(HBĐT) - Ngày 4/7/2016, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký ban hành Quyết định số 1728/QĐ-UBND về việc phê duyệt quy hoạch phát triển điểm du lịch quốc gia Mai Châu, tỉnh Hòa Bình đến năm 2030. Phóng viên Báo Hòa Bình trao đổi với đồng chí Hà Công Thẻ, TUV, Chủ tịch UBND huyện Mai Châu về tiềm năng, lợi thế và các giải pháp phấn đấu xây dựng điểm du lịch quốc gia của huyện vào năm 2020.
Cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp của huyện Mai Châu thu hút du khách đến thăm quan, khám phá.
PV: Xin đồng chí đánh giá tiềm năng phát triển du lịch huyện Mai Châu?
Đồng chí Hà Công Thẻ: Mai Châu là huyện vùng cao, cách trung tâm tỉnh lỵ hơn 60 km, địa hình đồi núi chia cắt, giao thông đi lại còn nhiều khó khăn, song thiên nhiên đã ban tặng cho Mai Châu nhiều cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ, đây là điều kiện thuận lợi để Mai Châu phát triển du lịch. Huyện có diện tích tự nhiên trên 57.000 ha, dân số trên 54.000 người với 7 dân tộc cùng sinh sống là Dao, Mường, Thái, Mông, Kinh, Tày, Hoa, trong đó, dân tộc Thái chiếm gần 60%, là nơi hội tụ, đan xen bản sắc văn hóa dân tộc tạo nên những nét văn hóa độc đáo, là những tài nguyên thiên nhiên và nhân văn để phát triển các loại hình du lịch, nhất là du lịch văn hóa, du lịch sinh thái. Thiên nhiên, không gian văn hóa, vùng đất và con người Mai Châu từ lâu nay đã ghi dấu ấn khó phai trong lòng du khách. Từ lâu, huyện Mai Châu đã có dấu ấn trên “bản đồ” du lịch của tỉnh nói riêng và toàn quốc nói chung. Bản Lác, xã Chiềng Châu được Tạp chí Business Insider của Mỹ bình chọn là một trong 10 điểm du lịch hấp dẫn, đem đến cho du khách những trải nghiệm thú vị. Với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, khí hậu trong lành, có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp còn đậm nét bản sắc văn hoá các dân tộc. Trong chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam; Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2014 - 2020, tầm nhìn đến 2030, xác định huyện Mai Châu có tiềm năng phát triển thành điểm du lịch quốc gia và đóng vai trò quan trọng trong phát triển du lịch tỉnh Hòa Bình nói riêng, trong khu vực và cả nước nói chung. Huyện Mai Châu đang tranh thủ sự giúp đỡ, huy động các nguồn lực, thu hút đầu tư nhằm khai thác tiềm năng, xây dựng các sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu của khách du lịch… Đến hết năm 2015, huyện đã có 117 cơ sở lưu trú, trong đó có 92 nhà nghỉ cộng đồng (Homestay); thu hút 390 lao động trong lĩnh vực dịch vụ du lịch. Lượng du khách đến huyện Mai Châu năm 2015 đạt 340.000 lượt, trong đó, khách quốc tế gần 80.000 lượt; tổng thu từ du lịch đạt 90, 5 tỷ đồng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm và nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân, bảo tồn bản sắc văn hoá các dân tộc...
PV: Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký ban hành Quyết định số 1728/QĐ-UBND về việc phê duyệt “Quy hoạch phát triển điểm du lịch quốc gia Mai Châu, tỉnh Hòa Bình đến năm 2030” sẽ mở ra cơ hội phát triển cho du lịch Mai Châu như thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Hà Công Thẻ: Tuy đã đạt một số kết quả nhưng du lịch huyện Mai Châu thời gian qua phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, còn nhiều hạn chế như: Hạ tầng du lịch chưa được đầu tư đồng bộ; cơ sở vật chất, kỹ thuật du lịch đầu tư mang tính tự phát, quy mô nhỏ lẻ; sản phẩm du lịch còn nghèo nàn; hiệu quả KT -XH từ hoạt động du lịch còn thấp… Đối chiếu với 4 tiêu chí để được công nhận là điểm du lịch quốc gia quy định tại Điều 7, Nghị định số 92 ngày 1/6/2007 của Chính phủ, du lịch huyện Mai Châu mới đạt 2 tiêu chí: Có tài nguyên du lịch hấp dẫn; có khả năng đáp ứng phục vụ 100.000 lượt khách /năm. Hiện còn thiếu các tiêu chí về hạ tầng giao thông; các khu vệ sinh công cộng; hệ thống phòng cháy, chữa cháy; hệ thống cấp thoát nước, vệ sinh môi trường, thu gom, xử lý rác thải; dịch vụ vui chơi giải trí và các dịch vụ khác đáp ứng nhu cầu khách du lịch.
Việc phê duyệt quy hoạch điểm du lịch quốc gia Mai Châu chắc chắn sẽ là định hướng quan trọng để Mai Châu khai thác hiệu quả và bền vững tài nguyên du lịch của mình. Quy hoạch du lịch Mai Châu đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, huyện đạt các tiêu chí của điểm du lịch quốc gia như: Có hạ tầng giao thông thuận tiện đến các điểm du lịch; có các dịch vụ bãi đỗ xe, khu vệ sinh công cộng, phòng cháy - chữa cháy, cấp thoát nước, thông tin liên lạc và các dịch vụ khác đáp ứng yêu cầu của khách du lịch; đảm bảo an ninh, an toàn, trật tự, vệ sinh môi trường theo quy định của pháp luật. Số buồng cơ sở lưu trú đạt 680 buồng; tạo việc làm cho 3.000 lao động, trong đó, 1.000 lao động trực tiếp; đón 530.000 lượt khách, trong đó, khách quốc tế 163.000 lượt khách; tổng thu từ du lịch đạt 220 tỷ đồng… Đến năm 2030, số buồng cơ sở lưu trú đạt 1.460 buồng; tạo việc làm cho 6.900 lao động, trong đó, 2.300 lao động trực tiếp; đón 1, 1 triệu lượt khách, trong đó, khách quốc tế 400.000 lượt; tổng thu từ du lịch đạt 1.340 tỷ đồng…
PV: Để đạt được các mục tiêu trên, Mai Châu sẽ triển khai những giải pháp cụ thể nào để khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch có chất lượng, xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng?
Đồng chí Hà Công Thẻ: Để hiện thực hóa Quy hoạch phát triển điểm du lịch quốc gia Mai Châu đến năm 2030, huyện tập trung thực hiện một số nhóm giải pháp như: Về cơ chế, chính sách, tập trung hỗ trợ về đất đai, phát triển cơ sở lưu trú du lịch đạt chuẩn từ 3 sao trở lên, phát triển nhà hàng đạt chuẩn phục vụ khách du lịch, đầu tư phát triển các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; đầu tư phát triển du lịch cộng đồng, phát triển nguồn nhân lực, xử lý môi trường, xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn. Tăng cường thu hút, lồng ghép các nguồn vốn đầu tư, ưu tiên bố trí từ nguồn ngân sách Nhà nước để hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, huy động nguồn vốn ODA, kêu gọi các dự án đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ sở lưu trú, thu hút đầu tư khu vực tư nhân và phát huy vai trò năng động của thị trường tài chính trong nhân dân. Phát triển nguồn nhân lực và nâng cao hiệu quả quản lý, tăng cường công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng lực quản lý Nhà nước về du lịch. Phát triển sản phẩm du lịch, trong đó, đa dạng các sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch thể thao, vui chơi giải trí. Tăng cường thông tin tuyên truyền, xúc tiến quảng bá về hình ảnh, sản phẩm du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thành lập Ban quản lý điểm du lịch Mai Châu để thống nhất quản lý. Triển khai ứng dụng KHCN tiên tiến trong quản lý và vận hành các hoạt động du lịch. Nâng cao ý thức của người dân và cộng đồng về ý nghĩa của việc bảo tồn và phát triển tài nguyên du lịch văn hóa. Các hoạt động liên kết, hợp tác phát triển được triển khai đồng bộ ở nhiều cấp độ. Cùng với đó là tăng cường các giải pháp bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trong các hoạt động đầu tư và kinh doanh du lịch.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
P.V (T.H)
(HBĐT)-Ngày 8/10, tại huyện Mai Châu, UBND tỉnh sẽ tổ chức lễ công bố quyết định phê duyệt “Quy hoạch phát triển Điểm du lịch quốc gia Mai Châu, tỉnh Hòa Bình đến năm 2030”.
HBĐT)-Ngày 3/10, tại nhà văn hoá huyện Lương Sơn, huyện Lương Sơn phối hợp với Sở VH,TT&DL tỉnh tổ chức khai trương trưng bày chuyên đề “Di sản văn hoá và cổ vật tiêu biểu huyện Lương Sơn”. Đến dự có đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Sở VH,TT&DL; lãnh đạo Huyện uỷ, HĐND, UBND và ban, ngành, đoàn thể huyện cùng 200 em học sinh trường THPT Lương Sơn và trường THPT Nguyễn Trãi.
(HBĐT) - Đất trời đã sang thu. Có lẽ đây là thời điểm lý tưởng nhất trong năm đối với những chuyến đi khám phá Tây Bắc của dân phượt. Tây Bắc mùa thu vẫn hùng vĩ và khoáng đạt như thế nhưng lãng mạn, dịu dàng hơn và cũng say đắm lòng người hơn, mang tới những trải nghiệm tuy quen mà lạ cho bất kỳ ai đã nhiều lần đặt chân tới miền đất này. Nằm trên cung phượt quyến rũ nhất nhì Tây Bắc, Mai Châu được nhiều “tín đồ” của du lịch bụi đánh giá là điểm dừng chân tuyệt vời để có thể say sưa khám phá vô vàn điều thú vị.
(HBĐT) - Ngày 1/10, tại Khu trung tâm di sản Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội), Báo Kinh tế và Đô thị phối hợp với CLB Nhiếp ảnh Người cao tuổi Hà Nội tổ chức khai mạc triển lãm ảnh "Hà Nội trong tôi". Lãnh đạo UBND TP Hà Nội và Tổng Biên tập, nguyên Tổng Biên tập các báo Đảng khu vực thủ đô, Báo Vientiane May (Lào), cùng một số báo Đảng khu vực miền Trung đã đến dự.
(HBĐT) - Dự án hạ tầng kỹ thuật khu đa chức năng Quỳnh Lâm (Khu đa chức năng Quỳnh Lâm) được thiết kế bởi Tổng công ty tư vấn xây dựng Việt Nam do kiến trúc sư Bùi Quốc Dũng, người con của Hòa Bình làm chủ nhiệm được xây dựng mang đậm nét thiên nhiên, văn hóa và con người Hòa Bình kết hợp với nét hiện đại riệng biệt. Đây là công trình trọng điểm của tỉnh phục vụ Lễ kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh, 25 năm tái lập tỉnh và Lễ hội Chiêng Mường lần thứ 2 sẽ được tổ chức vào tháng 11 tới đây.
(HBĐT) - Văn nghệ quần chúng từ lâu đã trở thành hoạt động không thể thiếu đối với nhân dân các dân tộc huyện Đà Bắc. Phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng trên địa bàn huyện có bước phát triển mạnh mẽ, góp phần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của mọi tầng lớp nhân dân, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện.