Đồng chí Bùi Thị Thủy, Trưởng phòng VH-TT huyện cho biết: Thời gian qua, huyện Lạc Sơn luôn quan tâm bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc Mường. Huyện chú trọng bảo tồn, phát triển văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc như giữ gìn phong tục, tập quán, tín ngưỡng. Huyện tổ chức rà soát, quản lý chiêng Mường tại các, gia đình; lưu giữ tiếng nói, trang phục, ẩm thực… của người Mường. Các lễ hội truyền thống được phục dựng và bảo tồn như lễ rước Bụt hang Khụ Dúng (xã Nhân Nghĩa); lễ đu Vôi (xã Liên Vũ); lễ hội mái đá làng Vành (xã Yên Phú)… Bên cạnh đó, huyện quan tâm trùng tu các di tích lịch sử cách mạng.
Người dân huyện Lạc Sơn giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Mường qua lời ca, tiếng hát. (ảnh: Đội văn nghệ xóm Mu, xã Tự Do thường xuyên luyện tập phục vu các ngày lễ, tết).
Lạc Sơn là một trong những huyện còn lưu giữ được nhiều nhà sàn nhất của tỉnh. UBND huyện vận động nhân dân bảo tồn nhà sàn truyền thống và xây dựng nhà sàn bằng bê tông để bảo vệ tài nguyên rừng. Hiện nay, toàn huyện có 18.640 nhà sàn, trong đó, nhà sàn bằng khung gỗ, tre, nứa có 13.972 nhà và nhà sàn bằng khung bê tông, sàn bằng gỗ, tre, nứa 1.892 nhà; nhà sàn bê tông hoàn toàn 2.776 nhà.
Ngoài ra, huyện chú trọng tới việc bảo tồn giá trị đặc sắc của những áng Mo Mường. UBND huyện phối hợp với Sở VH-TT&DL nghiên cứu, đề xuất lập hồ sơ khoa học các bộ khót của các nghệ nhân mo Mường. Huyện có 50 nghệ nhân mo Mường, trong đó có 2 nghệ nhân nghiên cứu mo Mường là ông Bùi Văn Minh (xã Văn Sơn) và ông Bùi Huy Vọng (xã Hương Nhượng). UBND huyện xây dựng cơ chế, chính sách nhằm bảo tồn những giá trị của di sản mo Mường. Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá di sản văn hóa mo Mường.
Vào các ngày lễ, Tết, ngày mùa, tiếng chiêng vang vọng từng thôn, xóm. Huyện lưu giữ được hơn 3.000 chiêng các loại. Người già truyền dạy cho người trẻ, thế hệ sau học thế hệ trước, cứ thế tiếng chiêng được vang vọng khắp núi rừng. Nhiều xã như Nhân Nghĩa, ân Nghĩa, Tân Lập, 100% xóm có đội cồng chiêng. Các nghệ nhân chuyên và không chuyên có mặt ở khắp mọi nơi từ lễ hội làng cho tới lễ hội lớn của huyện, của tỉnh. Các nghệ nhân đã góp phần quan trọng nâng cao nhận thức về giá trị di sản văn hóa truyền thống trong cộng đồng và tạo nên bản sắc riêng đối với mảnh đất, con người Lạc Sơn. Người dân các xã, thị trấn còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc, độc đáo của dân tộc trong âm nhạc qua câu hát ví, hát thường…
Huyện Lạc Sơn nỗ lực đưa việc truyền dạy chiêng Mường, hát dân ca và mặc trang phục truyền thống vào các chương trình giáo dục của các trường học trên địa bàn. Huyện tổ chức nhiều hội thi trình tấu chiêng Mường, hát dân ca và trình diễn trang phục dân tộc Mường, thu hút đông đảo thí sinh tham dự. Qua các hội thi đã thể hiện sự cố gắng, nỗ lực trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của chính quyền và người dân. Nghề dệt trang phục được người dân bảo tồn với nhiều hộ tự dệt vải may trang phục. Bên cạnh đó, huyện có làng nghề dệt thổ cẩm tại xóm Lục, xã Yên Nghiệp. Với những nét hoa văn truyền thống, bằng nguyên liệu tự nhiên, các mế, các mẹ đã khéo léo dệt ra những tấm vải mềm mại để may trang phục, làm quà biếu và làm của hồi môn khi con cái xây dựng gia đình. Hoa văn tinh tế, chất liệu thân thiện với môi trường đã khẳng định giá trị của sản phẩm dệt thổ cẩm trên thị trường. Làng nghề dệt thổ cẩm xóm Lục tạo việc làm cho nhiều gia đình, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Thu Thủy
Chiều 9/10, chuỗi hoạt động văn hóa chào mừng ngày Giải phóng Thủ đô 10/10 đã khai mạc tại phố cổ Hà Nội.