Theo thống kê của cơ quan chức năng, hiện toàn tỉnh chỉ có 4 tổ chức được cấp phép khai thác đất san lấp dôi dư và bóc tầng phủ trong quá trình thực hiện dự án với trữ lượng rất hạn chế, thời gian khai thác ngắn, không đảm bảo nguồn cung cho thị trường. Trong khi đó, nhu cầu đất san lấp cho các công trình, dự án rất lớn. Tình trạng đó đã dẫn đến nhiều vấn đề liên quan đến công tác quản lý, đảm bảo an ninh khoáng sản trên địa bàn tỉnh.


Hiện trường vụ khai thác đất làm vật liệu san lấp trái phép tại xóm Hợp Nhất, xã Bảo Hiệu (Yên Thủy)  bị lực lượng chức năng ngăn chặn xử lý thời điểm cuối năm 2023.

Nhu cầu đất san lấp rất lớn

Theo đánh giá, hiện khả năng đáp ứng nhu cầu đất san lấp trên địa bàn tỉnh tổng khối lượng trên 4,7 triệu m3 (đã được UBND tỉnh cấp phép và đang còn hiệu lực giấy phép). Bên cạnh đó, về nguồn cung từ các mỏ đã được quy hoạch, thời gian tới các mỏ sẽ tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản (KTKS) để phục vụ các dự án trong và ngoài ngân sách, gồm 20 khu vực mỏ (diện tích 504,42 ha, trữ lượng 140,77 triệu m3). Đối với các mỏ không đấu giá quyền KTKS để cung cấp nguyên vật liệu phục vụ xây dựng các công trình sử dụng ngân sách nhà nước (tổng 46 khu vực mỏ, trữ lượng trên 158 triệu m3), UBND các huyện, thành phố, sở, ngành đang rà soát, tổng hợp để có cơ sở tiến hành đấu giá, hoặc không đấu giá quyền KTKS. Nguồn cung từ đất dôi dư khi thi công các dự án, công trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt tổng khối lượng trên 7,3 triệu m3, khối lượng này cơ bản đáp ứng các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh đã, đang triển khai.

Hiện nay, tỉnh đang triển khai nhiều dự án quan trọng, trọng điểm, như: đường nối từ đường Trần Hưng Đạo đến phường Dân Chủ (TP Hòa Bình) kết nối với quốc lộ 6; đường kết nối thị trấn Lương Sơn - Xuân Mai, Hà Nội (giai đoạn 1); cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu; tuyến cáp treo Hương Bình tại xã Phú Nghĩa, huyện Lạc Thủy... Các dự án này đều có nhu cầu sử dụng đất san lấp rất lớn nhưng đang gặp khó khăn trong việc bố trí nguồn đất đắp. Như dự án đường nối từ đường Trần Hưng Đạo đến phường Dân Chủ kết nối với quốc lộ 6, sử dụng nguồn đất đắp từ nguồn đất dôi dư tại cụm công nghiệp Chăm Mát - Dân Chủ. Tuy nhiên, thời điểm này, dự án xây dựng cụm công nghiệp Chăm Mát - Dân Chủ đang làm thủ tục về đất đai và xây dựng, chưa đủ hồ sơ để thực hiện việc cấp phép khai thác, do vậy việc đáp ứng nhu cầu cung cấp đất đắp gặp một số khó khăn, vướng mắc.

Đối với dự án đường kết nối thị trấn Lương Sơn - Xuân Mai, Hà Nội, theo nội dung đã được duyệt, khối lượng đất san lấp phục vụ thi công khoảng 400.000m3. Thời gian qua, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh phải tiến hành nhiều phương án tìm kiếm các nguồn đất đắp cho công trình nhưng hiện vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Ưu tiên đất đắp cho các dự án của tỉnh

Với nhu cầu đất đắp cho các công trình, dự án lớn, trong khi chưa có tổ chức, cá nhân nào được cấp phép khai thác mỏ đất san lấp quy mô theo quy định của Luật Khoáng sản. Có đơn vị khai thác vượt trữ lượng, phạm vi được cấp, vận chuyển không đúng điểm đổ. Tình trạng khai thác đất san lấp trái phép còn xảy ra phức tạp ở nhiều địa phương do công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên chưa nghiêm, chưa hiệu quả. Mặt khác, một số đơn vị xin cấp phép khai thác đã đăng ký điểm đổ, điểm tập kết đất sau khai thác không đúng với nhu cầu thực tế để hoàn thiện hồ sơ cấp phép, trong khi việc xác minh của cơ quan tham mưu cấp phép còn hạn chế.

Xuất phát từ thực tế đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã triển khai một số giải pháp quan trọng, căn cơ để giải quyết tình trạng thiếu đất đắp cho các công trình, dự án và đảm bảo an ninh khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Một trong những giải pháp quan trọng được tỉnh chỉ đạo triển khai là ưu tiên dành mọi nguồn lực, đất san lấp dôi dư trong quá trình triển khai các dự án hay các điểm mỏ khai thác đất san lấp cho các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là quan điểm chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy trong cuộc họp bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn vật liệu đất đắp cho các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh ngày 19/1/2024. Theo đó, tỉnh chỉ cho phép các doanh nghiệp có dự án trên địa bàn tỉnh mới được phép tham gia đấu giá mỏ đất (đấu giá có điều kiện), các doanh nghiệp không có dự án trên địa bàn tỉnh muốn sử dụng đất san lấp, đất đắp cần có sự đồng ý của UBND tỉnh. Tỉnh ưu tiên tài nguyên đất để phục vụ cho các công trình đầu tư công, các dự án trọng điểm.

Liên quan đến vấn đề này, để đảm bảo công tác quản lý, giám sát đối với hoạt động khai thác đất làm vật liệu san lấp hiệu quả, Đại tá Đỗ Thanh Bình, Giám đốc Công an tỉnh kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan sớm triển khai và tham mưu UBND tỉnh đề nghị cấp có thẩm quyền cấp phép khai thác mỏ đất làm vật liệu san lấp theo quy định của Luật Khoáng sản nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng, phù hợp với tình hình thực tiễn và phục vụ phát triển KT-XH, hạ tầng; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án, công trình đầu tư xây dựng, hạn chế tình trạng khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh. Đối với dự án được cấp phép khai thác đất dôi dư, cần xác định đất sau khi khai thác là hàng hóa được phép lưu thông trên thị trường nhằm đảm bảo quyền, lợi ích của đơn vị được cấp phép, phù hợp với quy định Luật Khoáng sản và các quy định khác có liên quan, do các đơn vị được cấp phép đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước theo quy định.


Mạnh Hùng

Các tin khác


Giá vàng sáng 30/1 tiếp tục đi ngang

Trong khi giá vàng thế giới tăng thì giá vàng trong nước sáng 30/1 tiếp tục đi ngang so với chốt phiên hôm qua.

Xây dựng huyện Lương Sơn trở thành hạt nhân vùng động lực kinh tế

Những năm qua, Ban Thường vụ Huyện ủy Lương Sơn đã tập trung lãnh đạo triển khai các giải pháp đồng bộ về xây dựng Đảng, xây dựng khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ. Huyện chú trọng phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên, gắn với kiểm tra, đôn đốc, tạo được những kết quả quan trọng thực hiện nhiệm vụ chính trị, xây dựng huyện Lương Sơn trở thành hạt nhân vùng động lực kinh tế của tỉnh.

Huyện Mai Châu siết chặt quản lý thị trường cuối năm

Giáp Tết Nguyên đán, thị trường hàng hóa trên địa bàn huyện Mai Châu sôi động hơn do gia tăng hoạt động tiêu dùng trong nhân dân. Đây cũng là thời điểm xảy ra nhiều hơn hoạt động buôn lậu, buôn bán hàng cấm và sản xuất, lưu thông hàng giả. Do đó, công tác quản lý thị trường được các lực lượng chức năng xác định bước vào cao điểm với nhiều giải pháp quyết liệt.

Kiểm tra sản xuất vụ chiêm xuân tại huyện Yên Thủy, Lạc Thủy

Ngày 29/1, đoàn công tác của Sở NN&PTNT đã kiểm tra tình hình sản xuất vụ chiêm xuân năm 2024 tại huyện Yên Thủy, Lạc Thủy.

Người nuôi thành công cá chạch gai trên vùng lòng hồ

Cá chạch gai hay còn gọi là chạch sông, cá chạch lấu đã sinh trưởng từ lâu trên vùng lòng hồ Hòa Bình hay tại các sông, suối. Đây là loài cá nước ngọt có thân màu xanh đậm hoặc đen xám, trên thân nhiều đốm vàng hình tròn hoặc bầu dục; vây lưng, vây hậu môn và vây ngực có đốm đen nhỏ, không có vây bụng. Khi còn nhỏ, thức ăn chủ yếu của cá chạch là giun, ấu trùng, côn trùng, giáp xác nhỏ. Khi lớn, cá ăn côn trùng trưởng thành, tôm tép, cá nhỏ và mùn bã hữu cơ. Đây là giống cá đặc sản cho giá trị kinh tế cao.

Lợn bản địa đắt hàng dịp Tết

Thời điểm này, thương lái săn lùng mua các loại lợn đặc sản bản địa để phục vụ dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Ghi nhận thực tế, năm nay giá bán lợn bản địa ổn định, đầu ra thuận lợi đã đem lại niềm vui cho người chăn nuôi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục