhau về phạm vi điều chỉnh, về người có quyền tố cáo, về hình thức tố cáo, về bảo vệ người tố cáo.
Cụ thể, về việc bổ sung các hình thức tố cáo bằng thư điện tử, fax, tố cáo bằng lời qua điện thoại còn nhiều ý kiến. Trong đó, loại ý kiến thứ nhất tán thành với quy định của dự thảo Luật, vì thực chất, đây chỉ là hình thức khác nhau để chuyển tải nội dung thông tin tố cáo đến cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Việc mở rộng các hình thức tố cáo là phù hợp với xu hướng phát triển của công nghệ thông tin hiện nay, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công dân thực hiện quyền tố cáo. Loại ý kiến thứ hai, băn khăn với các hình thức tố cáo này vì trong điều kiện hiện nay ở nước ta, cơ chế, nguồn lực, phương tiện kỹ thuật để quản lý, kiểm tra, xác minh các thông tin tiếp nhận bằng các hình thức trên còn nhiều hạn chế, do đó, chưa nên quy định tố cáo bằng hình thức này trong Luật.
Thường trực Ủy ban Pháp luật nghiêng về loại ý kiến thứ hai, bởi theo Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Phan Trung Lý: Vấn đề quan trọng không phải tố cáo theo hình thức nào mà là nội dung thông tin tố cáo có đầy đủ, chính xác hay không. Khi tiếp nhận tố cáo theo bất cứ hình thức nào, thì cơ quan có thầm quyền đều phải tiến hành việc xem xét, đánh giá bước đầu các thông tin về người tố cáo và nội dung tố cáo; nếu thông tin chính xác và có căn cứ để kiểm tra, xác minh thì mới tiến hành thụ lý để giải quyết.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu và nhiều đại biểu khác cho rằng, nếu giải quyết những tố cáo theo tất cả hình thức này thì rất phức tạp, khó xác minh thông tin, khó giải quyết. Còn theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi, có thể xem xét hình thức tố cáo qua thư điện tử nhưng phải có chữ ký điện tử.
Giải trình về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Phan Trung Lý thừa nhận: Việc bổ sung hình thức tố cáo bằng thư điện tử, fax, tố cáo bằng lời qua điện thoại đúng là phức tạp. Tuy nhiên, theo ông, không nên ngại việc này, bởi nếu người tố cáo có ý định lợi dụng quyền tố cáo thì đơn viết tay cũng vẫn có thể phát tán tràn lan, gây phức tạp được. “Tất nhiên cần tiếp thu ý kiến của đại biểu Đào Trọng Thi để quy định được chặt chẽ hơn” - ông Phan Trung Lý nói.
Trao đổi về nội dung đơn thư tố cáo không nêu rõ họ tên, địa chỉ, bà Nguyễn Thị Nương - Trưởng Ban Công tác đại biểu, ông Nguyễn Hạnh Phúc - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và nhiều đại biểu khác đều đồng tình cao với dự thảo Luật là chỉ xem xét, giải quyết đối với các tố cáo rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo. Bà Nguyễn Thị Nương lập luận, tố cáo không chỉ là quyền mà còn là trách nhiệm của công dân đối với xã hội và Nhà nước. Quy định người tố cáo phải nêu rõ họ tên, địa chỉ nhằm mục đích nâng cao ý thức trách nhiệm của công dân trong việc thực hiện quyền tố cáo, đặc biệt là giúp loại trừ được trường hợp “ném đá giấu tay”.
Còn ông Nguyễn Hạnh Phúc nêu thực tế, số lượng các tố cáo không ghi rõ họ tên, địa chỉ người tố cáo hay còn gọi là tố cáo “nặc danh” thường tăng vào những thời điểm nhạy cảm như chuẩn bị bầu cử, bổ nhiệm, sắp xếp nhân sự. Bên cạnh những trường hợp mang tính xây dựng, tích cực thì cũng có không ít người lợi dụng quyền tố cáo để tố cáo sai sự thật, gây mất đoàn kết nội bộ, tốn kém cả thời gian và tiền bạc cho các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm trong việc xem xét, giải quyết...Do vậy, sau khi mất nhiều công sức, tiền của xác định được nội dung tố cáo là sai thì lại không xác minh được người tố cáo. Trường hợp xác minh được cũng khó khăn trong việc xử lý người tố cáo sai.
Vấn đề bảo vệ người tố cáo cũng là nội dung được các Ủy viên UBTVQH thảo luận sôi nổi. Theo Thường trực Ủy ban pháp luật, nguồn lực bảo đảm cũng như kinh nghiệm thực tế về bảo vệ người tố cáo ở nước ta còn hạn chế. Việc thực hiện có hiệu quả công tác này đòi hỏi phải có sự tham gia phối hợp của nhiều cấp, nhiều ngành và vẫn còn đang trong quá trình nghiên cứu, tìm tòi, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Do vậy, chỉ quy định trong Luật này những quy định mang tính nguyên tắc, xác định khuôn khổ pháp lý, còn các nội dung cụ thể như: biện pháp bảo vệ, trình tự, thủ tục tiến hành, cơ chế, điều kiện tham gia… giao cho Chính phủ quy định chi tiết trong các văn bản hướng dẫn thi hành.
Về vấn đề này, các đại biểu đều nhất trí rằng tố cáo là việc làm nguy hiểm. Nhiều trường hợp bị trả thù, gây tổn hại sức khỏe và tính mạng của người tố cáo. Do vậy, dự thảo Luật cần đưa ra cơ chế bảo vệ bí mật đối với người tố cáo và có chế tài xử lý đối với người làm lộ bí mật người tố cáo. Tuy nhiên, theo nhiều đại biểu, việc quy định về bảo vệ người tố cáo còn chung chung, khó khả thi. Vì vậy, bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội đề nghị, cần rà soát, tính toán lại toàn bộ những quy định về bảo vệ người tố cáo để nâng cao tính khả thi của Luật. Còn Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, cần bổ sung quy định việc giữ liên hệ giữa cơ quan có thẩm quyền với người tố cáo bởi thực tế, người tố cáo gặp nhiều khó khăn sau tố cáo.
Buổi chiều, UBTVQH cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý Luật Đo lường./.
Theo DangCongSan.vn
Sáng 22/8, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII (UBTVQH) đã khai mạc Phiên họp thứ nhất. UBTVQH đã đánh giá kết quả Kỳ họp thứ nhất, cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII; cho ý kiến về chủ trương xây dựng Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Nhân dịp kỷ niệm 66 năm thành lập ngành Ngoại giao, ngày 22/8, Lễ trao Quyết định phong hàm Đại sứ đã được tổ chức trọng thể tại Phủ Chủ tịch. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trao Quyết định phong hàm Đại sứ cho 63 cán bộ ngoại giao được phong hàm trong dịp này.
(HBĐT) - Lạc Thuỷ là huyện phía đông nam của tỉnh, cửa ngõ ra vào giữa vùng đồng bằng Bắc bộ với miền núi của tỉnh và Tây bắc. Huyện có tổng diện tích 31.995,11 ha, dân số 60.624 người sống tập trung ở 13 xã và 2 thị trấn. Đặc biệt, trên địa bàn huyện có nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Các thế hệ cán bộ, nhân dân có truyền thống yêu nước lại sớm có chi bộ Đảng đầu tiên ra đời, trở thành cái nôi phong trào cách mạng của tỉnh.
(HBĐT) - Dự án đường cao tốc Hòa Lạc- TP Hòa Bình có tổng mức đầu tư 6.745, 236 tỷ đồng. Chiều dài khoảng 20,2 km. Địa điểm xây dựng trên địa bàn các xã: Yên Quang, Phúc Tiến, Mông Hóa, Dân Hạ và thị trấn Kỳ Sơn (Kỳ Sơn); xã Trung Minh, phường Tân Hòa (TP Hòa Bình).
Sáng 21/8, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã gặp mặt thân mật 112 thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn Thành phố Hà Nội năm 2011.
Ngày 21/8, tại thị trấn Đức Hoà thuộc huyện Đức Hoà, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh Long An tổ chức kỷ niệm 120 năm Ngày sinh của đồng chí Võ Văn Tần (8/1891- 8/2011). Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tới dự và phát biểu tại buổi Lễ.