(HBĐT) - Những năm qua, ngành chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, giá trị ngành chăn nuôi ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, chăn nuôi vẫn còn thiếu liên kết, dịch bệnh còn xảy ra, việc ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao chưa nhiều là những rào cản khiến chăn nuôi chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh.


Những năm qua, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh đã thay đổi tập quán chăn nuôi từ thả rông chuyển sang nuôi nhốt vỗ béo, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh chụp tại xóm Tràng, xã Tú Lý (Đà Bắc). 

Là tỉnh miền núi có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi nên từ lâu, chăn nuôi gia súc, gia cầm đã trở thành một trong những nghề đem lại thu nhập chính cho nhiều hộ dân ở các địa phương. Để phát triển chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững, những năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách, trong đó nổi bật là Nghị quyết số 15-NQ/TU, ngày 25/7/2017 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển chăn nuôi bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2025, định hướng đến năm 2030. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã quan tâm triển khai thực hiện; các mục tiêu, nhiệm vụ chính cơ bản đạt và vượt so với chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Qua đó đem lại nhiều chuyển biến tích cực về nhận thức của Nhân dân và nâng cao hiệu quả kinh tế, giá trị gia tăng, góp phần xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.

Đồng chí Nguyễn Phương Thủy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y (CN&TY) tỉnh cho biết: Trong 5 năm thực hiện nghị quyết, tốc độ tăng trưởng ngành chăn nuôi đạt bình quân 6,7%, đạt mục tiêu nghị quyết đề ra. Năm 2017, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi theo giá so sánh đạt 1.561 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 28,4% trong cơ cấu ngành nông nghiệp. Năm 2021 tăng lên 3.600 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng trên 30% trong cơ cấu ngành nông nghiệp. Công tác đảm bảo an toàn dịch bệnh được ngành chức năng, các địa phương và người chăn nuôi ngày càng quan tâm. Các vật nuôi được coi là thế mạnh của tỉnh tiếp tục phát triển cả về số lượng, chất lượng. 

Theo đó, tổng đàn trâu được duy trì phát triển ổn định, năng suất, chất lượng được nâng lên, giống trâu được cải tạo nâng cao tầm vóc. Đã có một số chương trình, dự án phát triển đàn trâu ở một số địa phương, qua đó rút ngắn được chu kỳ nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Đặc biệt, với việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất, người dân cơ bản chuyển mục đích chăn nuôi trâu lấy sức kéo sang nuôi thâm canh, vỗ béo lấy thịt. Đàn bò cũng được quan tâm cải tạo thông qua việc triển khai một số mô hình sử dụng các loại giống bò đực lai Sind và lai Zebu để cho phối giống trực tiếp; bước đầu sử dụng tinh cọng rạ các giống bò Brahman, BBB, Red Sindhi, HF để thụ tinh nhân tạo. Tổng đàn bò, dê trong trang trại tăng lên, một số doanh nghiệp đầu tư chăn nuôi tập trung và liên kết trồng cây thức ăn cho gia súc.
Bên cạnh đó, tổng đàn lợn, gia cầm trong các trang trại cũng tăng lên, từ đó hình thành các vùng chăn nuôi tập trung giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phù hợp với quy hoạch chăn nuôi và quy hoạch tổng thể ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Theo đồng chí Phó Chi cục trưởng Chi cục CN&TY tỉnh, một kết quả quan trọng nữa là sự thay đổi trong nhận thức của người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Đến nay đã cơ bản xóa bỏ được tập quán chăn nuôi dưới gầm nhà sàn, chăn nuôi thả rông gia súc trong rừng. Không chỉ tận dụng phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi, việc trồng cỏ ngày càng được người chăn nuôi chú trọng hơn.  

Tuy nhiên, đồng chí Nguyễn Phương Thủy cũng chỉ ra những vấn đề còn tồn tại của ngành chăn nuôi hiện nay. Đó là quy mô sản xuất chăn nuôi còn nhỏ lẻ, sản xuất theo chuỗi liên kết mới hình thành; năng lực ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao chưa nhiều. Tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm còn tồn tại và có nguy cơ bùng phát. Cùng với đó là thị trường tiêu thụ không ổn định, việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất chăn nuôi tại một số địa phương còn chậm, chưa đồng bộ. Chính quyền cơ sở một số địa phương và người chăn nuôi chưa thực sự quan tâm đến công tác phát triển chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. 

Viết Đào

Các tin khác


Xây dựng thương hiệu gà Quyết Thắng

Là một trong những "thủ phủ” chăn nuôi gà ri lớn nhất của huyện Lạc Sơn, xã Quyết Thắng quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng gà ri trở thành sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương, đưa chăn nuôi gà ri thành ngành kinh tế mũi nhọn, giúp người dân cải thiện thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đồng thời giải quyết việc làm cho lao động địa phương, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Quý I, tổng Quỹ Hỗ trợ nông dân đạt trên 63,5 tỷ đồng

Trong quý I/2024, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh tích cực phối hợp với Hội Nông dân các huyện, thành phố tổ chức giải ngân vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân từ nguồn ngân sách của tỉnh cấp năm 2024.

3 tháng, thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.306 tỷ đồng

Theo số liệu báo cáo của UBND tỉnh, thu ngân sách Nhà nước của tỉnh ước thực hiện hết tháng 3/2024 đạt 1.306 tỷ đồng, bằng 32% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 23% so với chỉ tiêu Nghị quyết Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh và bằng 153% so với cùng kỳ.

Toàn tỉnh có gần 5 nghìn lồng nuôi cá

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất thủy sản trong tỉnh ổn định. Hiện toàn tỉnh có diện tích nuôi cá ao, nuôi cá ruộng là 2.695 ha (nuôi kết hợp ở các hồ thủy lợi 1,2 nghìn ha); số lồng nuôi cá có 4.987 lồng. Trong 3 tháng đầu năm 2024, sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 2.472 tấn; các cơ sở sản xuất được 9 triệu con cá giống các loại phục vụ cho sản xuất.

Triển vọng nghề nuôi dê núi ở vùng cao Đà Bắc

Tận dụng tiềm năng, lợi thế về bãi chăn thả, nguồn thức ăn, những năm qua, người dân trên địa bàn huyện Đà Bắc chú trọng chuyển đổi từ nuôi trâu, bò sang nuôi dê. Với ưu điểm "chỉ ăn cỏ, uống nước lã”, nuôi dê trở thành hướng đi đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục