Họa sĩ Trần Thị Thu bên tác phẩm của
mình.
Trong xưởng vẽ thuê ở chân cầu Long
Biên, Trần Thị Thu tất bật chuẩn bị tranh để đem đến triển lãm. Chị mặc một cái
áo choàng loang màu chàm rất lạ. Tôi hỏi chị, có phải áo vẽ bằng màu acrylic
như trend của các bạn trẻ hiện nay không? Chị cười: chị vẽ bằng màu nước trên
vải, rất mềm và rất bền! Thực ra, chị Thu vẽ trừu tượng lên vải từ năm 2011.
Ban đầu chỉ là những thử nghiệm màu, sau nó trở thành kế sinh nhai của chị.
Khăn và vải may áo của chị Thu khá đắt khách, nó là một yếu tố thêm vào giúp
chị kiên định hơn với con đường hội họa đơn độc của mình.
Hỏi chị có một lý do đặc biệt nào
không cho triển lãm cá nhân lần đầu ở tuổi gần 50, chị bảo: đây là thời điểm
chị cảm thấy hạnh phúc nhất, hạnh phúc hơn cả khi chị mới lập nghiệp, hơn cả
khi chị mới xây dựng gia đình. Chị tìm được con đường chị muốn đi và thích đi.
Chị được vẽ. Mặc dù vẽ không phải là một công việc nhẹ nhõm theo cả nghĩa đen
và nghĩa bóng. Nhưng chị đã quen với nó, đã thích nghi và dung nạp nó vào đời
sống của mình. Ngồi ăn cơm, nhìn đĩa rau muống chị cũng có thể ngẩn người tưởng
tượng ra khi xử lý nó lên toan thì sẽ như thế nào. Được lấm lem tay chân, loay
hoay thử nghiệm các chất liệu, được chơi màu chị luôn thấy vui, thấy đầy năng
lượng. Đến mức cứ nghỉ vẽ là chị ốm, và chán đời!
Lý do nữa, chị cảm thấy mình đã đủ
bình tĩnh để đón nhận những buồn vui sướng khổ, chung sống hòa bình với chúng,
coi chúng như những chất liệu để vẽ. Và rằng, những lần đi qua đều là đáng kể
đối với cá nhân chị!
Thuở nhỏ sống ở một thị trấn nhỏ trên
Sơn La, chị Thu đã thích vẽ. Lớn lên, chị thành giảng viên dạy nghệ thuật tại
Trường CĐ Sư phạm Sơn La. Môi trường miền núi không được cọ xát nhiều, chị kể,
lúc ấy cũng chẳng biết chuyên nghiệp là gì, cứ nghĩ mỗi năm mình vẽ được 10 cái
tranh đã là chuyên nghiệp rồi. Sau chị chuyển xuống Trường Cao đẳng Nghệ thuật
Tây Bắc làm giảng viên, rồi thi vào Đại học Mỹ thuật học cao học, đeo đẳng giấc
mơ làm họa sĩ chuyên nghiệp.
Trong những bức tranh trừu tượng của
chị Thu, màu rừng và không khí rừng rất đậm nét. Geoges Condominas có một tác
phẩm tên là "Chúng tôi ăn rừng”, chị bảo đúng lắm: "tôi cũng ăn rừng, ở rừng,
sống trong rừng. Thế nên rừng là cái vỉa mà tôi đào mãi không hết, càng đào
càng thấy bất ngờ”.
Cũng bởi sống gần rừng từ nhỏ, chị
vẫn giữ được bản ngã tự nhiên, đến mức đôi khi thấy mình "già không nổi”. Bạn
bè nhiều người bảo chị "dại”, chị chỉ cười: "còn may đôi khi vẫn bồng bột
được”!
Tổng kết lại một chặng đường của
mình, họa sĩ Trần Thị Thu cho biết: "đến giờ tôi mới hiểu vì sao mình lại chọn
ngôn ngữ trừu tượng biểu hiện. Bởi chỉ có nó mới thỏa mãn tôi trong hành trình
đi tìm những giá trị lẩn khuất bên trong của con người. Những giá trị ấy lẩn
khuất giữa những trải nghiệm, yêu thương, gắn bó, chia bôi, cả những hệ lụy thế
hệ v.v… mà trước hết tôi tìm thấy trong chính tôi”.
Triển lãm lần này, họa sĩ Trần Thị
Thu trưng bày 15 bức sơn dầu, trong đó có hai bức lớn nhất khổ 1m50x3m và một
bức màu nước trên vải dành cho sắp đặt.
Triển lãm mở cửa đến hết ngày 9/12.
Họa sĩ Trần Thị Thu sinh năm 1970.
Giải A khu vực 14 tỉnh phía Bắc Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 2014.
Giải Nhất toàn quốc về Hội họa tại Hà Nội năm 2014. Hiện mỗi tuần chị vẫn về
Hòa Bình dạy học một ngày. Thời gian chính chị sống và làm việc ở Hà Nội cùng
con gái.
TheoTienphong