Mỗi năm, cứ đến những ngày mùa thu tháng 8, cụ Lê Thị Tâm (bên trái) lại lật giở từng tấm ảnh, trang viết để nhớ về một thời kháng chiến hào hùng.

Mỗi năm, cứ đến những ngày mùa thu tháng 8, cụ Lê Thị Tâm (bên trái) lại lật giở từng tấm ảnh, trang viết để nhớ về một thời kháng chiến hào hùng.

(HBĐT) - Khi đang là những chàng trai, cô gái tràn đầy xuân sắc, họ quên tuổi mộng mơ, lãng mạn, quên cả sự sợ hãi và không màng đến gian khổ, hiểm nguy, một lòng đi theo cách mạng ngay từ thuở sơ khai để thật vinh dự, tự hào được góp công sức làm nên một mốc son chói lọi trong lịch sử xây dựng và phát triển tỉnh nhà, nhất tề đứng lên khởi nghĩa, xóa bỏ xiềng xích nô lệ của thực dân, đế quốc và bè lũ tay sai, giành chính quyền về tay nhân dân vào những ngày mùa thu tháng 8/1945. 68 năm trôi qua, thế hệ thanh niên cách mạng đầu tiên của tỉnh nhiều người đã mãi mãi đi xa. Những người còn lại hầu hết đã ở tuổi ngoài 90 nhưng khí thế sục sôi cách mạng của mùa thu năm nào vẫn không thể xoá mờ trong lòng những lão thành cách mạng như các cụ: Nguyễn Văn Hậu, Lê Thị Tâm, Trần Hữu Phúc,... để cứ vào những này thế hệ con cháu lại có dịp được tìm về ký ức mùa thu tháng Tám.

 

Năm nay đã ở tuổi 91 mà cụ Lê Thị Tâm, nguyên tổ trưởng Tổ phụ nữ cứu quốc, Chủ tịch UBND TX Hoà Bình vẫn còn minh mẫn lắm. Những câu chuyện, sự kiện diễn ra đã quá nửa thế kỷ mà cụ vẫn nhớ, vẫn kể như mới đâu đây. Dòng chảy lịch sử trong ký ức của cụ đã truyền lửa cho người nghe về tinh thần dũng cảm, lòng yêu quê hương, đất nước qua câu chuyện cụ cùng hơn 10 đội viên được tham dự lớp huấn luyện quân sự đầu tiên của tỉnh mở tại xóm Giằng Xèo, xã Tu Lý (Đà Bắc). Huấn luyện trong điều kiện vô cùng thiếu thốn, khổ cực mà những người đội viên vẫn gây dựng được phong trào, tuyên truyền đồng bào Mường, Dao, Tày ở các xã lân cận đi theo cách mạng. Ký ức về những ngày đêm cụ trực tiếp được tham gia viết và rải truyền đơn khắp thị xã để đả đảo phát xít Nhật, hay tham gia cùng tổ thanh niên cứu quốc treo cờ đỏ sao vàng qua sông Đà. Đôi mắt mờ đục sáng lên niềm tự hào, cụ nhớ lại: Vào những tháng đầu năm 1945, phong trào cách mạng ở tỉnh đã lên cao, nhất là ở TX Hoà Bình, khí thế cách mạng sục sôi, tổng số hội viên cứu quốc lên tới hơn 200 người. Hầu hết các khu phố, xóm, làng đều lập đội, tổ tự vệ cứu quốc. Để tuyên truyền người dân ủng hộ cách mạng, các tổ chức, đoàn thể cứu quốc đã hăng hái tuyên truyền, vận động nhân dân thông qua truyền đơn biểu ngữ, áp phích... Thời đó, cuộc sống thiếu thốn, lạc hậu để lấy mực viết, chị em tổ phụ nữ cứu quốc phải lấy lá khoai lang, nhọ nồi giã thật nhỏ lấy nước làm mực. Do quân địch thường đi tuần tra, kiểm soát, tránh bị lộ công việc thường diễn ra lúc đêm khuya. Có lần đang miệt mài công việc chợt nghe thấy tiếng giầy của giặc đến gần, cụ cùng một số chị em phải chạy trốn xuống bờ sông Đà, lấy hai tay đào cát chôn giấu biểu ngữ, truyền đơn. Các hội viên cứu quốc luôn kiên định ý chí, khi trong người đang có tài liệu tuyên truyền về cách mạng mà bị địch bắt nếu thấy chúng nung đỏ mâm đồng bắt ngồi lên hay dọa đóng đinh vào bàn tay cũng không khai nhận bất cứ việc gì để khẳng định lòng gan dạ, dũng cảm. Chính từ lòng yêu quê hương, đất nước nồng nàn mà những hội viên cứu quốc đã bất chấp hiểm nguy đến tính mạng mà làm nên biết bao biểu ngữ, truyền đơn, khẩu hiệu với nội dung Vào Việt Minh để cứu giống nòi; “Đả đảo phát xít Nhật và chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim để truyền đi khắp thị xã, vào cả dinh tỉnh trưởng, các công sở, trại bảo an binh... Đặc biệt có những dịp vào phiên chợ Phương Lâm, chờ đúng lúc chợ họp đông người, các hội viên cứu quốc đã giật dây cho hàng trăm truyền đơn đã được treo sẵn lên những cây bàng bay rải khắp chợ để nhân dân và tiểu thương buôn bán ở chợ được tuyên truyền, giác ngộ. Từ những hoạt động này đã gây được thanh thế cách mạng sâu rộng trong nhân dân. Phong trào của thị xã Hoà Bình đã ảnh hưởng, lan rộng ra khắp các địa phương trong tỉnh.

 

Cũng là thế hệ cán bộ đầu tiên của tỉnh, giờ đây mắt đã mờ, chân đã chậm, song ký ức cụ Trần Hữu Phúc, phường Phương Lâm (TPHB) vẫn còn nhớ rõ về những ngày Cách mạng Tháng Tám, khi đó, cụ đang là Bí thư Thanh niên cứu quốc,  Phó Chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh thị xã. Trong cuộc trò chuyện với cụ cách đây chưa lâu, chúng tôi đã được nghe cụ kể: Thời điểm đó, toàn tỉnh trào dâng khí thế cách mạng. Cán bộ và quần chúng nhân dân trong tư thế sẵn sàng chờ đón giờ hành động. Ngay tại TX Hòa Bình, quần chúng sôi nổi chuẩn bị lương thực, thực phẩm, băng rôn, biểu ngữ, may cờ để đón quân từ các khu căn cứ kéo về. Khi được tin Nhật đầu hàng quân đồng minh, cán bộ, quần chúng vô cùng phấn khởi, sẵn sàng chờ lệnh nhất tề vùng lên lật đổ chính quyền tay sai phát xít. Thời cơ khởi nghĩa đã chín muồi. Đêm 13/8/1945, UB Khởi nghĩa toàn quốc ra Quân lệnh số 1 truyền lệnh tổng khởi nghĩa trên phạm vi cả nước. Đêm 17/8, Xứ uỷ Bắc kỳ họp quyết định khởi nghĩa trong toàn xứ. Ngay hôm sau, lệnh khởi nghĩa được truyền tới Hoà Bình giữa lúc cán bộ và quần chúng nhân dân đang sục sôi chuẩn bị hành động. Lệnh khởi nghĩa truyền đi tới đâu là ở đấy phấn khởi, khẩn trương hành động.

 

Về diễn biến khởi nghĩa giành chính quyền, tại cuốn Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hoà Bình ( 1929 - 2010) đã ghi rõ: Ngay sau khi giành chính quyền tại châu Lạc Sơn  ngày 20/8/1945 theo như kế hoạch, thắng lợi ở nơi phất cờ khởi nghĩa đầu tiên của tỉnh có sức cổ vũ mạnh mẽ cán bộ, quần chúng phấn khởi tiếp tục tiến lên giành thắng lợi lớn hơn, quyết định hơn nhằm mục tiêu giành chính quyền toàn tỉnh. ở TX Hoà Bình, từ ngày 19 - 21/8, cả khu vực bờ phải, bờ trái sông Đà và các phố, xóm đã hừng hực không khí khởi nghĩa. Cán bộ, quần chúng cứu quốc công khai phổ biến kế hoạch, hướng dẫn nhân dân chuẩn bị vũ khí, băng, cờ chờ đón ngày nổi dậy. Đến sáng 22/8, đông đảo nhân dân thị xã vũ trang thô sơ, nòng cốt là tự về cứu quốc xông thẳng vào trụ sở của bọn hội đồng thị xã. Trước sức mạnh đó, quân địch phải đầu hàng, giao nộp đồng triện, bằng sắc, tài liệu, sổ sách cho quân cách mạng. Đông đảo nhân dân phấn khởi từ các ngả đường tập trung về chợ Phương Lâm tham dự cuộc mít tinh mừng khởi nghĩa thị xã thắng lợi. Cuộc mít tinh nhanh chóng biến thành cuộc biểu tình vũ trang tiến về chiếm châu đường Kỳ Sơn. Ngay chiều hôm đó, nhân dân hồ hởi, tiếp tục chuẩn bị giành chính quyền tỉnh. Đến đúng 2h chiều ngày 23/8, cùng với lực lượng chiến đấu của khu căn cứ Tu Lý - Hiền Lương đang ém sẵn tại phía tây dinh tỉnh trưởng thì lực lượng tiến công chính gồm hàng trăm chiến sỹ tự vệ được nhân dân bờ phải chở đò vượt sông Đà sang bờ trái, nơi tập trung công sở chính quyền bù nhìn đầu tỉnh. Vô cùng hoảng sợ, tỉnh trưởng cùng một số quan chức bù nhìn ra tận bờ sông xin đầu hàng cách mạng. Lực lượng khởi nghĩa theo lệnh của Uỷ ban quân sự cách mạng đã toả đi chiếm lĩnh cách công sở, vị trí trọng yếu trong thị xã. Ngay hôm sau,  một cuộc mít tinh lớn đã được tổ chức tại chợ Phương Lâm nhằm công nhận UBND cách mạng lâm thời của TX Hoà Bình, châu Kỳ Sơn và các xã xung quanh. Khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh lị thành công là thắng lợi có ý nghĩa quyết định thúc đẩy mạnh mẽ và tạo điều kiện giải quyết tiếp việc giành chính quyền tại châu Mai Đà, châu đường Lương Sơn và những nơi khác.

 

Đôi bàn tay già nua, gầy guộc, cụ Lê Thị Tâm lật giở từng bức ảnh, trang giấy ghi dấu một chặng đường dài hoạt động cách mạng của mình. Cụ nói rằng cho đến tận bây giờ, nhiều lúc cụ vẫn còn thấy lạ là làm sao ở giai đoạn tiền khởi nghĩa, TX Hoà Bình nhỏ bé là thế, trong khi quân giặc thì ráo riết tuần tra, lùng sục,bắt bớ cán bộ, quần chúng cách mạng hòng bóp chết phong trào ngay từ trứng nước. Vậy mà lúc đó mọi hoạt động của ta vẫn diễn ra an toàn, phong trào không những không bị đàn áp mà ngày càng phát triển mạnh mẽ, thanh thế Việt Minh ngày càng lên cao... Song cụ biết chắc một điều thắng lợi của phong trào cách mạng địa phương không nằm ngoài sức mạnh đoàn kết, lòng quê hương, yêu nước và căm thù giặc sâu sắc đã thôi thúc nhân dân trong tỉnh đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền để làm chủ cuộc sống của mình.

 

 

                                                                  Bình Giang

 

 

Các tin khác


Quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới

Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW (ngày 9/5/2024) Quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới (Quy định số 144).

Phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên

Những năm qua, việc thực hiện Quy định số 34-QĐi/TU, ngày 28/01/2019 của Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên (CB,ĐV), trước hết là Ủy viên Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh đã đạt kết quả tích cực. Tỉnh ủy coi đây là phương thức lãnh đạo quan trọng của Đảng; là biện pháp thiết thực, hiệu quả góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh, xây dựng tỉnh Hòa Bình ngày càng giàu đẹp, văn minh

Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh 


Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ thiên tài, kiệt xuất của dân tộc, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Người "là biểu tượng cao đẹp nhất của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Người là kết tinh rạng ngời của đạo đức, trí tuệ, khí phách, lương tri của dân tộc và thời đại”. Trọn cả cuộc đời, Người dâng hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người. Tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người là tài sản tinh thần vô giá của Đảng và dân tộc ta. Học tập và làm theo Người là nhiệm vụ hết sức quan trọng, không thể thiếu đối với tất cả các tổ chức đảng, đảng viên trong việc tu dưỡng, rèn luyện, cống hiến và phụng sự đất nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Cần đa dạng hóa nguồn lực phát triển nhà ở xã hội

Chiều tối 17/5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp với các bộ, ngành bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư phát triển nhà ở xã hội, thực hiện Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”. Cùng dự có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

Triển khai hiệu quả nhiệm vụ khoa học lý luận chính trị, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Sáng 17/5, tại Hà Nội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5).

Đường Hồ Chí Minh từ kỳ tích đến mạch máu đất nước - Bài cuối: Đi tới tương lai thịnh vượng

Đất nước thống nhất, sứ mệnh của đường mòn Trường Sơn đã hoàn thành. Nhưng một ước muốn lại cháy bỏng, đó là phát huy giá trị của tuyến đường lịch sử này trong phát triển kinh tế - xã hội hôm nay. Ước vọng đó thành hiện thực khi ngày 5/4/2000, tại bến phà Xuân Sơn, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, Thủ tướng Chính phủ đã phát lệnh khởi công xây dựng công trình đường Hồ Chí Minh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục