(HBĐT) - Xóm Ải, xã Phong Phú (Tân Lạc) được biết đến là làng cổ vùng Mường Bi, 1 trong số 20 làng truyền thống của người dân tộc thiểu số tiêu biểu được Nhà nước đầu tư bảo tồn, tôn tạo. Tuy nhiên, cả thời gian dài, làng Mường cổ loay hoay chưa tạo được sức hút du lịch. Du khách đến bởi tò mò khám phá nhưng ít nghĩ sẽ ghé thăm lần nữa, cũng ít nghĩ đến việc sẽ lưu trú ở bản.


Những cổng nhà đậm kiến trúc làng Mường cổ, khuôn viên ngập tràn sắc hoa là điểm nhấn thu hút du khách đến với Mường ải, xã Phong Phú (Tân Lạc).

Khi nguồn cơn chính bởi… môi trường!

Khám phá làng Mường cổ xóm Ải khá thú vị bởi hiếm có nơi nào như nơi này còn giữ gần như 100% nếp nhà sàn kiến trúc kiểu truyền thống. Đường vào xóm đi qua cây cầu bắc ngang suối ải làn nước trong xanh, thiên nhiên tĩnh tại, yên bình. 100% hộ dân ở đây là đồng bào dân tộc Mường với truyền thống văn hóa lâu đời, nhiều nét bản sắc trong lời ăn, tiếng nói, nếp sinh hoạt vẫn được gìn giữ. Du khách cũng được trải nghiệm những nét độc đáo về tập quán sinh hoạt, văn hóa đặc trưng của người Mường với nghề trồng lúa nước, trồng bông, dệt vải, săn bắt… Nhiều gia đình người Mường còn lưu giữ được báu vật cồng, chiêng, những làn điệu dân ca thường rang, bọ mẹng.

Tuy nhiên, bên cạnh ấn tượng ban đầu tốt đẹp về làng Mường cổ, du khách còn có nhiều băn khoăn, nghi ngại khi đến thăm quan, du lịch tại xóm Ải. Như lời của anh Athanael đến từ thành phố Marseille (Pháp): ngoài bảo tồn, lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống, du khách có những yêu cầu nhất định về tạo cảnh quan môi trường, các yếu tố phụ trợ. Làng Mường Ải trước đây khi tôi đến vẫn còn thiếu các yếu tố quan trọng đó. Cụ thể là vấn đề vệ sinh môi trường nông thôn rất đáng lưu tâm. Ngoài 2 homestay đạt tiêu chuẩn, du khách khó tìm được nơi ăn, chốn nghỉ đáp ứng đủ các điều kiện lưu trú. Điều này cũng lý giải nguyên nhân tại sao làng Mường Ải trước đây hãn hữu lắm mới có khách dừng chân nghỉ lại. Đa phần du khách thấy bất tiện và không hài lòng điều kiện ăn nghỉ ở đây thiếu thốn, nhất là nghỉ ở nhà dân.

"Bứt phá” cảnh quan làng du lịch

Để tạo được sự "bứt phá” này, qua trao đổi với lãnh đạo Đảng ủy xã Phong Phú thì không phải trong một sớm, một chiều mà là cả quá trình từ tuyên truyền, vận động đến chuyển biến nhận thức, chung sức hành động của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể và nhân dân. Kể từ năm 2011 đến nay cùng với việc bắt tay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, làng Mường ải đã tập trung thúc đẩy và hoàn thiện tiêu chí môi trường nông thôn. Đường làng, ngõ xóm được chỉnh trang, hầu hết đã bê tông hóa. Tình trạng vứt rác thải bừa bãi có sự cải thiện. Hầu hết các hộ đã di dời chuồng trại gia súc xa nơi ở. Một số hộ chú ý đến đầu tư, cải tạo công trình nhà tiêu hợp vệ sinh. Nhờ đó góp phần đưa xã Phong Phú trở thành xã về đích NTM đầu tiên của huyện vào năm 2015.

Tuy nhiên phải đến những tháng cuối năm 2017, đầu năm 2018, môi trường nông thôn của làng Mường Ải mới tiến đến sự bứt phá. Quyết tâm tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp được xác định là điểm nhấn để du lịch làng Mường cổ thăng hoa. Trước tiên, cũng với quyết tâm cao, 20 hộ dân xóm Ải đã khởi động mô hình "gia đình kiểu mẫu”, "gia đình 5 không - 3 sạch” gắn với xây dựng NTM. Đồng thời, tổ chức thực hiện việc quy hoạch nhà cửa đảm bảo hợp vệ sinh, cảnh quan môi trường, phát động "ngày thứ bảy xanh - sạch - đẹp” và ký cam kết thực hiện "Gia đình kiểu mẫu”, "Xóm kiểu mẫu”.

Sau thời gian ngắn, từ tháng 10/2017 - 3/2018 với sự huy động vào cuộc của cộng đồng, môi trường, cảnh quan ở làng Mường Ải đã có bước chuyển tích cực. Các hộ dọn dẹp nhà ở ngăn nắp, sạch sẽ. Nhà nào cũng có cổng, hàng rào, đặc biệt tất cả các cổng nhà đều được làm từ tranh, tre, nứa, lá sẵn có theo hướng phục dựng nguyên mẫu cổng nhà của người Mường từ thời xa xưa. ấn tượng nữa là dọc tuyến đường chính vào xóm đến mỗi cổng nhà chỉ sau ít tháng nỗ lực chăm chút đã trải kín thảm hoa. Theo chị Đinh Thị Đưn, chi hội trưởng phụ nữ xóm ải thì đây là ý tưởng của chị em để đường làng, ngõ xóm đẹp hơn, mang sắc màu rực rỡ, tươi mới.

Hoạt động vệ sinh môi trường được xóm duy trì thường xuyên mỗi tuần vào ngày thứ bảy. Các gia đình không chỉ dọn dẹp lại ngôi nhà mình mà đã hình thành ý thức, thói quen đều đặn tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm phong quang, sạch đẹp. Đến nay, cả xóm đã trồng và chăm sóc trên 5 km hàng rào hoa, chưa kể các bồn hoa trồng tại nhà và khuôn viên nhà văn hóa xóm. Những quyết tâm thay đổi hành vi và hành động đã giúp Mường Ải chỉ sau thời gian ngắn đã có được cảnh quan môi trường duyên dáng, đẹp đẽ hơn, đáp ứng được tiêu chuẩn du lịch cộng đồng.

Chị Chu Thị Mai Lan, du khách đến từ Thủ đô Hà Nội ghi nhận: Tôi ấn tượng với những gì đã trải nghiệm ở làng Mường Ải vào dịp đến thăm mới đây. Càng bị hấp dẫn hơn bởi cảnh quan xinh đẹp do các gia đình chung sức tạo ra. Cảm giác thong dong tản bộ quanh ngôi làng, nhà nhà đều có cổng tre, khuôn viên hoa, cây cảnh, đi trên con đường trải dài cỏ hoa giăng ngập lối thấy vô cùng thích thú, dễ chịu.

                                                                                  Bùi Minh

* Cảnh quan môi trường bứt phá đã đem lại cho làng Mường Ải diện mạo tươi mới, tạo sức hút du lịch cộng đồng. Tính từ tháng 11/2017 đã có khoảng 40 đoàn khách đến đây, lượng khách có đoàn lên tới 60 - 70 người. Khách ở lại qua đêm tại homestay và nhà dân có hôm lên tới 40 - 50 người. Già làng Bùi Văn Khẩn tâm đắc: Đây là điều chưa từng diễn ra kể từ khi người Mường ải biết làm du lịch cộng đồng. Thế mới thấy chỉ bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống cốt lõi là chưa đủ mà còn cần gắn với việc đảm bảo các yếu tố cảnh quan môi trường nông thôn để thu hút du khách tìm đến. Có như vậy mới khai thác được tiềm năng du lịch cộng đồng xóm ải theo hướng hiệu quả, bền vững.


Các tin khác


Nơi lưu giữ giá trị văn hóa dân tộc Mường

(HBĐT) - Trong khuôn viên có diện tích hơn 4000m2, Bảo tàng di sản văn hóa Mường (Số 28, tổ 6, phường Thái Bình, thành phố Hòa Bình) hiện đang trưng bày 3.000 hiện vật gồm đồ đá, đồ đồng, đồ gốm sứ, đồ đan lát làng nghề, đồ văn hóa tâm linh và các sản phẩm văn hóa truyền thống. Không gian và các sản phẩm trưng bày như đã tạo nên bức tranh một làng Mường thu nhỏ. Nhưng ấn tượng với chúng tôi hơn cả đó là khi biết rằng đây là một bảo tàng tư nhân.

Bảo tàng tỉnh - nơi tôn vinh di sản văn hóa các dân tộc tỉnh Hòa Bình

(HBĐT) - Vừa qua, Bảo tàng tỉnh Hòa Bình vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba. Đây là sự vinh danh xứng đáng dành cho những thành tích nổi bật mà Bảo tàng đã đạt được trong giai đoạn 2012 - 2016. Với nỗ lực khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ, đội ngũ cán bộ, viên chức nơi đây đang tiếp tục có những cống hiện thầm lặng và đầy ý nghĩa, góp phần củng cố vai trò quan trọng của Bảo tàng tỉnh - nơi tôn vinh một cách trọn vẹn nhất những di sản văn hóa các dân tộc tỉnh Hòa Bình.

Đảm bảo an ninh trật tự mùa lễ hội

(HBĐT) - Năm 2018, trên địa bàn tỉnh có 54 lễ hội, hoạt động văn hóa, thể thao được đăng ký tổ chức, trong đó 3 lễ hội cấp huyện và 44 lễ hội cấp xã, thôn, bản. Đến nay có 47 lễ hội đã được tổ chức. Các lễ hội diễn ra chủ yếu vào mùa xuân và thường tổ chức từ 1 - 3 ngày. Các lễ hội cấp huyện, xã như Mường Thàng (Cao Phong), Khai hạ Mường Bi (Tân Lạc), đình Khênh (Lạc Sơn), Mường Động (Kim Bôi)… thu hút hàng vạn người dân, du khách. Lễ hội cấp xóm như lễ hội Xuống đồng xã Xuân Phong (Cao Phong) cũng có hàng nghìn người tham dự. Riêng 2 lễ hội tâm linh diễn ra dài ngày, thường kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh là lễ hội chùa Tiên (Lạc Thủy) và đền Bờ (Cao Phong, Đà Bắc). Vào các ngày thứ bảy, chủ nhật, lượng khách dồn về đông, nhiều thời điểm còn quá tải như tại đền Bờ (Cao Phong, Đà Bắc). Điều đó đặt ra những vấn đề về an ninh trật tự tại các điểm lễ hội.

Những người giữ lửa cho nhạc cụ dân tộc xứ Mường

(HBĐT) - Cùng với xu thế hội nhập quốc tế của Việt Nam, ngày càng xuất hiện thêm nhiều loại hình giải trí độc đáo và mới mẻ, âm nhạc dân tộc đang ngày một phai nhạt trong xã hội hiện đại. Thế nhưng thành viên câu lạc bộ nhạc cụ dân tộc xóm Đoàn Kết 2 – xã Phúc Tiến – huyện Kỳ Sơn vẫn ngày đêm dành hết tình yêu, nhiệt huyết ra sức giữ gìn để âm nhạc dân tộc không bị mai một.

Khảo sát liên kết xây dựng tour du lịch Hà Nội – Hòa Bình

(HBĐT) - Thực hiện chương trình hợp tác phát triển du lịch, ngày 30/3, Sở VH,TT&DL tỉnh Hòa Bình và Sở Du lịch Hà Nội phối hợp cùng Công ty TNHH Sunsmile Travel Việt Nam tổ chức đoàn khảo sát để liên kết xây dựng tour du lịch Hà Nội – Hòa Bình. Tham gia đoàn khảo sát có ngài Konstantin Vnukov, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền - Đại sứ quán Nga cùng phu nhân và một số cán bộ làm việc tại Đại sứ quán Nga; đại diện Sở Du lịch Hà Nội.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục