Trở lại tỉnh Ðiện Biên, mảnh đất Anh hùng đã đi vào lịch sử với những chiến công "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" của 58 năm về trước, trước mắt chúng tôi, TP Ðiện Biên Phủ hôm nay đã "thay da, đổi thịt", sầm uất.

 

Những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát bên những con đường nhựa rộng thênh thang, phẳng lỳ, xe cộ tấp nập và người dân hiếu khách, càng làm cho mảnh đất nơi đây thêm gần gũi, sôi động thời mở cửa...

Ðứng trên đồi A1, chúng tôi phóng tầm mắt bao quát, TP Ðiện Biên Phủ nằm trong thung lũng ngút ngàn mầu xanh và căng tràn sức sống mới. Những ngày tháng năm lịch sử này, ở TP Ðiện Biên Phủ trời rất nắng và nóng, vậy mà dòng người từ khắp mọi miền Tổ quốc vẫn nườm nượp kéo về thăm lại chiến trường xưa - Khu di tích lịch sử Ðiện Biên Phủ. Trầm tư và sâu lắng hơn cả là các cụ ông tóc đã trắng cước, nhiều người phải nhờ con cháu dắt từng bước. Tuy chân đã chậm, mắt đã mờ, vậy mà đi đến đâu, các cụ cũng tự hào kể cho mọi người nghe về những chiến tích của mình tham gia cùng đồng đội chiến đấu trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Ông Tạ Ðức Cựa, ở thôn Hồng Cúm, xã Thanh An, TP Ðiện Biên Phủ, năm nay tuy đã gần 85 tuổi, nhưng vào những ngày tháng 5 lịch sử này ông vẫn sắp xếp thời gian để đi một vòng chung quanh khu di tích lịch sử. Ông Cựa tự hào kể: "Trước đây toàn bộ nơi này là một cánh đồng rộng lớn, trống trải, còn các điểm cao trọng yếu quân Pháp đều chiếm lĩnh, chúng cho xây dựng hệ thống công sự, lô cốt kiên cố và phòng thủ vững chắc. Quân Pháp huênh hoang cho rằng, không loại bom đạn nào có thể phá hủy được hệ thống công sự, trận địa nơi đây... Nhưng chúng đã không ngờ tới sự thất bại nhục nhã ở Ðiện Biên Phủ, bởi người Việt Nam ta tuy nhỏ bé nhưng gan dạ, có ý chí sắt đá, lòng dũng cảm phi thường...". Nói xong, ông cùng chúng tôi đi thăm các cứ điểm: Ðồi A1, nghĩa trang liệt sĩ, bảo tàng... Dù cho trải qua mưa nắng và thời gian, một số chứng tích, hiện vật không còn nguyên hiện trạng, song những gì được chứng kiến, nghe kể và cảm nhận được, chúng tôi ai nấy đều cảm phục và tự hào về chiến công của thế hệ cha anh đi trước trên mảnh đất Ðiện Biên Phủ lịch sử...

58 mùa hoa ban nở, kể từ ngày 7-5-1954 lịch sử, đồng bào các dân tộc tỉnh Ðiện Biên đã đoàn kết, vượt khó vươn lên xây dựng quê hương. Nhất là, những năm qua, thực hiện đường lối đổi mới, được sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước, Ðảng bộ, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã phát huy nội lực, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, không ngừng vươn lên giành được những thành tựu trên các lĩnh vực. Bí thư Tỉnh ủy Lò Mai Chinh cho biết: Hiện nay tăng trưởng GDP bình quân của tỉnh là 10,19%/năm, thu nhập đầu người đạt 563 USD/năm (khoảng trên 10 triệu đồng); tình hình chính trị, xã hội trên địa bàn tỉnh ổn định, văn hóa phát triển, quốc phòng - an ninh được củng cố, tăng cường. Ðời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc trong tỉnh được cải thiện rõ rệt; nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, tích cực xóa đói, giảm nghèo..., trong đó cấy lúa cho sản lượng cao, gạo Ðiện Biên thơm ngon không chỉ nổi tiếng một vùng, mà du khách gần, xa mỗi lần về đây thăm chiến trường xưa đều mua rất nhiều để làm quà cho người thân.

Chúng tôi đến thăm gia đình ông Nguyễn Hòa, một trong những chiến sĩ Ðiện Biên Phủ năm xưa, ở phường Mường Thanh, TP Ðiện Biên Phủ. Năm nay tuy đã bước sang tuổi 82, nhưng ông Hòa vẫn còn khỏe mạnh và minh mẫn. Trong câu chuyện, được biết, các con ông nay đã trưởng thành, có người muốn đón ông về Hà Nội để sống cuộc sống nơi thành phố, nhưng ông không chịu. Tâm nguyện lớn nhất của ông là được cùng con cháu xây dựng quê hương Ðiện Biên ngày càng giàu đẹp. Ông tâm sự: "Ngày xưa, thời kỳ tham gia chiến dịch Ðiện Biên Phủ gian khổ là thế, anh em chia nhau từng miếng cơm, ngụm nước uống, quần áo thiếu thốn, vậy mà bộ đội ta ai cũng chiến đấu ngoan cường, dũng cảm... Tôi may mắn được trở về cuộc sống đời thường sau nhiều năm cầm súng chiến đấu, bây giờ không có niềm vui nào hơn là được ở bên cạnh đồng đội mình...". Ngày nào ông cũng dành một khoảng thời gian để ra nghĩa trang thăm lại đồng đội cũ, được thắp nén hương thơm, châm cho anh em điếu thuốc bằng tấm lòng thành kính là ông cảm thấy lòng mình thanh thản. Trong căn nhà nhỏ, chúng tôi thấy ông treo rất nhiều tấm ảnh chụp chung với đồng đội thời kỳ chiến dịch Ðiện Biên Phủ, trong đó có cả tấm ảnh của Ðại tướng Võ Nguyên Giáp đến thị sát và trực tiếp chỉ đạo chiến dịch. Một số bức ảnh đã bị ố mờ bởi thời gian, nhưng ông vẫn gìn giữ cẩn thận như báu vật, bởi vì đó là nhân chứng về một thời oai hùng, để con cháu trong gia đình coi đó là niềm tự hào và là tấm gương để học tập, noi theo. Ông kể: Năm nào cũng vậy, cứ vào thời điểm kỷ niệm ngày chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ, rất nhiều đoàn cựu chiến binh hành quân về đây, có đoàn đi bằng ô-tô và cũng có đoàn đạp xe đạp. Cảm động nhất là gặp lại những chiến sĩ cùng chiến hào năm xưa; tuy mỗi người sống ở mỗi vùng quê khác nhau, nhưng điểm chung lớn nhất là sự rắn rỏi, tinh thần lạc quan yêu đời, đậm chất lính.

Có mặt tại khu di tích lịch sử đồi A1 và hầm của tướng Ðờ Cát-tơ-ri, chúng tôi thấy khách thập phương nườm nượp kéo về. Dù là người quen, người lạ, thậm chí những người quê từ rất xa cũng đều kể thuộc làu về diễn biến và kết quả của chiến dịch Ðiện Biên... Ông Lê Văn Việt, đến từ tỉnh Quảng Nam, thổ lộ: "Mình chỉ là thế hệ hậu sinh, nhưng gần như năm nào cũng vậy, cứ vào dịp ngày 7-5 là cả gia đình tôi đều lên đây. Ðiện Biên giờ giàu đẹp quá, khác xa so với 10 năm trước, khi lần đầu mình đặt chân tới". Ðúng là Ðiện Biên chưa một ngày ngừng đổi mới, phát triển, vươn lên cùng với các tỉnh bạn. Tại Ðại hội Ðại biểu Ðảng bộ tỉnh Ðiện Biên (khóa XII) đã đề ra mục tiêu là, phải tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Ðảng bộ; phát huy truyền thống và sức mạnh đoàn kết các dân tộc, đẩy mạnh phát triển kinh tế, tập trung xóa đói, giảm nghèo, thu hút, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển, chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế trên cơ sở khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Phát triển toàn diện văn hóa - xã hội; bảo đảm an sinh xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Sớm đưa tỉnh Ðiện Biên ra khỏi tình trạng kém phát triển... Với tinh thần ấy, đến đâu chúng tôi cũng bắt gặp khí thế thi đua sôi nổi trong hoạt động của các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương cơ sở; người dân nỗ lực, phấn đấu vươn lên bằng những ngành nghề và thế mạnh sẵn có của địa phương.

Ðến trung tâm huyện Ðiện Biên, thăm gia đình ông Lò Văn Puốn, trước đây thuộc hộ gia đình nghèo, cả nhà có sáu khẩu chỉ trông vào gần hai sào ruộng, nhưng với ý chí quyết tâm thoát nghèo, gia đình ông đã mở dịch vụ giới thiệu sản phẩm và bán gạo tám thơm Ðiện Biên, cùng với đó là chăn nuôi lợn, gà. Do tích cực học hỏi, chăm chỉ lao động, cho nên đến nay gia đình ông đã thoát nghèo và có cửa hàng bán gạo lớn ở vùng đất này, mỗi ngày có đến hàng trăm lượt người mua loại gạo Ðiện Biên  nổi tiếng mang về xuôi. Không chỉ gia đình ông, mà nhiều gia đình khác ở huyện Ðiện Biên, mỗi người một ngành nghề, công việc khác nhau, nhưng ai nấy đều chung tâm nguyện hướng tới mục tiêu xây dựng quê hương giàu đẹp...

Chưa năm nào Ðiện Biên hoa ban lại nở trắng ngần như năm nay. Các cụ già có kinh nghiệm ở đây cho rằng, đó là dấu hiệu của năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Ðiều đó còn ở phía trước, nhưng cái mà chúng tôi đã thấy hiển hiện ngay trước mắt là khí thế hối hả, tinh thần lạc quan, yêu đời của đồng bào các dân tộc nơi đây trong những ngày tháng năm lịch sử này. Mỗi người dân tỉnh Ðiên Biên nói riêng và nhân dân cả nước nói chung đều tự hào về vùng đất Ðiện Biên Anh hùng, với những chiến công hiển hách... 58 năm trôi qua, 58 mùa hoa ban nở kể từ sau chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ, tỉnh Ðiện Biên hôm nay đã và đang từng ngày đổi mới. Tin rằng, với ý chí, nghị lực và quyết tâm của cấp ủy Ðảng, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, rồi đây tỉnh Ðiện Biên sẽ trở thành vùng đất trù phú, điểm du lịch nổi tiếng gắn liền với chiến công hiển hách và hào hùng của dân tộc ta.

 

                                                                  Theo NhanDan

 

Các tin khác


Quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới

Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW (ngày 9/5/2024) Quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới (Quy định số 144).

Phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên

Những năm qua, việc thực hiện Quy định số 34-QĐi/TU, ngày 28/01/2019 của Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên (CB,ĐV), trước hết là Ủy viên Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh đã đạt kết quả tích cực. Tỉnh ủy coi đây là phương thức lãnh đạo quan trọng của Đảng; là biện pháp thiết thực, hiệu quả góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh, xây dựng tỉnh Hòa Bình ngày càng giàu đẹp, văn minh

Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh 


Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ thiên tài, kiệt xuất của dân tộc, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Người "là biểu tượng cao đẹp nhất của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Người là kết tinh rạng ngời của đạo đức, trí tuệ, khí phách, lương tri của dân tộc và thời đại”. Trọn cả cuộc đời, Người dâng hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người. Tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người là tài sản tinh thần vô giá của Đảng và dân tộc ta. Học tập và làm theo Người là nhiệm vụ hết sức quan trọng, không thể thiếu đối với tất cả các tổ chức đảng, đảng viên trong việc tu dưỡng, rèn luyện, cống hiến và phụng sự đất nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Cần đa dạng hóa nguồn lực phát triển nhà ở xã hội

Chiều tối 17/5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp với các bộ, ngành bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư phát triển nhà ở xã hội, thực hiện Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”. Cùng dự có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

Triển khai hiệu quả nhiệm vụ khoa học lý luận chính trị, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Sáng 17/5, tại Hà Nội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5).

Đường Hồ Chí Minh từ kỳ tích đến mạch máu đất nước - Bài cuối: Đi tới tương lai thịnh vượng

Đất nước thống nhất, sứ mệnh của đường mòn Trường Sơn đã hoàn thành. Nhưng một ước muốn lại cháy bỏng, đó là phát huy giá trị của tuyến đường lịch sử này trong phát triển kinh tế - xã hội hôm nay. Ước vọng đó thành hiện thực khi ngày 5/4/2000, tại bến phà Xuân Sơn, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, Thủ tướng Chính phủ đã phát lệnh khởi công xây dựng công trình đường Hồ Chí Minh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục