Năm 2024, tỉnh Hòa Bình phấn đấu có 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), 4 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 5 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã kiểm tra, rà soát và chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng NTM nhằm hoàn thành kế hoạch đề ra.


Mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ sông Đà giúp nhiều hộ ở xã Hòa Bình (TP Hòa Bình) tăng thu nhập, phát triển kinh tế, góp phần thực hiện các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới nâng cao.

8 xã phấn đấu đạt chuẩn NTM năm 2024 là Thạch Yên (Cao Phong); Lạc Sỹ (Yên Thủy); Xuân Thủy, Kim Lập (Kim Bôi); Nà Phòn, Cun Pheo (Mai Châu); Yên Hòa (Đà Bắc), Ngổ Luông (Tân Lạc). 4 xã phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao là Bắc Phong (Cao Phong), Thịnh Minh (TP Hòa Bình), Cư Yên (Lương Sơn), Tú Lý (Đà Bắc). 5 xã phấn đấu đạt chuẩn NTM kiểu mẫu là Lâm Sơn, Hòa Sơn (Lương Sơn), Yên Mông (TP Hòa Bình), Phú Nghĩa (Lạc Thủy), Tân Mỹ (Lạc Sơn).

Hiện nay, có 7 xã  xây dựng NTM đã đạt 15 - 18 tiêu chí, 1 xã đạt 10/19 tiêu chí; 3 xã phấn đấu xây dựng NTM nâng cao đạt 15 - 17 tiêu chí, 1 xã đạt 6/19 tiêu chí  (xã Tú Lý); có 5 xã đạt từ 14 - 15/19 tiêu chí NTM kiểu mẫu. Theo Sở NN&PTNT, hầu hết các xã xây dựng NTM chưa đạt được các tiêu chí liên quan đến cơ sở hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, nhà ở dân cư, y tế... và các tiêu chí về thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo. Nguyên nhân chủ yếu là do các xã phấn đấu đạt chuẩn NTM năm 2024 đều là xã đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, thu nhập thấp, trong khi yêu cầu của tiêu chí cao; địa bàn rộng, mật độ dân cư thưa thớt và phân bố rải rác, do đó rất khó khăn trong đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi; việc huy động nguồn lực để thực hiện chương trình còn hạn chế. Do vậy rất khó khăn để đạt chuẩn NTM. 

Đối với xây dựng xã đạt chuẩn NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu, bộ tiêu chí về xã NTM, xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025 nhiều tiêu chí có sự thay đổi và yêu cầu cao hơn so với giai đoạn 2016 - 2020 nên khó trong quá trình thực hiện. Trong đó có tiêu chí về việc ứng dụng công nghệ thông tin nhằm xây dựng nông thôn thông minh chưa thực hiện được do những bất cập về hạ tầng công nghệ thông tin tại cơ sở. 

Mặt khác, nguồn lực của T.Ư, tỉnh bố trí cho Chương trình MTQG xây dựng NTM chưa đáp ứng nhu cầu của các địa phương. Huy động nguồn lực tư nhân, nguồn lực trong xã hội còn hạn chế, chủ yếu là nhân dân đóng góp bằng ngày công lao động. Việc lồng ghép 3 Chương trình MTQG nguồn lực hỗ trợ đều hướng tới các mục tiêu, nội dung, đối tượng hỗ trợ riêng, chưa hoàn toàn hướng tới việc hỗ trợ để các xã vùng đặc biệt khó khăn đạt chuẩn NTM trong giai đoạn 2021 - 2025, nên các nguồn phân bổ hỗ trợ các xã thuộc diện của 2 Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hoàn thành mục tiêu đề ra, nhưng cũng không bắt buộc phải đạt chuẩn NTM. Vì vậy, việc tập trung nguồn lực để các xã đăng ký phấn đấu xã đạt chuẩn NTM trong giai đoạn khó tổ chức thực hiện. 

Từ thực tế đó, ngay từ đầu năm, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025; thực hiện có hiệu quả Kế hoạch "Mỗi xã một sản phẩm”; "Bộ tiêu chí thôn NTM kiểu mẫu" và "Bộ tiêu chí vườn mẫu NTM’’, tiến tới xây dựng NTM thông minh. Tiếp tục triển khai xây dựng các công trình thiết yếu đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của cư dân nông thôn như: giao thông, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế. Nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn; tạo nhiều mô hình sản xuất gắn với việc làm ổn định cho nhân dân. Thực hiện lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn của 3 Chương trình MTQG trên địa bàn; Chương trình mỗi xã một sản phẩm. Đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác xã; tiếp tục chuyển đổi, thành lập mới và nâng cao năng lực hoạt động cho các hợp tác xã nông nghiệp. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện kế hoạch các nhiệm vụ, chương trình, dự án được giao. Phát hiện, nghiên cứu và đề xuất kịp thời những cơ chế, chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho cơ sở.

Trong năm 2024, Sở NN&PTNT tiếp tục phối hợp với các địa phương đẩy nhanh giải ngân các nguồn vốn thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM nhằm huy động tối đa nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế - xã hội các xã xây dựng NTM năm 2024. Đồng thời tiếp tục vận động, khuyến khích thành lập các hợp tác xã nông sản, tổ hợp tác trong nông nghiệp phát triển theo hình thức tổ chức sản xuất hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị. Phát triển kinh tế trang trại, kinh tế hộ gia đình và kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tập trung phát triển hiệu quả mô hình liên kết 5 nhà; tăng cường gắn kết trong sản xuất nông nghiệp tạo chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn nhằm chủ động, tích cực thu hút nguồn đầu tư ngoài tỉnh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Tăng cường liên kết, hợp tác với các địa phương  trong và ngoài nước nhằm tìm kiếm, học hỏi và ứng dụng các mô hình tăng trưởng mới, tìm kiếm cơ hội và hợp tác đầu tư, liên doanh, liên kết ứng dụng công nghệ cao, công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp.

Đinh Hòa

Các tin khác


Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Huyện Lạc Sơn: Tổng đàn vật nuôi có trên 1,3 triệu con

Theo báo cáo của UBND huyện Lạc Sơn, hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện đạt trên 1,3 triệu con.

Đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn thành lập thị xã Lương Sơn

Ngày 26/4, Ban chỉ đạo hoàn thiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn của tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn. Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì hội nghị.

Cựu chiến binh huyện Lạc Thủy thi đua làm kinh tế giỏi

Những năm qua, phong trào "Cựu chiến binh (CCB) thi đua làm kinh tế giỏi" trên địa bàn xã Hưng Thi (Lạc Thủy) có sức lan tỏa sâu rộng, được các hội viên nhiệt tình hưởng ứng. Từ phong trào xuất hiện nhiều CCB điển hình, gương mẫu trong phát triển kinh tế, trở thành tấm gương trong lao động sản xuất, đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục