Những chùm hồng bì đặc sản bà con xóm Đồng Giang được khách xa, gần ưa chuộng

Những chùm hồng bì đặc sản bà con xóm Đồng Giang được khách xa, gần ưa chuộng

(HBĐT) - Tháng 7 là thời điểm hồng bì (còn được gọi là cây quất hồng bì hoặc nhâm vòng) vào vụ thu hoạch. Hàng trăm điểm bán hồng bì dọc tuyến quốc lộ 6 đoạn từ xã Dân Hòa qua Dân Hạ đến thị trấn Kỳ Sơn (Kỳ Sơn) tấp nập “người bán, kẻ mua”. Người người rỉ tai nhau, muốn mua loại hồng bì đặc sản thì về đất Dân Hòa.

 

Không biết tự bao giờ, cây quất hồng bì đã trở thành cây ăn quả không thể thiếu trong vườn của người dân nơi đây. Hộ nào trồng ít thì 5 – 6 cây, hộ trồng nhiều với số lượng lên đến vài chục, thậm chí hàng trăm gốc. Trong số 5 xóm toàn xã thì có 4 xóm trồng với diện tích lớn gồm Đồng Giang, Ao Trạch, Đễnh, Gò Bùi. Mục đích ban đầu của bà con trồng chủ yếu để ăn, dần dà khi thị trường hàng hóa phát triển, hồng bì còn để cải thiện nguồn thu nhập. Theo thống kê vụ này, diện tích hồng bì toàn xã đạt khoảng 25ha. Sở dĩ Dân Hòa được xem là vùng đất đặc sản của hồng bì bởi hồng bì trồng ở đây có vỏ màu sẫm, chín mọng, cùi dày, hạt nhỏ, vị ngọt đặc trưng khó có thể lẫn với các vùng trồng khác.

 

Mặc dù theo đánh giá của nhiều bà con, sản lượng vụ này có giảm chút ít so với niên vụ trước nhưng hồng bì vẫn tiếp tục góp phần mang lại hiệu quả kinh tế khá cho các gia đình, bình quân thu hàng tạ quả/cây. Những hộ có số cây đã cho thu hoạch nhiều vụ phải kể đến hộ ông Nguyễn Duy Bộ, Đinh Văn Tặng, Bùi Văn Kiểm ở xóm Đồng Giang, bình quân có từ 20 – 30 gốc. Đồng Giang cũng là vùng trồng hồng bì nổi tiếng nhất so với các xóm còn lại. Ông Bùi Văn Kiểm - hộ có vườn hồng bì gần 30 gốc ở xóm Đồng Giang tiết lộ: đặc tính của cây là không thể dùng phương pháp chiết ghép mà phải trồng bằng hạt. Kể từ năm thứ 3 trở đi, cây hồng bì cho quả bói, đến năm thứ 5, giá trị kinh tế bắt đầu thấy rõ. Mỗi chu kỳ thu hoạch của hồng bì kéo dài tới vài chục năm, cho sản lượng đáng kể nhất là từ năm thứ 8 trở đi. Thường thì sau vài chục năm, khi cây có dấu hiệu già cỗi, quả không còn sai như trước, các gia đình tiến hành loại bỏ để trồng cây mới thay thế.

 

Bình quân, sản lượng hồng bì toàn xã mỗi vụ đạt khoảng từ 100 - 120 tấn. Cùng với chất lượng vượt trội, hồng bì Dân Hòa còn là loại hoa quả sạch giúp người tiêu dùng yên tâm chọn lựa bởi quanh năm, cây hồng bì chỉ phải làm cỏ quanh gốc và chờ đợi cho đến khi hái quả, hoàn toàn không có sự can thiệp về phân bón, thuốc BVTV. Đặc biệt, mỗi năm, bà con chỉ thu hoạch 1 vụ, không có trái vụ. Các hộ trồng hồng bì trên địa bàn xã khẳng định rằng điều kiện thổ nhưỡng chính là yếu tố tạo nên sự khác biệt của hồng bì trồng ở Dân Hòa so với tất cả các vùng. Thậm chí, cùng một giống nhưng khi đem trồng nơi khác, hồng bì lại chua và hạt rất to, màu sắc không còn sẫm.

 

Cũng bởi những yếu tố hết sức đặc trưng về thổ nhưỡng mà cây hồng bì vùng Dân Hòa – Kỳ Sơn ngày càng được biết đến nhiều hơn. Khách từ miền ngược đến miền xuôi có dịp đi qua quốc lộ 6 đều tranh thủ ghé mua, tấm tắc thưởng thức thứ quả có hương vị đặc biệt và nhiều tác dụng giải nhiệt mùa hè này. Mức giá mà người trồng hồng bì tại đây bán ra dao động 20.000 – 25.000 đồng/kg, tuy có cao hơn so với giá của hồng bì nơi khác bán trên thị trường nhưng chất lượng không chê vào đâu được. Theo đồng chí Đinh Xuân Thao, Chủ tịch UBND xã: Cây hồng bì đã được xác định là một trong những cây trồng mũi nhọn ở địa phương, góp phần tăng bình quân thu nhập đầu người toàn xã lên trên 29 triệu đồng/người/năm 2015. Ít năm gần đây, một số hộ dân đã mở rộng diện tích trồng hồng bì. Xã cũng đã thực hiện chủ trương của huyện trong việc mở rộng diện tích gắn với xây dựng thương hiệu. Tuy nhiên trên thực tế, cây hồng bì chỉ có chất lượng tốt khi trồng trên đất vườn. Chất lượng quả kém hẳn (cùi mỏng, hạt to, vị ngọt không đậm) khi đem trồng ở diện tích đất đồi. Về lâu dài, cấp ủy, chính quyền địa phương mong muốn các nhà khoa học tiến hành khảo sát, nghiên cứu thêm làm cơ sở để mở rộng tiến tới xây dựng thương hiệu hồng bì Dân Hòa. Hiện tại, hồng bì được khuyến khích trồng thêm đối với diện tích vườn tạp đã cải tạo. Vụ thu hoạch hồng bì ở xã Dân Hòa kéo dài từ cuối tháng 6 đến khoảng đầu tháng 8 là kết thúc. Với nguồn cung có hạn, gần như chỉ những ai ghé qua vùng đất của xã Dân Hòa mới có cơ hội thưởng thức những chùm hồng bì dày cùi mà ngọt lịm mang hương rất riêng này.

 

                                                              Bùi Minh

  

Các tin khác


Kiểm tra tiến độ dự án sử dụng vốn Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH tại thành phố Hòa Bình

Ngày 24/5, đoàn công tác của UBND tỉnh do đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã kiểm tra tiến độ thực hiện dự án sử dụng vốn Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH thuộc lĩnh vực y tế tại Trung tâm Y tế (TTYT) TP Hòa Bình.

Công bố Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc

Ngày 24/5, tại thành phố Việt Trì, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội nghị Hội đồng điều phối vùng Trung du và miền núi phía Bắc lần thứ Ba và công bố Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập

Thời gian qua, nhiều hộ dân huyện Đà Bắc mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cải tạo vườn tạp đầu tư thâm canh, chuyên canh các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Qua đó không chỉ nâng cao thu nhập mà còn mở ra hướng phát triển kinh tế hiệu quả.

Huyện Kim Bôi đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí

Là 1 trong 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) lớn, có ý nghĩa quan trọng hướng đến xây dựng "tam nông” thịnh vượng, Chương trình MTQG xây dựng NTM được cả hệ thống chính trị và người dân các xã huyện Kim Bôi dồn sức hoàn thiện, phấn đấu về đích theo đúng lộ trình.

Cao Phong nỗ lực xây dựng huyện nông thôn mới

Theo kế hoạch, kết thúc nhiệm kỳ 2020 - 2025, huyện Cao Phong sẽ hoàn thành các tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới (NTM). Tính đến thời điểm này, huyện có 8 xã đạt chuẩn NTM và 1 xã đang hướng tới xây dựng NTM kiểu mẫu. Năm 2024, huyện phấn đấu đưa xã Thạch Yên về đích NTM và xã Bắc Phong về đích NTM nâng cao. Cùng với đó, huyện tiếp tục thực hiện 5/9 tiêu chí xây dựng huyện NTM.

Thúc đẩy hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ

Trong thời gian qua, hoạt động chuyển giao công nghệ trên địa bàn tỉnh có bước chuyển biến tích cực, thể hiện ở tỷ lệ các kết quả nghiên cứu vào ứng dụng trong thực tiễn, số lượng và giá trị các hợp đồng chuyển giao công nghệ tăng, có nhiều doanh nghiệp (DN) quan tâm, đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Từ năm 2018, tỉnh đẩy mạnh hoạt động ươm tạo DN khoa học và công nghệ (KH&CN), hỗ trợ thành lập DN, tổ chức KH&CN. Đến nay, toàn tỉnh có 15 tổ chức KH&CN. Các tổ chức, DN đã ứng dụng công nghệ, kết quả nghiên cứu vào hoạt động sản xuất, kinh doanh theo lĩnh vực đăng ký.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục