Trong 2 ngày 30/11 - 1/12, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã họp Phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 11.
Phiên họp tập trung thảo luận về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2011; dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012; Định hướng phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020; các đề án tái cơ cấu kinh tế: Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; Đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại; Đề án tái cơ cấu đầu tư.
Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2011. Ảnh: Chinhphu.vn |
* Kinh tế - xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực
Thảo luận về hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2011, các thành viên Chính phủ nhận định, trước bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, có nhiều yếu tố gây bất ổn định kinh tế vĩ mô, nhất là lạm phát có xu hướng tăng cao…, nhưng việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2011 đạt được những kết quả bước đầu, góp phần tạo ra những chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Đánh giá những kết quả chính về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, các thành viên Chính phủ cho rằng, về tiền tệ, tín dụng, ngành ngân hàng đã triển khai thực hiện các giải pháp, chính sách tiền tệ chặt chẽ và thận trọng, kiểm soát tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán và tín dụng ở mức thấp hơn đáng kể so với chỉ tiêu của Chính phủ đề ra trong Nghị quyết số 11/NQ-CP, góp phần tích cực kiềm chế lạm phát và từng bước giảm dần tốc độ tăng giá.
Về chính sách tài khóa, các Bộ, ngành và địa phương đã triển khai các biện pháp tăng thu, chống gian lận thương mại và chống thất thu, đồng thời thực hiện nghiêm túc chủ trương tiết kiệm chi tiêu, cắt giảm 10% chi thường xuyên. Các cấp, các ngành đã thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm cắt giảm, điều chuyển vốn đầu tư phát triển của Nhà nước. Tổng số vốn cắt giảm, điều chuyển là 81.500 tỷ đồng, góp phần phần hoàn thành thêm 1.053 dự án trong năm 2011… Nhờ thực hiện có hiệu quả các giải pháp đề ra, tổng kim ngạch xuất khẩu 11 tháng năm 2011 tăng khoảng 34,7% so với cùng kỳ, cao gấp 3 lần chỉ tiêu Quốc hội đề ra (10%), ước cả năm 2011 tăng 33% so với năm 2010. Cộng với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp về tiền tệ, tài khóa cũng như các biện pháp quản lý giá, bình ổn thị trường, bảo đảm cân đối cung cầu…, chỉ số giá (CPI) đã giảm dần kể từ quý II/2011. Chỉ số CPI bình quân 11 tháng năm 2011 tăng 18,62% so với cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng GDP năm 2011 ước khoảng 6% là mức tăng khá cao trong điều kiện phải tập trung kiềm chế lạm phát. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp phát triển ổn định, đạt mức kỷ lục về sản lượng lương thực. Sản xuất công nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng khá trong điều kiện còn nhiều khó khăn. Chính sách bảo đảm an sinh xã hội được thực hiện tốt, công tác giải quyết việc làm, ổn định đời sống của người lao động, xóa đói giảm nghèo được chú trọng; nhiều chính sách xã hội được triển khai tích cực, góp phần giảm bớt khó khăn và từng bước cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân…
Những kết quả tích cực trên khẳng định các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội đề ra là đúng đắn và phù hợp với tình hình thực tế của đất nước, đồng thời đã củng cố thêm niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước trước những khó khăn, thách thức hiện nay.
* Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp kiềm chế lạm phát và duy trì tăng trưởng
Thảo luận về các nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 12/2011 và các tháng đầu năm 2012, các thành viên Chính phủ cho rằng cần tiếp tục kiên trì các giải pháp tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; tập trung các nguồn lực thực hiện các đột phá trong tái cấu trúc kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh…
Chỉ rõ lạm phát và lãi suất tín dụng tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao; nợ xấu của hệ thống ngân hàng có dấu hiệu tăng lên, thanh khoản của một số ngân hàng thương mại gặp khó khăn; áp lực tỷ giá còn lớn; thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản giảm sút…, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát và Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho rằng đây là những hạn chế, tồn tại rất lớn cần phải khắc phục trong năm 2012. Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đề xuất dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012, nên đưa thêm các chỉ tiêu về an toàn giao thông, chỉ tiêu về tiết giảm chi phí quản lý… Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đề nghị, từ nay tới cuối năm phải quan tâm đảm bảo cân đối cung cầu, nhất là các hàng hóa thiết yếu trong dịp Tết Nguyên đán.
Bày tỏ sự đồng tình với mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm 2012 khoảng 6%, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đề nghị, trong nhóm kiềm chế lạm phát đi đôi với chống giảm phát cần có chính sách tiền tệ linh hoạt hơn, có lộ trình giảm lãi suất xuống còn xấp xỉ 10% vào cuối năm 2012, đồng thời tăng cường sự kiểm soát của Nhà nước vào các lĩnh vực đầu tư phát triển đô thi nói chung trong đó có thị trường bất động sản
Trước tình trạng nợ xấu ngân hàng gia tăng, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang đề nghị Ngân hàng Nhà nước cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tăng cường công tác quản lý cán bộ, phòng ngừa sai phạm, đồng thời đề nghị các Bộ, ngành chức năng phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong quản lý thị trường; chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng lậu nhất là vào dịp Tết Nguyên đán; chống các loại hình tội phạm liên quan đến an toàn, an ninh mạng, vấn đề bảo mật thông tin, các tài liệu mật…
* Thực hiện các đột phá trong tái cấu trúc nền kinh tế
Một vấn đề lớn được Chính phủ đưa ra thảo luận tại Phiên họp là dự thảo 3 đề án tái cơ cấu kinh tế gồm Đề án tái cơ cấu đầu tư; Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; Đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại.
Dự thảo Đề án án tái cơ cấu đầu tư đã chỉ rõ định hướng tái cơ cấu đầu tư đối với từng nguồn vốn cụ thể như, nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ và các nguồn vốn đầu tư có tính chất ngân sách nhà nước; nguồn vốn đầu tư phát triển của nhà nước; nguồn vốn ODA; nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài… Các giải pháp đề ra trong Đề án gồm cả giải pháp trước mắt và các giải pháp tái cơ cấu đầu tư trong trung và dài hạn.
Dự thảo Đề án tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước đã nêu rõ sự cần thiết của tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước; định hướng, mục tiêu, yêu cầu và các giải pháp tái cấu trúc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Nâng cao năng lực hoạt động, hiệu quả sản xuất kinh doanh, sức cạnh tranh của khu vực doanh nghiệp Nhà nước và từng doanh nghiệp nhà nước tương xứng với nguồn lực được giao; tăng tiềm lực tài chính, đảm bảo cơ cấu tài chính hợp lý cho sự phát triển lành mạnh và bền vững của tập đoàn, tổng công ty nhà nước; đảm bảo cho tập đoàn, tổng công ty nhà nước làm tốt vai trò công cụ điều tiết vĩ mô, là đầu tầu định hướng sự phát triển… là những mục tiêu cụ thể mà dự thảo Đề án tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước nêu ra.
Từ các mục tiêu trên, Đề án đã đề ra các nhóm giải pháp thực hiện như: Chính phủ xây dựng, ban hành tiêu chí phân loại, danh mục doanh nghiệp nhà nước để làm căn cứ xác định cơ cấu sở hữu cho từng doanh nghiệp; thực hiện nhất quán, đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; tổ chức sắp xếp và tái cấu trúc từng Tập đoàn kinh tế nhà nước theo mô hình chuyên sâu, đơn lĩnh vực phù hợp với năng lực quản lý, giám sát và quản trị; đổi mới, tăng cường quản lý giám sát nhà nước đối với Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước; tạo lập môi trường cạnh tranh, bình đẳng giữa các khu vực doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả, phát triển bền vững doanh nghiệp nhà nước…
Đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại cũng phân tích rõ thực trạng về hoạt động ngân hàng; mục tiêu, định hướng cơ cấu lại các tổ chức tín dụng theo hướng triệt để và toàn diện; đề ra các giải pháp cụ thể trong thực hiện…
Thảo luận các Đề án trên, các thành viên Chính phủ bày tỏ cơ bản đồng tình với nội dung mà các đề án nêu; nhấn mạnh sự cần thiết tập tập trung các nguồn lực thực hiện các đột phá trong tái cấu trúc kinh tế; cho rằng đây là những nội dung lớn có mối liên kết chặt chẽ mà Chính phủ cần tập trung chỉ đạo thực hiện một các toàn diện, đồng bộ ngày từ năm 2012 nhằm thực hiện chủ trương cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh…
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đề xuất việc tái cơ cấu đầu tư phải được triển khai thực hiện đồng bộ với các công cụ chính sách khác; gắn liền với đó là đổi mới chính sách tài chính, tiền tệ; hạn chế tới mức thấp nhất tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả; đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong đầu tư phát triển…
Liên quan đến Đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại, ý kiến của nhiều Bộ trưởng cho rằng, Đề án cần tập trung mạnh vào các giải pháp củng cố lại các ngân hàng yếu kém hiện nay, xây dựng hệ thống ngân hàng lành mạnh. Nhấn mạnh sự cần thiết của tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, ý kiến các thành viên Chính phủ đề xuất các cơ quan chức năng cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích sự phát triển doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế ngoài nhà nước; tạo môi trường bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế; tăng cường hơn nữa tính kỷ luật tài chính và thực thi pháp luật trong doanh nghiệp nhà nước.
* Quyết tâm thực hiện hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2011
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị ban soạn thảo Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012 tiếp tục bổ sung, điều chỉnh và hoàn thiện Dự thảo trên cơ sở ý kiến thảo luận, góp ý của các thành viên Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương… cần phân tích rõ những mặt làm được, những mặt còn tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và các giải pháp đề ra trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trong năm 2012. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ hoàn thiện báo cáo đánh giá tình hình kinh tế-xã hội năm 2011, trong đó phải đánh giá đầy đủ tình hình và kết quả thực hiện, xác định rõ mục tiêu chủ yếu trong chỉ đạo điều hành để triển khai có hiệu quả các mục tiêu đã đề ra.
Nhận định về tình hình phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, chính sách tiền tệ là yếu tố quyết định trong kiềm chế lạm phát và duy trì tăng trưởng, do vậy Ngân hàng Nhà nước phải phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và địa phương thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, linh hoạt nhằm đảm bảo hài hòa giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để kiềm chế lạm phát theo mục tiêu đề ra. Trước mắt, Ngân hàng Nhà nước phải tính toán hạ giảm dần mặt bằng lãi suất, ưu tiên vốn tín dụng phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh, nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ… Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, nhất là Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo quyết liệt nhằm đảm bảo cung ứng các hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng cuối năm và dịp Tết Nguyên Đán. Chính quyền địa phương và các ngành chức năng tăng cường kiểm soát giá, giữ giá cả ổn định, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, “sốt” giá. Cùng với tiếp tục tăng cường kiểm soát nhập siêu, hạn chế nhập khẩu những mặt hàng xa xỉ chưa thực sự cần thiết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các Bộ, ngành chức năng tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, phấn đấu giảm tỷ trọng nhập siêu năm tới bằng năm nay (khoảng 10% so với kim ngạch xuất khẩu) và tập trung hỗ trợ người nông dân đảm bảo sản xuất vụ Đông Xuân.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ trưởng cần phối hợp để xử lý những vấn đề phát sinh trong thực hiện chính sách tiền tệ, tài khóa, kiểm soát thị trường giá cả, xuất khẩu và kiềm chế nhập siêu, phòng chống thiên tai, cải cách hành chính, an toàn giao thông, phòng chống tội phạm… Các cơ quan nhà nước cần tăng cường biện pháp bảo mật hồ sơ, bảo đảm an ninh, an toàn trong quá trình ứng dụng công nghệ thông tin - Thủ tướng lưu ý.
Về các đề án tái cơ cấu kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các Bộ, ngành chủ trì soạn thảo tiếp tục bổ sung và hoàn thiện trên cơ sở những đóng góp ý kiến của các thành viên Chính phủ, các Bộ, ngành địa phương… Liên quan đến Đề án tái cơ cấu đầu tư, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh đến công tác quy hoạch và phân cấp quản lý nhằm đảm bảo hiệu quả hoạt động đầu tư. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gợi ý về Đề án tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước theo hướng sắp xếp lại doanh nghiệp theo hướng loại bỏ những doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả, đẩy mạnh cổ phần hóa… nhằm nâng cao năng lực hoạt động, hiệu quả sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Cơ cấu lại hệ thống ngân hàng, quỹ tín dụng… Đề cập đến dự thảo Đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gợi ý, Ngân hàng Nhà nước cần sớm đưa ra bộ tiêu chí nhằm quản lý minh bạch hệ thống ngân hàng, đồng thời rà soát, sửa đổi các quy định an toàn về tín dụng, ngân hàng theo lộ trình phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện cụ thể kinh tế-xã hội của đất nước./.
Theo TTXVN
(HBĐT) - Đồng chí Lò Thanh Toa, Bí thư Đảng ủy xã Pù Bin (Mai Châu) cho biết: Xã có diện tích tự nhiên 2.158ha, có 2 dân tộc anh em sống trên 5 xóm với 376 hộ, 1.749 khẩu. Xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn chiếm 54,75%. Nhưng cán bộ, nhân dân trong xã quyết tâm thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu phát triển KT-XH mà Nghị quyết số 11 của Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2010 - 2015 đã đề ra.
(HBĐT) - Đánh giá 4 năm (2007-2010) thực hiện cuộc vận động (CVĐ) “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của huyện Lương Sơn ghi nhận, CVĐ đã tạo được sự chuyển biến rõ nét từ nhận thức đến hành động trong cán bộ, đảng viên và đông đảo nhân dân, trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, từng bước phát huy tác dụng tích cực trong hệ thống chính trị và toàn xã hội. Số lượng gương điển hình về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh xuất hiện ngày càng nhiều và ở khắp các lĩnh vực.
Chiều 30-11, Thủ tướng Thái Lan, bà Yingluck Shinawatra đã tới Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị hai nước Việt Nam - Thái Lan.
Chiều 30/11, tại Trụ sở Bộ Quốc phòng, Trung tướng Đỗ Bá Tỵ, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng tiếp Thượng tướng Alexander Shlyakhturov, Phó Tổng tham mưu trưởng, Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo, Bộ tổng Tham mưu Các lực lượng vũ trang Liên bang Nga thăm, làm việc tại Việt Nam.
(HBĐT) - Chiều ngày 30/11, tại phòng họp 102, Văn phòng UBND tỉnh, Đoàn công tác của Thanh tra Chính phủ do đồng chí Nguyễn Văn Thanh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ làm trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra, nắm tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác thanh tra, giải quyết KN-TC, phòng chống tham nhũng và xây dựng ngành Thanh tra năm 2011 của tỉnh ta. Tham gia đoàn có các đồng chí lãnh đạo các Vụ, Cục và Văn phòng Thanh tra Chính phủ. Đón tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh.
(HBĐT) - Hội CCB xã Đồng Tâm (Lạc Thủy) có 375 hội viên, chiếm 98% tổng số CCB trong xã, sinh hoạt ở 18 chi hội. Nhiệm kỳ 2006- 2011, Hội bám sát chỉ đạo của cấp trên, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, triển khai tốt chương trình công tác Hội, phát huy truyền thống bộ đội Cụ Hồ xây dựng quê hương.