Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tiến Sinh phát biểu tại hội trường.
(HBĐT) - Chiều 3/6, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Dự thảo luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi). Góp ý xây dựng dự thảo Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), đồng chí Nguyễn Tiến Sinh, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình đã có một số ý kiến như sau:
Trước hết, về thực hiện chức năng của Tòa án nhân dân, trong đó có chức năng về thực hiện quyền tư pháp tại Điều 2, dự thảo luật, tôi cơ bản nhất trí với dự thảo, vì đã bám sát và cụ thể hóa tinh thần của Hiến pháp năm 2013. Đó là Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện quyền tư pháp, Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của nhà nước, lợi ích hợp pháp của các tổ chức và cá nhân. Như vậy, Hiến pháp đã xác định chức năng, nhiệm vụ trọng tâm của tòa án nhân dân là hoạt động xét xử, thông qua hoạt động xét xử tòa án nhân dân thực hiện chức năng của mình. Tuy nhiên, dự thảo có một số quy định cụ thể hóa Hiến pháp tôi cho là chưa phù hợp.
Tại Điểm b, Khoản 1 quy định tòa án nhân dân có quyền kiểm tra kết luận, tính hợp pháp và có căn cứ của các hành vi quyết định tố tụng của các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng. Nội dung này, tôi đề nghị cần nghiên cứu làm rõ hơn. Theo tôi, hoạt động tư pháp hiện nay được phân công cho nhiều cơ quan khác nhau, ví dụ Công an nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và Bộ Tư pháp. Mỗi cơ quan đều có những quy định chặt chẽ về tổ chức, thanh tra, kiểm tra, giám sát đặc biệt trong hoạt động tố tụng. Việc phân công này khá phù hợp, đó là không tập trung quá nhiều quyền lực vào một cơ quan để chống lạm quyền và các cơ quan có sự phối hợp, kiểm soát hoạt động lẫn nhau theo quy định của pháp luật. Do đó, tôi đề nghị không bổ sung Điểm d, Khoản 1 vào dự thảo luật với các lý do như trên.
Tại Điểm h, Khoản 1, Điều 21 dự thảo luật quy định tòa án nhân dân tham gia tính hợp hiến, hợp pháp của các dự án luật, trước khi trình Quốc hội tại điểm giám sát; tòa án nhân dân kiến nghị với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bãi bỏ văn bản của Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trái với Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội và nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại điểm hoạt động. Tôi cho quy định này cũng không phù hợp với Điều 119 của Hiến pháp năm 2013 về nhiệm vụ của tòa án nhân dân trong việc bảo vệ Hiến pháp, đó là Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân và các cơ quan khác của nhà nước và toàn thể nhân dân có trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp; cơ chế bảo vệ Hiến pháp do luật định. Như vậy, chủ thể bảo vệ Hiến pháp là các cơ quan, trong đó có tòa án nhân dân.
Hơn nữa, cơ chế bảo vệ Hiến pháp cũng chưa được luật quy định. Do đó, tôi đề nghị cần nghiên cứu kỹ, trước mắt không bổ sung quy định Điểm g, Điểm h vào dự thảo luật. Trong trường hợp cần bổ sung thì cần làm rõ các yêu cầu của quy định, nhiệm vụ này. Đó là hậu quả pháp lý của việc kiến nghị, góp ý và thẩm tra, thẩm định, đặc biệt là ý kiến của tòa án nhân dân đối với các nghị quyết, luật của Quốc hội khi tòa án nhân dân cho rằng các luật, nghị quyết đó là vi phạm Hiến pháp thì xử lý như thế nào, trình tự thủ tục xem xét và để thực hiện các kiến nghị này như thế nào. Tôi cũng đề nghị luật cần làm rõ thêm trước khi bổ sung các nội dung này.
Hai, về tổ chức tòa án nhân dân được quy định tại Điều 3, tôi đồng tình với mô hình tổ chức tòa án nhân dân là tổ chức theo cấp xét xử và không theo địa giới hành chính, quy định như thế này là rất phù hợp theo quy định của Hiến pháp.
Tuy nhiên, trong Báo cáo giải trình và trong các đề xuất, chúng tôi thấy có một mô hình, đó là đối với các huyện, quận có lượng án ít, công việc ít hơn thì có xu hướng có thể gom 2 hoặc 3 huyện trở thành một Tòa án sơ thẩm khu vực. Tôi cho quy định này cần hết sức cân nhắc để đảm bảo các yếu tố về tính thuận tiện và tính hệ thống phối hợp chặt chẽ trong các cơ quan tố tụng với nhau để đảm bảo tránh sự chồng chéo cũng như gây khó khăn, tốn kém về cơ sở vật chất, con người, nhân lực, vật lực không chỉ là tốn kém của Tòa án nhân dân mà còn của các cơ quan tố tụng tham gia tố tụng khi tòa án xem xét và xét xử các vụ việc, thậm chí tốn kém thời gian và tiền bạc cả người dân, có thể là người nhà hoặc bị can, bị cáo khi phải di chuyển đến Tòa sơ thẩm khu vực phạm vi quá xa. Qua tiếp xúc cử tri và cũng như tiếp cận với các cơ quan của tỉnh và của huyện trên địa bàn tỉnh Hòa Bình rất nhiều các cơ quan hết sức băn khoăn về phương án, về xây dựng mô hình Tòa án sơ thẩm khu vực theo phương án có thể gom 2-3 huyện. Tôi đề nghị phải cần cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định xây dựng mô hình như vậy.
Thứ ba, vai trò của Hội đồng nhân dân đối với hoạt động của Tòa án nhân dân. Xuyên suốt của dự thảo luật chúng tôi thấy tư tưởng độc lập và thoát ly khỏi ảnh hưởng của địa phương đã đi quá giới hạn của dự thảo luật này. Thiết chế dân chủ và bao nhiêu năm nay chúng ta đã xây dựng đã bị vô hiệu bởi các quy định của dự thảo luật, đó là thẩm quyền giám sát, thẩm quyền tham gia trong việc xây dựng các hoạt động của Tòa án nhân dân đã bị bãi bỏ. Vai trò của Hội đồng nhân dân huyện, quận để tham gia vào quá trình bổ nhiệm và giám sát hoạt động của Tòa án nhân dân cũng không còn được pháp luật quy định. Tôi cho cần nhận thức thêm về quyền độc lập xét xử khác với nguyên tắc về hình thành tổ chức của Tòa án nhân dân, đó là chịu sự giám sát của nhân dân và sự tham gia của các cơ quan của địa phương, có độc lập không? Khi Chánh án Tòa án nhân dân cấp trên lại là người cấp kinh phí và bổ nhiệm chức vụ và trình Chủ tịch nước bổ nhiệm thẩm phán ở cấp dưới. Hoặc có độc lập không thi Hội đồng tuyển chọn thẩm phán lại là cơ quan duy nhất được phép trình Chủ tịch nước bổ nhiệm thẩm phán. Có thật sự khách quan và chất lượng hay không khi địa phương trực tiếp là người đánh giá giám sát hoạt động của nhân sự đó lại không có quyền tham gia. Từ những lý do nêu trên, tôi đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu và làm rõ hơn những quy định mang tính bản chất này để trước khi bổ sung vào dự thảo luật có tính khả thi và phát huy được một di sản, đó là dân chủ trong quá trình hoạt động của các cơ quan nhà nước.
Bích Ngọc
(Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh) tổng hợp
(HBĐT) - Là 1 trong 11 TCCS Đảng của tỉnh đạt TS-VM tiêu biểu 5 năm liên tục (2009 - 2013) vừa được BTV Tỉnh uỷ tặng cờ thi đua xuất sắc, đó là phần thưởng cao quý ghi nhận những nỗ lực không ngừng của Đảng bộ xã Trung Bì (Kim Bôi), khẳng định được vai trò là hạt nhân chính trị, lãnh đạo địa phương thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển KT-XH, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh.
(HBĐT) - Đề việc tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc đạt hiệu quả, MTTQ huyện Kỳ Sơn căn cứ vào tinh thần chỉ đạo và hướng dẫn của UBT.Ư MTTQ Việt Nam hướng dẫn MTTQ các cấp trong huyện chủ động xây dựng kế hoạch và báo cáo với cấp ủy Đảng, phối hợp với chính quyền, các tổ chức thành viên thống nhất chương trình triển khai tổ chức ngày hội.
(HBĐT) - Ngày 31/5, tại thành phố Hòa Bình, Bộ LĐ, TB&XH phối hợp với UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2014 với chủ đề “Hành động vì một xã hội không bạo lực, không xâm hại trẻ em” từ ngày 1/6 đến 30/6 và phát động chiến dịch truyền thông “Chấm dứt bạo lực đối với trẻ em”.
(HBĐT) - Vừa qua, chi đoàn cơ quan Tỉnh đoàn tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề với chủ đề “Tuổi trẻ Hòa Bình vì biển đảo quê hương” nhằm giúp cán bộ, ĐVTN trong cơ quan hiểu rõ hơn về tình hình Biển Đông hiện nay.
(HBĐT) - Từ nguyện vọng tha thiết của lớp NCT trong cả nước và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, ngày 26/5/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 772/QĐ-TTg lấy ngày 6/6 hàng năm là “Ngày truyền thống NCT Việt Nam”. Tiếp đó ngày 23/11/2009, QH (khoá XII) đã ban hành Luật NCT, trong đó ghi rõ: “Ngày 6/6 hàng năm là ngày NCT Việt Nam”.
(HBĐT) - Ngày 30/5, đoàn công tác của Thường trực HĐND tỉnh do đồng chí Hoàng Quang Minh, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh làm trường đoàn đã khảo sát việc triển khai kế hoạch, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và chính sách định canh, định cư trên địa bàn xã Yên Hòa (Đà Bắc). Cùng tham gia đoàn khảo sát, có đại diện các Ban của HĐND tỉnh, Thường trực HĐND, Phòng Dân tộc huyện Đà Bắc.