Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng khẳng định thông tin này cho Lao Động. Ông cho biết, đây là mức tăng giá điện bình quân đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, nhằm giảm thiểu các tác động của tăng giá điện lên nền kinh tế.

 

Như vậy, từ 1.3 tới, giá điện bình quân sẽ tăng từ 1.077đ/kWh hiện nay lên 1.242đ/kWh, tương đương tăng 15,28%. Với mức tăng giá này, nhiều chi phí của EVN tiếp tục bị “treo lại” chưa phân bổ vào giá thành, tỉ suất lợi nhuận trên vốn nhà nước của EVN bằng 0 và giá than chưa tăng trong cơ cấu giá điện.

Giá điện ở Việt Nam hiện nay vẫn thấp so với khu vực. 	Ảnh: TRẦN LÂM
Giá điện ở Việt Nam hiện nay vẫn thấp so với khu vực. Ảnh: TRẦN LÂM

Giá điện tăng 165đ/kWh

“Với tốc độ tăng giá nêu trên, thực chất giá điện bình quân tăng 165đ/kWh (so với mức 194đ/kWh của phương án tăng 18% do Bộ Công Thương đề xuất). Đây là mức tăng giá kiềm chế nhất mà Chính phủ đã cân nhắc thấu đáo để không gây ảnh hưởng lớn tới tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và đời sống nhân dân. Đồng thời, đây cũng là biện pháp giảm bớt một phần khó khăn cho EVN do các yếu tố đầu vào tăng” - ông Vượng cho biết.

Như vậy, so với phương án giá điện tăng ở mức 18% trước đó như đề xuất của Bộ Công Thương, Chính phủ cũng thống nhất chưa tăng giá than bán cho điện năm 2011, vẫn lấy mức bằng giá than 2010; không phân bổ hầu hết các khoản chi phí tăng thêm do phát điện giá cao của năm 2010 vào giá điện 2011; kể cả chi phí tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn... Ngoài ra, với đề xuất của Bộ Công Thương, tỉ suất lợi nhuận trên vốn nhà nước các khâu phát điện, truyền tải, phân phối chỉ lấy ở mức tối thiểu là 1%; thì với giá điện mới dự kiến sẽ áp dụng, tỉ suất lợi nhuận trên vốn của EVN sẽ bằng 0.

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động ngay sau khi có thông tin giá điện năm 2011 được Chính phủ cho phép điều chỉnh ở mức 15,28%, ông Đinh Quang Tri - Phó TGĐ phụ trách tài chính EVN - cho biết: Năm 2010, hàng loạt các yếu tố đầu vào biến động, khiến chi phí của EVN bị đội lên. Chỉ tính riêng việc chênh lệch tỉ giá đã tăng chi phí lên 17.000 tỉ đồng, chi phí tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn đến hết năm 2010 là 1.500 tỉ đồng; chưa kể khoản hơn 8.000 tỉ đồng chi phí mua và sản xuất điện từ các nguồn giá thành cao để đảm bảo điện cho nền kinh tế... “Chúng tôi đề xuất năm nay, chí ít cũng phải phân bổ vào giá thành 400 tỉ đồng do chi phí đầu vào tăng... Nếu không được phân bổ thì các chi phí vẫn phải treo lại, trong khi lợi nhuận sẽ bằng 0” - ông Tri than phiền.

Hộ nghèo được hỗ trợ 40% giá điện

Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực - ông Phạm Mạnh Thắng - trả lời báo chí mới đây khẳng định, giá điện ở VN hiện nay là rất thấp so với khu vực. Nếu chưa tính việc điều chỉnh tỉ giá thì còn khoảng 5,3UScent/kWh, còn nếu cộng cả tỉ giá thì chỉ còn trên dưới 4UScent/kWh. Trong khi đó, giá điện nhập khẩu mua từ Trung Quốc đã ở mức bình quân là 6 UScent/kWh (năm 2011, phía Trung Quốc đang đòi mức 6,2 UScent/kWh). Giá điện mua của các nhà máy điện độc lập như nhiệt điện Cà Mau, Nhơn Trạch 1 có thời điểm đã lên đến 8UScent/kWh... Việc phải mua cao, bán thấp, trong bối cảnh phải đảm bảo tối đa nhu cầu điện cho nền kinh tế khiến tình hình tài chính của EVN lâm vào khó khăn nghiêm trọng.

Với tỉ suất lợi nhuận thấp (hằng năm chỉ từ 1-2%), giá điện hiện nay cũng không đủ để EVN đáp ứng việc tái đầu tư mở rộng hệ thống điện. Giá điện cũng không hấp dẫn các nhà đầu tư đầu tư vào điện. Kể từ năm 1997 đến nay, trừ các dự án BOT Chính phủ cam kết sẽ thực hiện giá điện theo cơ chế thị trường, hầu hết các dự án điện độc lập đều không gọi được vốn đầu tư. Không có nhiều nhà đầu tư đầu tư vào điện thì không thể có đủ điện.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng nhận định, giá điện hiện nay cũng đang mâu thuẫn với nhu cầu sử dụng điện đang tăng mạnh. Năm 2011, các chi phí đầu vào cho sản xuất kinh doanh điện sẽ tiếp tục tăng cao; tỉ trọng các nguồn thuỷ điện giá rẻ ngày càng giảm, tỉ trọng các nguồn điện mới có giá cao ngày càng tăng. Trong khi đó, nhu cầu đầu tư vào nguồn, lưới điện tăng rất lớn nhằm đảm bảo ổn định cung cấp điện đáp ứng nhu cầu điện tăng với tốc độ cao. Thế nhưng sức chịu đựng giá điện của nền kinh tế không tăng tương ứng. Vì vậy, cùng với việc điều chỉnh giá điện và xây dựng lộ trình thực hiện giá điện theo cơ chế thị trường, đó sẽ là chìa khóa để đảm bảo đủ điện cho nền kinh tế, từ đó, có tác động tương hỗ phát triển kinh tế, kiềm chế tốc độ tăng giá ở tầm vĩ mô.

Về phía chính sách xã hội, Bộ Công Thương cũng cho biết, với giá điện mới, Chính phủ vẫn tính đến phương án hỗ trợ cho hộ nghèo. Phương án hỗ trợ sẽ là các hộ dân vẫn trả tiền điện theo mức kWh sử dụng, nhưng được hoàn trả lại từ quỹ chính sách xã hội. Đại diện EVN cũng cho biết, biểu giá điện cụ thể cho từng đối tượng sử dụng vẫn đang được tính toán, nhưng nguyên tắc là, các hộ nghèo sẽ được trợ giá 40% trong 50kWh điện bậc thang đầu tiên. EVN sẽ cắt thẳng số tiền này cho đơn vị chính sách thuộc Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội để chi trả cho các hộ thuộc đúng đối tượng được hỗ trợ.  

 

                                                                          Theo Báo Laodong

 

 

Các tin khác


Thẩm định mô hình, điển hình tiên tiến tại huyện Kim Bôi, Cao Phong

Ngày 2/5, đoàn công tác do lãnh đạo Ban Thi đua - Khen thưởng (Sở Nội vụ) làm trưởng đoàn đã tổ chức thẩm tra các mô hình, điển hình tiên tiến năm 2024 trên địa bàn huyện Kim Bôi và Cao Phong.

Xử lý nghiêm tập thể, cá nhân làm chậm tiến độ triển khai dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu

Dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (đoạn từ Km19+000 - Km53+000 trên địa bàn tỉnh) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực Tây Bắc. Tuy nhiên tiến độ triển khai chậm, nhất là các thủ tục liên quan đến đất đai, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, chuyển mục đích sử dụng rừng, cắm mốc, trích đo, giải phóng mặt bằng (GPMB)...

Công khai người nộp thuế nợ thuế đến ngày 31/3/2024

Ngày 25/4, Cục Thuế tỉnh có Công văn số 1991/CTHBI-QLN về việc công khai người nộp thuế nợ thuế.

Khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế cạnh tranh để phát triển

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo kết luận số 179/TB-VPCP, ngày 23/4/2024 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình ngày 13/4/2024.

Gìn giữ và phát triển thương hiệu bột sắn dây Nhuận Trạch

Cuối năm 2023, sản phẩm tinh bột sắn dây của Hợp tác xã (HTX) liên kết dịch vụ nông nghiệp và chế biến tinh bột Nhuận Trạch ở thôn Đồng Sẽ, xã Nhuận Trạch (Lương Sơn) được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Đối với người dân địa phương, sắn dây từng là cây trồng giúp bà con cải thiện thu nhập, xóa đói, giảm nghèo. Việc chứng nhận tinh bột sắn dây đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao là tiền đề để các hộ tiếp tục giữ gìn và phát triển, đưa sản phẩm vươn xa hơn trên thị trường.

Đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo sức bật cho phát triển

Phát biểu tại Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư, hợp tác xã Xuân Giáp Thìn, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khánh khẳng định: "Với phương châm chính quyền đồng hành cùng DN, Hòa Bình luôn xác định thành công của DN cũng là thành công của tỉnh; khó khăn, vướng mắc của các DN là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp”. Phương châm đó được thực hiện xuyên suốt, hiệu quả, tạo nên dấu ấn trong quá trình phát triển của tỉnh và cộng đồng DN trong tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục