(HBĐT) - Thời điểm 1-1-2018, thuế nhập khẩu ô tô từ các nước ASEAN vào Việt Nam sẽ về 0% theo lộ trình cắt giảm thuế của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Tuy nhiên, theo các chuyên gia, giá xe sẽ giảm, nhưng không nhiều như nhiều người kỳ vọng.

Giá ô tô nhập khẩu khó giảm mạnh.

Giá ô tô liệu có rẻ?
Không ít người tiêu dùng đang chờ đến thời điểm 1-1-2018 để có thể sở hữu một chiếc xe ô tô nhập khẩu với giá chỉ bằng phân nửa hiện nay. Tuy nhiên, ông Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, giá xe nhập khẩu có giảm tương đương với phần thuế nhập khẩu về 0% hay không còn phụ thuộc vào thuế tiêu thụ đặc biệt. Nếu thuế tiêu thụ đặc biệt tăng thì dù thuế nhập khẩu giảm, việc giảm giá xe chưa chắc đã trở thành hiện thực.

"Trong bối cảnh thuế nhập khẩu về 0% thì giá xe sẽ giảm, nhưng giảm nhiều hay ít còn phụ thuộc vào chính sách sử dụng thuế tiêu thụ đặc biệt để điều tiết nhập khẩu xem có tương ứng với sức chịu đựng của nền kinh tế, cũng như hạ tầng giao thông hay không. Do đó, không phải thuế nhập khẩu giảm là giá xe giảm tương đương ngay bằng với mức như thế”, ông Cường phân tích.

Không ít người so sánh giá xe ở Việt Nam với các quốc gia trong khu vực ASEAN. Tuy vậy, theo các chuyên gia, xe của các quốc gia này có giá thấp không phải vì chất lượng kém mà do mức thuế đã được giảm tối đa nhằm giúp người dân được hưởng giá xe thấp. Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông của họ tương đối tốt.

Ông Cường thí dụ, khi nhìn vào ngành công nghiệp ô tô Thái Lan có thể thấy, họ phát triển sớm và xác định rõ thị trường của mình cần gì và đang ở đâu, do đó ngành công nghiệp ô tô của họ phát triển. Hạ tầng giao thông của họ đáp ứng khá tốt nhu cầu nên giá xe rẻ để kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy người dân mua ô tô. Ngược lại, ở Việt Nam, hạ tầng giao thông chưa có phép có một lượng xe quá lớn, cho nên các công cụ khác ngoài thuế nhập khẩu sẽ được sử dụng để kiểm soát giá xe. Giá xe sẽ giảm, nhưng không thể ngay lập tức.

Bên cạnh đó, Bộ Công thương mới đây đã phác thảo một số giải pháp để thúc đẩy công nghiệp ô tô trong nước. Cụ thể, sẽ tạo dựng thị trường đủ lớn cho các nhà sản xuất ô tô, như khuyến khích sử dụng xe nội, bảo hộ hợp lý thị trường ô tô trong nước... Bên cạnh việc dựng các hàng rào kỹ thuật là các biện pháp chống gian lận thương mại, như kiểm soát chặt việc khai báo giá tính thuế, gian lận tỷ lệ nội địa hóa, mức nội khối ASEAN nhằm hưởng các ưu đãi thuế quan… Do đó, giá xe sẽ được giám sát chặt để bảo đảm không có gian lận.

Nên tập trung vào xe tải, xe buýt
Trả lời câu hỏi doanh nghiệp ô tô trong nước cần làm gì khi thời điểm 1-1-2018 đang đến gần, ông Hoàng Văn Cường cho rằng, những năm vừa qua, yếu tố cạnh tranh của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam chủ yếu nhờ vào thuế nhập khẩu. Trong cả thời gian dài, ngành này đã nhận được đủ các ưu đãi để tạo lợi thế giữa lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu. Nhưng đến bây giờ vẫn chưa có gì thay đổi, tỷ lệ nội địa hóa chưa cao. Do đó, thời gian tới, khi thuế nhập khẩu về 0%, sản xuất trong nước không còn được bảo hộ, nên nếu muốn dùng thuế tiêu thụ đặc biệt để quay lại bảo hộ sản xuất xe trong thì sẽ rất khó khăn.

"Thực tế, ngành công nghiệp ô tô gần 20 năm qua đã không thành công. Đây là thời kỳ có lợi thế nhất mà không thành công, thì đến thời điểm này khi mở cửa tự do cạnh tranh, khả năng thành công là vô cùng khó khăn”, ông Cường thẳng thắn chia sẻ.

Cũng có ý kiến cho rằng, việc miễn thuế nhập khẩu một số bộ phận lắp ráp xe trong nước sẽ tạo cơ hội giúp cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe trong nước phát triển. Tuy vậy, ông Hoàng Văn Cường cho rằng, chúng ta đều mong muốn các doanh nghiệp lắp ráp xe trong nước được hưởng chính sách nhằm tăng năng lực lên, nhưng những xe đang phổ biến đại trà thì doanh nghiệp trong nước không có sức mạnh để cạnh tranh. Do đó, ngành công nghiệp ô tô trong nước cần hướng vào nhóm sản phẩm mang tính đặc thù mà ta có thế mạnh như dòng xe vận tải, buýt … thì mới có thể thành công được.

                                                                                         Theo báo Nhân Dân


Các tin khác


Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Huyện Lạc Sơn: Tổng đàn vật nuôi có trên 1,3 triệu con

Theo báo cáo của UBND huyện Lạc Sơn, hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện đạt trên 1,3 triệu con.

Đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn thành lập thị xã Lương Sơn

Ngày 26/4, Ban chỉ đạo hoàn thiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn của tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn. Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì hội nghị.

Cựu chiến binh huyện Lạc Thủy thi đua làm kinh tế giỏi

Những năm qua, phong trào "Cựu chiến binh (CCB) thi đua làm kinh tế giỏi" trên địa bàn xã Hưng Thi (Lạc Thủy) có sức lan tỏa sâu rộng, được các hội viên nhiệt tình hưởng ứng. Từ phong trào xuất hiện nhiều CCB điển hình, gương mẫu trong phát triển kinh tế, trở thành tấm gương trong lao động sản xuất, đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục