Đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư.

Đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư.

(HBĐT) - Phát biểu của đồng chí Lê Hồng Anh, UV Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư tại Lễ kỷ niệm 125 năm thành lập tỉnh, 20 năm tái lập tỉnh và lễ hội văn hóa cồng chiêng lần thứ nhất, năm 2011.

 

Kính thưa các đồng chí lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam anh hùng,

Thưa đồng bào và đồng chí!

 

Hôm nay, tôi rất vui mừng thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới dự Lễ kỷ niệm 125 năm thành lập tỉnh (22/6/1886- 22/6/2011), Lễ hội Văn hoá Cồng chiêng tỉnh Hoà Bình lần thứ nhất và Lễ đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh. Tôi xin gửi tới các đồng chí lão thành cách mạng, các mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, các vị đại biểu, cán bộ, đảng viên, cùng toàn thể đồng bào các dân tộc tỉnh Hòa Bình lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

 

Thưa đồng bào và đồng chí !

 

Hòa Bình là tỉnh miền núi, có vị trí đại lý quan trọng, kết nối thủ đô Hà Nội và các tỉnh vùng đồng bằng Bắc Bộ với các tỉnh miền núi Tây Bắc của Tổ quốc, nơi đây là miền đất sinh sống của người Việt Cổ cách đây hàng nghìn năm, có truyền thống văn hóa lâu đời và giàu truyền thống cách mạng. Trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc ta, nhân dân các dân tộc Hòa Bình luôn chung sức, chung lòng cùng cả nước vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, giành độc lập, tự do cho dân tộc, xây dựng đất nước ngày càng phát triển, phồn vinh. 

 

Ngay từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình đã một lòng theo Đảng, hăng hái tham gia các phong trào cách mạng. Những cơ sở Đảng đầu tiên của tỉnh được thành lập đã khơi dậy truyền thống yêu nước, cách mạng, anh dũng, kiên cường của nhân dân các dân tộc Hòa Bình, cùng nhân dân cả nước đứng lên khởi nghĩa cách mạng tháng 8- 1945 giành chính quyền về tay nhân dân, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, chấm dứt gần 100 năm đô hộ của thực dân Pháp. 

 

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, quân và dân tỉnh Hòa Bình đã tích cực tăng gia sản xuất, xây dựng hậu phương, đóng góp rất nhiều sức người, sức của, chi viện cho tiền tuyến; cùng với quân và dân cả nước lập nên nhiều chiến công hiển hách, đặc biệt với thắng lợi của “Chiến dịch Hòa Bình” đã tạo thêm thế và lực cho quân, dân ta làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, đưa miền Bắc đi lên CNXH, xây dựng hậu phương vững chắc cho cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. 

 

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến”, “tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, nhân dân các dân tộc Hòa Bình đã không tiếc sức người, sức của chi viện cho miền Nam ruột thịt, vừa ngoan cường chiến đấu bảo vệ vững chắc quê hương, vừa làm tròn nghĩa vụ hậu phương đối với tiền tuyến lớn. Hàng vạn người con của Hòa Bình đã lên đường vào Nam chiến đấu và nhiều người đã hy sinh trên các chiến trường góp phần vào chiến thắng lịch sử mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

 

Sau ngày thống nhất, cả nước đi lên xây dựng CNXH, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Hòa Bình hăng hái thi đua lao động sản xuất và đạt được nhiều thành tích, đặc biệt với tinh thần "Tất cả vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc", nhân dân Hòa Bình đã di dời nhà cửa, ruộng vườn để xây dựng công trình nhà máy thủy điện Hoà Bình trên sông Đà. Đây là một sự hy sinh và đóng góp to lớn của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Hòa Bình vì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. 

 

Nhìn lại chặng đường 125 năm qua, nhất là 25 năm thực hiện công cuộc đổi mới, chúng ta vui mừng nhìn thấy, Hoà Bình từ một tỉnh thuần nông, điểm xuất phát thấp, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội yếu kém, nhưng Đảng bộ và nhân dân đã đoàn kết một lòng, nỗ lực phấn đấu, đạt được nhiều thành tựu rất đáng tự hào về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị và chăm lo đời sống nhân dân…

 

Kinh tế tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; nông nghiệp phát triển toàn diện, hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hoá tập trung gắn với công nghiệp chế biến và thị trường, sản lượng lương thực năm 2010 tăng gấp 2,5 lần so với năm 1991; giá trị sản xuất công nghiệp tăng nhanh; du lịch, dịch vụ tiếp tục phát triển; thu hút đầu tư đạt kết quả khá; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng phát triển nông nghiệp nông thôn, vùng đặc biệt khó khăn được tập trung đầu tư, bộ mặt đô thị, nông thôn có nhiều đổi mới.

 

Văn hoá - xã hội có bước phát triển; sự nghiệp giáo dục - đào tạo có tiến bộ; công tác xóa đói, giảm nghèo, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, phòng, chống dịch bệnh đạt kết quả khá, góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" tiếp tục phát triển sâu, rộng, có tác dụng thiết thực; các phong trào đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc người có công, Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, gia đình liệt sĩ, các hoạt động nhân đạo, từ thiện ... luôn được quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, đoàn thể nhân dân các cấp và thu hút sự tham gia rộng rãi của các tầng lớp nhân dân.

 

Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng và an ninh được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng, Chính quyền, Mặt trận và các Đoàn thể nhân dân được củng cố ngày càng vững mạnh. Triển khai, thực hiện tốt cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

 

Trong thành tích chung đó, nhiều tập thể và cá nhân đã có những đóng góp to lớn và được nhận những phần thưởng, danh hiệu cao quý của Đảng và Nhà nước trao tặng; đặc biệt, hôm nay nhân dịp kỷ niệm 125 năm thành lập tỉnh và 20 năm ngày tái lập tỉnh Hòa Bình, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình vinh dự được đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh. Đây là sự ghi nhận, đánh giá cao của Đảng, Nhà nước đối với những công lao, cống hiến của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Hoà Bình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

 

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi nhiệt liệt chúc mừng và biểu dương Đảng bộ, Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các Đoàn thể lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc tỉnh Hoà Bình về những thành tựu đã đạt được trong thời gian qua.

 

Thưa đồng bào và đồng chí!

 

Nhân kỷ niệm 125 năm thành lập tỉnh và 20 năm ngày tái lập tỉnh, chúng ta cùng nhau ôn lại và truyền tiếp cho các thế hệ mai sau truyền thống yêu nước nồng nàn; kiên cường, bất khuất trong chiến đấu; cần cù, sáng tạo trong lao động, học tập của quân và dân Hoà Bình, biến niềm tự hào đó thành sức mạnh mới, tập trung triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, đưa tỉnh nhà tiến nhanh hơn, vững chắc hơn trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

 

Hòa Bình là một tỉnh nhiều tiềm năng, lợi thế, có bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa; nhân dân cần cù, sáng tạo và giàu truyền thống cách mạng; có giao thông thuận lợi; khí hậu, đất đai phù hợp với phát triển nông nghiệp, có cảnh quan thiên nhiên và nhiều di tích thuận lợi cho phát triển du lịch, có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, thủy điện và công nghiệp công nghệ cao, phục vụ xuất khẩu. Tỉnh cần phát huy được vị trí, thế mạnh của từng lĩnh vực, thành phần kinh tế trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế, ưu tiên các ngành kinh tế mũi nhọn và thực sự hiệu quả, tạo được đột phá trong đầu tư, phát triển gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Hình thành rõ nét một số vùng nông- lâm nghiệp chuyên canh, tập trung sản xuất hàng hóa lớn theo hướng công nghiệp; gắn nuôi trồng với chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm; tăng cường ứng dụng KH- KT và chuyển giao công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp ngay tại nông thôn để góp phần xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo và làm giàu, nâng cao đời sống vật chất và văn hóa cho đồng bào các dân tộc; đẩy mạnh phát triển các dịch vụ có tiềm năng, lợi thế như du lịch sinh thái và du lịch văn hóa. Chăm lo sự nghiệp giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Cần coi đây là một trong những khâu đột phá quan trọng nhất nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Quan tâm đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân; sưu tầm, bảo tồn, phát huy các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc Hòa Bình. Chăm lo bảo vệ, nâng cao sức khỏe của nhân dân; thực hiện các chính sách xã hội trong quá trình phát triển.

