(HBĐT) - Trước đây, trên diện tích đất vườn, đồi, nông dân xã Mỵ Hòa (Kim Bôi) thường canh tác sắn, mía đường hiệu quả kinh tế thấp, có năm còn rơi vào tình cảnh thua lỗ, "khóc dở, mếu dở” vì mía "đắng”. Kể từ năm 2013, nhận thấy cây ăn quả có múi có giá trị kinh tế cao, mang đến cho nông nghiệp, nông thôn ở nhiều vùng trong tỉnh diện mạo mới, nông dân ở các xóm có lợi thế về đất đai, thổ nhưỡng đã chuyển đổi sang trồng cam, bưởi.


Đưa chúng tôi đến thăm vùng cây ăn quả có múi rộng lớn của xóm Đông Hà, trưởng xóm Chu Văn Đương phấn khởi cho biết: đất này khi xưa là nông trường, kỹ thuật trồng cam, quýt cũng đã tường nên khi quay trở lại trồng cũng có những thuận lợi. Sẵn đất đai, nguồn lao động, các hộ trong xóm tích cực trồng và mở rộng diện tích cam, quýt, các loại bưởi đỏ, bưởi da xanh. Để cho hiệu quả cao, các hộ mạnh dạn đầu tư không những về phân bón, nhân công mà còn chú trọng về khâu kỹ thuật, bắt tay, hợp tác với lao động có kinh nghiệm, kỹ thuật cao từ các vùng khác trong, ngoài tỉnh đảm nhiệm, phụ trách kỹ thuật tại vườn. Đông Hà sau 5 năm đã có diện tích cây cam, quýt, bưởi nhất toàn xã, trong đó có những hộ tỷ phú trồng cam như trưởng xóm Chu Văn Đương với diện tích 3,1 ha, ông Vì Văn Minh có diện tích 3,7 ha, ông Vũ Xuân Đáng với diện tích 2,4 ha.

Về Mỵ Hòa mùa này, các hộ trồng cam đang rục rịch thu hoạch, một số hộ đã bắt đầu cắt bán cam lòng vàng. Đầu mối tiêu thụ từ các nơi vào thăm vườn, làm giá và đặt cọc tiền để chừng 20 ngày nữa cam vào chính vụ sẽ đưa xe về tận nơi thu mua cho bà con. Theo chị Nguyễn Thị Thư ở xóm Mỵ Thanh, diện tích cam ở đây chủ yếu là cam lòng vàng, đường Canh và cam chín muộn V2. Nhờ đi sau, tiếp thu tốt về kỹ thuật nên chất lượng, sản lượng cam đảm bảo, được khách đến tiêu thụ đánh giá không kém gì cam Cao Phong. Mặt khác, qua các lao động kỹ thuật và phía anh em, bạn bè ở vùng cam Cao Phong, Lạc Thủy giới thiệu, các mối hàng đã tìm đến ký kết hợp đồng tiêu thụ cho các hộ.


Hộ dân xóm Mỵ Thanh, xã Mỵ Hòa (Kim Bôi) kiểm tra sản phẩm cam đường Canh trước khi xuất bán.

Bà con vùng cam hầu như không phải ra chợ hoặc mở các điểm bán lẻ bởi việc tiêu thụ chủ yếu qua lái thương và thị trường tiêu thụ là các tỉnh miền Nam thu mua, đặt hàng với số lượng lớn. Giá cam cắt bán, thu mua tại vườn bình quân 16.000 đồng – 18.000 đồng/kg. Mặt khác, diện tích cam đạt sản lượng ổn định, trung bình từ 25 – 30 tấn/ha, cam chín đến đâu được khách tiêu thụ hết đến đó. Từ việc bắt đầu muộn hơn các vùng khác, vùng cây ăn quả có múi xã Mỵ Hòa hiện đã đứng ở top 3 của huyện và là cây trồng chủ lực của địa phương. Theo thống kê, toàn xã đang có 229 ha cam, quýt, bưởi các loại, cao gấp 2 – 4 lần so với diện tích ngô, lúa. Vùng trồng cam, quýt tập trung ở các xóm Đông Hà, Mý Đông, Mỵ Thanh, Đồng Hòa… Nhờ phát triển và mở rộng diện tích mà tại xã đã hình thành những vùng cây ăn quả có múi trù phú, mang lại thu nhập cao, cải thiện đời sống nhân dân. Điển hình là xóm Đông Hà từ trồng cam, bưởi mà các hộ dân có mức sống sung túc, không còn hộ nghèo. Thu nhập bình quân đầu người của xóm năm 2017 đạt 54 triệu đồng/người/năm, dự kiến năm 2018 đạt 68 triệu đồng/người/năm.


Bùi Minh

Các tin khác


Cao Phong - miền quê trù phú, giàu bản sắc

Cao Phong nổi tiếng với đặc sản mía, cam, bản sắc văn hóa độc đáo, đa dạng của các dân tộc anh em. Miền quê trù phú, giàu bản sắc đang trên đà phát triển, khẳng định thế mạnh và hướng đi đúng đắn trong phát triển KT-XH.

Thành phố Hòa Bình bắt nhịp đà tăng trưởng

Thành phố Hòa Bình đã và đang có những đổi thay mạnh mẽ về hệ thống hạ tầng, phát triển đô thị, tạo ra sức sống, diện mạo mới và đảm đương tốt vị trí đầu tàu về KT-XH của tỉnh.

Những người thực hiện hoài bão đưa nông sản “xuất ngoại”

Với lợi thế sẵn có về khí hậu, đất đai, nông sản phong phú, nhiều tiềm năng... ngành nông nghiệp tỉnh đã và đang nỗ lực thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, HTX đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp chế biến, từng bước khẳng định vị thế một số nông sản đặc trưng địa phương trên thị trường quốc tế. Trong đó, tín hiệu tích cực trong xuất khẩu nông sản những năm gần đây có sự đóng góp không nhỏ của những người "nặng lòng” với nông nghiệp địa phương.

Lương Sơn vùng đất anh hùng

Viết tiếp truyền thống vẻ vang trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, trong suốt chiều dài lịch sử, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lương Sơn luôn đoàn kết, năng động, sáng tạo dựng xây quê hương ngày một đổi mới.

Sức vươn Lạc Thuỷ

Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lạc Thuỷ không ngừng nỗ lực, đạt được những bước phát triển mạnh mẽ. Huyện tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, tạo môi trường thu hút nguồn lực đầu tư phát triển. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng và dịch vụ thương mại.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục