(HBĐT) - Suốt 2 năm qua, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến "sức khỏe" nền kinh tế. Trong đó, ngành công nghiệp chịu tác động nặng nề do lưu thông hàng hóa, nguồn cung nguyên liệu đầu vào có thời điểm ngưng trệ, nguồn nhân lực thiếu hụt do thực hiện giãn cách xã hội. Cùng với đó là sản lượng điện sản xuất của Nhà máy thủy điện Hòa Bình sụt giảm mạnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến mức tăng trưởng của ngành. Khó khăn bao trùm, song với sự bền bỉ vượt khó của doanh nghiệp (DN), cùng những cơ chế, chính sách được triển khai kịp thời giúp sản xuất công nghiệp (SXCN) của tỉnh dần phục hồi, phát triển.

Những năm qua, Công ty TNHH sản xuất hàng may mặc Esquel Việt Nam - Hòa Bình (KCN Lương Sơn) đóng góp đáng kể vào giá trị sản xuất công nghiệp, xuất khẩu của tỉnh.

Sau thời gian khá dài sản xuất cầm chừng, không khí làm việc của Công ty TNHH sản xuất hàng may mặc Esquel Việt Nam - Hòa Bình tại khu công nghiệp (KCN) Lương Sơn trở lại nhịp độ của một DN top đầu trong tỉnh. Đưa khách đi thăm dây chuyền sản xuất hiện đại, ông Teh ThianSan, Tổng Giám đốc công ty chia sẻ: Hiện, Esquel Hòa Bình có khoảng 5.000 lao động. Thời gian qua, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến SX-KD và cung ứng sản phẩm ra thị trường của công ty. Tuy vậy, hoạt động sản xuất vẫn đảm bảo. Với phương châm sản xuất xanh, sạch, Esquel Hòa Bình là một trong những DN tiêu biểu áp dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường trong sản xuất và luôn quan tâm chăm lo đời sống người lao động. Với chiến lược khác biệt, Esquel Hòa Bình đã được trao Chứng nhận LEED, chứng nhận dành cho các công trình xây dựng xanh và trở thành nhà máy tiên phong trong việc áp dụng phương thức sản xuất tinh gọn của ngành dệt may, ưu tiên áp dụng tự động hóa trong sản xuất.

Thực tế cho thấy, với vị trí giáp Thủ đô Hà Nội, là cửa ngõ các tỉnh Tây Bắc đã tạo điều kiện để Hòa Bình thu hút đầu tư các dự án công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế tạo và tiếp cận các nguồn vốn đầu tư, KHCN, lao động chất lượng cao. Trong tỉnh có nguồn tài nguyên khoáng sản, nhất là khoáng sản làm nguyên liệu cho sản xuất vật liệu xây dựng, tài nguyên mặt nước tập trung, đất đai dồi dào, phù hợp trồng cây gỗ lớn, dược liệu, cây ăn quả các loại... Đây là tiềm năng lớn để tỉnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến nông, lâm sản.

Đồng chí Phạm Tiến Dũng, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Những năm đầu tái lập, ngành CN-TTCN của tỉnh quy mô rất nhỏ, hoạt động sản xuất gặp nhiều khó khăn. Song, với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự giúp đỡ của Chính phủ và các bộ, ngành T.Ư, cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tỉnh Hòa Bình đã tranh thủ thời cơ, lợi thế, khai thác các nguồn lực. Từ đó giúp SXCN có bước chuyển mạnh mẽ, dần khẳng định vai trò dẫn dắt, đóng góp tích cực vào phát triển KT- XH của tỉnh.


Trong ngành công nghiệp, lĩnh vực chế biến lâm sảnlà một trong những sản phẩm lợi thế của tỉnh. (Ảnh chụp tại Công ty Hồng Gia Bảo, xã Đông Lai, huyện Tân Lạc).

Để công nghiệp trở thành tàu kéo kinh tế, những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành các nghị quyết, đề án, chương trình hành động, cùng nhiều cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào công nghiệp. Đồng thời, lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương quan tâm rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch SXCN theo hướng: Phát huy lợi thế tự nhiên của từng vùng, lợi thế kinh tế của từng địa phương, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ; hình thành vùng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường và công nghiệp chế biến, bảo đảm hiệu quả bền vững. Tỉnh đã tập trung thu hút và phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế tạo, hỗ trợ, công nghiệp vật liệu xây dựng. Nhờ vậy, cơ cấu ngành công nghiệp chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo, giảm dần tỷ trọng công nghiệp khai thác khoáng sản; đảm bảo môi trường sinh thái, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nguyên liệu trên địa bàn.

Đến nay, toàn tỉnh có trên 620 dự án đầu tư còn hiệu lực thì có hơn 420 dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp - xây dựng (chiếm 70% tổng số dự án); trong đó, có 391 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký khoảng 78.245,6 tỷ đồng và 32 dự án FDI, tổng vốn đăng ký 576,7 triệu USD. Trong 421 dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp - xây dựng, có 285 dự án đầu tư SXCN chế biến, chế tạo (102 dự án trong KCN, tổng vốn đăng ký khoảng 23.067 tỷ đồng; 30 dự án trong cụm công nghiệp (CCN), tổng vốn đăng ký khoảng 5.238 tỷ đồng; 153 dự án đầu tư vào các địa điểm ngoài khu, CCN, tổng vốn đăng ký khoảng 42.575 tỷ đồng); có 77 dự án đầu tư khai thác khoáng sản...

Hiện, tỉnh đã quy hoạch 8 KCN và 21 CCN; trong đó đã thành lập 3 KCN, 15 CCN và có 3 KCN, 11 CCN đang được triển khai đầu tư hạ tầng. Các KCN đều được quy hoạch dọc theo các tuyến đường Hòa Lạc - TP Hòa Bình, quốc lộ 6 và đường Hồ Chí Minh, gần với TP Hà Nội. Các CCN được quy hoạch tại trung tâm các huyện, tập trung ở vùng động lực nên thuận lợi cho việc giao thương, luân chuyển hàng hóa.

Những năm qua, SXCN luôn duy trì tốc độ tăng trưởng khá, một số ngành công nghiệp chủ lực, công nghiệp có lợi thế so sánh tiếp tục phát triển, nhiều sản phẩm có số lượng tăng cao. Riêng năm 2021, trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh, song các sở, ngành chức năng và các địa phương theo dõi sát tình hình và chủ động tháo gỡ khó khăn trong SX-KD của các DN. Toàn tỉnh có 34 DN áp dụng phương án "3 tại chỗ” hoặc "1 cung đường 2 điểm đến” để duy trì hoạt động sản xuất. Nhờ vậy, SXCN đạt được kết quả nhất định với giá trị sản xuất ước đạt 41.260 tỷ đồng, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo từng bước phục hồi và sản xuất ổn định, chỉ số sản xuất ước tăng 1,65% so với cùng kỳ năm trước. Một số sản phẩm có kết quả tăng khá như sản xuất kim loại, thiết bị điện; các sản phẩm điện tử, máy tính, sản phẩm quang học, may mặc, chế biến lâm sản... cơ bản sản xuất ổn định. Tuy nhiên, cũng có một số ngành sản xuất cầm chừng hoặc giảm so với cùng kỳ năm trước như: Vật liệu xây dựng, xi măng, sản xuất, chế biến thực phẩm...

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII xác định: "Phát triển công nghiệp thực sự trở thành động lực của nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng cao, bền vững và hiệu quả... Phấn đấu đến năm 2025, ngành CN-XD chiếm 54% trong cơ cấu kinh tế ngành". Để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh đã xây dựng Đề án phát triển CN-TTCN giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. UBND tỉnh chỉ đạo tiếp tục thúc đẩy tái cơ cấu công nghiệp theo hướng giảm tỷ trọng ngành công nghiệp khai khoáng, công nghiệp gia công, tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp mũi nhọn, tăng khả năng tham gia chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu, gắn với công nghệ thông minh, chuyển đổi số để nâng cao năng xuất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Tập trung huy động các nguồn lực, tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng các khu, CCN. Tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư triển khai dự án đúng tiến độ, phát huy công suất, hiệu quả hoạt động...


Thu Hiền


Các tin khác


Đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo sức bật cho phát triển

Phát biểu tại Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư, hợp tác xã Xuân Giáp Thìn, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khánh khẳng định: "Với phương châm chính quyền đồng hành cùng DN, Hòa Bình luôn xác định thành công của DN cũng là thành công của tỉnh; khó khăn, vướng mắc của các DN là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp”. Phương châm đó được thực hiện xuyên suốt, hiệu quả, tạo nên dấu ấn trong quá trình phát triển của tỉnh và cộng đồng DN trong tỉnh.

Huyện Yên Thủy lan tỏa phong trào xây dựng vườn mẫu

Với sự hỗ trợ của huyện và sự vào cuộc của các phòng, ban, ngành, người dân…, thời gian qua, huyện Yên Thủy đã triển khai có hiệu quả Đề án hỗ trợ xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu và vườn mẫu thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới huyện Yên Thủy, giai đoạn 2021 - 2025. Huyện tích cực vận động, hỗ trợ người dân cải tạo vườn tạp, hình thành những mô hình vườn mẫu cho hiệu quả kinh tế cao.

Những người thực hiện hoài bão đưa nông sản “xuất ngoại”

Với lợi thế sẵn có về khí hậu, đất đai, nông sản phong phú, nhiều tiềm năng... ngành nông nghiệp tỉnh đã và đang nỗ lực thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, HTX đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp chế biến, từng bước khẳng định vị thế một số nông sản đặc trưng địa phương trên thị trường quốc tế. Trong đó, tín hiệu tích cực trong xuất khẩu nông sản những năm gần đây có sự đóng góp không nhỏ của những người "nặng lòng” với nông nghiệp địa phương.

Đất thức Kim Bôi

Chúng tôi cảm nhận rõ nét sự thay đổi trong tư duy, nhận thức, cách làm, trong diện mạo vùng đất Kim Bôi thời điểm cán bộ và nhân dân nỗ lực thi đua lập thành tích chào mừng ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngày Quốc tế Lao động. Cấp ủy, chính quyền đổi mới và nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành, tập trung chỉ đạo những nhiệm vụ chính trị, trọng tâm đột phá. Kim Bôi đã định hình được hướng phát triển, chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ các dự án đầu tư vào lĩnh vực đô thị, du lịch, dịch vụ, khai thác tiềm năng nguồn nước khoáng, cảnh quan thiên nhiên.

Cao Phong - miền quê trù phú, giàu bản sắc

Cao Phong nổi tiếng với đặc sản mía, cam, bản sắc văn hóa độc đáo, đa dạng của các dân tộc anh em. Miền quê trù phú, giàu bản sắc đang trên đà phát triển, khẳng định thế mạnh và hướng đi đúng đắn trong phát triển KT-XH.

Thành phố Hòa Bình bắt nhịp đà tăng trưởng

Thành phố Hòa Bình đã và đang có những đổi thay mạnh mẽ về hệ thống hạ tầng, phát triển đô thị, tạo ra sức sống, diện mạo mới và đảm đương tốt vị trí đầu tàu về KT-XH của tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục