(HBĐT) - Quảng trường Hòa Bình tọa lạc trên địa bàn xã Sủ Ngòi (thành phố Hòa Bình) được xây dựng với tổng mức đầu tư hơn 200 tỷ đồng, đã hoàn thành, bàn giao sơ bộ vào cuối tháng 10/2016. Đây được xác định là công trình kiến trúc, văn hóa trọng điểm của tỉnh. Nơi đã diễn ra Lễ kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh, 25 năm tái lập tỉnh hoành tráng, đầy màu sắc vào ngày 19/11 vừa qua. Tuy nhiên, gần 2 tháng từ sau khi diễn ra Lễ kỷ niệm, công tác quản lý, khai thác, sử dụng Quảng trường Hòa Bình đã phát sinh nhiều bất cập.

 

Phát sinh nhiều khó khăn trong việc quản lý, vận hành Quảng trường Hòa Bình

 

Ngày 4/10/2016, Văn phòng UBND tỉnh có Thông báo số 5103/TB-VPUBND thông báo kết luận của Chủ tịch UBND Nguyễn Văn Quang giao Sở VH-TT&DL là đơn vị nhận công trình do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh bàn giao; tổ chức quản lý, vận hành Quảng trường theo quy định. Ngày 11/10/2016, Sở VH-TT&DL đã có Văn bản số 953/SVHTTDL-KHTC giao Trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh (là đơn vị trực thuộc Sở VH-TT&DL) chịu trách nhiệm tiếp nhận, trực tiếp tổ chức quản lý, vận hành và khai thác Quảng trường Hòa Bình theo quy định.

 

Tuy nhiên, sau 2 tháng Trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh trực tiếp quản lý, vận hành, khai thác Quảng trường đã phát sinh nhiều vấn đề. Trung tâm chỉ có 11 viên chức và 4 hợp đồng theo Nghị định 68. Do đó, việc phân công nhiệm vụ cán bộ trực 24/24h tại Quảng trường gặp nhiều khó khăn. Cán bộ đơn vị không có nghiệp vụ về công tác bảo vệ nên việc trực chỉ có tính chất thường trực, chủ yếu trông nom khu nhà điều hành. Không thể ngăn cản ô tô, xe máy, gia súc đi vào khu vực Quảng trường.

 

Toàn bộ Quảng trường hiện có 536 bóng đèn, 66 cột đèn nấm; 2 đài phun nước tiêu thụ 35 KW/h/đài, phòng bơm 44 KW/h. Tổng công suất tiêu thụ điện của Quảng trường trong một giờ 237 KWh (tương đương khoảng gần 400.000 đồng/giờ, gần 5 triệu đồng/ngày, 150 triệu đồng/tháng nếu bật sáng toàn bộ hệ thống điện từ 18 h hôm trước đến 6 h sáng ngày hôm sau). Do chưa được cấp kinh phí nên từ khi nhận bàn giao đến ngày 10/1/2017, Trung tâm huấn luyện và thi đấu TD-TT tỉnh chỉ thỉnh thoảng bật một số bóng đèn vào những ngày cuối tuần. Đa số các buổi tối, Quảng trường tắt đèn.

 

 

Tại Quảng trường Hòa Bình, một số cây xanh mới trồng do không được chăm sóc nên đã bị chết.

 

Đặc biệt, vì một số lý do nên đến ngày 10/1/2017 công tác bàn giao vẫn chưa hoàn thành 100%. Cụ thể, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh vẫn chưa bàn giao hệ thống cây xanh, các thảm cỏ và sân Quảng trường cho Sở VH-TT&DL nên đã dẫn đến nhiều bất cập trong quản lý, vận hành nhất là với hệ thống hơn 300 cây xanh, 27.000 m2 thảm cỏ được trồng rải rác khắp Quảng trường đòi hỏi sự chăm sóc chuyên nghiệp, kỹ thuật và chi phí khá lớn. Việc này vượt ngoài khả năng của cán bộ Trung tâm huấn luyện và thi đấu TD-TT tỉnh.

 

Giữ gìn Quảng trường – bắt đầu từ ý thức mỗi người dân

 

Cùng chúng tôi đi dạo quanh Quảng trường, ông Nguyễn Văn Quyết (xóm 8, xã Sủ Ngòi cho biết: Công trình Quảng trường Hòa Bình được xây dựng, nhân dân vô cùng vui mừng, phấn khởi. Chiều nào người dân trong xóm cũng vào đây đi bộ tập thể dục. Nhưng thời gian gần đây, do không được chăm sóc nên nhiều cây trên Quảng trường đã chết, hàng cây trước nhà điều hành chết khoảng 40%, nhiều thảm cỏ như khu vực đồi nhân tạo dưới chân biểu tượng Chiêng Mường đã chết khô, một số viên gạch lát sân cũng bong tróc….Thậm chí trâu, bò các hộ dân xã Sủ Ngòi thả rông cũng “dạo chơi” cả trong khu vực Quảng trường. Ngay cổng Quảng trường là trắng xóa rác thải do hội chợ để lại. Buổi tối, Quảng trường tắt điện nên không ai dám đi dạo. Thực trạng này khiến cho Quảng trường mất đi vẻ đẹp vốn cần được giữ gìn. Người dân chúng tôi nhìn thấy thế vô cùng xót xa.

 

Trước những phát sinh rất đáng quan tâm về việc quản lý, vận hành, khai thác Quảng trường Hòa Bình, ngày 9/1/2017, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã làm việc với các sở, ngành, địa phương liên quan. Tại buổi làm việc, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nghiêm khắc phê bình những đơn vị, cá nhân để xảy ra tình trạng nêu trên và có những kết luận cụ thể, quyết liệt về việc giải quyết, tháo gỡ vướng mắc, đảm bảo Quảng trường Hòa Bình được sử dụng hết công năng, là điểm sinh hoạt văn hóa hữu ích của nhân dân.

 

Đồng chí Đào Tiến Cường – Giám đốc Trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh cho biết: Diện tích Quảng trường quá rộng, xung quanh không có hàng rào hoặc tường giới hạn, bốn mặt thông thuông nên rất khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ. Các lối vào xung quanh mặt sân Quảng trường không có dây, dụng cụ ngăn giới hạn nên khó ngăn ô tô, xe máy đi lên mặt sân. Do Quảng trường quá rộng nên việc vệ sinh chỉ đảm bảo được quanh khu vực nhà điều hành. Hy vọng, sau những chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, nhiều vấn đề sẽ được giải quyết.

 

Tuy nhiên, qua tìm hiểu của phóng viên, đáng lo ngại hơn cả đối với vấn đề bảo vệ, vận hành Quảng trường đó chính là ý thức của người dân, khá phổ biến hiện tượng người dân cố tình đi xe ôtô vào sân Quảng trường, thả rông gia súc và nhất là vứt rác bừa bãi. Cá biệt đã có trường hợp người dân đốt lửa làm chết cây. Dọc theo hệ thống đường đi bộ là 66 cột đèn nấm chiếu sáng được lắp đặt ngay trên mặt đất nên người dân cần hết sức lưu ý để tránh va chạm, gây đổ hỏng.

 

Quảng trường là công trình văn hóa đặc biệt lớn và ý nghĩa, là “bộ mặt” của tỉnh, do đó, để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình, tài sản, an ninh trật tự và nhất là kiến trúc cảnh quan, bên cạnh sự vào cuộc tích cực của chính quyền các cấp, các ngành thì điều quan trọng nhất là mỗi người dân cần nâng cao ý thức trong việc bảo vệ, giữ gìn, sử dụng. Để Quảng trường Hòa Bình thực sự là “trái tim văn hóa” của tỉnh, hãy bắt đầu từ những việc giản đơn nhất là đỗ xe và vứt rác đúng nơi quy định khi bước chân vào Quảng trường.

 

 

                                                                             Dương Liễu

 

 

 

Các tin khác


Tuyên truyền, giới thiệu những lần Bác Hồ về thăm tỉnh Hòa Bình cho học sinh

Ngày 15/5, nhân kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024), Bảo tàng tỉnh Hòa Bình tổ chức tuyên truyền, giới thiệu giá trị nội dung di tích lịch sử cách mạng Địa điểm Bác Hồ về thăm Tập đoàn sản xuất Chí Hòa và những lần Bác Hồ về thăm tỉnh Hòa Bình cho 100 học sinh Trường TH&THCS Bãi Lạng (Lương Sơn).

Ra mắt sách “Từ Việt Bắc về Hà Nộii” trong bộ tiểu thuyết “Nước non vạn dặm”

Tiểu thuyết "Từ Việt Bắc về Hà Nội” – tập 3 trong bộ tiểu thuyết 5 tập "Nước non vạn dặm” của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã ra mắt nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890- 19/5/2023). Sách do Nhà xuất bản Văn học phối hợp với Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Liên Việt ấn hành.

Huyện Lạc Thủy quan tâm bảo vệ di sản văn hóa

Huyện Lạc Thuỷ có nhiều lợi thế xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn như du lịch văn hoá, sinh thái, thắng cảnh, lễ hội… Văn hóa tâm linh là thế mạnh của du lịch huyện. Từ khi Luật Di sản văn hóa (DSVH) được ban hành, huyện luôn chấp hành tốt, nghiêm cấm các hành vi xâm hại tới DSVH, làm sai lệch DSVH; hủy hoại hoặc gây nguy cơ hủy hoại DSVH; đào bới trái phép địa điểm khảo cổ; xây dựng trái phép; lấn chiếm đất đai thuộc di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.

Ấn tượng Lễ hội đánh cá suối truyền thống xã Lỗ Sơn năm 2024

Lễ hội đánh cá suối truyền thống xã Lỗ Sơn được duy trì và tổ chức thường niên vào tháng 3 âm lịch. Đây là thời điểm giao thoa giữa mùa Xuân với mùa Hạ, việc tổ chức lễ hội vừa để nhân dân vui hội, vừa rèn luyện kỹ năng sinh tồn như câu ngạn ngữ "cơm cày, cá kiếm”. Đây là lễ hội dân gian gắn liền với nền nông nghiệp lúa nước, mang dấu ấn của nền văn minh Việt cổ, lễ hội là hoạt động văn hóa - tín ngưỡng không thể thiếu của người Mường Tló.

Người đẹp Đinh Thị Hoa đăng quang Hoa hậu Đại sứ Du lịch Việt Nam năm 2024

Tối 12/5, Đêm chung kết Hoa hậu Đại sứ Du lịch Việt Nam năm 2024 đã diễn ra tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Người đẹp Đinh Thị Hoa đã đăng quang ngôi vị Hoa hậu.

Luồng gió mới cho sản phẩm văn hóa bản địa

Thay vì tiêu thụ sản phẩm văn hóa ngoại lai, các trò chơi du nhập từ nước ngoài, thế hệ trẻ Việt Nam đã và đang nhanh chóng bắt nhịp tiến trình sáng tạo sản phẩm lấy cảm hứng từ văn hóa bản địa, tạo nên một cộng đồng giải trí mới, đầy tự hào và hứng khởi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục