Mặc dù đạt được một số kết quả tích cực và tiếp tục là bộ phận quan trọng của hệ thống doanh nghiệp (DN) Việt Nam, đóng góp gần 30% vào tăng trưởng GDP nhưng quá trình cơ cấu lại DN nhà nước (DNNN) giai đoạn 2011-2020 vẫn còn những mục tiêu chưa đạt được.


Lấy tiêu chí kinh doanh làm thước đo hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước

Dây chuyền sản xuất thiết bị tại nhà máy của Công ty M1 (thuộc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel).Ảnh: Khôi Linh

Trong đó có mục tiêu nâng cao một bước hiệu quả kinh doanh như Nghị quyết số 12-NQ/TW về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN đặt ra.

Chưa tương xứng tiềm lực nắm giữ

Ðánh giá kết quả thực hiện vai trò của kinh tế nhà nước mà trọng tâm là DNNN giai đoạn 2011-2020, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đưa ra một bức tranh có cả gam mầu sáng - tối đan xen. Gam mầu sáng được ông Phạm Ðức Trung, Trưởng ban Ðổi mới và Phát triển DN (CIEM) cập nhật từ số liệu mới nhất trong Sách trắng DN 2019: Tỷ lệ thua lỗ của DNNN có xu hướng giảm và thấp hơn mức bình quân cả nước, chỉ còn 15% - 16% số DN hằng năm có lỗ lũy kế thay vì mức 60% vào năm 2000; tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) năm 2016 và 2019 lần lượt đạt 11% và 11,4%, cao hơn đáng kể so với mức 4,4% và 6% của DN ngoài nhà nước; tổng giá trị vốn nhà nước được bảo toàn và phát triển với tổng đầu tư và lợi nhuận đều tăng trưởng hằng năm; tạo nguồn thu quan trọng cho ngân sách nhà nước với mức đóng góp 11% thu nội địa; hiệu suất sinh lời đạt mức khá so với mức bình quân DN Việt Nam.

DNNN đang chiếm giữ vai trò chi phối, thống lĩnh trong khá nhiều ngành, lĩnh vực. Cụ thể, trong ngành viễn thông, ba DN hàng đầu gồm Viettel, VNPT, MobiFone đang chiếm thị phần chính, với tỷ lệ thấp nhất là 65% và cao nhất là 98,8% ở các mảng dịch vụ đang cung cấp. Ðối với thị trường năng lượng, 87% cơ cấu nguồn thuộc về các tập đoàn kinh tế nhà nước như Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV)...

Tuy nhiên, ông Phạm Ðức Trung cũng chỉ rõ: Chất lượng tăng trưởng, hiệu quả đầu tư của khu vực DNNN còn thấp. Ðể tạo ra một đồng doanh thu, DNNN đang phải sử dụng nhiều vốn hơn DN khác, chỉ số quay vòng vốn của DNNN thấp nhất trong ba loại hình DN. Trong khi đó, nợ trên vốn chủ sở hữu của DNNN cao nhất trong các thành phần kinh tế. "Năng lực cạnh tranh của DNNN chưa đáp ứng yêu cầu và còn mờ nhạt. Tổng lợi nhuận của cả khu vực phụ thuộc vào một vài DNNN lớn hoạt động trong lĩnh vực có mức độ cạnh tranh thấp như khai khoáng, viễn thông, năng lượng.

Ở các ngành cạnh tranh cao như thương mại, xây dựng, công nghiệp chế tạo… thì hiệu quả kinh doanh của DNNN thấp hơn DN khác. Vai trò dẫn dắt, điều tiết hoặc định hướng của DNNN chưa được thể hiện rõ, sức lan tỏa chưa cao, qua đó làm giảm hiệu quả đầu tư của DNNN nói riêng và kinh tế nhà nước nói chung", ông Phạm Ðức Trung phân tích.

Tại Quyết định số 707/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 đã đặt ra bốn mục tiêu cụ thể gồm: Sắp xếp, cổ phần hóa (CPH), thoái vốn nhà nước để DNNN có cơ cấu hợp lý hơn; nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực quản trị theo chuẩn mực quốc tế; xử lý dứt điểm các dự án yếu kém; hoàn thiện mô hình quản lý, giám sát, sớm tách chức năng đại diện chủ sở hữu với chức năng quản lý nhà nước của các bộ ngành, địa phương.

Ðối chiếu với kết quả thực hiện cơ cấu lại DNNN giai đoạn 2011 - 2020, CIEM đánh giá có một mục tiêu chưa hoàn thành, một mục tiêu hoàn thành ở mức thấp và hai mục tiêu hoàn thành ở mức trung bình. Ðáng lưu ý, hoạt động quản trị của DNNN 10 năm qua không có chuyển biến cơ bản. Tại kết quả đánh giá năm 2006 về tình hình tuân thủ nguyên tắc và chuẩn mực quản trị công ty của Ngân hàng Thế giới cho thấy, DNNN "căn bản chưa tuân thủ". Sau 13 năm nhìn lại, quản trị DN của DNNN vẫn còn khoảng cách xa so với 6 nguyên tắc và 30 tiêu chí theo chuẩn mực của OECD.

DN phải được tự chủ kinh doanh

Ðến nay, nhiều kết quả nghiên cứu cũng như ý kiến của các chuyên gia kinh tế đều thống nhất cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến DNNN hoạt động chưa hiệu quả là do Nhà nước vẫn can thiệp quá sâu vào hoạt động kinh doanh của DN. Ngay cả khi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN đã thành lập và đi vào hoạt động gần một năm qua, tình trạng này vẫn chưa có nhiều chuyển biến. Cơ quan đại diện chủ sở hữu vẫn đan xen với cơ quan hành chính nhà nước, chính sách phát triển ngành đan xen với chính sách chủ sở hữu nhà nước, đầu tư nhà nước phục vụ lợi ích chung đan xen với đầu tư cho DNNN.

Chính sự lúng túng giữa việc trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho DNNN theo cơ chế thị trường với việc tăng cường quản lý, giám sát của Nhà nước đã dẫn tới sự can thiệp hành chính vào DNNN, khiến DNNN chưa thể thật sự hoạt động theo nguyên tắc thị trường. CIEM chỉ ra rằng, với cơ chế hiện nay, ngay cả đối với dự án đầu tư "tự vay, tự trả", DNNN vẫn phải qua sáu bước thực hiện và xin ý kiến chấp thuận của chín nhóm cơ quan để được phê duyệt. Ðó là chưa kể, khi xác định vai trò của DNNN, một số vai trò gắn cho khu vực DN này thực tế đã vượt quá năng lực, thực lực và bản chất của DNNN, khiến DNNN không thể tròn vai.

Ông Nguyễn Ðình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM, Giám đốc Chương trình Ô-xtrây-li-a hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform) cho rằng, câu chuyện giá điện là một minh chứng rất rõ: Khi giá đầu vào tăng lên, giá điện bị kìm lại khiến EVN thua lỗ. Ðến lúc giá đầu vào ổn định, thậm chí có xu hướng giảm thì giá điện lại tăng khiến dư luận rất khó thông cảm. Việc không vận động theo cơ chế thị trường đã làm sai lệch tín hiệu thị trường, EVN luôn trong cảnh tài chính âm, không huy động được nguồn lực để thoát lỗ.

"Ðã là DN, vai trò trước hết phải là chức năng kinh doanh, lấy kết quả kinh doanh là thước đo để đánh giá hiệu quả hoạt động. Ðiều đầu tiên phải thay đổi để nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN là buộc các DNNN phải hoạt động theo cơ chế thị trường. Muốn vậy, Nhà nước phải hạn chế thấp nhất sự can thiệp vào hoạt động kinh doanh của DN. Ðể cạnh tranh được, DNNN cần được tự chủ, tự do kinh doanh trong phạm vi ngành nghề và mục đích mà chủ sở hữu đặt ra, quyền tự do kinh doanh phải được thực hiện đồng thời với quyền tự chủ DNNN", ông Nguyễn Ðình Cung nhấn mạnh. Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Bá cũng đồng tình với quan điểm này. Ông nói: "Nếu tới đây, chúng ta buộc tất cả DNNN phải hoạt động, kinh doanh theo cơ chế thị trường thì tất cả các vấn đề đều được giải quyết".

Từ thực tế hoạt động của DN, nhiều quy chuẩn đang áp cho DNNN hiện nay rất bất hợp lý. Thí dụ, chỉ tiêu "doanh thu năm sau phải cao hơn năm trước", Mobifone có năm doanh thu gia tăng tới 30% nên rất khó tăng cao hơn nữa, đối với chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận cũng vậy. Cách đánh giá DNNN cũng cần phân loại theo các nhóm. Thay vì đánh giá tổng thể, cần đánh giá người quản lý DN dựa trên cơ sở các chỉ tiêu hiệu quả hoạt động của DN và việc điều hành DN đúng quy định pháp luật; đánh giá đóng góp của người lao động trong DN thì chỉ đánh giá trên cơ sở kết quả, hiệu quả hoạt động của DN. Việc triển khai đánh giá như trên sẽ phản ánh đúng kết quả với nhiệm vụ được giao...

Nguyễn Ðình Nam

Phó Trưởng phòng Kế hoạch và Chiến lược, Tổng công ty Viễn thông Mobifone

Theo báo Nhân Dân


Các tin khác


Đồng hành cùng doanh nghiệp trong sản xuất - kinh doanh, đóng góp thiết thực cho mục tiêu xây dựng tỉnh Hòa Bình phát triển

Bùi Văn Khánh
 Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh
(HBĐT) - Ngày 13/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi giới Công - Thương Việt Nam, bức thư có đoạn "… Hiện nay, "Công - Thương cứu quốc đoàn" đang hoạt động để làm được nhiều việc ích lợi quốc dân. Tôi rất hoan nghênh và mong đợi nhiều kết quả tốt. Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà thì giới Công thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng…”.

BIDV - khẳng định vị thế hàng đầu trong lĩnh vực đầu tư phát triển

(HBĐT) - Tại lễ kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 và tôn vinh doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu tỉnh Hòa Bình lần thứ IV, năm 2019, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Hòa Bình (BIDV Hòa Bình) đã được vinh danh. Đây là sự ghi nhận xứng đáng với một ngân hàng đã và đang khẳng định vị thế hàng đầu trong lĩnh vực đầu tư phát triển.

Hướng tới mục tiêu phát triển “Thương hiệu Hoàng Sơn”

(HBĐT) - Đẩy mạnh thi công xây dựng, hoàn thiện các dự án lớn, nhỏ trong và ngoài tỉnh đảm bảo chất lượng về kỹ, mỹ thuật. Tiếp tục đầu tư thực hiện các dự án thương mại, du lịch dịch vụ, thể thao, khu đô thị sinh thái; đồng thời vươn rộng địa bàn đầu tư kinh doanh và thi công các dự án điện vào khu vực phía Nam, đảm bảo phát triển hệ thống năng lượng sạch. Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, cung cấp kịp thời, đầy đủ VLXD cho các công trình và chủ động ký kết hợp đồng kinh tế với các đối tác sản xuất hàng Việt Nam uy tín, chất lượng...

Công ty CP bất động sản An Thịnh Hòa Bình phát huy vai trò trong thu hút đầu tư

(HBĐT) - Công ty CP Bất động sản An Thịnh Hòa Bình (Công ty An Thịnh) là doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, khu đô thị, kinh doanh bất động sản, khách sạn, du lịch... Với mục tiêu, chiến lược kinh doanh dựa trên tiềm lực sẵn có, những năm qua, Công ty An Thịnh đã có bước phát triển không ngừng, ngày càng khẳng định thương hiệu, uy tín trên thị trường xây dựng và bất động sản.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục