Đô thị thành phố Hòa Bình được quy hoạch ngày càng đồng bộ, hiện đại.
Cơ hội phát triển mới
Sau gần 3 năm tập trung chỉ đạo, đến nay, tỉnh đã hoàn thành các bước quan trọng của Quy hoạch tỉnh. Hội đồng thẩm định Quốc gia về quy hoạch đã thẩm định Quy hoạch tỉnh; Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã cho ý kiến làm cơ sở để HĐND tỉnh trong kỳ họp tới đây thông qua theo quy định để trình Thủ tướng Chính xem xét phê duyệt. Quy hoạch tỉnh thể hiện tư duy mới, tầm nhìn mới phù hợp với Chiến lược phát triển KT-XH đất nước giai đoạn 2021 - 2030; mở ra những cơ hội phát triển và định hình các giá trị mới cho tỉnh Hòa Bình trong thời kỳ quy hoạch.
Hòa Bình tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội, nằm trong quy hoạch vùng Thủ đô, kết nối vùng đồng bằng Bắc Bộ và các tỉnh miền núi phía Bắc. Tỉnh có tài nguyên đa dạng, bản sắc văn hoá dân tộc Mường còn được lưu giữ; hồ Hoà Bình rộng lớn có tiềm năng nuôi trồng thủy sản và phát triển du lịch... Đó là những điều kiện thuận lợi để phát triển. Quy hoạch tỉnh xác định Hòa Bình là cầu nối giữa Hà Nội với vùng Tây Bắc, vì vậy tỉnh đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển cho tỉnh và các ngành, lĩnh vực, địa phương.
Huyện Kim Bôi có cảnh quan thiên nhiên sơn thủy hữu tình; bản sắc văn hóa đậm đà; nguồn nước khoáng được coi là "vàng trắng”, đây là tiềm năng, lợi thế riêng để huyện phát triển du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái nông nghiệp, dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, phát triển đô thị sinh thái, nông nghiệp… theo định hướng Quy hoạch tỉnh. Bên cạnh đó, huyện Kim Bôi đang triển khai 2 dự án trọng điểm gồm: Dự án đường liên kết vùng Hoà Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hoà Bình - Mộc Châu); Dự án Quần thể khu đô thị sinh thái, vui chơi giải trí cao cấp và hệ thống cáp treo Cuối Hạ tại xã Kim Bôi và xã Cuối Hạ. Đối với Dự án đường liên kết vùng khi hoàn thành và đưa vào khai thác sẽ rút ngắn thời gian di chuyển theo hướng Hà Nội - TP Hòa Bình - Kim Bôi, nâng cao khả năng giao thương giữa Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Sơn La; khai thác tiềm năng nước khoáng, tạo ra những sản phẩm du lịch chất lượng cao, mở ra không gian phát triển rộng lớn cho tỉnh và khu vực.
Quy hoạch tỉnh đánh giá, những năm qua, kinh tế của tỉnh chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp song song với tăng tỷ trọng ngành công nghiệp – xây dựng. Đến năm 2020, GRDP bình quân đầu người tăng gấp gần 3 lần so với năm 2010, cao hơn trung bình của vùng trung du và miền núi phía Bắc (sau Thái Nguyên, Lào Cai và Bắc Giang), Tăng trưởng GRDP xếp thứ 6 trong vùng.
Quy hoạch tỉnh cũng xác định rõ thực trạng, hạn chế là những "rào cản” cần giải quyết về hạ tầng, môi trường kinh doanh, các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, dịch vụ, từ đó thực hiện những giải pháp cụ thể để tạo động lực phát triển. Trên cơ sở đó, Quy hoạch tỉnh đã đề ra mục tiêu, giải pháp cụ thể định hướng cho từng ngành, lĩnh vực cũng như của tỉnh nhằm khắc phục, giải quyết những hạn chế, bất lợi, có giải pháp cụ thể quản lý, khai thác tốt tiềm năng, lợi thể, tạo sự phát triển mới trong nhiều năm tới.
Tập trung phát triển kết cấu hạ tầng trọng điểm
Mục tiêu tổng quát của Quy hoạch tỉnh là Hòa Bình đạt trình độ phát triển khá, có mức thu nhập trung bình thuộc nhóm dẫn đầu vùng trung du và miền núi phía Bắc với vị trí là trung tâm kết nối giữa Hà Nội với vùng Tây Bắc. Mục tiêu cụ thể là: Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân thời kỳ 2021 - 2030 đạt 9%/năm; tỷ lệ giảm nghèo đa chiều bình quân hàng năm đạt từ 2% - 2,5%. Tỷ trọng công nghiệp, xây dựng chiếm 51%; dịch vụ 32%; thuế sản phẩm 4,0%; nông, lâm nghiệp và thủy sản 13%. GRDP bình quân đầu người đạt 185 triệu đồng/người. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội đạt 8%/năm. Kim ngạch xuất khẩu đạt 4.500 triệu USD, nhập khẩu đạt 3.580 triệu USD. Thu ngân sách nhà nước đạt 16.000 - 18.000 tỷ đồng…
Để thực hiện mục tiêu trên, Quy hoạch tỉnh đưa ra 7 quan điểm phát triển, 6 nhiệm vụ trọng tâm và 5 khâu đột phá; 4 trụ cột phát triển. Theo đó, phát triển KT-XH phù hợp với mục tiêu, định hướng trong Quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng. Phát triển kinh tế - xã hội nhanh, hiệu quả và bền vững trên cơ sở phát huy tối đa các tiềm năng đặc thù, lợi thế so sánh của Hòa Bình, tham gia vào không gian kinh tế vùng, liên vùng và hội nhập kinh tế quốc tế. Hòa Bình trở thành tỉnh phát triển, có thu nhập bình quân đầu người đạt mức cao, là trung tâm dịch vụ, du lịch và công nghiệp chế biến, chế tạo hàng đầu của vùng trung du và miền núi phía Bắc. Kinh tế phát triển dựa trên các động lực phát triển là kinh tế số; hệ thống đô thị xanh, đô thị thông minh, hiện đại; là cửa ngõ chuyển tiếp, kết nốihiệu quả giữa vùng Thủ đô Hà Nội và vùng trung du, miền núi phía Bắc.
Đối với 5 khâu đột phá phát triển gồm: Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc, đặc biệt là văn hóa dân tộc Mường và nền Văn hóa Hòa Bình; Đẩy mạnh cải cách thể chế, cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; Phát triển và hoàn thiện hệ thống hạ tầng, nhất là hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ; Đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số gắn với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; Tập trung thu hút và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh. Trong 5 khâu đột phá, có 2 khâu được xác định là đột phá có vị trí then chốt là: phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông và phát triển nguồn nhân lực.
Đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ cho rằng: Tỉnh xây dựng quy hoạch bài bản, được lập theo cách tiếp cận tích hợp, đa ngành theo quy định của Luật Quy hoạch nhằm cụ thể hóa tầm nhìn, quan điểm, mục tiêu phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia, phù hợp với các quy hoạch quốc gia và quy hoạch của vùng trung du và miền núi phía Bắc. Quy hoạch tỉnh tạo ra không gian phát triển các ngành, lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, du lịch, đô thị; xác định các khâu đột phá gắn với ưu tiên phân bổ nguồn lực, nhất là hạ tầng giao thông. Lợi thế của Hòa Bình giáp với Thủ đô Hà Nội, nằm trong quy hoạch vùng Thủ đô, cửa ngõ vùng Tây Bắc, vì vậy quy hoạch phát triển các loại hình đô thị, dịch vụ, nông nghiệp, công nghiệp cần hướng trục phát triển về Thủ đô.
Tỉnh đang tập trung chỉ đạo các dự án, công trình trọng điểm, nhất là hạ tầng giao thông chiến lược gắn với ưu tiên phân bổ nguồn lực như đường liên kết vùng, dự án cao tốc Hoà Bình - Mộc Châu, đường Hoà Lạc - Hoà Bình; hỗ trợ các dự án đầu tư ngoài ngân sách trong lĩnh vực đô thị dịch vụ, công nghiệp tại các huyện: Kim Bôi, Lạc Thuỷ, Lương Sơn và thành phố Hoà Bình. Theo định hướng, tỉnh phát triển 4 trụ cột cốt lõi là chế biến, chế tạo giá trị cao hơn, kinh doanh nông nghiệp, du lịch và phát triển nhà ở vệ tinh. Chú trọng thu hút đầu tư vào các khu vực có lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, môi trường như hồ Hòa Bình; các huyện: Mai Châu, Lạc Thủy, Kim Bôi, Lạc Sơn, Yên Thuỷ… Phát triển du lịch với mục tiêu Hòa Bình trở thành địa điểm nghỉ dưỡng không chỉ trong nước mà còn trong khu vực, quốc tế.
Những năm gần đây, tỉnh ta chú trọng tổ chức các hoạt động văn hóa để thu hút đầu tư, phát triển du lịch. Trong ảnh: Học sinh trường Cao đẳng nghệ thuật Tây Bắc làm bánh dày tại sự kiện văn hóa các dân tộc tỉnh Hòa Bình.
Phát triển công nghiệp, ưu tiên phát triển công nghiệp thân thiện với môi trường, gắn phát triển công nghiệp với phát triển đô thị, chú trọng các dự án tạo nguồn thu lớn, bền vững cho ngân sách, giải quyết việc làm, phát triển bền vững. Phát triển ngành chế biến, chế tạo giá trị cao, chế biến gỗ giá trị cao hơn, mở rộng chuỗi giá trị của ngành sản xuất điện tử, trung tâm sản xuất...
Đối với phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng nông nghiệp sạch, xanh; nông nghiệp hữu cơ gắn với thị trường tiêu thụ, hướng tới thị trường Thủ đô.
Phát triển đô thị ở Hòa Bình gắn với phát triển đô thị xanh hỗn hợp, xây dựng ngôi nhà thứ hai cho du khách và cộng đồng nhà ở xã hội dân tộc thiểu số.
Về phát triển vùng động lực, trọng tâm là thành phố Hòa Bình và huyện Lương Sơn để các vùng này trở thành đầu tàu tăng trưởng, có vai trò lan tỏa đến các vùng khác. Phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch thể thao, du lịch văn hóa, lịch sử dân tộc Mường và sản phẩm "ngôi nhà thứ hai” theo hướng xanh, thông minh, hiện đại, kết nối giao thông thuận tiện; nông nghiệp công nghệ cao hiệu quả, sản phẩm thực phẩm sạch chất lượng cao.
Chú trọng phát triển ngành công nghiệp văn hóa, đặc biệt là du lịch văn hóa trở thành ngành kinh tế dịch vụ quan trọng. Quan tâm xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Di sản văn hóa Mo Mường là di sản văn hóa thế giới. Thực hiện các bước lập hồ sơ trình xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt cho 2 di tích khảo cổ học cấp quốc gia hang xóm Trại, xã Tân Lập và Mái đá Làng Vành, xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn…
Quy hoạch là căn cứ khoa học, công cụ pháp lý quan trọng để chính quyền tỉnh sử dụng trong lãnh đạo, chỉ đạo, thống nhất công tác quản lý nhà nước và hoạch định chính sách, kiến tạo động lực phát triển, là cơ sở để xây dựng, triển khai các kế hoạch phát triển KT-XH, đầu tư công trên địa bàn, bảo đảm tính khách quan, khoa học; tổ chức không gian phát triển KT-XH bảo đảm tính kết nối giữa quy hoạch quốc gia với quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững… |
Ưu tiên nguồn lực xây dựng thành phố Hòa Bình đạt tiêu chí đô thị loại II Bùi Quang Điệp Chủ tịch UBND thành phố Hòa Bình Thành phố Hòa Bình đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, đô thị, quản lý đất đai, huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng nhằm đáp ứng tiêu chí đô thị loại II trước năm 2025. Bám sát chỉ đạo của Ban chỉ đạo Quy hoạch tỉnh, thành phố Hoà Bình phối hợp chặt chẽ với cơ quan thường trực, các đơn vị liên quan triển khai công tác lập quy hoạch theo quy định. Hiện thành phố đang phối hợp triển khai quy hoạch chung đô thị tỷ lệ 1/10.000 TP Hòa Bình. Các đồ án đã có chủ trương tài trợ; rà soát, bố trí nguồn vốn ngân sách lập quy hoạch chi tiết các khu vực có tiềm năng, lợi thế thu hút đầu tư, quy hoạch phân khu… Tích hợp đồ án vào quy hoạch chung của tỉnh, đảm bảo đồng bộ, khoa học, chất lượng và hiệu quả. Triển khai kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tập trung lãnh đạo xây dựng TP Hòa Bình đạt tiêu chí đô thị loại II trực thuộc tỉnh, thành phố tập trung phát triển hạ tầng kỹ thuật, trọng tâm là hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, thương mại dịch vụ, hạ tầng xã hội nhằm thực hiện mục tiêu đạt tiêu chí đô thị loại II trước năm 2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và thành phố. |
Quan tâm xây dựng quy hoạch đồng bộ Nguyễn Văn Danh Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn Xác định tầm quan trọng của công tác quy hoạch, những năm qua, huyện Lương Sơn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường phối hợp triển khai lập quy hoạch phát triển vùng huyện và các quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch phân khu, chi tiết các đồ án. Huyện đã có 12 văn bản đóng góp ý kiến cho Ban chỉ đạo lập Quy hoạch tỉnh, đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quan để phục vụ công tác lập quy hoạch. Hiện, Quy hoạch tỉnh đảm bảo được định hướng đến năm 2025 huyện Lương Sơn đạt tiêu chí thị xã. Tuy nhiên trong Quy hoạch tỉnh đã cập nhật huyện Lương Sơn lên thị xã, song chưa cập nhật đầy đủ quy hoạch sử dụng đất, điều này sẽ khó khăn cho địa phương thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn, bởi hiện tại, huyện có nhiều dự án cần triển khai để đảm bảo điều kiện lên thị xã. Bên cạnh đó đề nghị, đơn vị tư vấn nghiên cứu tính toán tới yếu tố trên địa bàn có một số mỏ đá đến năm 2025 phải đóng cửa. Ngoài ra, trong quy hoạch cần quan tâm đến quy hoạch hạ tầng đồng bộ, kết nối với quy hoạch của Thủ đô Hà Nội, để mở ra không gian thuận lợi phát triển cho huyện Lương Sơn. |
Lê Chung