Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường.
Ngày 18-11, kỳ họp thứ hai, QH khóa XIII sang ngày làm việc thứ 22. Các đại biểu QH thảo luận hai dự án: Luật Giá và Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Dự thảo Luật Giá còn thiếu tính minh bạch, cụ thể
Trong phiên họp buổi sáng, các đại biểu QH thảo luận dự án Luật Giá. Nhiều ý kiến phát biểu nhận xét, đây là dự án luật được chuẩn bị chu đáo, có tham khảo kinh nghiệm của các nước trên thế giới. Do vậy đã tán thành về sự cần thiết ban hành luật này như Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH (Trần Quốc Tuấn - Trà Vinh, Trần Thị Dung - Ðiện Biên...). Nhiều ý kiến thể hiện đồng tình với mục tiêu ban hành Luật Giá là để thể chế hóa đúng đắn đường lối, chính sách phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Ðảng và Nhà nước theo hướng: bảo đảm vai trò của Nhà nước trong quản lý, điều tiết giá cả và thị trường chủ yếu thông qua các biện pháp kinh tế. Mặt khác, các quy định của luật phải phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường; thu hẹp danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá; tôn trọng quyền tự định giá của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh; khuyến khích cạnh tranh, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng và đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Các quy định của luật phải góp phần hữu hiệu vào bình ổn giá thị trường, ổn định kinh tế vĩ mô; khắc phục những tác động tiêu cực của kinh tế thị trường; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng và ổn định đời sống nhân dân. Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các pháp luật liên quan; bảo đảm tính khả thi, minh bạch và thuận tiện cho tổ chức thực hiện.
Tuy nhiên, các ý kiến này cho rằng, dự thảo luật chưa thể hiện rõ mục tiêu phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giảm thiểu sự can thiệp của Nhà nước vào quan hệ cung cầu.
Về tính cụ thể, minh bạch của dự thảo luật, theo ý kiến của nhiều đại biểu là chưa làm rõ nhiều khái niệm nền tảng. Sự không rõ ràng, cụ thể về khái niệm sẽ dẫn đến sự lợi dụng khi thi hành (Dương Hoàng Hương - Phú Thọ, Trần Thị Dung - Ðiện Biên, Nguyễn Ngọc Hòa - TP Hồ Chí Minh...), thí dụ như khái niệm chuyển giá. Ðại biểu Trần Thị Dung cho rằng, việc giải thích từ ngữ (Ðiều 4) chưa rõ ràng, chưa cụ thể. Giải thích từ ngữ là phải giải thích cái này là cái gì, chứ không phải cái này gồm những cái gì. Ðại biểu Trần Thị Dung đề nghị bỏ các điều "quét" trong dự thảo, nói cách khác không giao cho Chính phủ quy định ở văn bản hướng dẫn thi hành mà cần quy định cụ thể ngay trong luật này. Tính cụ thể, minh bạch là những vấn đề cốt yếu trong dự thảo luật, nhưng trong dự thảo Chính phủ trình QH lại có tới 10/51 điều, khoản giao Chính phủ hoặc Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành, 6/51 điều dẫn chiếu việc áp dụng quy định pháp luật liên quan, trong đó bao gồm các nội dung căn bản như: căn cứ định giá; phương pháp định giá; hàng hóa dịch vụ phải áp dụng biện pháp bình ổn giá; hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá; thẩm quyền định giá; trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá... Ngoài ra, một số nội dung của dự thảo luật còn mang tính định tính. Việc quy định chung chung sẽ dẫn đến cách hiểu và áp dụng khác nhau, đặc biệt sẽ dẫn đến việc Nhà nước tiếp tục can thiệp quá sâu vào quy luật vận hành của giá cả, thị trường. Do vậy, nhiều ý kiến đề nghị rà soát, cụ thể hóa tối đa trong luật những nội dung chưa được quy định chi tiết như đã đề cập.
Với tính chất là đạo luật chung về giá, nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo luật cần bao quát toàn diện những nội dung về quản lý, điều tiết giá và đề nghị nghiên cứu, bổ sung vào dự thảo luật: Hình thức, điều kiện, phạm vi hoạt động của tổ chức thẩm định giá nước ngoài tại Việt Nam; Phương pháp định giá hàng hóa, dịch vụ; cơ chế xác định giá khi Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ sản xuất kinh doanh (giá đối với sản phẩm, dịch vụ công ích); Quy định về Quỹ bình ổn giá; Chế tài xử lý các vi phạm quy định của luật.
Một số ý kiến nhận xét, dự án luật chưa bao quát được hết các tình huống, các yếu tố liên quan lĩnh vực giá.
Kết hợp xử phạt với giáo dục nâng cao nhận thức pháp luật
Buổi chiều, các đại biểu QH thảo luận về dự án Luật Xử lý vi phạm hành chính. Hầu hết ý kiến phát biểu tán thành việc ban hành luật này, nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tế cuộc sống, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, quản lý xã hội; nâng cao ý thức chấp hành phát luật của công dân, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống vi phạm hành chính trong tình hình hiện nay.
Các đại biểu Nguyễn Ðình Quyền (Hà Nội), Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng, dự thảo luật quy định tăng mức phạt vi phạm hành chính tối thiểu lên gấp năm lần và mức tối đa tăng lên gấp bốn lần so hiện nay nhằm nâng cao tính răn đe là cần thiết. Tuy nhiên, cùng với việc nâng mức phạt cần có biện pháp xử phạt khác kèm theo, nhất là những biện pháp nhằm giáo dục, nâng cao ý thức người dân. Ðề cập đến tính khả thi của các hình thức xử phạt, nhiều đại biểu đề nghị Ban Soạn thảo nghiên cứu đưa ra mức xử phạt phù hợp với thực tế. Ðồng thời đề nghị, làm rõ cơ sở và tính khả thi của việc nâng mức phạt vi phạm hành chính, vì mức phạt trong dự thảo luật quá cao so thu nhập của người dân và mức phạt tối đa lên đến hai tỷ đồng là thiếu tính khả thi. Tuy nhiên, một số đại biểu khác cho rằng mức phạt như trong quy định là phù hợp, nếu phạt ở mức thấp sẽ không đủ sức răn đe.
Ðối với các hình thức xử phạt, nhiều đại biểu đề nghị cần bảo đảm tính khả thi của quy định xử phạt bằng hình thức lao động, quy định bắt buộc khám, chữa bệnh đối với người vi phạm. Ðại biểu Vũ Ðình Thực (Quảng Ninh) đề nghị làm rõ cơ quan nào sẽ tổ chức và quản lý người vi phạm thực thi việc lao động, khám, chữa bệnh.
Một số đại biểu đề nghị nên tách việc xử lý và xử phạt các vi phạm hành chính thành hai luật riêng để tránh trùng lắp và bảo đảm tính khả thi cao. Ðại biểu Ðặng Ðình Luyến (Khánh Hòa) cho rằng, việc xử lý và xử phạt là hai lĩnh vực khác nhau với hình thức ứng xử khác nhau, nên cần tách ra thành hai luật. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng, nếu tách thành hai luật sẽ cần thêm thời gian nghiên cứu, soạn thảo trong khi việc ban hành luật về vấn đề này là rất cần thiết. Các đại biểu Giàng Thị Bình (Lào Cai), Vũ Chí Thực (Quảng Ninh) cho rằng, việc xử phạt vi phạm hành chính đã bao hàm cả hai lĩnh vực xử lý và xử phạt. Do vậy, việc điều chỉnh hai lĩnh vực xử lý và xử phạt vi phạm hành chính trong một luật là hợp lý.
Ðối với quy định chuyển giao công tác xử lý vi phạm hành chính từ cơ quan chính quyền sang tòa án, nhiều đại biểu cho rằng điều này phù hợp với các quy định của pháp luật, nhưng chưa thể áp dụng trong điều kiện hiện nay. Ðại biểu Nguyễn Minh Kha (Cần Thơ) cho rằng, việc chuyển công tác xử lý vi phạm hành chính sang tòa án là quá sớm và gây quá tải đối với tòa án. Ðồng tình với quan điểm nói trên, đại biểu Phạm Minh Tân (Ðác Lắc) cho rằng, trong điều kiện hiện nay, nếu giao cho tòa án xử lý vi phạm hành chính sẽ gây áp lực rất lớn đối với người bị xử lý, vì xã hội hiện nay vẫn quan niệm những người bị tòa án xử phạt đồng nghĩa với tội phạm.
Một số đại biểu tán thành quy định về sự tham gia của luật sư và người trợ giúp pháp lý đối với người vi phạm hành chính, nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Tuy nhiên, cần quy định đối với từng loại vi phạm cụ thể và không nhất thiết tất cả các vi phạm đều phải có sự tham gia của luật sư.
Theo Báo Nhandan
Chiều 17/11, tiếp Toàn quyền Canada David Johnston tại Trụ sở Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Sinh Hùng bày tỏ mong muốn, Quốc hội hai nước sẽ tăng cường hợp tác, tạo cơ sở hỗ trợ và thúc đẩy các thỏa thuận hợp tác giữa hai quốc gia.
Ngày 17/11 tại Hà Nội, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tiếp Chủ tịch Hạ viện Nam Phi Mắc Sisulu (Max Sisulu) nhân dịp Chủ tịch Hạ viện đang ở thăm Việt Nam.
(HBĐT) - Cách đây 81 năm, ngày 18/11/1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ban hành Chỉ thị về việc thành lập Hội Phản đế đồng minh, hình thức tổ chức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam, đánh dấu sự phát triển về chất của phong trào yêu nước, của khối đại đoàn kết toàn dân trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
(HBĐT) - Nhân dịp kỷ niệm 81 năm ngày thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam, ngày 17/11, Ban công tác mặt trận xóm Thung Dao, xã Tú Sơn, huyện Kim Bôi đã tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc. Đến dự và chia vui với xóm có đồng chí Hoàng Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ban, ngành trong tỉnh, huyện Kim Bôi và nhân dân các dân tộc xã Tú Sơn.
(HBĐT) - Sáng 17/11, Hội Chữ thập đỏ tỉnh tổ chức bàn giao xe lăn cho trẻ em khuyết tật và nạn nhân chất độc da cam tỉnh. Đến dự có đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
(HBĐT) - Theo thống kê sơ bộ từ Ban Dân tộc các huyện, thành phố, hiện tại, trên địa bàn tỉnh còn 36 thôn, bản thuộc diện khó khăn. Trong đó, 28 thôn của đồng bào Mường, 3 thôn của đồng bào Dao, 1 thôn của đồng bào Thái và 1 thông của đồng bào dân tộc Kinh. Cư trú ở 36 thôn này có 1.609 hộ gia đình, riêng số hộ nghèo chiếm 60%, cá biệt có xóm số hộ nghèo lên tới 100%.