Đồng chí Nguyễn Tiến Sinh, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu ý kiến thảo luận tại Hội trường.

Đồng chí Nguyễn Tiến Sinh, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu ý kiến thảo luận tại Hội trường.

(HBĐT) - Ngày 3 – 4/6, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Các ý kiến đều nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Tham gia đóng góp vào việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình phát biểu:

 

Nước ta là một quốc gia thống nhất, đa dân tộc gồm 54 dân tộc cùng chung sống, trong đó dân tộc kinh chiếm đa số với 85,7% dân số, còn lại là các dân tộc thiểu số với trên 12,2 triệu người, chiếm tỉ lệ 14,3%. Với lịch sử phát triển hàng ngàn năm, cộng đồng các dân tộc Việt Nam luôn sát cánh bên nhau cùng xây dựng và bảo vệ đất nước. Chính vì vậy, từ khi có Đảng lãnh đạo dành được chính quyền về tay nhân dân, Đảng ta rất coi trọng thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau giữa các dân tộc. Thể hiện chính sách đó, Hiến pháp nước ta qua các thời kỳ luôn khẳng định chính sách đoàn kết dân tộc. Hiến pháp năm 1992 được Quốc hội khoá VIII thông qua (sửa đổi, bổ sung vào năm 2001, tại kì họp thứ 10 Quốc hội khoá X) là sự kế thừa của các bản Hiến pháp trước đó, đã cho thấy giá trị, vai trò và ý nghĩa to lớn vào sự nghiệp phát triển mạnh mẽ của đất nước, các quyền cơ bản của công dân nói chung, của đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng luôn được đảo bảo, đời sống tinh thần vật chất của đồng bào các dân tộc thiểu số không ngừng được cải thiện nâng cao.

 

Về chính trị, đồng bào các dân tộc bình đẳng về quyền làm chủ đất nước, bình đẳng về quyền và nghĩa vụ, được thực hiện quyền tham chính của mình thông qua thực hiện dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp qua bầu cử và ứng cử vào Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp. Số lượng đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp là người dân tộc thiểu số ngày càng tăng.

 

Về kinh tế, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chính sách hỗ trợ để đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo. Cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội phục vụ sản xuất và sinh hoạt được đầu tư. Tỉ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số giảm nhanh, khoảng cách về mức sống ngày càng thu hẹp.

 

Về giáo dục, y tế, văn hoá xã hội các dân tộc thiểu số được nhà nước tạo điều kiện được học tiếng nói, chữ viết của dân tộc, nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc mình, được hưởng các chính sách ưu tiên đặc biệt nhằm tăng cơ hội tiếp cận với nền giáo dục quốc dân. Người dân tộc thiểu số được hưởng các quyền ưu tiên về chăm sóc sức khoẻ và an sinh xã hội. Văn hoá các dân tộc thiểu số được phát triển hài hoà trong một nền văn hoá đa dân tộc, bản sắc văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc đều được trân trọng giữ gìn, phát huy và phát triển. đồng bào dân tộc được hưởng chính sách ưu tiên về lao động và việc làm, được bình đẳng trong làm việc, lựa chọn việc làm và nghề nghiệp.

 

Có thể khẳng định, trên cơ sở Hiến pháp năm 1992, quyền của đồng bào dân tộc thiểu số đã được cụ thể hoá trong nhiều chính sách pháp luật đã tạo điều kiện cho đồng bào có cơ hội thuận lợi phát triển về mọi mặt. Khẳng định tính nhất quán chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước ta qua các thời kì, đó là: Các dân tộc Việt Nam đều bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau để cùng phát triển. Cùng với sự hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách phát triển của đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam đang từng bước được luật hoá khẳng định quyền bình đẳng giữa các dân tộc, không phân biệt đa số hay thiểu số, trình độ phát triển cao hay thấp đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong mọi lĩnh vực đời sống kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, quốc phòng và an ninh.

 

Bên cạnh kết quả đã đạt được, việc nghiên cứu, xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách đối với dân tộc thiểu số trong Hiến pháp năm 1992 vẫn còn những hạn chế nhất định, đó là:

 

Thành phần, số lượng tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội của người dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế như: số đại biểu các dân tộc thiểu số tham gia Quốc hội còn thấp (trong tổng số 53 dân tộc thiểu số, bình quân các khoá chỉ có từ 29 đến 33 dân tộc có đại biểu Quốc hội. Đến nay trải qua 13 khoá thì vẫn có 5 dân tộc chưa một lần có đại diện tham gia Quốc hội. Số lượng, thành phần người dân tộc thiểu số tham gia Hội đồng  nhân dân các cấp, tham gia công tác trong bộ máy Nhà nước còn thấp so với tỉ lệ dân số trên địa bàn. Đặc biệt, số người dân tộc thiểu số tham gia bộ máy lãnh đạo quản lý các cấp chiếm tỉ lệ rất thấp và càng lên cao số lượng này càng ít.

 

Về kinh tế vùng miền núi, vùng dân tộc thiểu số phát triển chậm so với cả nước và chưa vững chắc, khoảng cách giàu nghèo và trình độ phát triển giữa đồng bào các dân tộc thiểu số so với cả nước ngày càng tăng. Cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội còn thiếu và yếu chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, hiện cả nước còn hàng trăm xã chưa có đường giao thông đến trung tâm, chưa có điện sinh hoạt, chưa có trường lớp kiên cố, nước sinh hoạt, nhà văn hoá… hiện nay cả nước có tới 3 trăm ngàn hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt phải sống cuộc sống du canh du cư.

 

Văn hoá dân tộc thiểu số ngày càng mai một, kể cả văn hoá vật thể và phi vật thể. Không gian sinh tồn văn hoá dân tộc thiểu số ngày càng thu hẹp, tiếng nói, chữ viết, trang phục, văn học nghệ thuật, phong tục tập quán, tín ngưỡng dân tộc ngày càng mai một. Nhiều giá trị văn hoá truyền thống dân tộc thiểu số chưa được quan tâm nghiên cứu, bảo tồn, vinh danh phát triển.

 

Giáo dục đào tạo miền núi, vùng dân tộc thiểu số vẫn ở mức thấp, tỉ lệ huy động người học, chất lượng giáo dục còn chưa đồng đều giữa các dân tộc và giữa địa bàn có đông đồng bào dân tộc sinh sống so với cả nước. Hiện cả nước còn tới 11% dân số đồng bào dân tộc thiểu số không biết đọc, biết viết chữ phổ thông, số lao động trong độ tuổi chưa qua đào tạo chiếm 85% đến 94%

 

Về y tế và chăm sóc sức khoẻ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn chưa được tiếp cận với thành tựu phát triển của y học nước nhà, cơ sở y tế còn nhiều thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc chữa bệnh và cán bộ y bác sĩ. Một số dân tộc thiểu số rất ít người có chất lượng sức khoẻ và chất lượng dân số thấp, tỉ lệ thấp còi, bà mẹ và trẻ em chết sau khi sinh chiếm tỉ lệ cao. Cuộc sống của người cao tuổi trong đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, cơ cực chưa được tiếp cận hệ thống an sinh xã hội ưu việt dành cho người cao tuổi.

 

Việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có ý nghĩa hết sức quan trọng, tôi cơ bản nhất trí với tờ trình của Uỷ ban sửa đổi Hiến pháp 1992 và ý kiến các đại biểu đã phát biểu đối với bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và trân trọng đề nghị Quốc hội làm rõ thêm những quy định được nêu tại điều 5 trong bản dự thảo gồm:

 

Nhà nước thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết giữa các dân tộc; các dân tộc tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển.

 

Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, hoà nhập vào sự phát triển chung của cả nước.  

 

Cụ thể tại điều 50 (của bản dự thảo) đề nghị bổ sung quy định “công dân là người dân tộc thiểu số được Nhà nước tạo điều kiện để thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình”;

 

Tại điều 65 (bản dự thảo) đề nghị bổ sung quy định “Nhà nước có chính sách bảo tồn, phát huy, phát triển nền văn hoá các dân tộc thiểu số”;

 

Tại các điều 63;64;65;66;67;68 (chương III bản dự thảo) đề nghị bổ sung các quy định thể hiện rõ quan điểm “Nhà nước đảm bảo cho các dân tộc thiểu số được tiếp cận với sự phát triển của nền y học, hệ thống an sinh, giáo dục, khoa học và công nghệ nước nhà”. Tại các điều 76; 81 đề nghị làm rõ hơn vị trí, vai trò và trách nhiệm của Hội đồng dân tộc, Chủ tịch hội đồng dân tộc với việc thẩm định thẩm tra, được tham khảo ý kiến khi Quốc hội, Chính phủ ban hành các quy định thực hiện chính sách dân tộc.

 

Đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định quyền cử đại diện của dân tộc thiểu số đặc biệt là dân tộc thiểu số rất ít người tham gia Quốc hội, để xây dựng Quốc hội của chúng ta thực sự là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất đại diện cho nhân dân trong đó có nhân dân các dân tộc thiểu số cùng xây dựng và phát triển đất nước./.

 

                                              Bích Ngọc

                  (VP Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh tổng hợp)

 

 

 

Các tin khác


Quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới

Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW (ngày 9/5/2024) Quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới (Quy định số 144).

Phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên

Những năm qua, việc thực hiện Quy định số 34-QĐi/TU, ngày 28/01/2019 của Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên (CB,ĐV), trước hết là Ủy viên Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh đã đạt kết quả tích cực. Tỉnh ủy coi đây là phương thức lãnh đạo quan trọng của Đảng; là biện pháp thiết thực, hiệu quả góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh, xây dựng tỉnh Hòa Bình ngày càng giàu đẹp, văn minh

Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh 


Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ thiên tài, kiệt xuất của dân tộc, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Người "là biểu tượng cao đẹp nhất của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Người là kết tinh rạng ngời của đạo đức, trí tuệ, khí phách, lương tri của dân tộc và thời đại”. Trọn cả cuộc đời, Người dâng hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người. Tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người là tài sản tinh thần vô giá của Đảng và dân tộc ta. Học tập và làm theo Người là nhiệm vụ hết sức quan trọng, không thể thiếu đối với tất cả các tổ chức đảng, đảng viên trong việc tu dưỡng, rèn luyện, cống hiến và phụng sự đất nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Cần đa dạng hóa nguồn lực phát triển nhà ở xã hội

Chiều tối 17/5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp với các bộ, ngành bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư phát triển nhà ở xã hội, thực hiện Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”. Cùng dự có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

Triển khai hiệu quả nhiệm vụ khoa học lý luận chính trị, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Sáng 17/5, tại Hà Nội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5).

Đường Hồ Chí Minh từ kỳ tích đến mạch máu đất nước - Bài cuối: Đi tới tương lai thịnh vượng

Đất nước thống nhất, sứ mệnh của đường mòn Trường Sơn đã hoàn thành. Nhưng một ước muốn lại cháy bỏng, đó là phát huy giá trị của tuyến đường lịch sử này trong phát triển kinh tế - xã hội hôm nay. Ước vọng đó thành hiện thực khi ngày 5/4/2000, tại bến phà Xuân Sơn, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, Thủ tướng Chính phủ đã phát lệnh khởi công xây dựng công trình đường Hồ Chí Minh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục