Ấp ủ xây dựng trang trại với những sản phẩm nông sản đặc trưng của địa phương, gia đình anh Bùi Thanh Minh ở xóm Trung Hoa, xã Phú Lai (Yên Thủy) thành công với mô hình chăn nuôi lợn rừng. Việc xây dựng thương hiệu "lợn rừng Hòa Bình” trên các trang mạng xã hội Facebook, TikTok, Youtube… đã giúp sản phẩm vươn xa, khẳng định chất lượng ở thị trường trong tỉnh và các địa phương lân cận.
Bỏ phố về quê xây dựng trang trại
Công tác tại Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Yên Thủy, anh Minh được biết là một trong những cán bộ năng nổ, nhiệt huyết và trách nhiệm với công việc. Trở về nhà sau khi làm việc, anh dành nhiều thời gian nghiên cứu, xây dựng kế hoạch để mở rộng quy mô chăn nuôi.
Anh Minh chia sẻ: Đến giờ tôi vẫn chưa từng hối hận khi bỏ qua những cơ hội để phát triển sự nghiệp tại Hà Nội sau khi tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội. Học thêm chuyên ngành chăn nuôi thú y chính là bước đệm để tôi được theo đuổi đam mê. Bản thân tôi đã từng khởi nghiệp không thành công với mô hình chăn nuôi gà ri Lạc Thủy. Không nản lòng, từ năm 2020, tôi bắt đầu mô hình chăn nuôi lợn rừng và bước đầu đã thành công. Năm 2023, sản lượng thịt lợn cung ứng ra thị trường đạt trên 12 tấn, doanh thu trên 700 triệu đồng”.
Mô hình lợn rừng của gia đình anh Minh được chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Với những kiến thức tích lũy, anh Minh sử dụng nguồn thức ăn khô (ngô, khoai, cám gạo), nguồn đạm (đậu các loại, trùn quế, cá khô), rau xanh (thân cây chuối, các loại rau, đu đủ)… cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho đàn vật nuôi. Bổ sung thêm một số loại cây thảo dược để tăng cường sức đề kháng, phòng chống các loại bệnh. Nguồn thức ăn ủ men vi sinh giúp đàn vật nuôi khỏe mạnh, tiêu hóa tốt và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Vượt qua những giai đoạn khó khăn, mô hình chăn nuôi lợn rừng của anh Minh đã cho "quả ngọt”. Hiện nay, trang trại của gia đình anh phát triển trên diện tích 4.000 m2 với quy mô 20 con lợn rừng nái. Bình quân mỗi năm bán ra thị trường 100 con lợn giống, 300 con lợn thịt. Ngoài lợn rừng, trang trại duy trì nuôi khoảng 50 con lợn đen bản địa.
Xây dựng thương hiệu "lợn rừng Hòa Bình” trên thị trường 4.0
Đằng sau sự thành công của anh Minh là sự hỗ trợ đắc lực của chị Vũ Thị Nga - người vợ luôn sát cánh làm hậu phương vững chắc giúp chồng theo đuổi đam mê với nông nghiệp. Chồng chăm lo về kỹ thuật, vợ phụ trách kết nối thị trường tiêu thụ… Mỗi người một nhiệm vụ đã giúp cho mô hình chăn nuôi của gia đình từng bước phát triển cả về quy mô và chất lượng. Thay vì quảng bá, giới thiệu sản phẩm theo cách làm truyền thống, vợ chồng anh Minh lựa chọn các trang mạng xã hội Facebook, Zalo, Youtube, TikTok… là nơi tiêu thụ hàng hóa. Với việc đưa thông tin, hình ảnh của sản phẩm đã giúp khách hàng hiểu rõ về nguồn gốc, quy trình chăn nuôi… Trong các lần kiểm tra, lấy mẫu sản phẩm đều đảm bảo an toàn, không có dư lượng chất kháng sinh, không chất cấm, không chất tạo nạc; chất thải chăn nuôi được xử lý, bảo đảm vệ sinh thú y và môi trường. Với những đổi mới trong việc đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng đã tạo được lòng tin, chỗ đứng trên thị trường trong tỉnh và các địa phương như: Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hải Dương, Ninh Bình…
Chị Nga chia sẻ: "Áp dụng quy trình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, gia đình tôi mong muốn cung cấp đến người tiêu dùng sản phẩm thịt lợn rừng chất lượng. Nắm bắt thị trường tiêu thụ trong bối cảnh chuyển đổi số, gia đình tôi đẩy mạnh giới thiệu sản phẩm trên mạng xã hội nhằm kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ tại các địa phương lân cận”.
Cùng với tiếp tục phát triển thương hiệu "lợn rừng Hòa Bình”, vợ chồng anh Minh hướng đến xây dựng nông trại du lịch trải nghiệm. Trong đó, điểm nhấn là tạo cảnh quan thiên nhiên thân thiện với môi trường cùng những sản phẩm trồng trọt kết hợp chăn nuôi đặc trưng của địa phương. Thông qua mạng xã hội là kênh thông tin quảng bá hữu ích, lan tỏa rộng rãi tới khách hàng đến tham quan, trải nghiệm các quy trình sản xuất. Từ đó, mong muốn sẽ nâng cao thu nhập cho gia đình và giải quyết việc làm cho lao động địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển KT – XH.
Đức Anh