Triển lãm diễn ra từ ngày 24/10-10/11 tại Hà Nội. (Ảnh minh họa:
BTC)
Ứng dụng sáng tạo
Chương trình giới thiệu tới công chúng những hình ảnh, tư liệu về quá trình
hình thành, phát triển cùng những đặc điểm nổi bật của sáu dòng tranh dân gian
Việt Nam: tranh Kim Hoàng, tranh Hàng Trống, tranh Đông Hồ, tranh kính, tranh
gói vải và tranh làng Sình.
Bên cạnh đó, triển lãm cũng sẽ trưng bày các sản phẩm ứng dụng (sản phẩm thời
trang, đồ gia dụng…) có sử dụng các họa tiết trang trí của dòng tranh dân gian
Kim Hoàng.
Những sản phẩm trưng bày lần này được chọn lọc từ số tác phẩm tham dự cuộc thi
"Ý tưởng sáng tạo từ tranh dân gian Kim Hoàng.” Sau hơn ba tháng phát động (từ
tháng 6/2018), ban tổ chức đã nhận được hơn 300 bài dự thi của các bạn nhỏ trên
địa bàn Hà Nội; trong đó, có khoảng 200 tác phẩm là tranh vẽ, 30 mẫu thiết kế
thời trang và 45 mẫu thiết kế các sản phẩm khác (bưu thiếp, túi xách, khăn…).
Theo họa sỹ Trang Thanh Hiền (Đại học Mỹ thuật Việt Nam), kết quả của cuộc thi
cho thấy, sau một thời gian được phục dựng, dòng tranh dân gian Kim Hoàng đã được
biết đến nhiều hơn và có chỗ đứng trong đời sống đương đại. Các bạn nhỏ không
sao chép hình ảnh một cách thụ động mà có những biến hóa linh hoạt theo cảm nhận
riêng. Các bài thi thể hiện sự vận dụng sáng tạo những chi tiết đắt giá của
tranh dân gian Kim Hoàng trong việc thiết kế các mẫu trang phục, đồ dùng...
Tìm hiểu các dòng tranh dân gian
Đại diện ban tổ chức cho hay, triển lãm "Tranh dân gian Việt Nam và ứng dụng”
được tổ chức nhằm giới thiệu tới công chúng những giá trị độc đáo của tranh dân
gian Việt Nam cũng như những nỗ lực của các nghệ nhân, họa sỹ trong hành trình
hồi sinh, gìn giữ dòng tranh này.
Với ngôn ngữ đặc thù, dòng tranh này đã trở thành tư liệu quan trọng, cụ thể
hóa những ý niệm về vũ trụ, nhân sinh quan và cái đẹp của nhiều thế hệ ở những
địa bàn khác nhau. Các lớp ngữ nghĩa của tranh dân gian rất đa dạng.
Tranh dân gian Kim Hoàng (Hoài Đức,Hà Nội) hình thành vào nửa sau
thế kỷ 18. Lối chữ thảo trên góc trái tạo nên điểm khác biệt cho dòng tranh
này. Sự kết hợp của thơ và hình vẽ tạo nên một chỉnh thể hài hoà, chặt chẽ cho
tranh.
Tranh Kim Hoàng thường in trên nền giấy đỏ, giấy hồng điều hoặc giấy vàng tàu
nên còn được gọi là tranh Đỏ. Ở tranh Kim Hoàng, các nghệ nhân chỉ sử dụng một
bản khắc để in nét đen lên giấy rồi dựa vào đó mà tự do chấm phá màu sắc theo cảm
xúc riêng của mỗi người. Vì thế, mỗi bức tranh có một diện mạo riêng, dù cùng
được in ra từ một bản khắc.
Khôi phục dòng tranh dân gian Kim Hoàng, Hà Nội. (Nguồn: VNews)
Dòng tranh Hàng Trống phát triển ở các phố Hàng Trống, Hàng Nón (Hà
Nội) với hai loại phổ biến là tranh thờ và tranh Tết. Đặc điểm nổi bật của dòng
tranh này nét mảnh, tinh, yểu điệu. Do sử dụng được màu phẩm nên hòa sắc của
tranh Hàng Trống rất phong phú, gợi được khối của không gian. Màu thường là
lam-hồng, ngoài ra còn có thêm lục-đỏ, da cam-vàng. Tranh chỉ tạo khối ở nhân vật,
không có khái niệm về không gian xa-gần.
Tranh dân gian Đông Hồ ra đời từ khoảng thế kỷ 16-17 và phát triển
mạnh cho đến nửa đầu thế kỷ 20. Đây là dòng tranh gắn bó và thể hiện sinh động
đời sống xã hội nông nghiệp Việt Nam cổ truyền với các phong tục, tập quán sinh
hoạt.
Phần lớn bảng màu của tranh sử dụng chất liệu trong tự nhiên như trắng của sò
điệp, đen của than lá tre già, đỏ của gỗ vang, xanh của lá chàm, vàng của hoa
hòe,… Những màu nguyên ấy đều được in mảng bẹt cạnh nhau không cần màu trung
gian.
Tranh làng Sình là dòng tranh mộc bản được sử dụng phổ biến ở cố đô
Huế với mục đích cúng lễ. Người dân thờ tranh với ước vọng người yên, vật thịnh.
Sau khi cúng lễ, tranh thường được mang hóa.
Bên cạnh các đề tài tín ngưỡng, phục vụ thờ cúng, tranh làng Sình còn có tranh
tố nữ, tranh tả cảnh sinh hoạt xã hội. Tranh có nhiều cỡ khác nhau, ứng với nó
là kiểu in vẽ cũng khác nhau. Giấy in tranh là giấy mộc quét điệp. Màu sắc trước
đây được tạo từ các sản phẩm tự nhiên (thực vật, kim loại hay sò điệp). Điểm nổi
bật ở tranh làng Sình là đường nét và bố cục còn mang tính thô sơ chất phác.
Tranh gói vải là dòng tranh dân gian tạo hình nổi trên lụa, thịnh
hành ở Nam Bộ trong giai đoạn nửa cuối thế kỷ 20. Một bức tranh hình nổi trên lụa
được bắt dầu từ khâu phác thảo vẽ nét. Nền tranh được người thợ vẽ bằng màu bột.
Các chủ thể chính của tranh (như người, con vật hoặc cây cối…) được dùng bông tạo
hình; sau đó dùng vải, gấm hoặc lụa phủ lên rồi tạo nếp sao cho thật nhất. Sau
cùng, keo sẽ được gắn lên mặt tranh đã được vẽ nền.
Tranh kính phổ biến ở Huế và Nam Bộ; trong đó, tranh kính Huế là
dòng tranh mang đặc trưng mỹ thuật cung đình Huế bởi xuất xứ, cách thể hiện
cùng chất liệu độc đáo. Tranh được đóng trong những khung gỗ chạm thếp vàng.
Các nghệ nhân dùng chất liệu là bột màu pha keo hoặc sơn để vẽ hoặc khảm xà cừ
vào mặt sau của kính.
Tranh kính Huế gồm ba loại chính: tranh cao cấp (thể hiện các cảnh đẹp của Huế
và vịnh các mùa trong năm đi kèm với thơ ngự chế, thường sử dụng bảng màu lạnh),
tranh không có thơ ngự chế nhưng có đề rõ chủ đề (minh họa cho các điển tích
trong lịch sử, thường được vẽ bằng màu đỏ ấm) và tranh tĩnh vật.
Tranh kính Nam Bộ có thể được vẽ thuần bằng sơn màu đa sắc (thêm ngân nhũ và
kim nhũ) hoặc kết hợp với kỹ thuật tráng thủy. Dòng tranh này có nhiều loại:
tranh thờ tổ tiên, tranh Thần, tranh Phật, tranh chúc tụng, tranh cảnh vật..../.
TheoVietnamplus
Sáng 17-10, tại Đường sách TP Hồ Chí Minh (đường Nguyễn Văn Bình, quận 1), Nhà xuất bản Tổng hợp TP Hồ Chí Minh phối hợp Công ty Lịch Xuân Phương Nam giới thiệu bộ lịch Xuân "Trường Sa trong trái tim tôi”.