Sản xuất nhôm thanh định hình tại Công ty cổ phần nhôm Sông Hồng.

Sản xuất nhôm thanh định hình tại Công ty cổ phần nhôm Sông Hồng.

Nguồn vốn vay hạn hẹp, lãi suất cao, sản phẩm ế ẩm, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao... là nguyên nhân khiến các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Phú Thọ gặp nhiều khó khăn. Không ít doanh nghiệp đang hoạt động cầm chừng, có doanh nghiệp đứng bên bờ vực phá sản.

 

Ðã nhiều tháng nay, Công ty cổ phần nhôm Sông Hồng phải cắt bớt nhân công, giảm giờ làm, thắt chặt chi tiêu để ổn định sản xuất. Là một doanh nghiệp lớn, chuyên sản xuất nhôm thanh định hình, những năm trước, công ty lúc nào cũng có khoảng 500 công nhân làm việc ba ca/ngày. Năm 2010, thu nhập bình quân khoảng 4 triệu đồng/người/tháng nhưng hiện nay, chỉ còn 400 công nhân làm việc với mức thu nhập 2,8 triệu đồng/người/tháng. Chị Trần Thị Thu cho biết, tôi làm việc ở đây được gần mười năm nhưng chưa khi nào thấy khó khăn như hiện nay. Trước đây hai vợ chồng làm cùng công ty, mỗi tháng thu nhập cả hai vợ chồng được gần tám triệu đồng. Với số tiền này, gia đình gồm bốn người chi tiêu khá thoải mái còn tích cóp được một ít. Nay thu nhập của hai vợ chồng chỉ còn hơn năm triệu đồng, trong khi điện, nước, thực phẩm tăng chóng mặt khiến cuộc sống của gia đình gặp không ít khó khăn. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần nhôm Sông Hồng Nguyễn Minh Kế cho biết, nguyên nhân chính vẫn là lãi suất, lạm phát cao, tỷ giá ngoại tệ  không ổn định dẫn đến sức tiêu thụ của sản phẩm bị thu hẹp. Hiện nay, với lãi suất vay 23%/năm, bình quân một tháng công ty phải trả lãi ngân hàng khoảng sáu tỷ đồng, do đó, sản lượng của công ty đã giảm 30%; doanh thu giảm 35% so với năm trước, hàng tồn kho khoảng 1.000 tấn. Mặc dù khó khăn, nhưng công ty vẫn tìm mọi cách để khắc phục và bảo đảm việc làm cho người lao động.

Các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng và các đơn vị xây dựng cũng gặp không ít khó khăn vì các địa phương đều tập trung kiềm chế lạm phát, cắt giảm chi tiêu, hạn chế khởi công xây dựng các công trình theo tinh thần Nghị quyết 11 của Chính phủ. Tại công ty cổ phần xi-măng Vĩnh Phú từ đầu năm nay, do các công trình xây dựng tạm dừng dẫn đến thị trường tiêu thụ xi-măng chậm. Trong khi đó, công ty lại khó tiếp cận được nguồn vốn, nhất là vốn dài hạn cộng với giá nguyên vật liệu đầu vào như than, điện, thạch cao tăng khoảng 18% khiến công ty gặp không ít khó khăn. Hiện nay, sản lượng giảm gần 23%, doanh thu giảm 15,5%, thu nhập của người lao động giảm 15% so với cùng kỳ. Ðể từng bước khắc phục khó khăn, công ty đã đề ra một số giải pháp như điều chỉnh quy mô lao động, cắt giảm nhân công, không làm thêm ca, thêm giờ; mở rộng thị trường tiêu thụ, không để tồn đọng vốn, thắt chặt chi tiêu. Tập trung mọi nguồn lực để sớm đưa dự án nhà máy xi-măng lò quay vào hoạt động, khi dự án này hoạt động sẽ tiết kiệm 45% nguyên liệu đầu vào. Công ty cổ phần LICOGI 14 là đơn vị chuyên thi công các công trình xây dựng dân dụng nhiều tháng nay cũng gặp không ít khó khăn. Hiện nay, công ty đang thi công một số công trình trọng điểm như thủy điện Bắc Hà (Lào Cai); nhà ở sinh viên và khu đô thị tại phường Minh Phương, thành phố Việt Trì (Phú Thọ) và một số tuyến giao thông khác. Theo ông Phạm Gia Lý, Tổng Giám đốc Công ty, hầu hết các công trình đều chậm tiến độ, thậm chí có công trình thi công cầm chừng để giữ chân lao động. Nếu tình trạng này kéo dài thì doanh nghiệp càng lỗ, hiệu quả đầu tư không cao. Hiện nay, công ty đang tập trung thực hiện một số giải pháp như tiết kiệm tối đa chi tiêu, đồng thời khai thác các thiết bị sẵn có phục vụ thi công các công trình; phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp sản xuất trong nước để tiêu thụ sản phẩm; sử dụng linh hoạt các nguồn vốn và tập trung thi công các công trình có nguồn vốn từ 50% đến 70%.

Theo Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh Phú Thọ, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng bốn nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong những năm qua, các doanh nghiệp đã duy trì sản xuất, giải quyết việc làm, bảo đảm an ninh xã hội và đóng góp tích cực phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang đứng trước thực trạng không đủ vốn sản xuất, kinh doanh. Nếu có sản xuất cũng không bù đắp được lãi suất vay ngân hàng, vì vậy, nhiều doanh nghiệp đang thu hẹp sản xuất, hoạt động cầm chừng, thậm chí phải ngừng sản xuất. Trong khi đó, một số công trình dự án đã triển khai từ những năm trước nay do thắt chặt tài chính, vật tư, nhân công tăng cao khiến nhiều công trình chậm tiến độ, gây lãng phí, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Phú Thọ Vũ Văn Viết cho biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 60% doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp khó khăn về nguồn vốn. Nếu tình trạng này kéo dài thì các doanh nghiệp phá sản là chuyện một sớm một chiều. Trước khó khăn trên cũng đã có nhiều doanh nghiệp có sáng kiến để bảo đảm sản xuất, Nhà nước cần có những giải pháp cụ thể để hỗ trợ các doanh nghiệp như giảm lãi suất, ổn định thị trường, ưu tiên doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Ðể góp phần tháo gỡ cho các doanh nghiệp (nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ) tỉnh Phú Thọ đã thực hiện một số chính sách tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là việc làm trước mắt còn về lâu dài các doanh nghiệp cần tìm cách tự cứu mình bằng các biện pháp như thắt chặt chi tiêu, tiết kiệm vật liệu, nhiên liệu đầu vào, thu hồi nợ đọng, chống thất thoát, cắt giảm chi thường xuyên.

 

                                         Theo NhaDan

Các tin khác


Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Huyện Lạc Sơn: Tổng đàn vật nuôi có trên 1,3 triệu con

Theo báo cáo của UBND huyện Lạc Sơn, hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện đạt trên 1,3 triệu con.

Đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn thành lập thị xã Lương Sơn

Ngày 26/4, Ban chỉ đạo hoàn thiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn của tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn. Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì hội nghị.

Cựu chiến binh huyện Lạc Thủy thi đua làm kinh tế giỏi

Những năm qua, phong trào "Cựu chiến binh (CCB) thi đua làm kinh tế giỏi" trên địa bàn xã Hưng Thi (Lạc Thủy) có sức lan tỏa sâu rộng, được các hội viên nhiệt tình hưởng ứng. Từ phong trào xuất hiện nhiều CCB điển hình, gương mẫu trong phát triển kinh tế, trở thành tấm gương trong lao động sản xuất, đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục