Gia đình anh Bùi Văn Lực (xóm Khoang, Sơn Thủy, Kim Bôi) là địa chỉ tin cậy cung cấp giống nhãn Hương Chi cho các hộ gia đình trên địa bàn và các xã lân cận.
(HBĐT) - Về Sơn Thủy (Kim Bôi), đi từ xóm Bèo, Nèo, Khớt đến xóm Lốc, Khoang là bạt ngàn màu xanh của những vườn nhãn Hương Chi. Cùng với diện tích nhãn đã có từ 14 - 15 năm, những vườn nhãn mới ở Sơn Thủy đang tiếp tục hình thành dưới bưa bãi, trên những quả đồi và không ít ruộng 1 vụ, 2 vụ lúa cũng được chuyển đổi để trồng nhãn.
Sự khởi nguồn, đánh dấu bước chuyển biến quan trọng trong phong trào xóa bỏ vườn tạp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng đem lại năng suất, hiệu quả kinh tế cao ở đây chính là từ đội ngũ cán bộ, đảng viên mà người tiên phong là Phó Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Bùi Văn Lực.
Vốn là vùng đất thuần nông, vào những năm 1997 - 1998, người dân Sơn Thủy từng loay hoay và phải chịu thất bát nặng nề khi đưa cây ớt, thanh hao hoa vàng, mía tím về thâm canh những mong sớm XĐ-GN và làm giàu trên đồng đất quê nhà. Những cây trồng mới khiến người dân đã nghèo khó càng thêm long đong, lận đận. Cây ớt chỉ tốt lá, ít quả; cây thanh hao hoa vàng thị trường tiêu thụ bấp bênh; cây mía tím thì còi cọc, năng suất thấp... Trong thời điểm mọi người đang hoang mang, lúng túng tìm hướng đi mới cho sản xuất, anh Bùi Văn Lực, Trưởng ban văn hóa xã lúc bấy giờ đã đi tìm hiểu, học hỏi và quyết định đưa cây nhãn Hương Chi từ vùng nhãn tổ Hưng Yên về đồng đất quê nhà.
16 năm trước (năm 1998) ở Sơn Thủy cũng chỉ có một người mạnh dạn, táo bạo và có thể nói là “liều” đến thế. Anh Lực đã quyết định nhận thầu của xóm 1,2 ha đất tại xóm Khoang và trồng được 265 cây nhãn Hương Chi. Để lấy ngắn nuôi dài, 2 năm đầu, những cây đu đủ trồng xen vườn nhãn đã giúp anh có thêm vốn liếng để trang trải tiền nhân công, phân bón và chi phí cho hệ thống tưới tiêu. Đến năm thứ 3, anh tiếp tục trồng xen cây dâu nuôi tằm để có thêm thu nhập. Hơn 1.000 ngày chăm bẵm, chờ đợi, không ít lần mất ăn, mất ngủ khi vườn bị mắc bệnh sém lá, sương mai, chết cành. Năm 2001, anh Lực trút được gánh nặng khi vườn nhãn cho vụ quả đầu tiên. Ngắm nhìn, thưởng thức những chùm nhãn sai trĩu, mọng căng, quả to, cùi dày, hạt nhỏ, ngọt mát anh thực sự yên lòng và vụ nhãn bói đầu tiên, trừ chi phí gia đình anh đã thu về 8 triệu đồng. Thu nhập của gia đình anh tăng dần theo sự tăng trưởng cây nhãn mỗi năm. Thấy rõ hiệu quả từ loại cây trồng mới, anh Lực bàn với một số hộ liền kề và thống nhất dồn điền, đổi thửa rồi mua thêm đất để mở rộng diện tích. Đến nay, vườn nhãn của gia đình anh đã lên tới 2,4 ha với 430 cây, đem lại thu nhập trung bình 600 triệu đồng/năm bao gồm cả bán nhãn quả và cây giống.
Không chỉ chăm lo cho vườn tược của gia đình mình, anh Lực còn chủ động trao đổi kinh nghiệm trồng, chăm sóc, phòng - chống dịch bệnh và phát triển vườn nhãn với các hộ trong xã. Với cương vị là Phó Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã, anh chủ động bàn bạc và thống nhất trong cấp ủy, chính quyền đưa phát triển diện tích nhãn Hương Chi vào kế hoạch phát triển KT-XH hàng năm của xã.
Từ vườn nhãn Hương Chi do anh Lực đi đầu, nhiều đảng viên trong Đảng bộ xã đã thực hiện tốt phương châm “Đảng viên đi trước, làng nước làm theo” bằng việc chủ động xóa bỏ vườn tạp, mạnh dạn đầu tư phát triển vườn nhãn. Tiêu biểu như Bí thư Đảng ủy xã Bùi Đức Nhịp đã có 0,5 ha, Phó Bí thư Chi bộ xóm Lốc Bùi Sơn Chiến 0,8 ha, đảng viên Đinh Công Phục ở xóm Khoang 0,4 ha. Đặc biệt, năm 2009, Phó Bí thư chi bộ xóm Khoang Bùi Văn Miển được bầu làm Chủ nhiệm CLB làm vườn xã Sơn Thủy với 60 hội viên tham gia. Theo đó, năm 2003, xã Sơn Thủy mới có 4 ha nhãn đến năm 2013 đã phát triển lên 57 ha và 8 tháng qua trồng mới thêm 9 ha với tổng số 410 hộ dân tham gia, chiếm 41% hộ gia đình trên địa bàn. Với hoạt động thiết thực của CLB làm vườn và Trung tâm học tập cộng đồng xã cùng sự hỗ trợ của Viện rau quả T.Ư, trong đó, anh Lực, anh Miển là những giảng viên tâm huyết, người dân trên địa bàn đã được trang bị đầy đủ kiến thức về trồng, chăm sóc, phòng - chống dịch bệnh với diện tích nhãn trên địa bàn cũng như việc triết ghép để chủ động cây giống.
Chủ tịch UBND xã Bùi Văn Lực chia sẻ: Với vườn nhãn 10 năm tuổi, trừ chi phí đem lại thu nhập trên 300 triệu đồng/ha/năm, gấp hơn 6 lần cây lúa. Từ kết quá đó, xã đã đề nghị và được huyện đồng ý cho chuyển đổi 7,9 ha ruộng 2 vụ và 10,7 ha ruộng 1 vụ sang trồng nhãn. Mới đây, huyện đã có chủ trương hỗ trợ kinh phí cho các hộ mua cây giống nên diện tích nhãn của xã sẽ tiếp tục phát triển. Chúng tôi dự kiến, toàn xã sẽ trồng 150 ha nhãn, chiếm trên 60% diện tích đất canh tác trên địa bàn và Sơn Thủy chắc chắn sẽ trở thành vùng nhãn hàng hóa của huyện và tỉnh.
Một trong những mục tiêu của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM là ngày càng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Mô hình cải tạo vườn tạp và phát triển diện tích nhãn Hương Chi ở Sơn Thủy đã góp phần quan trọng để mục tiêu quan trọng đó trở thành hiện thực. Đáng trân trọng hơn, trong sự nghiệp đổi mới, đội ngũ cán bộ, đảng viên ở Sơn Thủy luôn là những người đi đầu, gương mẫu.
(HBĐT) - Trong 3 ngày từ 24 – 26/9, UBKT Tỉnh ủy tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ kiểm tra cho cán bộ làm công tác kiểm tra Đảng. Tham dự lớp tập huấn có 78 học viên là các chủ nhiệm, phó chủ nhiệm UBKT Huyện ủy, Thành ủy và các Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy.
(HBĐT) - Tại hội nghị biểu dương Bí thư chi bộ thôn, bản tiêu biểu vùng Tây Bắc năm 2014 do BCĐ Tây Bắc phối hợp với Ban Tổ chức T.Ư và Tỉnh uỷ Hòa Bình tổ chức diễn ra sáng ngày 24/9 tại TP Hoà Bình, đã có 7 ý kiến tham luận đến từ các tổ chức Đảng cơ sở. Đó là những kinh nghiệm hay trong lãnh đạo, chỉ đạo CBĐV, quần chúng nhân dân thực hiện nhiệm vụ chính trị tại cơ sở. Báo Hòa Bình trích đăng nội dung chính giới thiệu cùng bạn đọc.
(HBĐT) - Sáng 24/9, tại Cung Văn hóa tỉnh, BCĐ Tây Bắc phối hợp với Ban Tổ chức T.Ư và Tỉnh ủy Hòa Bình tổ chức hội nghị biểu dương Bí thư chi bộ thôn, bản tiêu biểu vùng Tây Bắc năm 2014. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng BCĐ Tây Bắc chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có các đồng chí: Ksor Phước, UVT.Ư Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH; Bùi Văn Tỉnh, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo một số Bộ, Ban, ngành T.Ư; đồng chí Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, Ban Tổ chức Tỉnh ủy và 350 đại biểu là bí thư chi bộ tiêu biểu của 14 tỉnh vùng Tây Bắc.
(HBĐT) - Sáng 24/9, Đoàn ĐBQH tỉnh gồm các đồng chí: Nguyễn Tiến Sinh, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã tiếp xúc cử tri (TXCT) trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII tại huyện Lạc Thuỷ. Cùng tham gia có đại diện lãnh đạo UB MTTQ tỉnh, một số sở, ban, ngành của tỉnh cùng 80 cử tri xã Thanh Nông, Phú Thành, Hưng Thi và thị trấn Thanh Hà.
(HBĐT) - Ngày 24/9, Ủy ban MTTQ tỉnh đã tổ chức gặp mặt đoàn đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2014 – 2019. Đồng chí Trần Đăng Ninh, Phó Bí thư TT Tỉnh ủy đã tới dự.
(HBĐT) - Nhằm tăng cường năng lực quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, QP -AN, đồng thời nâng cao chất lượng đội ngũ CB, CC, VC phục vụ cho sự nghiệp phát triển KT-XH của tỉnh theo hướng CNH-HĐH, tháng 7/2005, HĐND tỉnh khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 35/2005/NQ-HĐND “quy định một số chính sách khuyến khích CB, CC học tập; thu hút và tiếp nhận sinh viên tốt nghiệp đại học về công tác tại tỉnh giai đoạn 2005 - 2015”.