(Bài phát biểu của Thủ tướng NGUYỄN TẤN DŨNG)
Thưa quý vị đại biểu, Trước hết thay mặt Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Ban Chỉ đạo Nhà nước về Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, tôi nhiệt liệt chào mừng các vị đại diện Ðại sứ quán các nước tại Hà Nội, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ và toàn thể quý vị đại biểu đã tới dự Chương trình tọa đàm "Chung tay góp sức khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh" hôm nay.
Thưa quý vị đại biểu,
Trong gần cả thế kỷ, trải qua nhiều cuộc chiến tranh chống xâm lược, đất nước và con người Việt Nam đã phải hứng chịu nhiều thiệt hại và ảnh hưởng nặng nề do số lượng lớn bom, mìn, đạn dược mà quân đội ngoại xâm đã sử dụng để tàn phá, riêng quân đội Mỹ đã sử dụng khoảng 16 triệu tấn bom đạn trong chiến tranh xâm lược Việt Nam. Mặc dù chiến tranh đã qua đi vài chục năm, nhưng vẫn còn để lại nhiều tàn tích đau thương, trong đó có hàng trăm nghìn tấn bom đạn còn sót lại, hằng ngày vẫn gây ra những thương vong thương tâm (1), tổn thất này đã tạo thêm gánh nặng cho nhiều gia đình và xã hội Việt Nam. Diện tích đất bị ô nhiễm bom mìn còn rất lớn, chiếm tới hơn 20% diện tích cả nước, gây nhiều khó khăn cho sản xuất và đời sống của nhân dân cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Ngay sau khi kết thúc chiến tranh, Chính phủ Việt Nam đã đặc biệt quan tâm đến việc khắc phục hậu quả bom mìn. Ðến nay đã ban hành nhiều cơ chế chính sách và hằng năm đã chi hàng nghìn tỷ đồng (tương đương hàng trăm triệu USD) để khắc phục hậu quả. Nhờ sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương và toàn xã hội, sự hợp tác giúp đỡ quý báu của bạn bè quốc tế, công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các mặt: Thứ nhất, cả nước đã dò tìm, thu gom, xử lý được hàng triệu bom mìn, vật nổ các loại, giải phóng hàng trăm nghìn ha đất, góp phần khắc phục hậu quả chiến tranh, tái tạo quỹ đất, bảo đảm môi trường, điều kiện an toàn cho sản xuất, đời sống của nhân dân, giảm thiểu tai nạn, thương tích do bom mìn. Thứ hai, đã tích cực tổ chức công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng tránh bom mìn trong trường học, cộng đồng dân cư, tăng cường nhận thức cho người dân, góp phần giảm dần số vụ tai nạn bom mìn. Thứ ba, đã hỗ trợ điều trị, phục hồi chức năng và tái hòa nhập cộng đồng cho những người dân chịu hậu quả do bom mìn gây ra.
Nhân dịp này, thay mặt Chính phủ, tôi nhiệt liệt biểu dương sự nỗ lực và những kết quả quan trọng đã đạt được của các bộ, ngành, địa phương, các đơn vị, cá nhân trong việc khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh. Tôi cũng chân thành cảm ơn sự hợp tác, hỗ trợ quý báu của các nước, các tổ chức quốc tế, các cá nhân đã dành cho Việt Nam.
Thưa quý vị đại biểu,
Tuy đạt được những kết quả nêu trên, nhưng do chiến tranh xâm lược diễn ra trong thời gian dài với số lượng bom mìn mà quân đội ngoại xâm đã sử dụng rất lớn, tình trạng ô nhiễm bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam đến nay vẫn rất nặng nề; tai nạn, thương tích đối với người dân, đặc biệt là trẻ em vẫn diễn ra hằng giờ, hằng ngày trên phạm vi cả nước, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, đời sống của một bộ phận không nhỏ dân cư.
Với mong muốn Việt Nam trở thành quốc gia không còn tác động của bom mìn, vật nổ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, tạo lập môi trường an toàn cho dân cư sinh sống tại các khu vực ô nhiễm bom mìn và tạo mọi điều kiện để nạn nhân bị thương tật do bom mìn hòa nhập vào đời sống xã hội, năm 2010, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, đề ra nhiều mục tiêu, giải pháp và dự án cụ thể.
Nhiệm vụ đặt ra cho thời gian tới là rất nặng nề, cùng với việc huy động tối đa mọi nguồn lực trong nước, Chính phủ Việt Nam luôn đánh giá cao và mong tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ quý báu, chung tay góp sức của cộng đồng quốc tế giúp Việt Nam khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh.
Tôi hoan nghênh các cơ quan chức năng của Việt Nam, Thường trực Ban Chỉ đạo Nhà nước về Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh đã tổ chức buổi tọa đàm rất có ý nghĩa hôm nay, đây là dịp để các vị có thêm thông tin, trao đổi các phương hướng, biện pháp nhằm thực hiện thành công Chương trình đã đề ra.
Với tinh thần đó, thay mặt Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ban Chỉ đạo Nhà nước về Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, tôi tuyên bố khai mạc buổi tọa đàm "Chung tay góp sức khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh".
Chúc buổi tọa đàm của chúng ta thành công tốt đẹp.
Chúc quý vị đại biểu sức khỏe, hạnh phúc, thành đạt.
Xin trân trọng cảm ơn.
---------------------------------------------------
(1) Theo thống kê chưa đầy đủ, cả nước đã có 42.132 người bị chết, 62.163 người bị thương do bom mìn sót lại sau chiến tranh gây ra. Bình quân mỗi năm có 1.535 người chết và 2.272 người bị thương.
(*) Ðầu đề của Báo Nhân Dân.
Theo Nhan Dan
(HBĐT) - Năm 2010, Đảng bộ xã Nam Phong (Cao Phong) có 100% chi bộ đạt TS-VM, 70% đảng viên đủ tư cách, hoàn thành nhiệm vụ, 15% đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 15% đảng viên đủ tư cách hoàn thành nhiệm vụ. Công tác phát triển Đảng trong nhiệm kỳ mới (2010-2015) đã có chuyển biến tích cực. Từ đầu năm đến nay, Đảng bộ đã kết nạp 6 đảng viên mới . Do quan tâm, chú trọng xây dựng Đảng, hệ thống chính trị ở Nam Phong có đủ sức mạnh, trí tuệ giúp nhân dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển KT-XH trên địa bàn.
(HBĐT) - Ngày 3/12, Ban Kinh tế và ngân sách - HĐND tỉnh đã tổ chức hội nghị thẩm tra các báo cáo và dự thảo Nghị quyết trình kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XV. Đồng chí Nguyễn Minh Quang, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng Ban Kinh tế và ngân sách - HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.
(HBĐT) - Để thực hiện Nghị quyết 26/NQ-Tư về nông nghiệp, nông thôn, nông dân (tam nông) hiệu quả, Huyện ủy Tân Lạc đã xây dựng chương trình hành động sát với thực tế ở các địa bàn.
(HBĐT) - Theo kết quả điều tra, huyện Lương Sơn có 2.849 hộ nghèo, tương đương 13,03% và 2.260 hộ cận nghèo, tương đương 10,34%. Thực hiện chương trình mục tiêu xóa đói - giảm nghèo (XĐGN), huyện Lương Sơn đã thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giảm nghèo theo hướng bền vững. Từ các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, huyện Lương Sơn đã ưu tiên tập trung phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho hộ nghèo, từng bước cải thiện đời sống nhân dân.
Ngày 1/12, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) trong đoàn ĐBQH Thành phố Hà Nội đã tiếp xúc cử tri các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ để báo cáo về kết quả Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII.
Trong 2 ngày 30/11 - 1/12, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã họp Phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 11.