(HBĐT) - Từ vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), những hộ nghèo ở xã vùng sâu Chí Đạo của huyện Lạc Sơn không chỉ xóa được nhà tạm, mà còn vươn lên thoát nghèo, từng bước làm giàu trên mảnh đất quê hương.


Từ nguồn vốn vay, gia đình ông Bùi Văn Nhạn, xóm Be Dưới, xã Chí Đạo (Lạc Sơn) đầu tư chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế. 

Chí Đạo vốn là xã đặc biệt khó khăn của huyện Lạc Sơn, với nền kinh tế thuần nông. Thế nhưng, những năm trở lại đây, vùng quê nghèo đã ngày càng thay da đổi thịt. Đó là thành quả của công cuộc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, mà nổi bật là cây dổi đã giúp đời sống của người dân Chí Đạo thực sự bước sang một trang mới. Cùng đồng hành với công cuộc xóa đói, giảm nghèo của người dân nơi đây, không thể không nhắc đến vai trò của đồng vốn vay ưu đãi từ NHCSXH. Đồng chí Bùi Văn Luyến, Chủ tịch UBND xã Chí Đạo cho biết: Vốn vay ưu đãi của NHCSXH có vai trò quan trọng trong phát triển KT-XH ở địa phương. Từ các nguồn vốn vay ưu đãi, hộ nghèo, cận nghèo đã mua được trâu, bò, lợn để phát triển kinh tế và xóa được các ngôi nhà tạm bợ. Hiện nay, vốn vay ngày càng được mở rộng, nên tất cả bà con trên địa bàn đều có thể vay vốn của NHCSXH nếu có nhu cầu. Nhờ sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả, đúng mục đích, đời sống của người dân đã có nhiều chuyển biến tích cực. Năm 2019, thu nhập bình quân của xã đạt 27,4 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo hiện còn hơn 20%.

Tổng dư nợ NHCSXH của xã Chí Đạo hiện đạt gần 11 tỷ đồng, cho hơn 500 hộ vay, với 13 tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV). Trong đó, chương trình cho vay hộ nghèo, cận nghèo chiếm số vốn nhiều nhất, tiếp đến là vốn hỗ trợ nhà ở, vốn vay hộ SXKD vùng khó khăn. Trong các tổ chức Hội nhận ủy thác, Hội Nông dân xã đang quản lý số vốn vay hơn 2,2 tỷ đồng, cho 87 hội viên vay. Đồng chí Bùi Văn Huy, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: Nhờ làm tốt công tác giám sát, hỗ trợ, hướng dẫn bà con về sản xuất, các hội viên đã sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả, nhiều hộ đã xây dựng được mô hình kinh tế đem lại nguồn thu nhập ổn định. Trong đó, mô hình kinh tế của gia đình ông Bùi Văn Nhạn, xóm Be Dưới là một điển hình.

Mô hình chăn nuôi dê, bò và gà của gia đình ông Bùi Văn Nhạn xây dựng trên dãy núi cao sau xóm Be Dưới. Năm 2017, gia đình ông vay 20 triệu đồng vốn vay hộ cận nghèo của NHCSXH mua 2 con bò sinh sản, đến nay, bò đã sinh được 2 con bê. Ngoài ra, tận dụng địa hình núi đá, gia đình ông nuôi thêm dê núi, gà bản địa. "Không chỉ gia đình tôi mà nhiều hộ khác vay vốn của NHCSXH cũng mua trâu, bò hoặc lợn để phát triển kinh tế gia đình. Hiện, các vật nuôi đều phát triển tốt, trở thành động lực để chúng tôi không chỉ thoát nghèo mà còn từng bước làm giàu” - ông Nhạn chia sẻ.

Xóm Be Dưới có 2 tổ TK&VV, ông Nhạn đang là tổ trưởng phụ trách 44 hộ vay, với dư nợ gần 1,1 tỷ đồng. Nhờ đầu tư vốn đúng mục đích nên các hộ đều trả lãi, nợ đúng hạn. Bà con mong muốn tiếp tục được tạo điều kiện, tăng mức cho vay để đầu tư sản xuất.

"Các nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH thực sự trở thành động lực cho công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở xã Chí Đạo. Chúng tôi mong muốn NHCSXH tiếp tục tăng nguồn vốn cho vay, mức vay, nhất là các nguồn vốn cho vay hộ nghèo, cận nghèo, giải quyết việc làm, hay vốn vay cho những hộ thoát nghèo để họ có điều kiện tiếp tục phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững” - đồng chí Bùi Văn Luyến, Chủ tịch UBND xã bày tỏ. 


 Viết Đào

Các tin khác


Doanh nghiệp thay đổi để thích ứng vươn lên

Không chỉ trông chờ vào các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ và các bộ ngành, nhiều doanh nghiệp đang chuyển sang nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm với kênh cung ứng hàng hóa mới thích ứng với bối cảnh ảnh hưởng của dịch COVID-19 ngày càng lan rộng.

Huyện Lương Sơn thực hiện hiệu quả ba đột phá chiến lược

(HBĐT) - Trong 5 năm 2015-2020, so với toàn tỉnh, kinh tế của huyện Lương Sơn có tốc độ tăng trưởng cao hơn mức bình quân chung (13,86/9,15%), GRDP bình quân đầu người gấp 1,28 lần (81,9/64 triệu đồng). Thu NSNN tăng bình quân hàng năm 20,07%. Huyện hoàn thành nhiệm vụ trọng tâm trước 1 năm về công nhận đô thị loại IV, hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện NTM. Cùng với các giải pháp trong phát triển KT-XH, huyện chú trọng thực hiện hiệu quả 3 đột phá chiến lược.

Danh mục tạm dừng kinh doanh đến hết ngày 15/4 trên địa bàn tỉnh để phòng, chống dịch Covid-19

(HBĐT) - Ngày 9/4, UBND tỉnh ban hành Văn bản số 561/UBND-KGVX về Danh mục tạm dừng kinh doanh đến hết ngày 15/4/2020 trên địa bàn tỉnh để phòng, chống dịch Covid-19.

Tạo lực đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Bài 3 - Cần sự vào cuộc tích cực, đồng bộ, trách nhiệm của hệ thống chính trị


(HBĐT) - Năm 2020, UBND tỉnh đề ra mục tiêu: Tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh để các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh hoạt động sản xuất - kinh doanh có hiệu quả; tập trung thu hút các DN có năng lực đến đầu tư tại Hòa Bình, góp phần tạo nguồn lực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT - XH. Phấn đấu tăng tổng điểm số PCI từ 2 - 5 điểm so với năm 2019.

Để công nghiệp chế biến tạo ra “vàng ròng” cho nông sản

Trong 10 năm trở lại đây, công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đã có bước tiến đáng kể với tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng đạt khoảng 5 đến 7%/năm; hình thành hệ thống công nghiệp chế biến nông sản có công suất lớn. Tuy nhiên, để ngành công nghiệp chế biến thật sự phát triển và mang lại giá trị lớn cho toàn ngành nông nghiệp thì còn cả chặng đường dài…

Vụ đông xuân ở Nam Bộ thắng lợi toàn diện

Mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng do hạn hán, xâm nhập mặn nhưng vụ đông xuân 2019 - 2020 ở khu vực Nam Bộ vẫn đạt thắng lợi toàn diện khi sản lượng, năng suất đều tăng cao. Có được những kết quả này là do các bộ, ngành và địa phương đã lường trước được những khó khăn để chủ động xuống giống sớm "tránh” hạn, mặn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục