Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 69/CĐ-TTg ngày 22/5/2025 gửi Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tập trung hoàn thành rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính.


Thủ tướng yêu cầu 100% thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp được thực hiện trực tuyến. Ảnh: baochinhphu.vn

Để kịp thời cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, thời gian giải quyết, chi phí tuân thủ thủ tục hành chính đáp ứng mục tiêu, yêu cầu theo Nghị quyết của Bộ Chính trị, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung triển khai một số nội dung sau:

Tập trung hoàn thành việc cập nhật, công khai kết quả tổng hợp, thống kê thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, chi phí tuân thủ thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính trước ngày 10/6/2025.

Cắt giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết thủ tục hành chính, 30% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính, 30% điều kiện kinh doanh trong năm 2025.

Khẩn trương tổ chức rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm cắt giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết thủ tục hành chính, ít nhất 30% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính, ít nhất 30% điều kiện kinh doanh trong năm 2025 và tiếp tục cắt giảm mạnh trong những năm tiếp theo, thực hiện đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân và của Chính phủ tại Nghị quyết số 66/NQ-CP .

Giảm thiểu sự can thiệp và xoá bỏ các rào cản hành chính, cơ chế "xin - cho", tư duy "không quản được thì cấm". Người dân, doanh nghiệp được tự do kinh doanh trong những ngành nghề pháp luật không cấm. Chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát; chuyển việc quản lý điều kiện kinh doanh từ cấp phép, chứng nhận sang thực hiện công bố điều kiện kinh doanh và hậu kiểm, trừ một số ít lĩnh vực bắt buộc phải thực hiện thủ tục cấp phép theo quy định và thông lệ quốc tế.

Minh bạch hoá, số hoá, tự động hoá, áp dụng trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn trong thực hiện các quy trình, thủ tục hành chính, nhất là thành lập, giải thể doanh nghiệp, đất đai, quy hoạch, đầu tư, xây dựng, thuế, hải quan, bảo hiểm...

Tiếp tục hoàn thành việc thực thi phương án về phân cấp thẩm quyền giải quyết của 307 TTHC đã được phê duyệt tại Quyết định số 1015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/6/2025. 100% thủ tục hành chính nội bộ được rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa phù hợp với quy định mới của pháp luật về phân cấp, phân quyền, ủy quyền và việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp, theo lộ trình đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Thực hiện thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính trong phạm vi cấp tỉnh

Bảo đảm 100% thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp được thực hiện trực tuyến, thông suốt, liền mạch, hiệu quả, minh bạch, giảm tối đa giấy tờ; tổ chức triển khai thực hiện thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính trong phạm vi cấp tỉnh, hoàn thành trong năm 2025.

Giao các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, chi phí tuân thủ thủ tục hành chính, thời gian giải quyết thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan, địa phương theo các mục tiêu, yêu cầu, chỉ đạo tại các Nghị quyết của Bộ Chính trị, của Chính phủ và các nhiệm vụ tại Công điện này; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện (trong báo cáo cải cách thủ tục hành chính) trước ngày 25 hằng tháng.

Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc việc triển khai các nhiệm vụ nêu trên; kịp thời tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền./.


Theo TTXVN

Các tin khác


Triển khai nhiệm vụ Tổ công tác về cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

Sáng 22/5, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ của Tổ công tác tỉnh về cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (sau đây gọi tắt là Tổ công tác). Đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Tổ trưởng Tổ công tác chủ trì hội nghị.

Bảo vệ thủy sản mùa nắng nóng, mưa lũ

Cũng như các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp khác, sản xuất thuỷ sản bị tác động không nhỏ bởi thời tiết. Đặc biệt, trong mùa nắng nóng, mưa lũ, do những biến đổi bất thường về nhiệt độ, độ ẩm, lượng mưa… là nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp làm cho các vi sinh vật gây bệnh phát triển và phát tán, đồng thời gây nên các hiện tượng "sốc môi trường” cho động vật thủy sản, mầm bệnh có nhiều cơ hội xâm nhập vào cơ thể động vật thủy sản để gây bệnh.

Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa

Từ những sản phẩm nuôi trồng tự phát phục vụ gia đình và tiêu thụ tại thị trường nhỏ lẻ, nhiều hợp tác xã (HTX) đã khai thác lợi thế địa phương hình thành vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, theo hướng hàng hoá.

Cắt 100 mã vùng trồng, siết chặt chất cấm trên sầu riêng

Qua rà soát, mặc dù mới chỉ có 20% diện tích sầu riêng có mã số vùng trồng nhưng vẫn nhiều mã số phải tạm dừng để hoàn thiện.

Đẩy nhanh giải phóng mặt bằng - “Chìa khóa” giải ngân

Giải ngân đầu tư công cả nước hết tháng 4 đạt hơn 128.000 tỷ đồng. Mặc dù tỷ lệ thấp hơn cùng kỳ năm ngoái khoảng 1% nhưng về giá trị tuyệt đối lại cao hơn 18.000 tỷ đồng.

“Đòn bẩy” vốn tiếp sức nông dân nuôi ong làm giàu

Nằm ẩn mình dưới những tán cây xanh mát tại thôn Gốc Xanh, xã Phú Nghĩa (Lạc Thuỷ), những thùng ong xếp ngay ngắn không chỉ là "gia tài" mà còn là thành quả của hành trình vươn lên từ hai bàn tay trắng, được tiếp sức kịp thời từ nguồn vốn ý nghĩa. Câu chuyện của ông Lê Kim Đồng (SN 1966) là một điển hình, khởi nguồn từ một cái duyên tình cờ nhưng đã đơm hoa, kết quả ngọt ngào nhờ đam mê và sự hỗ trợ đúng lúc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục