Hộ nghèo xã Cao Sơn (Đà Bắc) được dự án giảm nghèo hỗ trợ bò giống để phát triển chăn nuôi, giảm nghèo bền vững.

Hộ nghèo xã Cao Sơn (Đà Bắc) được dự án giảm nghèo hỗ trợ bò giống để phát triển chăn nuôi, giảm nghèo bền vững.

(HBĐT) - Hạ tầng cơ sở xã, thôn được cải thiện rõ rệt; đời sống, thu nhập của người dân vùng nghèo, xã nghèo có bước chuyển đáng kể là kết quả 5 năm (2010 - 2014) triển khai thực hiện dự án giảm nghèo giai đoạn II trên địa bàn vùng cao huyện Đà Bắc.

 

Cao Sơn là một trong 11 xã của huyện được lựa chọn đầu tư, hỗ trợ chương trình, dự án này. Đồng chí Triệu Phúc Thi, Chủ tịch UBND xã ghi nhận: Sau gần 5 năm tích cực triển khai, không những điều kiện đi lại của bà con được thuận lợi hơn, cơ hội giao thương hàng hóa được mở mang mà trong tư duy, nếp nghĩ, cách làm của hộ nghèo, người nghèo đã nhiều đổi mới, tiến bộ. Từ chương trình hưởng lợi, hàng chục ha đất bỏ trống, đất hoang ở các xóm đã được khai phá trở thành ruộng bậc thang mở rộng diện tích đất trồng lúa. Đường liên thôn, đường vào khu sản xuất ở các xóm Lanh, Bai, Sưng bớt khó, bớt khổ nhiều. Có hàng trăm hộ nghèo nhờ được hỗ trợ vốn đầu tư con giống, hướng dẫn cách làm ăn đã duy trì, tạo nguồn sinh kế lâu dài, bền vững.   

Tính từ khi thực hiện cho đến hết năm nay, toàn huyện có 38 công trình thuộc hợp phần phát triển kinh tế huyện được phê duyệt. Hiện tại đã có 19 công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng, tập trung cho các hạng mục đường giao thông, công trình thủy lợi và nước sinh hoạt. Theo đồng chí Bùi Văn Thiệu, Phó BQL Dự án Giảm nghèo huyện, tại các xã Đồng Ruộng, Đồng Chum, Vầy Nưa, Cao Sơn, Đoàn Kết, Trung Thành những con đường mới xây dựng đã giúp việc đi lại của người dân thuận tiện hơn, trở thành tiền đề giúp bà  con tiếp cận thị trường hàng hóa. Bên cạnh đó, các công trình mương, bai đã đảm bảo diện tích tưới tiêu cho gần 80 ha đất nông nghiệp sử dụng triệt để, mang lại lợi ích kinh tế cho các hộ. Hàng trăm gia đình được thụ hưởng nguồn nước sạch giúp nâng cao chất lượng cuộc sống.  

Các tiểu dự án thuộc hợp phần ngân sách phát triển xã đầu tư về công trình xây lắp, hỗ trợ sinh kế cũng song song được thực hiện với tổng vốn 24,5 tỷ đồng chia cho 460 tiểu dự án giúp tăng cường nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Đặc biệt, kể từ năm 2012, tiếp nối hoạt động hỗ trợ sinh kế trước đây, tiểu hợp phần đa dạng hóa các cơ hội liên kết thị trường và hỗ trợ sản xuất, kinh doanh đã tạo bước ngoặt, hướng đi mới hiệu quả giúp đồng bào các dân tộc vùng khó nơi đây thoát nghèo, giảm nghèo. Trong năm đầu thực hiện tại 2 xã Cao Sơn, Vầy Nưa, tổng diện tích trồng mía nguyên liệu theo phương thức liên kết đã triển khai đạt trên 22,5 ha với 00 hộ chia làm 6 nhóm cùng sở thích. Sản lượng cuối kỳ thu hoạch trên 2.000 tấn, năng suất bình quân 89 tạ/ha, vượt 9 tấn so với dự toán và hồ sơ đề xuất. Với đơn giá thu mua theo trữ đường 900 đồng/kg, doanh thu của hoạt động liên kết đạt 2 tỷ đồng, trừ vốn đầu tư, lãi thu được hơn 1,2 tỷ đồng, bình quân mỗi ha đạt lợi nhuân 54,8 triệu đồng. Năm 2013, 2 xã Vầy Nưa, Cao Sơn tiếp tục trồng 31,26 ha mía, đã hoàn thành nghiệm thu 25,4 ha với 7 nhóm cùng sở thích, 109 hộ.  

Bên cạnh đó, hoạt động trồng gừng liên kết đã bắt đầu được thực hiện từ năm nay với tổng diện tích trồng 41,5 ha tại xã Đồng Chum, 264 hộ tham gia chia làm 11 nhóm cùng sở thích. Hiện nay, gừng đang phát triển tốt, năng suất dự kiến đạt 28 tấn/ha, sản lượng thu đạt khoảng 1.162 tấn. Đồng chí Xa Thanh Xóm  Chủ tịch UBND xã cho biết: theo hợp đồng, phía đối tác cam kết thu mua toàn bộ với đơn giá thấp nhất 4.500 đồng/kg. Như vậy, hoạt động liên kết này sẽ thu được 5,3 tỷ đồng. Với tổng chi phí trực tiếp gần 3,3 tỷ đồng bao gồm cả công lao động của người dân, lợi nhuận dự kiến thu được gần 2 tỷ, bình quân lãi ròng 46,6 triệu đồng/ha. So sánh trên cùng diện tích trồng các loại cây hàng hóa khác, trồng gừng cho thu nhập cao gấp 2 lần. Thành công của hoạt động không chỉ về tài chính mà còn về nhận thức, người dân ý thức hơn khi tham gia vào nhóm cùng sở thích, cùng học hỏi, chia sẻ cách quản lý tài chính hộ, kinh nghiệm quản lý tài chính nhóm, dần chủ động trong việc lập kế hoạch kinh doanh, tổ chức thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh hiệu quả, bền vững. 

Đồng chí Xa Đức Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện khẳng định: Dự án Giảm nghèo thực hiện tại 11 xã cùng với sự lồng ghép đầu tư của dự án khách đã tạo đổi thay rất lớn về diện mạo nông thôn, đời sống nhân dân được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần, các hoạt động sinh kế tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập ổn định. Đồng thời, tình hình KT-XH các xã vùng dự án từng bước phát triển, góp phần vào sự phát triển KT-XH chung của huyện.

 

                                                                      Bùi Minh

 

 

Các tin khác


Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Huyện Lạc Sơn: Tổng đàn vật nuôi có trên 1,3 triệu con

Theo báo cáo của UBND huyện Lạc Sơn, hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện đạt trên 1,3 triệu con.

Đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn thành lập thị xã Lương Sơn

Ngày 26/4, Ban chỉ đạo hoàn thiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn của tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn. Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì hội nghị.

Cựu chiến binh huyện Lạc Thủy thi đua làm kinh tế giỏi

Những năm qua, phong trào "Cựu chiến binh (CCB) thi đua làm kinh tế giỏi" trên địa bàn xã Hưng Thi (Lạc Thủy) có sức lan tỏa sâu rộng, được các hội viên nhiệt tình hưởng ứng. Từ phong trào xuất hiện nhiều CCB điển hình, gương mẫu trong phát triển kinh tế, trở thành tấm gương trong lao động sản xuất, đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục