Cụ Hoàng Thị Khìn say sưa kể về những lần gặp Bác, nấu cơm cho Bác.
(HBĐT) - Một ngày cuối đông trong giá lạnh, chúng tôi ngược dốc, ngược đèo để lên với mảnh đất cách mạng Cao Bằng. Nơi đây, 72 năm trước sau 30 năm bôn ba ở nước ngoài, Bác Hồ đã đặt bước chân đầu tiên về nước. Mảnh đất này đã bảo vệ Bác, che chở cho Bác ngày đầu làm cách mạng. Và càng may mắn hơn, lần này, chúng tôi gặp đượcmột trong hai người cuối cùng nấu cơm, đưa cơm và bảo vệ Bác trong những ngày đầu Người về nước.
Năm nay cụ Khìn đã 89 tuổi, nhưng cụ vẫn còn khoẻ lắm. Nhà cụ gần cuối xóm Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng. Nơi cách hang Pác Bó chỉ chừng 1 cây số. Khi chúng tôi đến nhà thì cụ đang lên nương. Đứa cháu cụ bảo: Ngày nào bà em cũng lên đồi cuốc đất trồng ngô, nhổ sắn, làm cỏ như thời còn trẻ. Nhiều lúc các con cháu bảo cụ nghỉ đi để các cháu làm cho, cụ bảo: Còn sức cụ còn làm, giúp cái gì được thì giúp. Lúc ốm muốn giúp cũng chẳng được. Sau nửa tiếng thì cụ về. Dáng cụ cao, người gầy nhưng nhanh nhẹn. Thấy có người hỏi chuyện về Bác, cụ vui lắm, rồi say sưa kể về những kỷ niệm lần đầu tiên gặp Bác, những lần nấu cơm đưa vào hang cho Bác.
Năm đó cụ Khìn mới 17 tuổi. Gia đình cụ cũng như bao hộ khác ở vùng đất Cao Bằng này thường xuyên bị đè nén dưới ách thống trị của bọn quan Tây, lính dõng. Già, trẻ, gái, trai nhà nào cũng vậy, quanh năm oằn lưng làm lụng mà không đủ tiền nộp sưu, nộp thuế. Các cô thiếu nữ Nùng xinh đẹp lớn lên chưa từng được mặc bộ quần áo lành lặn vì quá nghèo, vì bị đô hộ. Hồi đó, cụ thấy cha mình (ông Hoàng Quốc Long, lão thành cách mạng) thường đón mấy người khách lạ (Lê Quảng Ba, Hoàng Tô, Hoàng Sâm) về nhà ăn cơm, rồi vội vàng ra đi. Dưới bàn thờ lớn của gia đình, cha cụ Khìn thưng ván, quây kín thành chiếc rương to. Khi có lính dõng đi tuần, khách lạ chui vào trong đó. Cha cụ bảo cả nhà phải bảo vệ khách, họ là người tốt, sau này sẽ giúp dân bản nhiều việc. Sau đó, cụ cũng được mọi người giác ngộ theo Đội nhi đồng cứu quốc. Mấy chị em trong nhà thường hay nấu cơm đón khách. Tết năm 1941, trời rét buốt như mũi kim xuyên thấu thịt da, mấy người khách lạ đến nhà cùng cha bàn bạc rất lâu. Cha bảo hai chị em cụ Khìn nắm nhiều cơm cho mấy người khách. Thấy lạ, cụ hỏi nhỏ: “Sao Tết rồi mà họ phải gian khổ đi trong đêm lạnh”?. Cha cụ bảo: “Sau này con sẽ hiểu”. Khách đi rồi, cụ thấy cha thường ngồi trầm ngâm bên bếp lửa suốt đêm, vẻ mặt lo lắng. Khi đó, cụ Khìn đâu biết cha đã được giác ngộ cách mạng. Cha đang lo cho mấy đồng chí cán bộ đi đón lãnh tụ cách mạng ở bên kia biên giới. Qua mấy ngày Tết năm đó, cụ Khìn thấy cha ra đi, rồi một hôm quay trở về với người khách (Lê Quảng Ba). Cha bảo cụ và chị gái mình (cụ Hoàng Thị Hoa) nấu cơm, bí mật đem lên rừng. Hai chị em cụ đồ thêm ít xôi và làm món thịt treo gói vào lá chuối, rồi theo đồng chí Lê Quảng Ba đi lên đầu nguồn suối Giàng (suối Lê-nin).
Khu di tích cách mạng Pác Bó hàng năm thu hút hàng triệu khách du lịch về thăm.
Đang kể thì cụ kéo chúng tôi ra cửa nhà sàn chỉ về phía núi và bảo: kia kìa tôi gặp Bác ở giữa khe núi kia. Đó là cột mốc 108 giáp với Trung Quốc. Cụ gặp Bác, người gầy xanh nhưng đôi mắt rất sáng. Bác nói tiếng Nùng, giọng ấm áp, bảo hai chị em gọi mình là Già Thu và ân cần hỏi thăm cuộc sống của dân bản rồi Bác kể vài câu chuyện để hai chị em cụ hiểu thằng Tây, lính dõng hung bạo thế nhưng nếu tất cả người dân Việt Nam, từ Kinh, Tày, Nùng, Thái, Dao... cùng đoàn kết lại chúng sẽ phải chịu thua... Rồi Bác hỏi cụ: thế các cháu nhỏ như thế này có đánh Tây được không? Cụ trả lời chúng cháu không đánh được Tây rồi Bác bảo chúng cháu làm bảo vệ cho cán bộ, bảo vệ cho Bác là đánh được Tây rồi. Về nhà, hai chị em kể chuyện gặp Bác với cha. Cha cụ mừng lắm, ôm con vào lòng, động viên con làm theo lời Bác. Từ đó, hàng ngày, chị em cụ thay nhau nấu cơm, cháo ngô đem vào rừng cho Bác. Bác ở trong một cái hang. Cái hang này được một người trong xóm đi lấy củ mài phát hiện. Nhìn bên ngoài trông nó như một cái hang cụt, chỉ lách được người vào giữa núi đá sừng sững. Đi vào bên trong cái hang rộng ra. Trong hang chỉ có mấy tấm gỗ kê trên hai hòn đá để Bác nằm, bên cạnh là mấy phiến đá để làm việc. Chỗ Bác ở, mọi người phân công nhau canh gác rồi nấu cơm, đưa cơm. Có thời gian do khó khăn nên hàng ngày chỉ có cháo bẹ cho vào ống tre khoác bên hông như đi vào rừng lấy rau lợn. Món Bác thích ăn nhất là ớt chỉ thiên cay sè cả mắt sào thịt ăn với cơm. Qua các vòng canh gác phải có mật khẩu mới được vào. Một ngày đưa cơm hai lần. Buổi sáng khi trời chưa sáng thì đi đưa cơm cho cả hai bữa sáng và trưa. Đến chiều tối khi trời tối hẳn thì đi. Việc nấu cơm, đưa cơm do 4 nhà trong xóm đảm nhiệm. Những người này đều hoạt động cách mạng. Có lần Bác bảo, Bác có nhân dân mới hoạt động cách mạng được. Làm cách mạng thì không sợ chết, đi theo Đảng thì không sợ sai.
Bác bảo hai chị em vận động dân bản đi học chữ và lớp học thời đó được cán bộ dựng lên sau chiếc bàn đá mà Bác thường ngồi làm việc. Thầy giáo là đồng chí Cao Hồng Lĩnh. Thường ngày, sau giờ làm việc, Bác lên thăm lớp học, động viên mọi người và giảng bài về đạo đức người cán bộ. Bác tặng chị em cụ cuốn sách Ngũ tự kinh và dặn: “Các cháu nhớ học chữ để đọc hiểu cuốn sách này. Hiểu biết rộng để làm cách mạng, sau này đứng lên giành độc lập tự do thì Bác mới trả được hết công lao các cháu”.
Nhớ lời Bác, mọi người cố gắng học chữ để đọc sách, báo tuyên truyền về đường lối cách mạng. Được Bác mở lớp dạy chữ, mọi người tuyên truyền cho gia đình và dân bản tham gia vào các tổ chức cứu quốc. Cả xóm thành lập 5 đội cứu quốc đại diện cho các tầng lớp: người già, thanh niên, nông dân, phụ nữ và nhi đồng. Đội nhi đồng có 12 người, trong đó anh Đại Việt là tổ trưởng, anh Kim Đồng là tổ phó. Cụ Khìn cùng tổ phụ nữ cứu quốc xóm vận động chị em trong bản, xã đóng góp lương thực, lấy củi đổi muối nuôi cán bộ, làm tốt công tác hậu cần, đưa đón, bảo vệ cán bộ 3 miền Bắc, Trung, Nam về Pác Bó học các lớp tập huấn cán bộ, du kích và dự Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 tại Khuổi Nậm. Tháng 5-1945, cả bản Pác Bó tiễn chân Bác từ Pác Bó đi Tân Trào. Mọi người xúc động, bịn rịn không muốn rời. Chị em trong bản khâu áo, mũ, giày vải, khăn tặng Bác. Bác động viên mọi người tiếp tục đoàn kết, đấu tranh giành chính quyền khi thời cơ đến. 72 năm đã qua kể từ ngày Bác về đây mở con đường mới cho đất nước, không chỉ thay đổi cuộc đời cụ Khìn mà thay đổi cả vận mệnh dân tộc. Hình ảnh của Người vẫn còn in đậm mãi trong lòng dân bản Pác Bó. Từng hòn đất, hòn đá, dòng suối nơi đây vẫn còn nhớ dáng hình Bác năm xưa.
(HBĐT) - Ngày 21/1, đồng chí Hoàng Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBMTTQ ttỉnh đã đến chúc Tết, động viên CBCS Bộ CHQS tỉnh đang làm nhiệm vụ trực tết.
(HBĐT) - Năm mới cận kề, mẹ con chị Hoàng Nữ Lệ Hằng, xóm Đồng Bái, thị trấn Lương Sơn (Lương Sơn) vui mừng phấn khởi vì được đón Tết trong ngôi nhà mới vững chãi, ấm cúng. Niềm vui tràn ngập trên gương mặt người mẹ trẻ, niềm vui ấy như được nhân lên nhiều lần bởi ngôi nhà được dựng xây từ sự chắt chiu, giành dụm của gia đình, tấm lòng hảo tâm, giúp đỡ của bà con lối xóm, quỹ Vì người nghèo huyện hỗ trợ và ủng hộ của doanh nghiệp.
(HBĐT) - Trở lại Lạc Sỹ (Yên Thủy) vào một ngày đầu xuân, chúng tôi ngỡ ngàng trước những đổi thay ở một xã vùng sâu. Con đường đất quanh co, khó nhọc về xã khi xưa nay đã được rải lớp nhựa thuận tiện cho việc đi lại, lưu thông hàng hóa của bà con. Đời sống của người dân dần được nâng lên bằng ý chí vượt khó cùng sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước.
(HBĐT) - Ngày 20/1, đoàn công tác của Tỉnh ủy do đồng chí Nguyễn Văn Quang, Phó Bí thư Thưởng trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm trưởng đoàn đã đến thăm và chúc Tết, cán bộ, phóng viên, CNVC Đài PT-TH tỉnh, Báo Hòa Bình.
(HBĐT) - Sáng 18/1, Công ty TNHH Trung Sơn đã tổ chức chúc Tết và trao tặng trên 80 suất quà cho các cụ cao niên 80 tuổi trở lên tại 2 xã Thành Lập và Trung Sơn, huyện Lương Sơn.
(HBĐT) - Chiều 18/1, Công ty CP BĐS An Thịnh đã tổ chức bàn giao 2 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo Trần Quang Hà ở thôn Tân Sơn và Hoàng Thị Huyền ở thôn Cố Thổ, xã Hòa Sơn, Lương Sơn. Dự lễ bàn giao có đồng chí Trần Đăng Ninh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo huyện Lương Sơn và cấp ủy, chính quyền cơ sở.