 

Tiếp tục giữ vững ổn định chính trị; phát hiện và xử lý kịp thời những vấn đề liên quan đến an ninh chính trị, an ninh nông thôn, trật tự, an toàn xã hội, nhất là tội phạm và tệ nạn về ma túy; thực hiện tốt chính sách về vấn đề tôn giáo, dân tộc.

 

Đặc biệt chú trọng công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị; chú trọng thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng được nêu trong cương lĩnh và Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng để thực hiện phù hợp với điều kiện cụ thể của tỉnh Hòa Bình. Tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, của cán bộ, đảng viên. Kết hợp việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với chỉnh đốn và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, để nâng cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra nhằm đảm bảo sự nghiêm minh của Đảng và pháp luật của Nhà nước; tăng cường thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực và hiệu quả bộ máy quản lý Nhà nước.

 

Cả nước cũng như nhân dân tỉnh nhà, đang đòi hỏi Đảng bộ và các cấp, các ngành trong tỉnh phải ra sức phấn đấu, đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, nhanh chóng đưa Hoà Bình tiến lên sánh vai cùng với các tỉnh, thành phố phát triển trong cả nước. Tôi tin rằng, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình sẽ tiếp tục đoàn kết, chung sức, chung lòng, phấn đấu xây dựng tỉnh Hòa Bình ngày một giàu đẹp, hoàn thành vượt mức các mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng. Chúc Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Hoà Bình có nhiều sinh lực mới và thành công mới.

 

        Xin trân trọng cảm ơn!

 

(*)Đầu đề do Báo Hòa Bình đặt

 

 

Các tin khác


Quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới

Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW (ngày 9/5/2024) Quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới (Quy định số 144).

Phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên

Những năm qua, việc thực hiện Quy định số 34-QĐi/TU, ngày 28/01/2019 của Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên (CB,ĐV), trước hết là Ủy viên Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh đã đạt kết quả tích cực. Tỉnh ủy coi đây là phương thức lãnh đạo quan trọng của Đảng; là biện pháp thiết thực, hiệu quả góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh, xây dựng tỉnh Hòa Bình ngày càng giàu đẹp, văn minh

Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh 


Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ thiên tài, kiệt xuất của dân tộc, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Người "là biểu tượng cao đẹp nhất của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Người là kết tinh rạng ngời của đạo đức, trí tuệ, khí phách, lương tri của dân tộc và thời đại”. Trọn cả cuộc đời, Người dâng hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người. Tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người là tài sản tinh thần vô giá của Đảng và dân tộc ta. Học tập và làm theo Người là nhiệm vụ hết sức quan trọng, không thể thiếu đối với tất cả các tổ chức đảng, đảng viên trong việc tu dưỡng, rèn luyện, cống hiến và phụng sự đất nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Cần đa dạng hóa nguồn lực phát triển nhà ở xã hội

Chiều tối 17/5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp với các bộ, ngành bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư phát triển nhà ở xã hội, thực hiện Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”. Cùng dự có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

Triển khai hiệu quả nhiệm vụ khoa học lý luận chính trị, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Sáng 17/5, tại Hà Nội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5).

Đường Hồ Chí Minh từ kỳ tích đến mạch máu đất nước - Bài cuối: Đi tới tương lai thịnh vượng

Đất nước thống nhất, sứ mệnh của đường mòn Trường Sơn đã hoàn thành. Nhưng một ước muốn lại cháy bỏng, đó là phát huy giá trị của tuyến đường lịch sử này trong phát triển kinh tế - xã hội hôm nay. Ước vọng đó thành hiện thực khi ngày 5/4/2000, tại bến phà Xuân Sơn, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, Thủ tướng Chính phủ đã phát lệnh khởi công xây dựng công trình đường Hồ Chí Minh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục