Vinashin tin rằng sẽ lấy lại thăng bằng sau 3 năm

Vinashin tin rằng sẽ lấy lại thăng bằng sau 3 năm

Không những phải chuyển giao hàng loạt các dự án sang Tập đoàn Dầu khí (PVN), Tổng công ty Hàng hải (Vinalines), Vinashin còn dự định bán tất cả những dự án hết vốn để trả nợ, tái đầu tư, bán tàu thu lãi, tiếp tục trả nợ...

Sau cuộc đại phẫu ấy, con tàu Vinashin sẽ đi tới đâu? TGĐ Vinashin Trần Quang Vũ khẳng định, Vinashin sẽ trở lại thăng bằng sau 3 năm, lấy lại hình ảnh, thương hiệu sau thêm 2 năm nữa (!)

Chưa mất khả năng trả nợ?

Theo ông Vũ, để làm được điều này, Vinashin phải rà soát, cắt giảm tất cả các dự án, doanh nghiệp (DN) trực thuộc không hiệu quả. Ngay cả khu nghỉ dưỡng tại Tam Đảo cũng đang được rao bán với giá 350 tỉ đồng để trả nợ, tập trung vào ngành nghề chính là đóng tàu và công nghiệp tàu thủy.

Ông Vũ cho biết, việc chuyển giao 13 dự án sang Vinalines và PVN sẽ giúp Vinashin giảm bớt khoảng 20.000 tỉ đồng tiền nợ. Số trái phiếu 1 tỉ USD phát hành ra quốc tế, cùng hơn 50% số vốn vay từ các ngân hàng (NH) thương mại (tương đương hơn 20.000 tỉ đồng) có thể được Nhà nước khoanh nợ. Số còn lại khoảng gần 20.000 tỉ đồng nợ vay các NH thương mại cổ phần là khoản tiền mà Vinashin phải trả sớm nếu không muốn bị “siết” bất cứ lúc nào. Trong đó, đặc biệt là hơn chục nghìn tỉ đồng các khoản vay đã đến hạn và quá hạn.

Ông Vũ cho rằng, Vinashin hoàn toàn chưa mất khả năng trả nợ. Số nợ trên của Vinashin không mất đi mà đang “ăn” vào tài sản: những con tàu dang dở trị giá 1 tỉ USD, bất động sản, nhà máy, công xưởng... Ông Vũ kỳ vọng, nếu thị trường thuận lợi, nhu cầu vận tải thế giới phục hồi Vinashin sẽ “sống dậy” (có nghĩa ông cũng đồng thuận là Vinashin đã chết). Khi đó hợp đồng đóng tàu sẽ về với khoản lãi vài triệu USD nếu mỗi con tàu đóng đúng tiến độ. Cho nên dù phải bán nhiều dự án, nhưng Vinashin vẫn còn những dự án chủ lực đóng tàu lớn như Bạch Đằng, Hạ Long, Nam Triệu, Phà Rừng.

Người nhận chuyển giao rất lo

Theo các chuyên gia kinh tế, còn quá sớm để dự báo về “sức khỏe” của Vinashin sau cuộc đại phẫu xẻ làm 3. Nhưng “mất tay trái thì được, còn mất đi tay phải chắc chắn sẽ rất khó khăn. Nếu Vinashin muốn tiếp tục làm công nghiệp tàu thủy, tại sao lại phải chuyển giao các dự án đóng tàu quan trọng như vậy sang PVN, Vinalines”, ông Lê Đăng Doanh đặt dấu hỏi. Còn theo TS Nguyễn Quang A, Chính phủ cử người vào ban kiểm soát, ban quản trị của các DN nhà nước, nên cứ đúng luật mà làm, DN lỗ thì phải thay lãnh đạo, vỡ nợ phải cho phá sản.

Cả hai DN nhận chuyển giao (Vinalines và PVN) các dự án và DN “con” của Vinashin đều tỏ ra lo ngại trước các khoản nợ sẽ được “gán” sang cho mình.

Phó tổng giám đốc Vinalines Trần Hữu Chiểu cho hay: “Thủ tướng quyết định rồi thì phải nhận thôi. Hiện Vinalines vẫn đang nhận chuyển giao, mà chưa biết được số nợ từ các DN con của Vinashin nhiều hay ít. Chúng tôi có nghe thông tin các DN đó nợ, nhưng nợ ai, nợ như thế nào vẫn đang phải đợi báo cáo từ bên kia mới biết được”.

Trả lời câu hỏi nếu khoản nợ quá lớn, Vinalines có kiến nghị Chính phủ để Vinashin gánh nợ hay Vinalines sẽ hợp tác trả nợ, ông Chiểu nói: “Trước mắt vẫn nhận nguyên đai, sau đó mời kiểm toán độc lập đánh giá. Phải rõ ràng khoản nợ, trách nhiệm trả nợ của ai, chứ không thể đổ đồng trách nhiệm được”.

Theo lãnh đạo của Vinalines, khi chuyển giao Chính phủ có đề nghị nghiên cứu thực hiện tiếp các dự án còn dang dở của Vinashin, tuy nhiên mục tiêu của hai bên khi thực hiện dự án là khác nhau, nên phải nghiên cứu xem có phù hợp với mục tiêu phía Vinalines hay không mới làm tiếp.

Tái cơ cấu chỉ là một phần

Nhận định về khả năng trả nợ của Vinashin và “hình hài” của con tàu này sau tái cơ cấu, bà  Phan Thị Hòa, Trưởng ban Kiểm soát PVN cho rằng, Vinashin đi tới đâu, có thể trả nợ hay không phụ thuộc rất nhiều yếu tố, tái cơ cấu chỉ là một phần. Điều quan trọng là tái cơ cấu xong phải kinh doanh với các phương án, chiến lược rõ ràng, khả thi. “Nếu không dự báo đúng thị trường, không có những hợp đồng đóng tàu, Vinashin sẽ rất dễ tiếp tục bị chìm. Vì tiền nhà nước bơm thêm vào là tiền để đầu tư, trong khi muốn trả nợ phải có lãi. Thị trường 3 năm tới thế nào, đã đánh giá đúng và hợp lý chưa mà có thể khẳng định trả nợ và lấy lại được hình ảnh”, bà Hòa nêu vấn đề.

TS Lê Đăng Doanh cho rằng việc tái cơ cấu chỉ là để cứu Vinashin thoát khỏi sự phá sản, vì một tập đoàn đã phải bán cả ngành nghề chính của mình để gán nợ, trả nợ thì nguy cơ phá sản là rất lớn. Đồng quan điểm này, theo TS Nguyễn Quang A, tái cơ cấu không chỉ là bán tài sản, giảm nợ, nó chỉ thực sự có hiệu quả khi có thay đổi về tổ chức, lãnh đạo, từ đó mới có sự minh bạch về chính sách mới, chiến lược, cung cách làm ăn mới.

                                                                             Theo Báo Thanhnien

Các tin khác


Bảo vệ cây trồng vụ xuân trước thời tiết diễn biến cực đoan

Theo dự báo, thời điểm giao mùa, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như giông, lốc, sét, mưa đá có thể ảnh hưởng lớn tới sản xuất nông nghiệp, đồng thời cũng tạo điều kiện cho các đối tượng, dịch bệnh phát sinh, gây hại trên cây trồng. Để bảo vệ diện tích lúa và cây trồng vụ xuân, ngành nông nghiệp và các đơn vị chuyên môn tích cực rà soát các địa bàn có nguy cơ xảy ra thiên tai ảnh hưởng tới sản xuất, đẩy mạnh tuyên truyền, đồng hành với nông dân, bám sát đồng ruộng để kịp thời kiểm soát sâu, bệnh gây hại, xử lý và khắc phục các tổn thất khi có tình huống xảy ra.

Xuất khẩu giày dép khởi sắc, nhưng vẫn đối mặt nhiều nỗi lo

Đơn hàng xuất khẩu giày dép đang dần hồi phục, tuy nhiên, ngành xuất khẩu đứng thứ 2 kim ngạch thế giới của Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức lớn.

Sáng 6/5, giá vàng SJC vượt 86 triệu đồng/lượng

Sáng 6/5, trong khi Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC vượt mốc 86 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra thì các công ty vàng bạc khác giá vàng cũng gần chạm mốc này.

Xã Xuân Thủy dồn sức về đích nông thôn mới

Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay, xã Xuân Thủy, huyện Kim Bôi hoàn thành được 12/19 tiêu chí. Trong năm 2024, xã phấn đấu hoàn thành 7 tiêu chí về giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, nghèo đa chiều, lao động việc làm, y tế, môi trường và an toàn thực phẩm, quốc phòng - an ninh.

Đánh thức tiềm năng vùng đất “chén vàng”

Đồng chí Trần Tuấn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Bôi cho biết: Huyện Kim Bôi đã hoàn thành được đồ án Quy hoạch vùng huyện đến năm 2040; lập đồ án Quy hoạch chung xây dựng 14 xã; 3 đồ án quy hoạch phân khu; 9 đồ án quy hoạch chi tiết các điểm dân cư nông thôn. Huyện cũng tích cực triển khai khoảng 25 đồ án quy hoạch khác làm cơ sở để quản lý xây dựng, thu hút đầu tư các dự án ngoài ngân sách, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và huy động các nguồn lực, đảm bảo phát triển trong dài hạn.

Bộ Tài chính thúc 6 địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Theo báo cáo, tỷ lệ giải ngân của 6 địa phương này cơ bản thấp hơn tỷ lệ giải ngân bình quân chung của cả nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục