Các đại biểu tỉnh ta tham dự hội nghị.
(HBĐT) - Sáng 8/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc nhằm đánh giá kết quả 6 năm (2009-2014) thực hiện Nghị quyết số 30a, ngày 27/12/2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo. Tại đầu cầu tỉnh ta, đồng chí Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch TT UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
Trong 6 năm thực hiện, Nghị quyết 30a của Chính phủ hỗ trợ cho 61 huyện nghèo (nay là 64 huyện nghèo do quá trình điều chỉnh địa giới hành chính các huyện nghèo và thành lập các huyện mới) đã đi vào cuộc sống và đạt kết quả tích cực trên nhiều phương diện. Nghị quyết được quán triệt tốt từ T.Ư đến các địa phương. Để thực hiện mục tiêu đề ra, cùng với chủ trương thực hiện có hiệu quả các chính sách giảm nghèo chung, Chính phủ đã ban hành các nhóm chính sách đặc thù để hỗ trợ các huyện nghèo, gồm: Chính sách hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho hộ nghèo; chính sách hỗ trợ trong GD-ĐT, dạy nghề, nâng cao dân trí; chính sách thu hút, tăng cường cán bộ cho các huyện nghèo; chính sách hỗ trợ xuất khẩu lao động; chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng ở cả thôn, bản, xã và huyện nghèo. Trong bối cảnh kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn, Đảng và Nhà nước luôn dành nguồn lực ưu tiên đầu tư cho các huyện nghèo để thực hiện các chính sách đặc thù. Tổng nguồn lực được huy động trong 6 năm đạt khoảng 20.189 tỷ đồng, bao gồm 17.052 tỷ đồng ngân sách T.Ư; 2.000 tỷ đồng ngân sách địa phương và 3.138 tỷ đồng hỗ trợ của các doanh nghiệp.
Sau 6 năm tổ chức thực hiện Nghị quyết 30a, các mục tiêu đã cơ bản đạt được. Cụ thể: Tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2011-2014 của các huyện nghèo nhìn chung đạt mức giảm bình quân khoảng 6%/năm, cao hơn mục tiêu 4% của Nghị quyết. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012-2015 đặt mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2015 có 10% số huyện nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, đến nay, theo đánh giá sơ bộ đã có hơn 12% số huyện nghèo có tỷ lệ hộ nghèo ngang bằng hoặc thấp hơn mức bình quân chung của tỉnh. Đáng ghi nhận là tình hình KT-XH trên địa bàn các huyện nghèo đã có sự thay đổi rõ rệt. Cơ cấu sản xuất chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, thu ngân sách trên địa bàn tăng, thu nhập bình quân đầu người được cải thiện, tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng, các công trình hạ tầng cơ sở được đầu tư khá đồng bộ (với hơn 90% xã, 70% thôn, bản thuộc các huyện nghèo có đường ô tô đến trung tâm xã; 100% trung tâm xã và trên 90% thôn, bản đã có điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất), mức độ tiếp cận của người dân với các dịch vụ xã hội cơ bản được nâng lên, hệ thống chính quyền cơ sở được củng cố, AN-QP được đảm bảo, nhiều huyện nghèo đang thu hẹp dần khoảng cách chênh lệch về mức sống so với các vùng khác.
Tại hội nghị, sau khi phân tích những hạn chế và kiến nghị giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện Nghị quyết 30a trong thời gian tới, các đại biểu đã thống nhất cao với những mục tiêu của Nghị quyết 30a giai đoạn 2016-2020. Theo đó, phấn đấu đến cuối năm 2020, giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân tại các huyện nghèo ngang bằng mức trung bình của khu vực; tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo đạt trên 50%; thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 2 lần so với năm 2015; có ít nhất 50% số huyện thoát khỏi tình trạng huyện nghèo.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Nghị quyết 30a hướng đến các địa bàn nghèo nhất, khó khăn nhất cả nước. Đây sẽ tiếp tục là chương trình trọng điểm của công tác giảm nghèo. Chính vì vậy, yêu cầu các cấp, ngành, địa phương tiếp tục nâng cao nhận thức, đề cao trách nhiệm để thực hiện hiệu quả hơn nữa Nghị quyết 30a.
Chỉ đạo nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh 5 nội dung cần chú trọng thực hiện. Trong đó, về việc bố trí nguồn lực, Thủ tướng chỉ đạo: Tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư cho các huyện nghèo thực hiện công tác giảm nghèo. Trên cơ sở thực hiện việc bố trí vốn đầu tư công trung hạn trong 5 năm, tạo điều kiện cho các huyện nghèo chủ động sắp xếp các danh mục theo thứ tự ưu tiên, tổ chức huy động, lồng ghép các nguồn lực khác để hoàn thành mục tiêu đề ra.
Thu Trang
(HBĐT) - Ngày 7/5, Đảng bộ Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã tổ chức Đại hội lần thứ IX, nhiệm kỳ 2015 – 2020.
(HBĐT) - Sáng 7/5, tại xã Nam Thượng, UBND huyện Kim Bôi tổ chức hội nghị phát động phong trào thi đua chuyên đề “Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính” giai đoạn 2015- 2020 và hướng dẫn đánh giá, xếp loại chỉ số CCHC của các xã, thị trấn.
(HBĐT) - Ngày 6/5, tại xã Tân Minh (Đà Bắc) các ĐBQH khóa XIII tỉnh gồm các ông, bà: Nguyễn Tiến Sinh, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Cao Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư năng lượng, xây dựng, thương mại Hoàng Sơn; Bạch Thị Hương Thủy, Phó Trưởng phòng TC-CB (Viện KSND tỉnh) đã tiếp xúc cử tri các cơ quan, ban, ngành và các xã Cao Sơn, Tân Minh, Tân Pheo. Cùng dự buổi tiếp xúc có Thường trực HĐND tỉnh, UB MTTQ tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh, lãnh một số sở, ngành của tỉnh và huyện Đà Bắc.
Ðiện Biên là tỉnh miền núi, vùng biên giới, địa hình phức tạp, nhiều dân tộc chung sống, dân cư thưa thớt, trình độ dân trí thấp, đời sống đồng bào còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, tình trạng di cư vẫn xảy ra... Nhiều năm trước đây, mặc dù được cấp ủy các cấp quan tâm, song công tác phát triển đảng viên, xây dựng các tổ chức đảng còn gặp nhiều khó khăn do có nhiều thôn, bản thuộc vùng sâu, vùng xa, một số địa phương không kết nạp được đảng viên.
(HBĐT) - Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị trấn lần thứ VI, nhiệm kỳ 2010 - 2015, Đảng bộ và nhân dân thị trấn Chi Nê (Lạc Thủy) đã đoàn kết, chung sức, đồng lòng vượt qua những khó khăn, thách thức hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, KT-XH không ngừng phát triển, đời sống vật chất, tinh thần người dân ngày một nâng cao.
(HBĐT) - Tính đến ngày 15/4, Đảng bộ huyện Kim Bôi có 61 chi, Đảng bộ trực thuộc. Trong đó có 33 Đảng bộ (28 xã, thị trấn, 5 Đảng bộ cơ quan, doanh nghiệp và LLVT), 28 chi bộ cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, xí nghiệp, doanh nghiệp trực thuộc.