CCB, thương binh Lê Quốc Quang kể chuyện về ngày giải phóng miền Nam 30/4.
(HBĐT) - Thế hệ chúng tôi sinh ra sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước nhưng qua câu chuyện của những nhân chứng lịch sử đang sống tại TPHB, không khí của của những ngày mùa xuân đại thắng 1975 được tái hiện thật sinh động và cảm động. Với họ, những tháng ngày sống trong quân ngũ, hòa trong đoàn quân tiến qua các địa bàn Tây Nguyên, Tây Ninh, Long An tiến về giải phóng Sài Gòn là những ngày tháng hạnh phúc nhất. Lửa lòng của những CCB TPHB hôm nay đã làm trào dâng niềm tự hào trong thế hệ trẻ chúng tôi về dân tộc, một đất nước Việt Nam anh hùng.
37 năm trôi qua, ngần ấy thời gian cũng đủ để mái tóc xanh của CCB Đinh Huy Hậu ở tổ 14, phường Thịnh Lang điểm bạc nhưng câu chuyện tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử của ông vẫn sục sôi như mới ngày nào. Tạm biệt quê hương Thịnh Lang năm 1972, đầu năm 1973, đơn vị ông - đại đội 43, tiểu đoàn 23, M26 tăng thiết giáp vào chiến trường miền đông Nam bộ, chiến đấu tại Tây Ninh và Long An. Chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh, đơn vị ông xuất phát từ hướng tây đánh vào Sài Gòn. CCB Đinh Huy Hậu nhớ lại: Khi nhận lệnh, ông cùng các đồng đội đã phải bơi vượt sông Vàm Cỏ vào thị xã Hồng Nghĩa (Long An) và đánh xuống cầu Bông. 9h ngày 30/4/1975, khi xuống đến ngã tư Bảy Hiền, giáp sân bay Tân Sơn Nhất, đơn vị ông gặp phải sự chống cự quyết liệt của đơn vị nhảy dù địch, chúng dùng súng chống tăng bắn lại liên tiếp. Song với sự mưu trí, dũng cảm, đơn vị đã tiêu diệt được địch, tiến thẳng theo đường Cách mạng Tháng Tám đến chợ Hoà Hưng và phát triển về hướng dinh Độc Lập. Khi xe tăng tiến đến công viên Tao Đàn cũng là lúc tin chiến thắng reo vang. Đường phố Sài Gòn rào rào rung chuyển bước chân của hàng triệu người trong niềm hân hoan chiến thắng. ông và đồng đội cũng reo hò sung sướng đến rơi nước mắt. Không khí của Sài Gòn lúc này rộn ràng, tiếng nói cười hân hoan với muôn ngàn âm thanh khác hòa quện như một tiếng nói của lịch sử rằng, từ nay, đất nước ta được sống trong độc lập, tự do, chúng ta được trở về với gia đình, quê hương để dựng xây cuộc sống mới.
Với CCB Tạ Duy Sản ở tổ 1B, phường Tân Thịnh, nguyên Đại đội phó Đại đội 14, Trung đoàn 28, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3 thì kỷ niệm về đợt tiến quân thần tốc vào Sài Gòn sáng 30/4/1975 là một ngày trọng đại nhất trong đời người lính. Từng chi tiết về đợt tiến quân được ông trân trọng ghi chép vào cuốn hồi ký của mình vừa để làm kỷ niệm, vừa để làm cẩm nang giáo dục truyền thống cho lớp lớp thế hệ trẻ của thành phố hôm nay. ông kể: E28 và E24 được giao nhiệm vụ đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất và dinh Bộ Tổng tham mưu ngụy. 7h30’ ngày 30/4/1975, Trung đoàn của ông triển khai đội hình ở ngã ba Tây phát triển theo đường 15. Đúng 8h đơn vị xuất phát, đi đầu là 5 xe tăng tiến vào trại huấn luyện Quang Trung. Địch nổ súng ngăn chặn nhưng quân ta đã tiêu diệt một số mục tiêu và thẳng hướng về cầu Mới. 8h50’ đến đường 15, đơn vị nhận được tin E24 đã chiếm được sân bay, lệnh cho trung đoàn thọc sâu vào dinh Bộ Tổng tham mưu. Trên đường di chuyển, lực lượng đi đầu gặp địch nấp trên tầng 2 các dãy nhà cao tầng bắn chặn dữ dội, tôi đã lệnh cho chiến sĩ dùng súng 12,7 mm tiêu diệt hoả lực địch, chi viện cho Đại dội 10 chiếm bệnh viện. Thừa thắng, quân ta tiến thẳng về Bộ Tổng tham mưu. Địch dùng xe tăng và bộ binh bịt cổng chính cùng một mũi phía nam tới phản kích. 10 giờ, Tiểu đoàn 3 cùng xe tăng đột phá cổng chính và bắn cháy xe tăng đi đầu của địch, 1 đại đội địch đầu hàng, bọn còn lại hoảng loạn tháo chạy. Đúng 11h30’, lá cờ quyết chiến, quyết thắng của Trung đoàn được chiến sĩ C10-D3 anh hùng cắm lên nơi cao nhất của dinh Độc Lập, sau đó mọi người tỏa đi chiếm giữ tòa nhà.
Nhắc về trận đánh lịch sử ngày 30/4/1975, CCB, thương binh Lê Quốc Quang ở phường Đồng Tiến nhớ lại: Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 là đón đánh quyết định cuối cùng để đánh đổ chế độ ngụy quyền Sài Gòn. Tôi đã được trực tiếp tham gia trận đánh, trải qua bao khó khăn, cảm xúc thật sung sướng vô cùng khi tiến vào Sài Gòn thấy mũ, áo của địch la liệt trên đường. Suốt đêm ngày 1/5/1975, chúng tôi vui mừng không ngủ bởi được góp công sức nhỏ bé vào chiến thắng lịch sử, bởi sắp được đoàn tụ với gia đình, người thân. Sau một chút hồi tưởng về các trận đánh, ông Quang đã làm chúng tôi xúc động bởi những tâm sự chân tình: 37 năm, chúng ta ôn lại quá khứ không phải để kể công mà chính là giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Những CCB, thương binh như chúng tôi luôn ghi sâu lời Bác Hồ dặn “thương binh tàn nhưng không phế” để phấn đấu cho tương lai. Quả thực, ông cũng không nhớ nổi mình đã nói chuyện truyền thống bao nhiêu buổi cho các học sinh của thành phố nghe, chỉ biết rằng hầu như ngôi trường nào cũng ghi dấu những câu chuyện hào hùng của ông. Có lẽ điều hạnh phúc nhất với ông bây giờ không phải là cơ ngơi với cửa hàng nhôm kính được khách hàng tín nhiệm mà chính là sự hiểu biết, trân trọng lịch sử của con trẻ.
Ông Nguyễn Văn Niệm, Phó Chủ tịch Hội CCB TPHB nhận xét: Những người lính tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh nói riêng và những CCB đã từng tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc nói chung đều phát huy được phẩm chất bộ đội Cụ Hồ. Trở về đời thường, họ luôn đi đầu chấp hành các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, hăng hái trong các phong trào thi đua, tích cực lao động sản xuất, làm giàu cho gia đình và xã hội. Đặc biệt, họ luôn quan tâm, giúp đỡ nhau và phối hợp với ngành GD-ĐT tổ chức nhiều buổi nói chuyện lịch sử truyền thống cho học sinh nghe. Họ đã nêu gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo.
Cẩm Lệ
(HBĐT) - Ngày 27/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố thảo luận về một số nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3. Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Nguyễn Tiến Sinh, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, các vị đại biểu Quốc hội tỉnh khóa XIII, đại diện UBMTTQ tỉnh, một số sở, ngành và Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh.
(HBĐT) - Ngày 27/4, tại Trung tâm hoạt động TTN, Hội cựu TNXP tỉnh đã tổ chức hội nghị sơ kết công tác quý I, phát động phong trào thi đua năm 2012. Tham dự có đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và gần 30 cựu TNXP là chủ tịch, phó chủ tịch Hội cựu TNXP các huyện, thành phố trên địa bàn.
(HBĐT) - Trải suốt chiều dài 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, Tu Lý (Đà Bắc) không phải là địa danh nổi bật với những chiến công vang dội. Tuy vậy, nói như ông Đinh Hồng Chiến, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Tu Lý thì: Chúng tôi luôn tự hào về truyền thống anh hùng của quân và dân địa phương. Trong suốt 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, phát huy truyền thống yêu nước, Tu Lý đã trở thành một trong những địa phương dẫn đầu tỉnh và huyện về số thanh niên nhập ngũ.
(HBĐT) - Để CVĐ “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” thực sự đi vào cuộc sống, những bài nói, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng, những câu chuyện kể về tấm gương đạo đức của Người và các chuyên đề của CVĐ đã được Đảng bộ, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, nhân dân Tân Mỹ (Lạc Sơn) học tập, làm theo bằng những chương trình hành động, nghị quyết chuyên đề và những việc làm cụ thể thiết thực.
(HBĐT) - Vụ chiêm - xuân năm 2012, huyện Tân Lạc gieo cấy đạt trên 1.800 ha. Hiện nay có nhiều đợt mưa rào trên diện rộng nên lúa sinh trưởng, phát triển thuận lợi. Tuy nhiên, thời tiết nóng ẩm cũng tạo điều kiện cho nhiều loại sinh vật hại lúa, trong đó có tập đoàn rầy phát triển, gây hại trên các trà lúa. Nếu không có biện pháp phòng trừ, khả năng rầy sẽ bùng phát, gây hại mạnh vào cuối tháng 4.
(HBĐT) - Ngày 27/4, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường Quân sự tỉnh đã tổ chức hội nghị học tập, quán triệt, triển khai thực hiện NQT.Ư 4 (Khóa XI): “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.