(HBĐT) - Chúng tôi về thăm thôn Đông Hà, xã Mỵ Hòa (Kim Bôi). Những con đường liên xóm đã được kiên cố hóa, xuyên qua những vườn cam xanh mướt.


Ông Chu Văn Đương, Trưởng thôn Đông Hà cho biết: "Khoảng năm 2012, cây cam bắt đầu được người dân đưa về trồng ở Mỵ Hòa. Thôn Đông Hà là một trong những thôn đầu tiên trồng cam. Sau 6 năm, cây cam đã mang lại cuộc sống mới cho người dân nơi đây. Nhận thấy hiệu quả thiết thực đó nên đầu năm 2018, thôn đã cải tạo hơn 10 ha vườn tạp còn lại để trồng cam. Đến nay, diện tích cam đã phủ kín toàn thôn với 38/42 hộ trồng tổng diện tích 65,5 ha, trong đó có trên 40 ha đang trong thời kỳ kinh doanh. Hầu hết các hộ đều phát triển cây có múi dưới hình thức phối hợp, ký hợp đồng liên kết sản xuất với doanh nghiệp. Theo đó, các hộ dân góp đất sản xuất và công lao động, doanh nghiệp hỗ trợ giống, vốn, kỹ thuật. Trong quá trình sản xuất, doanh nghiệp sẽ hỗ trợ tối đa cho người dân để có sản phẩm chất lượng và năng suất cao nhất. Nhờ phát triển hiệu quả mô hình trồng cây có múi, toàn thôn chỉ còn 1 hộ nghèo, thu nhập bình quân của nhiều hộ trồng cam đạt 85 triệu đồng/người/năm”.


Ông Chu Văn Đương, thôn Đông Hà, xã Mỵ Hòa (Kim Bôi) trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật trồng cây có múi với người dân trên địa bàn.

Gia đình ông Chu Văn Đương, Trưởng thôn Đông Hà cũng là hộ tiên phong trồng cây có múi. Gia đình ông hiện trồng hơn 1,1 ha, trong đó có 850 gốc cam V2 và cam Canh. Năm 2017, năng suất đạt 23 tấn với mức giá bình quân 20.000 đồng/kg, lợi nhuận sau khi trừ chi phí đạt 250 triệu đồng.

Theo thống kê, toàn xã hiện có 215 ha cây ăn quả có múi, trong đó diện tích kinh doanh trên 60 ha. Tập trung tại các thôn: Đông Hà (65,5 ha), Mý Đông (48,8 ha), Mỵ Thanh (35 ha), chủ yếu là cam V2, Canh, bưởi Diễn, bưởi đỏ Tân Lạc… Năm 2017, trung bình 1 ha cây có múi thu về khoảng 20 tấn quả, giá thu mua dao động từ 28.000 - 32.000 đồng/kg. Tổng thu nhập từ cây có múi ước khoảng 600 triệu đồng/ha. Hầu hết sản phẩm được các doanh nghiệp liên kết ký hợp đồng thu mua số lượng lớn.

Chia sẻ về những thuận lợi để nhân rộng mô hình trồng cây có múi, đồng chí Hà Công Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Mỵ Hòa cho biết: "Với địa hình tự nhiên rộng, bằng phẳng, thuận tiện cho việc canh tác. Trục đường 12B chạy dọc qua địa bàn xã; hệ thống giao thông nông thôn được đầu tư đồng bộ là điều kiện thuận lợi cho tư thương dễ thu mua, vận chuyển hàng hóa. Tận dụng những tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương, năm 2013 - 2014, nhiều hộ trong xã mạnh dạn vay vốn cải tạo, đầu tư phát triển mô hình trồng cây ăn quả có múi. Trong đó, mục tiêu mở rộng diện tích cây ăn quả có múi trên địa bàn xã dự kiến đạt 250 ha. Để hoàn thành kế hoạch, trên 20 hộ được UBND tỉnh hỗ trợ 10 triệu đồng/ha/năm theo đề án phát triển cây có múi giai đoạn 2016- 2017 với diện tích 54,8 ha.

Để hỗ trợ, giúp đỡ người dân nắm bắt kỹ thuật, áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, chính quyền xã Mỵ Hòa phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức các buổi tập huấn chuyên đề về cây có múi. Tạo điều kiện để người dân được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi mở rộng diện tích cây trồng.

"Khó khăn lớn nhất hiện nay để phát triển trồng cây có múi chính là thiếu nước tưới. Vì vậy, chính quyền xã mong muốn các cấp chính quyền hỗ trợ kinh phí xây dựng công trình bể chứa nước phục vụ tưới tiêu. Bên cạnh đó mong muốn các ban, ngành, đoàn thể quan tâm hỗ trợ xây dựng thương hiệu cây ăn quả có múi. Qua đó góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống và thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương” - đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã cho biết thêm.


Đức Anh


Các tin khác


Những người thực hiện hoài bão đưa nông sản “xuất ngoại”

Với lợi thế sẵn có về khí hậu, đất đai, nông sản phong phú, nhiều tiềm năng... ngành nông nghiệp tỉnh đã và đang nỗ lực thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, HTX đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp chế biến, từng bước khẳng định vị thế một số nông sản đặc trưng địa phương trên thị trường quốc tế. Trong đó, tín hiệu tích cực trong xuất khẩu nông sản những năm gần đây có sự đóng góp không nhỏ của những người "nặng lòng” với nông nghiệp địa phương.

Lương Sơn vùng đất anh hùng

Viết tiếp truyền thống vẻ vang trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, trong suốt chiều dài lịch sử, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lương Sơn luôn đoàn kết, năng động, sáng tạo dựng xây quê hương ngày một đổi mới.

Sức vươn Lạc Thuỷ

Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lạc Thuỷ không ngừng nỗ lực, đạt được những bước phát triển mạnh mẽ. Huyện tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, tạo môi trường thu hút nguồn lực đầu tư phát triển. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng và dịch vụ thương mại.

Hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm

Những năm qua, huyện Đà Bắc đã triển khai các hoạt động đồng hành, hỗ trợ nông dân trong phát triển sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm. Qua đó giúp nông dân tăng thu nhập, góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới.

Quản lý, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản

Những năm gần đây, hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, hội nhập quốc tế, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố tăng cường năng lực công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm (ATTP) nông, lâm, thủy sản. Từ đó góp phần nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh sản phẩm nông, lâm, thủy sản của tỉnh tại thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu, nhất là bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục