Trong bản đồ hạ tầng có một tuyến đường chỉ dài hơn 10 km nhưng giữ vai trò như một "động mạch chủ" vùng trung du và miền núi Bắc Bộ. Đó là quốc lộ (QL) 70B - đoạn nối giữa tỉnh Phú Thọ và TP Hòa Bình, tuyến giao thông huyết mạch kết nối giao thương, mở rộng đô thị và bảo đảm thế trận quốc phòng liên vùng. Nhiều năm qua, tuyến đường đã xuống cấp, chỉ được vá víu bằng những đợt sửa chữa cục bộ. Hơn 25 tỷ đồng đã được chi trong 2 năm, nhưng mặt đường vẫn loang lổ, hệ thống thoát nước chưa hoàn thiện, khiến tuyến huyết mạch này chưa phát huy hết giá trị. Câu hỏi đặt ra là: với vị trí chiến lược và vai trò phát triển vùng, vì sao QL 70B vẫn chưa được đầu tư xứng tầm?


Tuyến quốc lộ 70B đoạn giáp ranh Phú Thọ - Hòa Bình mặt đường đã được vá nhiều lần nhưng vẫn còn tình trạng bong tróc, hư hỏng cục bộ.

Thực trạng tuyến đường chưa "sống”   đúng tầm chiến lược

Dù mang nhiều kỳ vọng phát triển vùng, tuyến quốc lộ 70B đoạn qua tỉnh Hòa Bình dài khoảng 10,4 km vẫn đang trong tình trạng "thiếu dưỡng khí” sau nhiều năm chỉ được đầu tư nhỏ giọt. Đây là đoạn nối từ Km132+720 thuộc xã Yên Mông, TP Hòa Bình (tiếp giáp Phú Thọ) đến Km142+760 thuộc phường Tân Hòa, TP Hòa Bình, đoạn không dài nhưng lại là mấu chốt kết nối chuỗi  quốc lộ trọng yếu như QL 6, QL 32, QL 70, QL 32C và cả 2 tuyến cao tốc chiến lược: Nội Bài - Lào Cai, Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên (CT.03).

Năm 2021, Cục Đường bộ Việt Nam phê duyệt sửa chữa một số đoạn nền, mặt đường và hệ thống thoát nước với tổng kinh phí 11,52 tỷ đồng. Đến năm 2023, thêm 13,9 tỷ đồng nữa được phân bổ để xử lý hư hỏng nền, mặt đường ở các đoạn còn lại. Hai đợt đầu tư với tổng ngân sách gần 25,5 tỷ đồng - dù đáng kể, vẫn chỉ mang tính chất xử lý cục bộ, phân tán trên nhiều điểm lẻ, chưa thể tạo ra một diện mạo mới cho toàn tuyến.

Thực tế mặt đường còn tình trạng bong tróc, lề đường bị lấn chiếm, hệ thống thoát nước chưa đồng bộ khiến nước đọng vào mùa mưa. Những chuyến xe hàng hóa vẫn chậm chạp qua các đoạn lồi lõm, khiến chi phí vận chuyển bị đội lên, ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực cạnh tranh của khu vực. Các chuyên gia hạ tầng gọi đây là biểu hiện của "đầu tư manh mún”, chưa thể thổi luồng sinh khí phát triển cho một tuyến đường mang tính chất liên vùng.

Bên cạnh đó, cách đây chưa lâu, do ảnh hưởng của bão số 3 (Yagi) năm 2024, trên tuyến QL 70B xảy ra sạt lở taluy âm tại 2 vị trí (Km138+360 và Km139+080), làm xói lở nền mặt đường, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. 

"Đường hẹp, xe tránh nhau rất khó. Dân ở đây ai cũng mong sớm đầu tư mở rộng tuyến, để mãi tình trạng này thì phát triển  kiểu gì được”, một người dân xã Yên Mông chia sẻ.

Tuyến giao thông chiến lược đa mục tiêu: Kinh tế - đô thị - quốc phòng

Không chỉ là một đoạn nối liên tỉnh đơn thuần, QL 70B giữ vai trò như một "trục xương sống” trong định hướng phát triển vùng của Hòa Bình. Với điểm đầu tiếp giáp tỉnh Phú Thọ - nơi hội tụ nhiều tuyến giao thông trọng yếu như QL 70, QL 32C, cao tốc Nội Bài - Lào Cai và điểm cuối hòa vào trục trung tâm của TP Hòa Bình, tuyến đường này được đánh giá là "chìa khóa” để mở cánh cửa giao thương giữa trung du và miền núi phía Bắc.

Về mặt kinh tế, QL 70B giúp rút ngắn khoảng cách vận chuyển hàng hóa giữa các tỉnh phía Bắc và Tây Bắc, tạo điều kiện để Hòa Bình đóng vai trò trung chuyển trong chuỗi cung ứng liên vùng. Trong bối cảnh địa phương đang đẩy mạnh xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung và phát triển cụm công nghiệp, một tuyến giao thông thông suốt như QL 70B là yếu tố sống còn để hàng hóa không bị "tắc” ngay từ cửa ngõ.

Về mặt quy hoạch đô thị, tuyến đường này chính là "cánh tay nối dài” để phát triển khu đô thị Yên Mông - nơi được kỳ vọng trở thành không gian mở phía Bắc TP Hòa Bình. Khi QL 70B được nâng cấp, mở rộng đồng bộ không chỉ tạo sức bật hạ tầng cho đô thị mới, mà còn góp phần giảm áp lực giao thông nội đô hiện hữu, hướng phát triển TP Hòa Bình theo mô hình đa cực.

Đặc biệt, với vị trí kết nối liên hoàn các trục giao thông quốc gia và địa phương, QL 70B còn mang ý nghĩa chiến lược về quốc phòng - an ninh. Tuyến đường này đóng vai trò kết nối khu vực phòng thủ tỉnh Hòa Bình với các địa phương lân cận, bảo đảm khả năng cơ động lực lượng, phương tiện trong các tình huống khẩn cấp. Đây là một giá trị ít khi được nhắc đến nhưng cần được đặt đúng trọng tâm khi bàn về định mức đầu tư cho tuyến đường.

Đại diện Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình cũng khẳng định: "Tuyến QL 70B đoạn qua TP Hòa Bình có ý nghĩa hết sức quan trọng để kết nối giao thông đối ngoại giữa 2 tỉnh Phú Thọ và Hòa Bình, góp phần thúc đẩy giao thương hàng hóa, mở rộng đô thị, phát triển kinh tế - xã hội địa phương".

Tuyến QL 70B mang sứ mệnh phát triển vùng, nối liền các trục giao thông chiến lược quốc gia, gánh cả nhiệm vụ kinh tế - xã hội - quốc phòng, nhưng vẫn đang phải "gồng mình” tồn tại giữa những vết hằn xuống cấp và những lần sửa chữa nhỏ giọt. Trong bối cảnh Hòa Bình đang nỗ lực bứt phá, nếu trục huyết mạch này tiếp tục bị bỏ quên, không chỉ đô thị Yên Mông mất đi một cơ hội phát triển, mà cả vùng Tây Bắc sẽ lỡ một nhịp cầu giao thương. Đã đến lúc, QL 70B cần được nhìn nhận như một động lực vùng, chứ không chỉ là một đoạn đường tỉnh được uỷ thác bảo trì.



Minh Vũ

Các tin khác


Kịp thời chấn chỉnh môi trường đầu tư kinh doanh

Việc chấn chỉnh kỷ cương, tăng cường trách nhiệm, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp không chỉ là yêu cầu cấp thiết trước mắt mà còn là đòi hỏi có tính chiến lược lâu dài trong tiến trình phát triển kinh tế đất nước.

Gọng kìm dẹp buôn lậu, hàng giả: Định hình lại cuộc chơi trên thương mại điện tử

Việc hoàn thiện thể chế và sửa đổi các Luật liên quan tới thương mại điện tử là yếu tố tiên quyết để lấy lại niềm tin và định hình cuộc chơi trên không gian mạng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Thay đổi tư duy từ quản lý sang kiến tạo, phục vụ

Kết luận Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 5/2025 vào ngày 22/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu phải đổi mới căn bản tư duy từ thụ động, tập trung vào quản lý "không quản lý được thì cấm” sang tư duy "chủ động, linh hoạt để kiến tạo phát triển và phục vụ nhân dân, doanh nghiệp”.

Huyện Đà Bắc: Giải ngân 88,3% nguồn vốn đầu tư công thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, huyện Đà Bắc được phân bổ tổng nguồn vốn đầu tư công 329.340 triệu đồng. Trong đó, nguồn Trung ương hỗ trợ khoảng 299.594 triệu đồng, ngân sách địa phương đối ứng trên 29.745 triệu đồng. Bên cạnh đó, nguồn vốn sự nghiệp để thực hiện Chương trình trong giai đoạn này khoảng 124.449 triệu đồng, trong đó vốn sự nghiệp năm 2025 là 41.700 triệu đồng.

Triển khai nhiệm vụ Tổ công tác về cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

Sáng 22/5, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ của Tổ công tác tỉnh về cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (sau đây gọi tắt là Tổ công tác). Đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Tổ trưởng Tổ công tác chủ trì hội nghị.

Bảo vệ thủy sản mùa nắng nóng, mưa lũ

Cũng như các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp khác, sản xuất thuỷ sản bị tác động không nhỏ bởi thời tiết. Đặc biệt, trong mùa nắng nóng, mưa lũ, do những biến đổi bất thường về nhiệt độ, độ ẩm, lượng mưa… là nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp làm cho các vi sinh vật gây bệnh phát triển và phát tán, đồng thời gây nên các hiện tượng "sốc môi trường” cho động vật thủy sản, mầm bệnh có nhiều cơ hội xâm nhập vào cơ thể động vật thủy sản để gây bệnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục