Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc hội nghị.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc hội nghị.

Ngày 27/2, tại Hà Nội, Bộ Chính trị đã tổ chức Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay.” Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; các Ủy viên Bộ Chính trị: Trương Tấn Sang - Chủ tịch nước, Nguyễn Tấn Dũng - Thủ tướng Chính phủ, Nguyễn Sinh Hùng - Chủ tịch Quốc hội, Lê Hồng Anh, Thường trực Ban Bí thư cùng tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng chủ trì, chỉ đạo Hội nghị.

 

Tham dự hội nghị có trên 1.000 đại biểu, gồm các ủy viên Trung ương Đảng (chính thức và dự khuyết); lãnh đạo các ban và cơ quan Đảng Trung ương; thành viên các ban cán sự, đảng đoàn; ủy viên thường vụ Quân ủy Trung ương, Đảng ủy Công an Trung ương; thành viên lãnh đạo các cơ quan trực thuộc Chính phủ; chủ nhiệm, phó chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương; ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương; bí thư, phó bí thư tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy, trưởng các ban Tổ chức, Kiểm tra, Tuyên giáo, Dân vận và chánh Văn phòng các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương; phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương, Đảng ủy Công an Trung ương; báo cáo viên cấp Trung ương.

Trực tiếp truyền đạt, quán triệt, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 và Chỉ thị của Bộ Chính trị về việc thực hiện Nghị quyết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” là văn kiện hết sức quan trọng của Đảng. Ngay sau khi ban hành, Nghị quyết đã được đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đón nhận với một tình cảm vui mừng, phấn khởi, tin tưởng và nhất trí cao; cho rằng, Nghị quyết đã chọn đúng và trúng vấn đề hết sức quan trọng, nhìn nhận, đánh giá đúng tình hình với tinh thần tự phê bình rất cao, đề ra giải pháp phù hợp, nếu thực hiện nghiêm túc sẽ tạo chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt trong công tác xây dựng Đảng, góp phần làm cho Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và nguyện vọng tha thiết của toàn Đảng, toàn dân.

Tổng Bí thư nhấn mạnh: Mục đích của Hội nghị quan trọng này là thông qua việc giới thiệu, quán triệt quan điểm chỉ đạo, nội dung, giải pháp, các bước thực hiện nêu trong Nghị quyết của Trung ương, Chỉ thị, Kế hoạch của Bộ Chính trị, giúp các đồng chí lãnh đạo chủ chốt các cấp, các ngành, nhận thức, đầy đủ, sâu sắc mục đích, ý nghĩa của Nghị quyết, nắm vững tư tưởng chỉ đạo, nội dung quan trọng, những công việc cần làm, cả trước mắt và lâu dài, tạo sự thông nhất cao về ý chí và hành động, đưa Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng vào cuộc sống.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã giới thiệu, phân tích, làm rõ các quan điểm, nội dung quan trọng trong Nghị quyết của Trung ương và Chỉ thị của Bộ Chính trị, tập trung vào 4 vấn đề: Sự cần thiết phải bàn và ra Nghị quyết về xây dựng Đảng; mục đích, yêu cầu, quá trình chuẩn bị, phạm vi của Nghị quyết; những nội dung cơ bản của Nghị quyết Trung ương 4 và Chỉ thị của Bộ Chính trị; những vấn đề cần lưu ý trong chỉ đạo học tập, quán triệt và tổ chức chực hiện.

Tổng Bí thư chỉ rõ, từ trước đến nay, nhất là trong hơn 25 năm tiến hành sự nghiệp đổi mới, Đảng ta hết sức quan tâm đến công tác xây dựng Đảng; đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về xây dựng Đảng, nhờ đó,tạo được những chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng Đảng. Tuy nhiên, so với mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ đề ra, những kết quả đạt được vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém.

Phân tích 4 lý do cần thiết phải ban hành Nghị quyết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Thứ nhất, công tác xây dựng Đảng luôn có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, đây là bài học lớn, là kết luận sâu sắc, đúc rút qua quá trình hơn 80 năm hoạt động của Đảng. Càng đi vào đổi mới, phát triển kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập, càng cần phải coi trọng công tác xây dựng Đảng; đây là nhân tố đảm bảo thực hiện thắng lợi Cương lĩnh chính trị, mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Thứ hai, yêu cầu nhiệm vụ chính trị của nước ta hiện nay rất to lớn, nặng nề, khó khăn, đòi hỏi Đảng phải nâng tầm lãnh đạo cao hơn nữa, nâng sức chiến đấu mạnh hơn nữa.

Thứ ba, Đảng ta, bên cạnh mặt tích cực, phát huy bản chất và truyền thống tốt đẹp, đang đứng trước các yêu cầu, nhiệm vụ mới, phải khắc phục, đẩy lùi những yếu kém, tiêu cực, phức tạp gây băn khoăn, lo lắng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Thứ tư, các thế lực thù địch tiếp tục chống phá điên cuồng sự nghiệp đổi mới của đất nước ta nhằm xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa, xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, xóa bỏ Chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong bối cảnh tình hình trên, Đảng ta luôn nhấn mạnh phải đặc biệt coi trọng công tác xây dựng Đảng, coi đây là nhiệm vụ then chốt, nhiệm vụ có ý nghĩa sống còn đối với Đảng ta, chế độ ta.

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, cán bộ, phương thức lãnh đạo. Nghị quyết Trung ương 4 tập trung vào 3 vấn đề cấp bách: Thứ nhất, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Thứ hai, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là ở cấp Trung ương nhằm đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Thứ ba, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị. Ba nội dung đó có quan hệ gắn bó, trong đó, nội dung thứ nhất là trọng tâm, xuyên suốt, mang tính cấp bách nhất.

Tổng Bí thư phân tích, chỉ rõ những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm trên cả 3 vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng, chỉ ra tính chất, phạm vi, xu thế và hậu quả của những yếu kém, khuyết điểm đó.

Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét toàn diện, chỉ ra nguyên nhân chủ quan và khách quan của những yếu kém, khuyết điểm, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu; khẳng định các nguyên nhân khách quan và chủ quan tác động lẫn nhau, xuyên thấm vào nhau rất phức tạp.

Điều đáng lo ngại là, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, sa vào chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, thực dụng, lơ là trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân; nguyên tắc tập trung dân chủ thực hiện chưa tốt, bị buông lỏng, không ít nơi có tình trạng dân chủ hình thức; nguyên tắc tự phê bình và phê bình thực hiện kém, thiếu thẳng thắn, trung thực. Việc nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, ban hành cơ chế, chính sách, pháp luật thích ứng với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa kịp thời, công tác cán bộ còn nhiều bất cập. Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống nhiều khi còn hình thức, chưa đủ sức động viên ý chí, khơi dậy hành động cách mạng của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Công tác nghiên cứu lý luận còn bất cập, lạc hậu.

Công tác kiểm tra, giám sát, giữ gìn kỷ luật, kỷ cương ở nhiều nơi, nhiều cấp chưa thường xuyên, ráo riết. Trên cơ sở xác định ba nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách nêu trên, Trung ương đã chỉ ra các giải pháp mang tính đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, khả thi, kết hợp “chống và xây” “xây và chống”, tập trung vào những vấn đề bức xúc nhất, cấp bách nhất với 4 nhóm giải pháp: (1) Nhóm giải pháp về tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiền phong và gương mẫu của cấp trên; (2) Nhóm giải pháp về tổ chức, cán bộ và sinh hoạt Đảng; (3) Nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách; (4) Nhóm giải pháp về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng. Tinh thần toát lên trong các nhóm giải pháp đó là: Xác định những việc cần làm, có thể làm ngay và những việc cần có thời gian chuẩn bị, nhất là về vấn đề xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách, xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện một cách kiên quyết, hiệu quả.

Những việc cần làm ngay là: Từng cán bộ, đảng viên, trước hết là từng đồng chí Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tự giác, gương mẫu, tự phê bình, kiểm điểm, nhìn lại mình, tự điều chỉnh mình; cái gì tốt thì phát huy, cái gì xấu thì tự gột rửa, tự sửa mình; cảnh giác trước mọi cám dỗ về danh lợi, vật chất, tiền tài, tránh rơi vào vũng bùn của chủ nghĩa cá nhân ích kỷ.

Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiến hành kiểm điểm, đánh giá, làm rõ trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, đẩy mạnh chỉ đạo việc học tập, rèn luyện phẩm chất đạo đức lối sống. Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước chịu trách nhiệm xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giải quyết từng vấn đề cấp bách, những việc cần làm ngay, xác định rõ nội dung, thời gian hoàn thành và người chịu trách nhiệm cụ thể. Nghiêm túc thực hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; xử lý dứt điểm một số vụ việc mà dư luận quan tâm; cải tiến, nâng cao chất lượng việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Trong các nhóm giải pháp, cần đặc biệt chú ý chuẩn bị và tiến hành tốt việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo cương vị, chức trách, nhiệm vụ được giao; giữ gìn đạo đức lối sống của bản thân và của người thân trong gia đình. Mỗi đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, cán bộ chủ chốt các cấp phải nghiêm túc thực hiện. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, điều tra, xét xử, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng; có giải pháp xây dựng cơ chế để nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội tham gia xây dựng Đảng. Có cơ chế phát huy dân chủ thực sự, thực hiện công khai, minh bạch; khuyến khích cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; thực hiện nghiêm túc việc chất vấn trong Đảng được quy định từ nhiệm kỳ khóa IX.

Về một số vấn đề cần lưu ý trong quá trình chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, Tổng Bí thư nhấn mạnh: Nghị quyết "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" là một văn kiện có tầm quan trọng đặc biệt. Vấn đề quyết định bây giờ là khâu tổ chức thực hiện Nghị quyết, quyết tâm thực hiện, khó mấy cũng phải thực hiện. Tổng Bí thư lưu ý các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên phải nhận thức thật đầy đủ và sâu sắc mục đích, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung của Nghị quyết, nắm vững những tư tưởng chỉ đạo, những công việc phải làm, trên cơ sở đó có sự thống nhất cao về ý chí, quyết tâm, hành động, thấy đầy đủ trách nhiệm của mình để gương mẫu, tự giác thực hiện và chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết trên mỗi cương vị công tác tại địa bàn, lĩnh vực do mình phụ trách.

Ngay sau khi kết thúc Hội nghị này, căn cứ vào Nghị quyết của Trung ương, Chỉ thị và Kế hoạch của Bộ Chính trị, sự chỉ đạo, hướng dẫn của các ban đảng Trung ương và các cơ quan cấp trên, các cấp ủy và tổ chức đảng các cấp, các ngành phải xây dựng kế hoạch, chương trình học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương mình, ngành mình; phải làm khẩn trương, nghiêm túc, thiết thực; có sự phân công trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể, chặt chẽ, rõ ràng. Từng cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đặc biệt là người đứng đầu, người chủ trì, phải tự giác, gương mẫu làm trước.

Các nhiệm vụ và giải pháp phải được thực hiện một cách đồng bộ, tổng hợp, có trọng tâm, trọng điểm; bao gồm cả việc thực hiện 8 nhiệm vụ nêu trong Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, các nghị quyết, chỉ thị, các quy định khác của Đảng và Nhà nước; kết hợp giữa "xây và chống", "chống và xây"; nêu gương những người tốt, việc tốt; ngăn ngừa, cảnh báo, phê phán những việc làm sai trái; đấu tranh mạnh mẽ chống tham nhũng, hư hỏng, tiêu cực; xử lý nghiêm những hành vi vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình cần được chuẩn bị thật chu đáo, chỉ đạo tỉ mỉ, chặt chẽ, tiến hành nghiêm túc, thận trọng; làm đến đâu chắc đến đó, đạt kết quả cụ thể, thực chất. Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng phải được đặt trong tổng thể thực hiện các nghị quyết khác của Trung ương, của Quốc hội, của Chính phủ, trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị thường xuyên của cả hệ thống chính trị, bảo đảm thúc đẩy việc hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng, giữ vững ổn định chính trị, đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại.

Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là làm cho Đảng ta ngày càng mạnh hơn; cán bộ, đảng viên gương mẫu hơn; tổ chức đảng có tính chiến đấu cao hơn; đoàn kết nội bộ tốt hơn; gắn bó với nhân dân mật thiết hơn; thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ chính trị đạt kết quả cao hơn.

Tổng Bí thư khẳng định, điều quan trọng có ý nghĩa quyết định là: tất cả chúng ta, từ trên xuống dưới, đều phải có quyết tâm rất lớn, có sự thống nhất rất cao, có biện pháp thực hiện quyết liệt, khả thi, chỉ đạo chặt chẽ với một phương pháp tư duy đúng đắn, tỉnh táo, bình tĩnh, không cực đoan, không để các thế lực xấu lợi dụng, xuyên tạc, kích động, phá hoại. Bộ Chính trị, Ban Bí thư tin tưởng rằng, với truyền thống và bản chất tốt đẹp của Đảng ta, với quyết tâm chính trị rất cao của toàn Đảng, lại được nhân dân đồng tình, ủng hộ, nhất định chúng ta sẽ vượt qua mọi khó khăn, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4, tạo bước chuyển biến mới trong công tác xây dựng Đảng, làm cho Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh.

{Phát biểu của Tổng Bí thư tại hội nghị quán triệt Nghị quyết Trung ương 4}


Trong phiên họp buổi sáng 27/2, Hội nghị đã nghe ông Lê Hồng Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư phổ biến Chỉ thị của Bộ Chính trị, dự thảo Kế hoạch của Bộ chính trị thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI).

Buổi chiều, Hội nghị đã nghe ông Tô Huy Rứa - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương phổ biến Hướng dẫn kế hoạch kiểm điểm, tự phê bình, phê bình theo Kế hoạch thực hiện Nghị quyết Trung ương 4; ông Ngô Văn Dụ - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn thực hiện “Quy định về những điều đảng viên không được làm”; ông Đinh Thế Huynh - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương hướng dẫn Kế hoạch công tác tư tưởng và Kế hoạch tiếp tục triển khai Chỉ thị 03 –CT/TW về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.”

Trong các ngày diễn ra Hội nghị, dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các đại biểu thảo luận quán triệt Nghị quyết của Trung ương, Chỉ thị của Bộ Chính trị; góp ý vào dự thảo Kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Trung ương, Chỉ thị của Bộ Chính trị và bàn các biện pháp thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4. Hội nghị tiếp tục làm việc đến ngày 29/2./.



 

                                                                                      Theo TTXVN
 

Các tin khác

Đồng chí Trần Đăng Ninh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc với các doanh nghiệp CHLB Đức.
BCH Đảng bộ thị trấn Cao Phong họp triển khai nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2012.
Các hội viên chi hội PN xóm Cút, xã Ngọc Mỹ (Tân Lạc) tham gia sinh hoạt định kỳ.
Đồng chí Bùi Văn Tỉnh, UVT.Ư Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh trao Quyết định nâng hạng Bệnh viện đa khoa tỉnh thành bệnh viện hạng I thuộc tỉnh.

Tăng cường quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào

Ngày 26/2, tại Bình Định, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Thủ tướng Lào Thongsing Thammavong ( Thoong-xỉnh Thăm-mạ-vông ) đang dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào thăm các tỉnh Kon Tum, Gia Lai và Bình Định từ ngày 23-26/2.

Lãnh đạo UBND tỉnh kiểm tra khu tái định cư Phiêng Sa, nguy cơ sạt lở cao

(HBĐT) - Đồng chí Trần Đăng Ninh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo và chuyên viên Văn phòng UBND tỉnh, Sở TN&MT vừa đi kiểm tra nguy cơ sạt lở tại khu TĐC xã Phiêng Sa, Đồng Bảng, huyện Mai Châu. KTĐ cư Phiêng Sa phục vụ di dân cấp bách do hậu quả nặng nề của cơn bão lịch sử bão số 5 năm 2007, được xây dựng từ năm 2009, hoàn thành năm 2010, hiện có 35 hộ dân.

Đáp ứng lợi ích cả “ bốn bên”

(HBĐT) - Mới đây, Sở LĐ-TB&XH và Công ty An Thịnh đã có sự hợp tác về đào tạo lao động cung cấp cho doanh nghiệp KCN Lương Sơn, mở ra những cơ hội mới đáp ứng lợi ích của doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề, người lao động và cơ quan quản lý Nhà nước.

Đoàn công tác của Ban Dân vận T.Ư nghiên cứu, khảo sát công tác dân vận tại tỉnh ta

(HBĐT) - Trong 2 ngày 23-24/2, đoàn công tác của Ban Dân vận T.Ư do đồng chí Nguyễn Thế Trung, UVT.ư Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực làm trưởng đoàn đã có chương trình nghiên cứu, khảo sát công tác dân vận tại tỉnh ta. Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Nguyễn Văn Quang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ban Dân tộc tỉnh, Sở Nội vụ, UBMTTQVN tỉnh, Văn phòng Tỉnh ủy, LĐLĐ tỉnh và các hội, đoàn thể liên quan của tỉnh.

Ban VH-XH&DT (HĐND tỉnh): Giám sát công tác QLNN về tôn giáo

(HBĐT) - Sáng 24/2, tại Sở Nội vụ, đoàn công tác do đồng chí Hoàng Thanh Mịch, UVTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Ban VH-XH&DT HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn đã tiến hành giám sát công tác QLNN về tôn giáo trên địa bàn tỉnh. Tham gia đoàn giám sát có lãnh đạo các ban của HĐND tỉnh, MTTQ, Ban Dân vận Tỉnh ủy và đại biểu HĐND tỉnh là thành viên Ban VH-XH&DT.

Đại hội CCB thị trấn Lương Sơn lần thứ VI, nhiệm kỳ 2012- 2017

(HBĐT) - Ngày 21/2, Hội CCB thị trấn Lương Sơn đã tổ chức đại hội đại biểu Hội CCB thị trấn lần thứ VI, nhiệm kỳ 2012- 2017.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục