Ngọn lửa truyền thống anh hùng luôn được các thế hệ trẻ  xã Tu Lý gìn giữ và phát huy.

Ngọn lửa truyền thống anh hùng luôn được các thế hệ trẻ xã Tu Lý gìn giữ và phát huy.

(HBĐT) - Trải suốt chiều dài 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, Tu Lý (Đà Bắc) không phải là địa danh nổi bật với những chiến công vang dội. Tuy vậy, nói như ông Đinh Hồng Chiến, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Tu Lý thì: Chúng tôi luôn tự hào về truyền thống anh hùng của quân và dân địa phương. Trong suốt 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, phát huy truyền thống yêu nước, Tu Lý đã trở thành một trong những địa phương dẫn đầu tỉnh và huyện về số thanh niên nhập ngũ.

 

Góp sức cho tiền tuyến, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ vững chắc hậu phương lớn miền Bắc đã trở thành khẩu hiệu hành động của mỗi người dân Tu Lý trong suốt 21 năm trường kỳ kháng chiến chống Mỹ. Đặc biệt là trong những năm tháng chống chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ. Nhớ lại thời kỳ đầy gian khổ đó, ông Đinh Hồng Chiến bồi hồi: Giai đoạn 1965 - 1968, hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, Bác Hồ cùng ý chí quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ, quân và dân Tu Lý đã tích cực xây dựng trận địa phòng không, luyện tập các phương án chiến đấu. Với tinh thần quyết chiến, quyết thắng, các chiến sỹ dân quân xã luôn chuẩn bị sẵn mỗi người 3 kg gạo, 1 ống muối, 1 dây thừng và vũ khí cá nhân để khi có lệnh tập trung có thể lên đường chiến đấu được ngay. Công tác sẵn sàng chiến đấu, phục vụ chiến đấu của quân và dân Tu Lý thường xuyên được chú trọng. Hơn 300 cán bộ, chiến sỹ dân quân ở 15 trung đội, tiểu đội được chỉnh huấn chính trị và huấn luyện các phương án chiến đấu, làm tốt công tác phòng không nhân dân, củng cố hầm hào vững chắc. Từ sự chuẩn bị kỹ lưỡng đó, quân và dân Tu Lý đã chủ động, sẵn sàng chiến đấu khi có tình huống xảy ra. Điển hình như ngày 15/3/1966, trong khi đi làm đồng, tổ nữ du kích gồm 4 đồng chí đã phối hợp cùng với các lực lượng trực tiếp chiến đấu, nổ súng bắn máy bay Mỹ khi chúng xâm phạm vùng trời. Tiếp đó, ngày 15/4/1967, hơn 100 dân quân Tu Lý đã tham gia phối hợp với dân quân các xã bạn tổ chức vây bắt giặc lái Mỹ nhảy dù xuống khi máy bay của chúng bị bắn rơi trên bầu trời Đà Bắc. Bước vào thời kỳ chiến tranh ác liệt năm 1972, để cứu vãn nguy cơ sụp đổ của kế hoạch “Việt Nam hóa chiến tranh”, giặc Mỹ huy động hàng vạn lượt máy bay leo thang ném bom bắn phá miền Bắc. Trong 12 ngày đêm chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” cuối năm 1972, cùng với quân và dân cả nước, quân, dân xã Tu Lý đã huy động hơn 1.000 lượt người trực chiến bắn máy bay tại các trận địa phòng không góp phần tạo thành lưới lửa ken dày nhiều tầng, nhiều lớp làm cho quân thù khiếp sợ, không dám chủ quan bay thấp, chỉ dám cắt bom vội vã để nhanh chóng thoát khỏi lưới lửa phòng không dày đặc của ta. Cùng với việc huy động quân và dân trực chiến bắn máy bay, Tu Lý cũng đã huy động hơn 230 lượt người tham gia vây bắt giặc lái Mỹ.

 

Với tinh thần tất cả cho tiền tuyến, trong suốt 21 năm kháng chiến chống Mỹ, Tu Lý đã có hơn 560 thanh niên lên đường nhập ngũ, trở thành một trong những địa phương có số thanh niên lên đường ra mặt trận nhiều nhất tỉnh và huyện Đà Bắc. Đặc biệt, trong năm 1972, Tu Lý đã có 36 thanh niên nhập ngũ, trong đó có 10 nữ thanh niên thực hiện vượt chỉ tiêu 72% quân số. Phó Chủ tịch UBND xã Tu Lý Nguyễn Văn Tuyển nhớ lại: Thời kỳ ấy, thanh niên trong xã hăng hái xung phong lên đường nhập ngũ. Hầu như nhà nào cũng có người đi bộ đội, thanh niên Tu Lý tham gia chiến đấu ở hầu khắp các chiến trường. Kết thúc cuộc chiến, cả xã có 48 người con đã anh dũng hy sinh và 16 người đã để lại một phần xương máu tại chiến trường. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, không chỉ góp sức người mà Tu Lý còn tham gia chi viện hơn 50 tấn gạo, 15 tấn thực phẩm cho tiền tuyến. Với những thành tích đó, ngày 22/8/1998, Đảng bộ và nhân dân Tu Lý đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân thời kỳ chống Mỹ.

 

Phát huy truyền thống anh hùng, trong những năm qua, các thế hệ người dân Tu Lý đã ra sức thi đua học tập, lao động sản xuất, từng bước xóa đói - giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Tuyển cho biết thêm: Từ chỗ đời sống người dân còn nhiều khó khăn, bấp bênh, đến nay, xã không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 24% (tiêu chí cũ), thu nhập bình quân đạt 8,8 triệu đồng/người/năm. QP-AN được giữ vững, ổn định, hàng năm, xã luôn đảm bảo chỉ tiêu thanh niên nhập ngũ.      

 

 

                                                               Mạnh Hùng

 

Các tin khác


Quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới

Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW (ngày 9/5/2024) Quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới (Quy định số 144).

Phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên

Những năm qua, việc thực hiện Quy định số 34-QĐi/TU, ngày 28/01/2019 của Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên (CB,ĐV), trước hết là Ủy viên Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh đã đạt kết quả tích cực. Tỉnh ủy coi đây là phương thức lãnh đạo quan trọng của Đảng; là biện pháp thiết thực, hiệu quả góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh, xây dựng tỉnh Hòa Bình ngày càng giàu đẹp, văn minh

Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh 


Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ thiên tài, kiệt xuất của dân tộc, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Người "là biểu tượng cao đẹp nhất của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Người là kết tinh rạng ngời của đạo đức, trí tuệ, khí phách, lương tri của dân tộc và thời đại”. Trọn cả cuộc đời, Người dâng hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người. Tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người là tài sản tinh thần vô giá của Đảng và dân tộc ta. Học tập và làm theo Người là nhiệm vụ hết sức quan trọng, không thể thiếu đối với tất cả các tổ chức đảng, đảng viên trong việc tu dưỡng, rèn luyện, cống hiến và phụng sự đất nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Cần đa dạng hóa nguồn lực phát triển nhà ở xã hội

Chiều tối 17/5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp với các bộ, ngành bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư phát triển nhà ở xã hội, thực hiện Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”. Cùng dự có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

Triển khai hiệu quả nhiệm vụ khoa học lý luận chính trị, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Sáng 17/5, tại Hà Nội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5).

Đường Hồ Chí Minh từ kỳ tích đến mạch máu đất nước - Bài cuối: Đi tới tương lai thịnh vượng

Đất nước thống nhất, sứ mệnh của đường mòn Trường Sơn đã hoàn thành. Nhưng một ước muốn lại cháy bỏng, đó là phát huy giá trị của tuyến đường lịch sử này trong phát triển kinh tế - xã hội hôm nay. Ước vọng đó thành hiện thực khi ngày 5/4/2000, tại bến phà Xuân Sơn, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, Thủ tướng Chính phủ đã phát lệnh khởi công xây dựng công trình đường Hồ Chí Minh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục